Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Người Mường Hà Nội

Vẫn biết nhiều nơi có cơm lam, nhưng cơm lam bán cho khách du lịch Khoang Sanh, Thác Đa, Tản Đà rì-dọt là các khu du lịch ở Ba Vì, Hà Nội……thì phần lớn bây giờ là do người Mường Hà Nội làm. Họ là những người dân ở thôn Muồng Voi, Xã Vân Hòa, sát chân núi Ba Vì, là những người dân lam lũ ở một vùng quê sơn cước vốn trước đây yên tĩnh. Khi có quyết định mở rộng Thủ đô, chỉ sau có một đêm, tuy họ vẫn là người Mường nhưng đã trở thành người Mường Hà Nội.
 Ba Vì, Hà Nội
                                                 
Ngày xưa người Mường thôn Muồng Voi chỉ làm cơm lam khi vào rừng làm rẫy, ở lại vài bốn hôm, phát rẫy xong là reo trồng ngay. Họ chọn những cây tre bánh tẻ, tức là những cây tre không non quá, không già quá, vừa độ nẩy nở, hạ xuống làm ống lam, một đầu để nguyên mấu kín, đem gạo nếp đã ngâm vừa tới bỏ vào trong ống, lấy lá chuối bịt kín lại, đốt ngay tại chỗ. Làm như thế người đi rừng chỉ cần mang gạo, rất tiện mà vẫn có cơm lam rất ngon. Thời ấy củi lấy tại chỗ cũng vô số, tha hồ đốt mà không phải lăn tăn, lửa than cháy đượm rừng rực, người nướng cơm lam chăm chỉ xoay cho những ống lam cháy thật đều, đến khi nghe có mùi thơm tỏa ra từ trong khói là biết cơm đã chin mới khéo léo chẻ bỏ lớp than cháy bên ngoài, để lộ ra ống cơm được bao bọc bằng lớp lụa ruột tre trắng mỏng, thơm tho. Cơm nóng, lấy tay bẻ từng miếng chấm với muối vừng thật tuyệt.

Bây giờ ống lam được thay bằng ống nứa, cơm lam được đem bán cho khách du lịch, nếu làm bằng ống tre thì còn lấy đâu ra lãi. Chị Hoàng Thị Vị người thôn Muồng Voi mua về từng vác nứa, cưa thành ống để làm cơm lam. Cách đây mấy tháng một vác nứa có giá khoảng một trăm ngàn đồng, cưa được khoảng 360 ống, mỗi ống cơm lam thấp nhất cũng bán được hai nghìn, ngày nào cao điểm cũng kiếm được ba bốn trăm nghìn đồng.  Số tiền này sau khi đã chi cho các khoản chính còn lại cũng đủ cho hai đứa con, một đứa lớp 4, một đứa lớp 2, đi học thêm.  Chị Vị nói chị cố gắng làm thêm cho con đi học, ước mơ của chị là giúp con học tốt để có thể đạt tiêu chuẩn văn hóa vào trường Dân tộc ở Tản Lĩnh, Ba Vì. Học sinh vào đây được học bổng ăn học cho tới khi thi đại học. Chị Vị nói tuy kiếm được nhưng làm cơm lam vất vả lắm, đa phần chỉ bán từ tháng giêng đến tháng ba, sang hè nóng, ít khách ăn.

Có người làm cơm lam như chị Vị ắt có người đi rừng chặt nứa về bán. Chị Hoàng thị Thanh dậy từ 4 giờ sáng, đạp xe đến cửa rừng rồi gửi xe lại, đi bộ tiếp khoảng bốn năm cây số nữa mới vào tới rừng nứa, chặt nứa đến trưa thì được hai vác, lụi cụi mang ra đến chỗ gửi xe đạp, buộc cẩn thận lên xe rồi dắt hai vác nứa về, tới nhà cũng đã hai ba giờ chiều. Hai vác nứa bán được hơn một trăm nghìn đồng. Tuy vậy không phải ngày nào cũng đi rừng được, còn có ngày mưa ngày gió, lúc yếu lúc khỏe, rừng nứa lại lắm con vắt, ngày mưa bâu vào từng búi hút máu đến ghê. Đấy là chưa kể thình thoảng còn bị kiểm lâm bắt, bị thu mất nứa mất dao, có khi còn bị phạt tiền.

Người Muồng Voi chỉ làm cơm lam vào những lúc rỗi việc nhà nông hoặc tranh thủ vào những vụ du lịch. Phần lớn thời gian trong năm của họ dành cho việc đồng áng, từ cấy cầy gieo tỉa đến thu hoạch. Công việc đồng vất vả nhưng chẳng được bao nhiêu. Chị Hoàng Thị Vị có 7 sào lúa, cấy hai vụ, được mùa thì thu hơn một tấn, mất mùa chỉ còn khoảng bẩy tạ, có nhà còn mất trắng. Người nông dân có ruộng thì phải cấy chứ không lẽ bỏ, ruộng thì chân thấp chân cao, chỗ hạn chỗ úng, cấy lúa không ăn nhằm gì. Nhiều người chán ruộng bỏ đi kiếm việc, làm ngay trong Khoang Sanh cũng được trăm nghìn đồng một ngày, lại có cả cơm trưa.
Chị Vị cắt cỏ trâu
                                              
 Bây giờ, mơ ước của mọi người là nuôi được một hai con bò vắt sữa. Giá một con bò sữa tốt, có tên tuổi, có bảo hành cũng khoảng từ 40 đến 42 triệu đồng, cho hơn 20 lít sữa một ngày. Một con bò sữa bình thường cho hơn chục lít sữa một ngày cũng phải mất khoảng từ 28 đến 30 triệu.  Một con bò 7 tháng tuổi mất 15 triệu thì phải chăm nuôi 30 tháng mới vắt sữa được. Vốn bỏ ra nhiều như thế có phải ai cũng tậu được bò sữa đâu, có người đã phải bán đất tậu bò. Để nuôi một con bò sữa phải có trung bình ba sào cỏ, đấy là chưa kể phải cho ăn thêm cám. Ngày sáng chiều hai lần vắt sữa, đúng giờ, không bỏ được, đi đâu, có việc gì bận mấy đến giờ cũng phải vội vàng mà về kẻo quá giờ sữa bò có thể sẽ loãng sẽ chua. Hàng ngày sờ tay vào con bò thấy ấm da mới yên tâm, thấy lạnh là biết con bò ốm, lo cho bò còn hơn lo cho người, vào mùa hè người không có quạt nhưng bò có quạt, xểnh ra bò chết là mất toi vốn, có nhà mua con bò 37 triệu ít hôm lăn đùng ra chết, mang đi theo cả một sản nghiệp. Vất vả như thế nhưng con bò sữa lại cho thu nhập hàng ngày, ít ra một ngày một con cũng thu về trên dưới trăm nghìn tiền sữa. Nếu không nuôi bò thì không có việc gì có thể cho thu nhập hàng ngày như thế. Chị Oanh là trưởng thôn, đã có sáng kiến phối hợp với Công ty sữa Ba vì lập ra một điểm thu mua sữa, người dân có một vài lít cho đến một vài chục lít đều đem đến đây bán, sữa được cho vào thùng tiệt trùng, sau đó cuối ngày có xe của xí nghiệp sữa đến lấy đem đi. Như thế kể cũng là cách làm ăn mới, thuận tiện cho người nuôi bò sữa.

Bất chợt hỏi vui một người dân Muồng Voi có thấy gì khác từ khi thành người Hà Nội thì ông này vô tư trả lời : - Thấy người Hà Nội lên nhiều lắm bác ạ, giá đất cũng theo đó mà lên. Một người khác lại nói : - Em chả thấy gì khác, chỉ thấy phải trả tiền điện nhiều hơn. Hỏi chị Vị đã thấy mình là người Hà Nội chưa thì chị nói chưa thấy, chỉ thấy về Hà Nội thì không được nhiều ưu tiên như trước.

Quả thật thời gian một năm nhập về Hà Nội chưa đủ để người dân thấy được những thay đổi. Cuộc sống của những người dân thôn Muồng Voi vẫn tiếp tục theo những nhịp điệu cũ, vẫn là cuộc mưu sinh vất vả. Chắc chắn còn cần phải có nhiều thời gian nữa, có khi cả một đời người, cần phải có nhiều việc làm nữa về kinh tế, xã hội, văn hóa để người dân thôn Muồng Voi thấy mình thực sự là người dân Thủ đô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét