Gọi Ngài là Đại sứ là theo cách gọi bây giờ, theo cách xưa thì phải gọi là Sứ thần. Mạc Đĩnh Chi nguyên là một văn nhân, đỗ trạng nguyên dưới thời vua Trần Anh Tông, từng làm tới chức quan Thượng thư. Đặc biệt ông đã hai lần được vua Trần Anh Tông cử đi sứ Trung quốc.
Theo sử sách thì Sứ thần Mạc Đĩnh Chi là người có tài ứng đối, đã dùng tài năng và trí thông minh của mình khiến cho người nhà Nguyên phải khâm phục. Chuyện ứng đối của ông thì nhiều, chỉ xin giới thiệu một chuyện dưới đây mà theo ông Nguyễn Tiến Thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Lễ tân thì Bác Hồ đã kể trong Hội nghị Ngoại giao năm 1956 (Nguyễn Tiến Thông, Một số vấn đề về giao tiếp, NXB Chính trị Quốc gia, 2000, trang11) :
Một lần Mạc Đĩnh Chi đến thăm phủ Thừa tướng nhà Nguyên. Trong phủ trang hoàng lộng lẫy, giữa phòng có treo một bức trướng to hình con chim sẻ đậu trên cành trúc trông rất thật. Mạc Đĩnh Chi ngỡ là chim sẻ thật đậu ngoài cửa sổ nên chạy đến chụp thì mới vỡ lẽ đó chỉ là bức hoạ. Thừa tướng và các quan quân nhà Nguyên đều phá lên cười và có ý châm chọc. Mạc Đĩnh Chi vội lấy bức họa xuống và xé toạc thành nhiều mảnh. Mọi người đều kinh ngạc. Bấy giờ ông mới nghiêm mặt giải thích:
Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân.
Nghe Sứ thần nước Nam nói thế thì quan quân nhà Nguyên đều hết sức khâm phục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét