Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương XI

 NGOẠI GIAO VĂN HÓA TỪ ANH ĐẦU BẾP

Ở Việt Nam mình bây giờ mới nói nhiều đến ngoại giao văn hóa trong khi ở nhiều nước khác ngoại giao văn hóa đã được thúc đẩy từ hàng trăm năm rồi. Điều đáng mừng là Bộ Ngoại Giao ta đã coi ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột chính của Ngoại giao Việt Nam, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế.
          Trong những trang viết dưới đây, tôi chỉ nêu một số nhận xét về công tác ngoại giao văn hóa nhìn từ vị trí của người đã làm việc ở các cơ quan đại diện ngoài nước.
          Năm 2005, tôi bàn với Bộ Văn hóa Campuchia việc tổ chức tuần Văn hóa Việt nam tại Campuchia và tuần văn hóa Campuchia tại Việt Nam. Việc tổ chức này được bạn và các cơ quan trong nước của ta ủng hộ hết sức nhiệt tình. Đến khi cắt chữ làm cái khẩu hiệu thì mới ngã ngửa ra với nhau rằng đấy là tuần Văn hóa Việt nam lần thứ nhất được tổ chức ở Campuchia. Tôi mới ngồi tính nhẩm : quan hệ của ta với bạn hết sức tốt đẹp,  thế mà từ 1979 sau khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị lật đổ đến 2005 vị chi là 26 năm mà tại làm sao không tổ chức tuần văn hóa ! Tự lý giải lấy rằng trước đó chắc đã có nhiều hoạt động văn hóa nhưng chưa tổ chức thành tuần văn hóa mà thôi.
          Không phải lúc nào ngoại giao văn hóa cũng được chú ý và coi trọng như kể từ 2008. Tôi còn nhớ khi ở Pháp, năm 1997 là năm có Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội, tôi đã cùng anh em tổ chức một hoạt động rất có ý nghĩa. Sứ quán Việt Nam tọa ở phố Boa-lô, tên một nhà thơ nổi tiếng của Pháp thế kỷ 17. Ở góc trong của Sứ quán có một cây sồi già mấy trăm tuổi, chuyện kể rằng thời cắp sách đến trường, nhà thơ Boa-lô thường tới ngồi dưới gốc sồi này mộng mơ. Thành phố Paris và đặc biệt là Quận trưởng quận 16 lúc ấy rất coi trọng cây sồi lưu niệm này nhưng mắc cái nó lại nằm trong Sứ quán Việt Nam. Tôi bàn với anh em khắc một tấm biển đá đặt dưới gốc cây, có dòng chữ : Di tích lịch sử , cây sồi có tuổi từ thế kỷ 17, nhà thơ Boa-lô đã ngồi dưới gốc cây này. Chúng tôi mời đại diện thành phố Paris, ngài Quận trưởng quận 16 và đông đảo bạn bè tới cùng cắt băng khánh thành và nói với họ đấy là tài sản văn hóa chung của cả Pháp và của cả Việt Nam. Tôi còn nói sau này khi Việt Nam giàu có, xây dựng lại sứ quán thì sẽ tính toán thiết kể thế nào để có lối cho người dân Pháp vào thăm cây sồi Boa-lô kết hợp thăm Sứ quán Việt nam. Lúc ấy không ai tuyên dương hoạt động này, ngược lại còn nhắc nhở  rằng nó không có trong dự toán.
          Khái niệm ngoại giao văn hóa rộng lắm. Nói nôm na thì nó bao gồm các hoạt động từ văn thơ nhạc họa ca múa đến ẩm thực, nghề truyền thống… được tổ chức trên đất bạn để quảng bá cho hình ảnh Việt Nam. Những hoạt động hoành tráng thì phải được trong nước hỗ trợ. Tuy nhiên anh Đại sứ có thể có một số hoạt động đơn giản tại chỗ mà hiệu quả cũng tốt. Nói đơn giản nhưng khó làm ra phết. Trong các nhiệm kỳ công tác, tôi rất có ý tìm cách giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam. Những món ăn đặc trưng Việt Nam thường có phở, nem là các món mà tên của nó đã được đưa vào từ điển tiếng Pháp hoặc đã được bày bán trong các siêu thị. Rồi đến các món bánh cuốn Hà Nội, bánh ướt Huế, bánh xèo Nam bộ, cá kho tộ, thịt kho tàu, gà xé phay…Loay hoay giới thiệu nhưng khó làm lắm đấy. Tôi chắc các vị Đại sứ Việt Nam khác cũng loay hoay chứ chẳng riêng tôi. Đơn giản là bởi vì không có một đầu bếp thật xịn. Chỗ nào có đầu bếp chuyên môn của nhà khách chính phủ thì đã là may lớn. Những chỗ mà đầu bếp nguyên là buồng bàn, lái xe, bảo vệ hay nhân viên hành chính tạt sang thì thôi rồi nhé. Em nói trước với bác Đại sứ là em chỉ làm cấp dưỡng cho anh em được thôi, đãi tiệc như bác yêu cầu thì em chưa làm bao giờ đâu đấy nhá !  Đến lúc ấy mà vụ trưởng Tổ chức Cán bộ có đứng đấy cũng đành bó tay chấm côm chứ đừng nói đến Đại sứ ! Đều là của Tổ chức cán bộ cho cả mà ! Nhiệm kỳ tôi ở Campuchia thì Nông Pênh có khoảng vài chục hàng phở, vài hàng ăn Việt Nam nhưng chưa có hàng nào đủ tiêu chuẩn để mời khách đối ngoại. Mời bạn vào các cửa hàng ăn Trung quốc, Pháp, Thái lan thì sang trọng, lịch sự mà thức ăn ngon, thế nhưng hóa ra lại là đem tiền đi quảng bá cho hình ảnh người khác. Ngon thì ngon thật nhưng mà vô duyên. Mời về sứ quán thì phải huy động một số chị em phu nhân, nhưng ngay cả có chị em giúp đỡ thì cũng vui là chính thôi chứ chưa thật quảng bá được gì nhiều.
          Thúc đẩy quảng bá tiếng Việt cũng là thúc đẩy ngoại giao văn hóa. Ở đâu có tiếng Việt, ở đấy có văn hóa Việt, có bản sắc văn hóa Việt nam. Có một câu chuyện vui như thế này : một lần, có một cán bộ Việt nam đi chữa răng ở Nông Pênh, vào phòng khám của nha sĩ người Campuchia. Hai người nói tiếng Anh với nhau nhưng không ai hiểu ai nói cái gì. Cuối cùng, anh nha sĩ mất hết kiên trì mới buột ra nói : thôi, anh nói tiếng Việt đi, tôi hiểu mà. Có thể nói không ở đâu có nhiều bạn bè nói tiếng Việt như ở Campuchia và Lào. Tuy nhiên, tôi thấy tiếng Việt ở đây như một thứ cây mọc tự nhiên do có những điều kiện nắng gió thuận lợi và phù hợp thôi chứ cái phần tưới tắm, chăm bẵm cho nó thì chưa thật rõ ràng. Không mong gì có thể làm như việc quảng bá pháp ngữ, nhưng cứ để cái cây tốt đẹp ấy mọc một cách tự nhiên thì không phải.

                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét