Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Một sứ thần hy sinh vì Tổ quốc

Đó là Thám Hoa Giang Văn Minh.
Nhắc lại chuyện này vào lúc này vì thấy có nhiều điều để suy ngẫm

Ông sinh năm 1582, tại làng Kẻ Mía (tên chữ là Mông Phụ), xã Đường Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Lộc, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội). Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi thi Đình lại đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Mậu Thìn, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Khoa thi này không có ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn, vì vậy ông là người đỗ cao nhất trong cả khoa thi. Sau khi đỗ đạt, ông lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung (1630), Thái bộc tự khanh (1631).
Vào năm Dương Hòa thứ 3 (1637), ông và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm chánh sứ cùng với 4 phó sứ là: Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu hai đoàn sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh
. Lúc này, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng Trung quốc vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt (với cả nhà Lê và nhà Mạc) với mục đích để cuộc chiến tranh Lê-Mạc kéo dài.(Thâm không, khác gì với Nam Bắc Triều tiên bây giờ).

Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh sau khi đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh), đã bị cản trở, phải nằm chờ ở dịch xá gần 1 năm trời.(Cái này tiếng Pháp gọi là chinoiserie, bây giờ vẫn có lối cư xử như thế)

Đến khi triều kiến, Minh Tư Tông (Chu Do Kiểm, tức vua Sùng Trinh) lấy lý do “Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ” để ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc.
Đồng thời, Chu Do Kiểm còn ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau:

“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”

Nghĩa là:
Cột đồng đến nay rêu đã xanh
Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong). (thì bây giờ họ vẫn ngạo mạn hăm doan Việt đấy)

Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:

"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"

Nghĩa là:
Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ


Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.
Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt vua Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước. Bất chấp luật lệ bang giao, vua Minh đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Minh Tư Tông còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và cho sứ bộ ta đem thi hài ông về nước hòng đe dọa người Việt.
Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
Một câu đối truy điệu Thám hoa Giang Văn Minh có viết:
Thục bất hữu sinh, sinh như công dã, kỳ sinh như vinh.
Thục bất hữu tử, tử như công giả, kỳ tử do sinh.
Tức là:
Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống
Ai cũng chết, chết như ông, chết như sống.

Nhà Thám hoa Giang Văn Minh (ảnh nnkhanh 72)
Sau khi thi hài được đưa về nước, Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm. Trên cánh đồng này có một quán (hiện có dạng ngôi nhà) nhỏ là nơi linh cữu ông đã được quàn và gọi là quán Giang. Hiện nay, nhà thờ ông ở làng Mông Phụ đã được nhà nước Việt Nam xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa. (Các Sứ thần thời @ cũng nên đến thắp hương ở đây trước khi đi sứ)
Ở Hà Nội hiện nay có một con đường mang tên Giang Văn Minh ở gần khu vực Giảng Võ.
Cùng đi sứ còn có Nguyễn Duy Hiều, vị này cũng bị giặc Minh giết chết như Giang Văn Minh nhưng ít được sử sách nhắc đến, lý do vì sao xin xem ở Tạp chí Người Hà Nội cuối tuần, số 128 ngày 15/7/2011, trang 25).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét