Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Vấn đề biển Đông: Ngoại giao pháp lý là mặt trận hàng đầu


Xin giới thiệu bài này của PGS-TS Nguyễn Hồng Thao, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đăng trên báo Pháp luật 7/6 :

Sáng 6-6, VTCNews tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Biển Đông - Những khía cạnh pháp lý”. Một trong các vấn đề được quan tâm trong buổi tọa đàm là vụ việc tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp có thể đưa ra Tòa án Quốc tế? Đối sách thích hợp nào cho Việt Nam về biển Đông?
Chưa có thỏa thuận ra Tòa án Quốc tế
PGS-TS Nguyễn Hồng Thao, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho biết: “Theo Điều 33 Hiến chương LHQ 1945 về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình thì có rất nhiều biện pháp: đàm phán, sử dụng trung gian hòa giải, đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế như tòa án hay trọng tài. Như vậy, các quốc gia khi có tranh chấp đều có thể đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề là phải phù hợp với quy chế của các cơ quan đó và phải dựa trên nguyên tắc: Các quốc gia tranh chấp cùng đồng thuận về việc đưa vấn đề ra cơ quan tài phán quốc tế”.
Theo TS Thao, nếu muốn được Tòa án Quốc tế giải quyết, hai quốc gia tranh chấp phải đáp ứng một trong ba điều kiện sau: Hai nước ký một thỏa thuận đồng ý đưa vấn đề ra Tòa án Quốc tế; hoặc hai nước có thể ra tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của tòa - không nhất thiết đồng thời (quốc gia A có thể tuyên bố năm nay, quốc gia B tuyên bố từ năm trước); hoặc các điều ước quốc tế hai nước ký kết có thỏa thuận khi xảy ra tranh chấp thì đưa ra Tòa án Quốc tế.
Căn cứ những điểm trên, đối chiếu vào vụ tàu Bình Minh 02, TS Thao nói: “Hiện Việt Nam chưa có tuyên bố nào là chấp nhận thẩm quyền của tòa cả, Trung Quốc thì càng không. Vì thế, khả năng đưa sự vụ ra Tòa án Quốc tế là rất ít”.


Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) huấn luyện cho lực lượng dân quân biển. Ảnh: V.CHƯƠNG
Có thể nhờ Tòa án Quốc tế tư vấn?
Theo PGS-TS Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật Biển và Hàng hải Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), Tòa án Quốc tế có hai chức năng: Xét xử và tư vấn. Ngay cả nếu Việt Nam chấp nhận đơn phương thẩm quyền của tòa mà Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền ấy thì chúng ta vẫn có thể sử dụng Tòa án Quốc tế như một kênh tư vấn. Chúng ta có thể thông qua Hội đồng Bảo an hoặc Đại hội đồng LHQ để họ ra nghị quyết yêu cầu Tòa án Quốc tế tư vấn.
Tuy nhiên, TS Thao lại cho rằng khả năng tư vấn của Tòa án Quốc tế không dành cho các quốc gia mà chỉ dành cho Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng và các tổ chức chuyên môn của LHQ. Với tranh chấp có tính chất quốc tế, Hội đồng Bảo an sẽ họp để xét xem đó có phải là tranh chấp ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh quốc tế không. “Vụ tàu Bình Minh 02, rõ ràng Trung Quốc đã xâm phạm thềm lục địa của chúng ta nhưng để đến mức Hội đồng Bảo an cho rằng đó là một sự việc gây ảnh hưởng trực tiếp, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế… thì sẽ còn phải tranh cãi rất nhiều”.
Đối sách nào cho Việt Nam?

Lịch sử đấu tranh giữ vững chủ quyền dân tộc của ông cha ta đã cho thấy lúc nào chúng ta cần kiên quyết thì kiên quyết, mềm dẻo thì mềm dẻo. Chúng ta không sợ một ai cả, khi chủ quyền chúng ta bị xâm phạm, chúng ta rất sẵn sàng, tuy nhiên dùng vũ lực và sức mạnh là biện pháp cuối cùng…
PGS-TS NGUYỄN HỒNG THAO, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia
Không kiện ra Tòa án Quốc tế, vậy đối sách của Việt Nam trên biển Đông nên như thế nào? TS Nguyễn Bá Diến khuyến nghị: “Thứ nhất, phải có chính sách tăng cường hoạt động an ninh - quốc phòng. Thứ hai, chúng ta nên hỗ trợ các tập đoàn kinh tế về trang thiết bị, ngư lưới, ngư cụ; tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, khai thác vùng biển của chúng ta. Thứ ba là ngoại giao, kết hợp hoạt động hợp tác với các nước ASEAN, nhất là các nước có liên quan tới tranh chấp; sử dụng diễn đàn ASEAN để đấu tranh…”.
Về vai trò của truyền thông, TS Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển Đông (Học viện Quan hệ Quốc tế), nhận xét: “Thông tin đối ngoại cần được làm tốt hơn. Cần nhiều hơn nữa những trang web tiếng Anh, tiếng Trung về biển Đông để độc giả nước ngoài hiểu vấn đề”.
PGS-TS Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh: “Ngày nay, ngoại giao pháp lý mới là mặt trận quan trọng hàng đầu chứ không phải là quân sự. Ta phải thi hành “chính sách 3C”: Công khai, công luận, công pháp quốc tế…”.
Theo PGS-TS Nguyễn Bá Diến, mọi hoạt động thể hiện lòng yêu nước đều là tốt, miễn là diễn ra trong khuôn khổ luật pháp, trong hòa bình. Việt Nam có thể gửi công hàm (diplomatic note) lên Đại hội đồng LHQ để phản ánh vụ việc ngày 26-5 vừa qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét