Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

KHOẢNG CÁCH GIỮA QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI

 Truyện ngắn

Vào cuối tháng năm Na và Dung được cử về huyện Lạng Giang tỉnh Hà Bắc một tuần, gọi là đi thực tế và bổ sung số liệu cho đề tài nghiên cứu "Cải tiến bữa ăn của người nông dân". Như hai con chim sổ lồng, họ ríu rít đi lấy vé tàu ngược. Chỉ hơn một tiếng sau, hai cô đã xuống ga Vôi.

Với cả Na và Dung, Lạng Giang đã là một vùng trung du đất đỏ. Dung từng học ở Nga, Na đã cùng chồng thăm Vũng Tàu, Đà Lạt nhưng chưa bao giờ họ có dịp một mình đi quá Hà Nội gần trăm cây số như lần này. Họ thủng thỉnh dưới trời nắng, vượt qua những vạt đồi thoai thoải rợp bóng bạch đàn. Chim sâu và sẻ đồng líu lo trong các bụi tre. Nắng loang loáng trên mặt nước mương trong xanh, gió nhẹ lăn tăn sóng. Đã lâu lắm mới đi bộ giữa đồng quê, hai cô thả sức chuyện trò, chẳng mấy đã đến nhà ông chủ tịch xã.
- Chúng tôi xếp các chị nghỉ ở nhà anh Thuận, rộng rãi, thoải mái. Anh Thuận là thương binh nhưng khoẻ, có thể giúp các chị nhiều việc. Các chị còn phải đi qua một quả đồi nữa, tôi đã bảo anh Thuận chờ hai chị ngày hôm nay.
Một vài người gặp trên quãng dường còn lại đều mỉm cười với hai cô, có người như đã biết trước hai cô sẽ đến đâu, chỉ cho ngôi nhà lưng chừng đồi. Quả nhiên Thuận đã đứng đợi hai cô ở ngõ. Nhìn từ xa, anh không có vẻ gì là một thương binh trong bộ đồ mùa hè. Chỉ khi đến gần, Na và Dung mới nhận ra khuôn mặt đầy sẹo, dăn dúm, những vết sẹo hoặc thâm xỉn hoặc đỏ óng lên dưới ánh nắng. Hai cô ngại ngùng, không dám nhìn thẳng vào mặt Thuận. Anh hỏi trước, giọng khàn khàn:
- Ông Chủ tịch xã đã nói với tôi hai chị sẽ là khách của tôi trong một tuần, có đúng thế không?
Dung quả quyết bước lại gần, bắt tay Thuận:
- Chị em chúng tôi sẽ làm phiền anh đấy, anh Thuận ạ!
Thuận đáp lại cái bắt tay của Dung một cách thân mật và khẽ hỏi:
- Kia có phải chị Na không!
- Vâng, sao anh biết?
- Ông chủ tịch đã giới thiệu với tôi, song tôi sơ ý, quên mất tên chị.
- Tôi tên là Dung.
- Mời hai chị vào nghỉ, đường xa, trời nắng, chắc đã mệt lắm rồi.
Na nhanh nhảu:
- Ô không, ngược lại chúng tôi thấy khoẻ ra là khác. Nhà anh đẹp quá anh Thuận ạ.
Vừa nói, Na vừa lau mồ hôi, mớ tóc mai dính bết vào đôi má đỏ hồng vì nắng. Sau khi chỉ dẫn hai cô thật cặn kẽ, Thuận xin về để hai cô nghỉ. Dung ngạc nhiên hỏi:
- Tôi tưởng anh cùng ở đây?
- Những lúc có khách của xã, tôi thường ở nhà ngang cho tiện.
Anh chỉ hai cô một ngôi nhà nhỏ quét vôi trắng lọt trong rừng bạch đàn phía sau ngôi nhà chính. Khi chỉ còn hai người, Dung hỏi Na:
- Mày thấy thế nào hở Na?
- Tuyệt vời quá, đây cứ như nhà nghỉ an dưỡng.
- Là tao hỏi mày về anh Thuận.
- Tốt quá, anh ấy nhường cả nhà cho tụi mình còn gì. Chỉ có những người nông dân chất phác mới thế nhé, người Hà Nội mày bây giờ á, còn lâu!
- Trước lúc anh ấy đi, hình như tao thấy anh ấy mỉm cười.
- Làm sao tao biết được ông ấy cười hay không, mồm ông ấy bị méo xệch về một phía. Tội thật đấy.
- Chắc bị bom na pan.
- Chiến tranh mà, biết làm sao được. Thôi, nấu mì ăn liền đi tao đói rồi.
Dung và Na kéo nước giếng lên rửa, nước trong vắt và mát lạnh như ướp đá. Các cô đánh một giấc ngủ trưa thật ngon lành. Lúc dậy, nắng đã chếch bóng và đằng sau đồi vẳng tiếng chim gáy gù nhịp đều như một thứ âm thanh cốt để làm nổi bật cái yên tĩnh một trưa hè đồng quê. Họ hồ hởi bàn chương trình để sáng hôm sau bắt ngay vào công việc thì thấy Thuận xuất hiện ngoài sân, tay cầm một bó hoa tím.
- Các chị để tôi cắm bó hoa này vào nhà cho vui.
Dung reo lên:
- Hoa đẹp quá. Hoa bìm bìm à anh Thuận.
Na chen ngay vào:
- Không, không phải hoa bìm bìm, là hoa… tự nhiên quên béng mất tên, nhưng tao biết hoa này rồi.
- Thì cứ gọi hoa violet.
- Ngày bé tao vẫn chơi hoa này mà, nó còn có quả nổ được cơ, hoa gì anh Thuận nhỉ?
Thuận vẫn kín đáo đứng nhìn hai cô cắm hoa, nay mới lên tiếng.
- Chị Na nói đúng đấy, cây này gọi là cây tanh tách.
Na cầm một bông hoa tím quét ngang má:
- Đúng, hoa tanh tách ! Ngày bé tôi chúa hay thích hoa này.
- Hoa tươi lâu, giữ được vài ba ngày. Tối nay, khi nào các chị xong việc, tôi mời các chị ra sườn đồi ăn ngô non luộc tiện thể ngắm trăng.
- Thế thì tuyệt quá, mấy giờ hở anh Thuận?
- Cũng phải đợi trăng lên. Tôi sẽ bảo đứa cháu đến gọi. Thôi tôi đi để các chị làm việc.
Thuận đi ngược phía mặt trời, bóng anh lầm lũi theo sau.
Dung liếc sang Na, định trách bạn một câu gì đấy, thấy Na đang tỉa tót lọ hoa, khuôn mặt sáng ngời, toát lên một vẻ đẹp vô tư và thanh bình. Dùng thầm nghĩ đã hai con mà trông Na vẫn còn trẻ đẹp.
Dung và Na đợi sốt ruột mới có một đứa bé đến mời hai cô, dẫn họ ngược lên sườn đồi phía sau nhà. Thuận cùng với một số bạn anh đã đợi ở đấy.
- Hay quá, hai chị đã lên. ở đây chúng tôi không có vô tuyến, không có rạp chiếu phim, không có tiệm cà phê, thường chỉ rủ nhau ra đồi ngồi mát và tán gẫu. Hôm nay có hai chị từ  Hà Nội lên, chắc sẽ vui lắm.
Họ giới thiệu nhau. Trăng cũng vừa lên ngang tầm mắt nhìn. Thung lũng dưới chân đồi chìm ngập vào một thứ ánh sáng trắng. Lá bạch đàn vi vút trong gió, gió hất ngược tóc Dung ra phía sau. Dung thốt lên:
- Trăng đẹp quá, anh Thuận ạ.
- Tại các chị ở thành phố đấy, ở đây những đêm không trăng chúng tôi thường nhìn về Hà Nội, đều xao xuyến khi thấy vùng trời phía ấy sáng hồng ánh điện.
Một người bạn Thuận hỏi:
- Các chị nghiên cứu về cái gì mà phải lặn lội về tận đây?
Na sốt sắng trả lời:
- Đề tài của chúng tôi góp phần làm cho bữa ăn của người nông dân trở nên cân đối. Bữa ăn của người Việt mình nhiều gạo quá.
Một người bạn khác của Thuận hỏi:
- Các chị định cân đối như thế nào?
- Chúng tôi cần lấy thêm nhiều số liệu, song hướng cân đối là tăng chất đạm và giảm chất bột.
Hai người bạn Thuận phá lên cười:
- Chắc các chị còn chưa biết rằng ở ngay tại làng này, xã này, huyện này, một số lớn dân còn chưa lo nổi một ngày hai bữa chất bột nói gì đến tăng lượng đạm. Không dám kể đến thịt lợn, thịt gà là những thứ chỉ có trong những ngày giỗ tết, chó, mèo, lươn, ếch, ba ba… nay đều đã bị bắt sạch lên biên giới. Ruộng mương như thế mà một con tép, con ốc cũng không còn.
Na lúng túng, mắt cô tràn ngập ánh trăng. Thuận đỡ:
- Có thế mới đi thực tế chứ, Na nhỉ!
Giọng Thuận khê đặc nhưng câu "Na nhỉ!" dịu hẳn đi. Na ngồi trong bóng tối cây bạch đàn, vì thế, lần đầu trong ngày cô dám nhìn thẳng vào mặt người thương binh. Ánh trăng không làm khuôn mặt ấy dịu đi mà ngược lại nó bệch ra như được đắp bằng bột, bằng sáp, nó đang chuẩn bị chảy ra, tơi ra, vón thành từng cọc nhỏ. Na hoảng sợ, nhắm nghiền mắt lại bối rối như có người bắt gặp cô vừa làm điều vụng trộm. Bỗng Na nghe tiếng Dung "Mình ngồi trên đồi cứ như với lên trăng được". Na mở mắt, trăng đỗ ngay đỉnh cây bạch đàn. Câu nói của Dung làm Na mang máng nhớ tới một câu chuyện nào đó cũng có đồi núi và trăng sao. Na đang cố nhớ lại thì giật mình nghe giọng khàn khàn của Thuận:
- Chị Dung nói giống như chuyện "Những vì sao" của Anphôngxơ Đôđê.
Thế là Na bật nhớ và nói tiếp:
- Hay còn gọi là chuyện "Chàng chăn cừu xứ Prôvăngxơ" nữa, có đúng không?
- Na đã đọc rồi?
- Từ bé, bây giờ quên hết rồi. hồi bé tôi còn thuộc cả một đoạn trong chuyện ấy.
Dung nói:
- Ghê nhỉ, mày thì lúc nào cũng hồi bé hồi bé!
Giữa lúc ấy, đứa bé gái bê một rổ đầy ngô non luộc còn nóng hổi. Mọi người vừa ăn ngô, vừa hỏi Dung về chuyện Liên Xô cũ. Họ chuyện trò vui vẻ đấn khuya, khi ánh trăng đã ướt đầm sương đêm và chuyển thành một thứ sương mù dưới chân đồi. Đêm ấy Na không ngủ được. Khi Dung thức giấc, cô hỏi Na "Mày mới xa chồng một đêm mà đã trằn trọc thế à?".
Na đáp ráo hoảnh "Lạ nhà".
Một tuần làm việc qua đi thật nhanh. Trong tuần ấy, hai cô ít gặp Thuận. Anh chỉ xuất hiện đúng những lúc hai cô có điều gì cần giúp đỡ. Một lần giữa tuần, khi đi làm về, hai cô thấy anh đã thay những bông hoa tanh tách cũ bằng những bông mới. Màu hoa tím làm Na nhức nhối một mùa hè nào đã rất xa. Na nói với Dung, không bực tức, cũng không hẳn dịu dàng:
- Cái anh chàng thương binh này khéo si mày rồi đấy, Dung ạ!
- Bậy, thuận là người tốt.
- Mày có dám hôn ông ấy không?
Dung trố mắt nhìn Na, song cô nhận ra ngay rằng Na không có một chút ác ý gì trong câu hỏi đó cả.
- Sao mày lại hỏi thế?
- Tao vừa mới rùng mình khi nghĩ phải chạm tay vào mặt ông ấy.
- Mày thật quá thể!
Ngày thứ bảy, Thuận tìm hai cô từ sớm. Anh nói:
- Mai các chị về, chiều nay tôi và các bạn tôi muốn liên hoan chia tay, các chị có nghỉ sớm không?
Na nói:
- Ý kiến hay quá. Chúng tôi cũng muốn cám ơn các anh mà chả biết làm gì. Chúng tôi nghỉ hẳn buổi chiều cũng được.
- Chẳng có gì đãi các chị, chúng tôi định làm món bún riêu cua, chẻ rau sống thôi.
- Tuyệt quá, vậy mình bắt đầu sớm nhé !
Buổi chiều, họ xúm xít chuẩn bị, Dung và Na được Thuận phân công chẻ rau. Anh vào làng mua bún, còn hai người bạn khác đạp xe ra chợ Vôi mua cua. Mới hơn 3 giờ, Thuận đã bê về một rổ bún trắng tinh. Họ cùng ngồi đợi người đi mua cua, chuyện rôm rả. Đợi mãi, hai người bạn Thuận mới về, mồ hôi nhễ nhại, nhăn nhó nói:
- Đi giăng cùng mà chả có con cua nào cả, đành chịu về không.
Cả nhà bò ra cười. Một người hỏi bây giờ làm thế nào. Im lặng, ngơ ngác nhìn nhau. Na lại nghe tiếng Thuận ngay phía sau cô:
- Thì mình pha nước mắm tỏi ớt, có sao đâu!
Vài tiếng vỗ tay hoan hô. Na quay lại nhìn Thuận, thấy những vết sẹo trên mặt anh giật giật, đôi mắt bị sẹo chằng kéo dính vào nhau như đang cố dãn ra để nhìn cô. Na lúng túng tránh cái nhìn ấy. Vẫn Thuận:
- Na và Dung chắc pha nước chấm giỏi, nhờ hai chị giúp hộ. Thật là một bữa liên hoan thú vị.
Mọi người ăn bún rất vui. Riêng Na, cô nhớ ngày học cấp ba, cũng có một cuộc liên hoan tương tự, nhưng Na không dám kể ra,sợ Dung lại bảo cái gì cũng "ngày bé". Trong bữa như vô tình, Thuận ngồi bên Na. Dung hỏi chuyện riêng của Thuận anh chỉ nói lảng. Dung mời Thuận khi nào qua Hà Nội thì ghé thăm các cô. Na vừa ghi địa chỉ cho anh, vừa nói:
- Chồng tôi là bác sĩ chỉnh hình, có dịp mời anh về, thử xem chúng tôi có giúp được gì không?
Thuận run run nhận mảnh giấy, cám ơn cô và nói như vừa đủ cho Na nghe:
- Liệu các bác sĩ chỉnh hình có chỉnh lại được nụ cười trong tim không?
Rồi Thuận nói to:
- Ngày mai chúng tôi sẽ đưa các chị ra ga bằng xe đạp. Mười giờ mới có tàu, ở đây mình đi chín giờ kịp chán. Hai chị cứ thong thả.
Đêm ấy, Na lại không ngủ được. Đã khuya rồi mà ve sầu vẫn còn kêu sà sã trên những cành bạch đàn và trăng thì tãi trắng sân.
Sáng hôm sau, Dung và Na đợi đến chín giờ rưỡi vẫn không thấy Thuận đến. Họ bàn nhau cứ đi cho kịp, lúc xách túi chạy ra thì thấy Thuận từ ngõ vào.
- Xin lỗi, tối qua tôi đi chơi, bỏ quên xe đạp trong xóm, sáng nay quay lại tìm nên về muộn. Nhưng hai chị không lo, tôi đã nhờ người đưa hai chị đi bằng xe máy. Họ đợi ngoài ngõ, các chị ra cho kịp.
Anh chìa tay bắt tay các cô, cũng thân mật như hôm đến.
-         Chúc các chị may mắn, hạnh phúc. Đi đi không sẽ nhỡ tàu.
Dung và Na lúng túng, chỉ nói được vài câu cảm ơn rồi chạy vội ra.
Chỉ đến lúc ngồi trên tàu, Na mới nói với Dung:
- Tao thấy lạ lắm Dung ạ. Một tuần rồi, toàn những chuyện giông giống như chuyện của tao ngày xưa.
- Thế là thế nào ?
- Năm lớp tám, tụi tao cũng một lần rủ nhau ăn bún cua mà không mua được cua, cả bọn ăn bún mắm. Y hệt như chiều qua. Hồi ấy có một người cũng hái hoa tanh tách tặng tao, còn lấy quả nó dấp nước bọt đem nhét vào tóc tao. Bọn tao cùng đọc nhiều chuyện, có cả Anphôngxơ Đôđê. Tao chỉ nghĩ là cuộc sống thì thiếu gì những chuyện giống nhau. Nhưng sáng nay lại có chuyện quên xe đạp. Một lần đi chơi, mải nói chuyện bọn tao cũng quên xe đạp bên kia phà, người ấy phải quay lại tìm.
Dung bị cuốn vào câu chuyện, hỏi dồn dập.
- Người ấy là ai, bây giờ ở đâu?
Phải đợi cho tàu hú còi, chuyển bánh xong Na mới tiếp tục câu chuyện được.
- Chúng tao cùng lớp, thân nhau lắm. Có lúc tao tưởng đã yêu người ấy. Thế rồi vào đại học, mỗi đứa đi mỗi ngả, sau nghe nói ngườig ấy đi bộ đội, còn tao lấy chồng. Tình yêu học trò ấy mà.
- Thế mày thấy Thuận có gì giống người ấy không?
- Người ấy tên Tân cơ. Tao không nghĩ Thuận là Tân. Vả lại… tụi tao đều quê Hải Phòng. Duy có điều khi bắt tay Thuận…
- Sao mày không hỏi kỹ?
- Tao sợ. Là Tân hoặc không phải Tân tao đều sợ.
- Tao cũng ngờ ngợ có chuyện gì. Bây giờ tao chắc đúng Tân rồi. Chẳng nông dân chút nào cả. Ngay hôm đầu, Thuận đã hỏi tao mày có phải là Na không. Con khỉ, thế mà không nhận bạn, hay mày sợ cái mặt của Tân ngày nay?
- Bây giờ làm thế nào?
- Còn làm thế nào nữa, đến ga tới xuống tàu, quay lại.
- Nhưng còn những người ra đón mình ở Hà Nội?
- Mặc kệ họ, tao cùng quay lại với mày.
Họ xuống tàu, bắt xe quay lại Vôi, cắm cúi đi bộ đến nhà Thuận. Đã quá ba giờ chiều. Ngôi nhà vắng ngắt trong bóng râm bạch đàn. Cửa khoá, như đã khoá từ lâu lắm không có người mở. Họ đang băn khoăn không biết làm gì tiếp thì thấy đứa bé gái hôm nọ đã mời hai cô đi ăn ngô. Nó lặng lẽ đưa cho Na một bức thư rồi đứng nép vào gốc cây bạch đàn.
 "Na thân mến, Tân e rằng Na sẽ nhận ra và có thể quay lại. Xin lỗi Na về những trò đùa thời học sinh. Nếu Tân còn giữ được khuôn mặt của Tân ngày xưa thì chúng mình đã kể lại những chuyện ấy một cách vui vẻ bao nhiêu. Đáng lẽ Tân đã chẳng bày ra chuyện quên xe nếu Na còn nhớ tên hoa tanh tách, những bông hoa tím tội nghiệp, tưởng như không bao giờ mình có thể quên chúng được. Những chuyện thời học trò như thế đã giúp Tân rất nhiều để đi qua cuộc chiến tranh mà sự ác liệt của nó mãi mãi còn rõ trên gương mặt bị cày nát của Tân bây giờ. Khi viết những dòng này, Tân nhớ tới Ruồi Trâu, bức thư Actơ gửi cho Dên với câu đầu tiên "Dim thân yêu" mà ngày xưa Tân vẫn đọc Na nghe. Liên tưởng này vừa nực cười vừa không khiêm tốn chút nào, nhưng quả nhiên đời thật và tiểu thuyết có khoảng cách chẳng xa nhau là mấy, có phải không Na…Tân".
Na ôm lấy Dung, khóc nức nở. Đứa bé gái giúi vào tay Dung chiếc chìa khoá và nói:
- Chú Thuận dặn nếu muộn thì các cô cứ nghỉ lại thêm một tối nữa hôm sau hãy về.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét