Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn VTV

Xin giới thiệu lại bài trả lời phỏng vấn này của Tướng Vịnh :

Ngày 6/6, Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội sau 3 ngày tham dự Hội nghị an ninh châu Á-TBD. Nhân dịp này, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn VTV…

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn VTV


Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: TTXVN
Trong thời gian diễn ra hội nghị Shangri La, cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã diễn ra. Xin ông cho biết vấn đền về Biển Đông đã được hai Bộ trưởng đề cập như thế nào?
Tôi chỉ muốn nói về ý kiến của đoàn Việt Nam. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã trình bày một cách rõ ràng về sự kiện ngày 26/5 và cũng nêu lại quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về sự việc này. Tuy nhiên  cách đặt vấn đề của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh là để giải thích về cái đúng, sai của các bên liên quan và mong muốn Trung Quốc nhìn nhận lại đúng đắn trên cơ sở luật pháp quốc tế và đặc biệt là không để tái diễn việc này.
Tôi cho rằng, những phát biểu của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã đem đến cho đoàn Trung Quốc một sự giải thích rất thẳng thắn nhưng trên tinh thần đồng chí, hết sức trung thực và không thể nói khác đi được.
Cũng trong thời gian diễn ra hội nghị, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu về những thách thức an ninh mới trên Biển Đông cũng như trả lời trực tiếp các đại biểu tham dự Hội nghị. Các đại biểu đã đánh giá thế nào về bài phát biểu của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng như phần trả lời của Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã có một bài phát biểu không dài về chủ đề “Đối phó với những thách thức mới về an ninh biển”. Điều đó cũng đúng với những điều mà người ta chờ đợi ở Bộ trưởng của chúng ta.
Sau bài phát biểu của Bộ trưởng thì các cử tọa tham gia, các quan chức, các trưởng đoàn các nước lớn đều đến bắt tay cảm ơn và bày tỏ sự ca ngợi bài phát biểu này. Tuy không dài nhưng rất cô đọng và nêu bật được tất cả những vấn đề mà nước nào cũng gặp phải và đặt cách giải quyết ở tầm cao chiến lược, đồng thời cụ thể hóa cho 4 vấn đề mà Bộ trưởng nêu ra để các nước trong khu vực cùng nhau thực hiện.
Điểm thứ hai là, trong phần hỏi đáp giữa các học giả cũng như các đại biểu tham dự hội nghị, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã chủ động hỏi đáp trực tiếp hết sức tốt, hết sức thẳng thắn và rất thuyết phục được cử tọa ở bên dưới về cả những vấn đề dễ đề cập cũng như vấn đề nhạy cảm khó đề cập.
Trong bài phát biểu của mình cũng như trong phần hỏi đáp, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng nêu lên sự kiện tàu Bình Minh 02 cho đây là sự xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, sự vi phạm luật pháp quốc tế, không tôn trọng các cam kết trong DOC với các nước ASEAN và bày tỏ hy vọng không để việc này tái diễn.
Trong phần trả lời hỏi đáp, nhiều câu hỏi dành cho Bộ trưởng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng cũng trả lời một cách minh bạch. Một số Bộ trưởng của các nước lớn cũng đã nói rằng,  khá bất ngờ trước sự thẳng thắn và minh bạch của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh.
Ví dụ, Bộ trưởng cũng phân tích việc sai trái khi Trung Quốc xâm phạm vào khu vực 200 hải lý là sai với luật pháp quốc tế, ví dụ sự việc đâm va, cắt cáp là hành động không thể chấp nhận được trong cách hành xử trên biển trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ Trung Quốc với Việt Nam, mà tất cả các nước khác không thể có hành động tương tự như vậy trong hành xử trên biển.
Với những câu hỏi về việc Việt Nam tăng cường vũ khí, Bộ trưởng cũng xác nhận, chúng ta mua vũ khí hiện đại như tàu ngầm Kilo 636 mua 6 chiếc của Nga, nhưng tàu ngầm này chỉ để bảo vệ Tổ quốc, chỉ hoạt động trong vùng biển Việt Nam và không để đe dọa hoặc xâm phạm chủ quyền hoặc lợi ích của đất nước nào.
Bộ Quốc phòng Việt Nam có bình luận hay nhận định gì về những hành động của phía Trung Quốc trên vùng biển thuộc thềm lục địa cũng như trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trong thời gian gần đây. Cụ thể là việc phía Trung Quốc đã cắt cáp của tàu Bình Minh 02?
Chúng tôi cho rằng, đây chưa phải là sự việc lớn, nhưng nó thể hiện tiềm ẩn những vấn đề rất nghiêm trọng. Trước hết là nghiêm trọng trong quan hệ giữa hai nước. Việc tàu chấp pháp của một nước đi sâu vào vùng chủ quyền, vùng thềm lục địa của một nước khác đến 80 hải lý để  ngăn cản các hoạt động hòa bình trên biển là hành động hết sức nghiêm trọng, vi phạm hết sức nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và không tôn trọng điều khoản của DOC.
Điều thứ hai là, trong cách hành xử của tàu Trung Quốc chúng ta thấy rằng nó đơn giản là vụ cắt cáp, nhưng mà nếu nói về bản chất thì đây là hành xử bạo lực dưới cái áo của dân sự. Giả sử giữa chúng ta có cách hiểu khác nhau đi nữa, giả sử có vấn đề gì đi nữa thì Trung Quốc phải có trao đổi để xem ai đúng, ai sai chứ không thể có hành xử trong thế kỷ 21 này là lao vào cắt cáp, dù người ta đã phát tín hiệu báo động, dù người ta đã giao thiệp, dù người ta đã yêu cầu ngăn chặn để trao đổi.
Đó là với Việt Nam, nhưng với thế giới chúng ta thấy rằng, Trung Quốc làm như vậy dựa trên cái gì, dựa trên cơ sở nào về mặt pháp lý thì chúng ta thấy họ chỉ có thể dựa trên một cơ sở duy nhất, đó là khái niệm về đường 9 khúc mà hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và cũng hoàn toàn không được một quốc gia hoặc một tổ chức nào trên thế giới thừa nhận trong bối cảnh đó. Thế giới cần phải đặt ra câu hỏi, liệu phải chăng đây là hành động của Trung Quốc thăm dò để biến cái khái niệm, cái yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc từ trên giấy vào hiện thực hay không, và nếu quả thực có chuyện đó, thì đây là phương hại đến lợi ích tất cả các nước, chứ không chỉ đối với Việt Nam.


Chung quan biển Đông, xin tham khảo thêm các đường link sau :

Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tại Đối thoại Shangri-la 10  (QĐND)
TQ : 27 lần nói hòa bình trong một bài phát biểu (Vnn)
TQ đang sử dụng vỏ bọc bán quân sự trên biển Đông (Vnexpress)
Thế kẹt của TQ ở biển Đông (Nghiên cứu biển Đông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét