Vừa rôi, trên báo VNN và TuanVN có 2 bài viết của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Một bài về về kỷ niệm “Những chuyện cười ra nước mắt” xảy ra trong cuộc đời làm ngoại giao” của Anh. Bài khác với những mẩu chuyện cảm động về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Ngoại giao Sáu Dân dưới góc nhìn nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan”.
Là một người từng giữ nhiều trọng trách của Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, và với cá tính cởi mở, nhiều lúc hóm hỉnh, Anh Vũ Khoan luôn hấp dẫn người đối thoại bởi những thông tin và cách nói chuyện. Nhiều lúc trên TV, Anh như một người bạn thân tình chia sẻ thông tin và tâm sự ngay cả về những vấn đề nhạy cảm, gai góc nhất.
Ở bài thứ nhất là câu chuyện về thượng nghị sỹ Mỹ J.Mc.Cain tế nhị và thân tình góp ý với Anh Vũ Khoan về chất lượng quà tặng khách của nhà sản xuất mỹ nghệ Việt Nam, chuyện về sự cố hy hữu coi như “chết người” xảy ra trong chuyến thăm nước ta của Tổng thống Bungari. Đọc bài này của Anh Vũ Khoan,, tôi lại liên tưởng đến bức thư thân tình ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Anh Sáu Dân gửi Anh Chị Sáu Phong (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết). Nhân khi đọc báo Tiền Phong ngày 9/11/2006 có bài tựa đề “Chuẩn bị tiệc chiêu đãi phu nhân các lãnh đạo APEC”, từ trải nghiệm của bản thân, thấy lo nên Anh Sáu Dân viết thư tâm sự góp ý với Anh Chị Sáu Phong đối với khách đệ nhất, đệ nhị phu nhân có ý tưởng về những món ăn và quà tặng mang bản sắc văn hóa Việt Nam là ý tưởng đúng, song phải cân nhắc rất thận trọng, chọn lựa món ăn, quà tặng, tiếp đón bằng trầu cau đối tượng là hàng Quốc khách, gây được ấn tượng tốt với các vị phu nhân sang trọng, khó tính này không thể đơn giản được. Về món ăn, Anh Sáu Dân góp ý không nên giới thiệu món ăn đủ cả 3 miền: Bánh xèo Nam bộ, chả cá Lã vọng miền bắc và bún bò giò heo Huế. Bởi vì các loại món ăn này tuy ngon thật nhưng chỉ nên trong khung cảnh bạn bè, thậm chí bạn bè cũ. Không thể có chuyện bánh xèo lại ăn bằng nĩa, bằng muỗng càng không thể bằng tay, còn rau và nước chấm; món chả cá muốn thưởng thức ngon cũng nhiêu khê lắm, lại còn hương vị mắm tôm, bún bò giò heo Huế cũng vậy. Nên chăng thay bằng nem rán (chả giò) thật ngon, bì cuốn bánh tráng tôm thịt, ít rau mùi nhẹ và cắt thành khúc (không cần tay, đũa mà có thể dùng nĩa); bánh bèo Huế, bánh đúc Thanh Trì vừa ngon, vừa gọn, cơm đậu, thịt gói lá sen tươi (ăn muỗng xúc được); nếu thật cần món ăn có nước mà sang là bún thang Hà Nội (cũng ăn bằng muỗng nỉa được). Nói chung là món phải ngon lại tiện dùng cho loại khách này (Á, Âu đều dùng được) đó là lịch sự và có văn hóa.
Anh Sáu Dân còn kể câu chuyện có lần Anh Tư Bình (Phó Thủ tướng Vũ Đình Liệu) đãi rùa khách Cộng hòa Dân chủ Đức (khách quý). Anh được Đức chiêu đãi súp rùa chỉ có 1 miếng nhỏ trong 1 chén súp. Khi họ tới Việt Nam. Anh Tư Bình đãi lại một con rùa rang muối, coi như hậu hỹ đúng mức. Khi bóc yếm ra, 4 chân và đầu con rùa còn nguyên, các đồng chí Đức giơ hai tay lên xin lỗi không dám ăn. Lần khác, khách sạn Bến Thành đãi thanh niên Liên Xô qua thăm: trong các món khách sạn đãi có rôti chim mía (nguyên nhỏ, có cả đầu, cả chân), có 2 cô trong đoàn la lên: tại sao các đồng chí lại ăn chim con, dã man quá. Tấm lòng thì quá tốt nhưng ấn tượng khách thì ngược lại.
Về tặng phẩm, Anh Sáu Dân góp ý tránh bớt món quà cồng kềnh, mang về cũng cực mà về nhà không biết để đâu (vì nhà của họ sang hơn nhà của ta nhiều lắm). Thay vì một chiếc nón lớn, ta thu nhỏ lại (cho xinh hơn), để trong một cái hộp kính; nếu kịp thì một con búp bê nữ mặc áo dài, nón lá nhỏ gọn để trong hộp mica, hoặc áo tứ thân, nón quai thao (búp bê). Về lễ tiếp (Quốc tế) cần trọng thị, bản sắc và phong cách Việt Nam, nếu như có trầu cau, nhưng không nên mời mỗi người ăn một miếng bởi số đông người Việt Nam cũng không ăn được. Như trước đây, khi đón ông Billgates, tỷ phú Mỹ, mời ông ta ăn trầu theo tục lệ (mang tính dân gian) cố nhiên ông ta, tuy biết là thiếu lịch sự cũng phải nhả ra ngay. Góp ý tâm sự của Anh Sáu Dân với Anh Chị Sáu Phong nói trên tuy là chuyện nhỏ nhưng thân ái, chân tình mà có phần Quốc thể.
Trong bài viết “Ngoại giao Sáu Dân dưới góc nhìn nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan”, tôi chú ý đến đoạn kể : ” Cũng vào đầu những năm 90 thế kỷ XX ta đã tính đến việc gia nhập ASEAN và giữa những năm 90 đã xuất hiện những tín hiệu từ các nước thành viên sẵn sàng kết nạp nước ta vào Hiệp hội. Sau khi xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ngoài Hà Nội, tôi bay vào thành phố Hồ Chí Minh để xin ý kiến anh Sáu đang họp ở trong đó. Bước vào sảnh Uỷ ban Thành phố, tôi nhờ anh em vào báo cáo anh Sáu tôi có việc quan trọng cần xin ý kiến gấp. Một lúc sau anh Sáu bước ra với vẻ mặt hơi khó chịu và hỏi: Có việc gì gấp "dzậy"? Nghe tôi trình bầy đầu đuôi, anh nói: tôi đã có ý kiến từ lâu rồi, còn đắn đo gì nữa, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội! Có thể vì tế nhị, Anh Vũ Khoan không nói rõ một con người lịch lãm như Anh Sáu Dân, luôn biết quý trọng người dân, nhất là cộng sự của mình vì sao lại tỏ ra khó chịu như vậy!? Tôi đã được nghe Anh Sáu Dân có lần kể về câu chuyện nói trên liên quan đến ý kiến của Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và thường trực Ban bí thư Đào Duy Tùng. Riêng Anh Đào Duy Tùng bảo lưu ý kiến không nên gia nhập ASEAN. Nhờ có tư duy biện chứng, biết rõ không có cái gì là được tất cả, nếu cái lợi, cái cơ bản đạt được lớn nhất, cái mất là ít nhất thì phải làm, không thể để mất cơ hội nên Anh Sáu Dân quyết liệt chỉ đạo Anh Vũ Khoan lúc đó là thứ trưởng Bộ ngoại giao cứ bay sang Bangkok truyền đạt với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm quan điểm của Chính phủ Việt Nam là gia nhập ASEAN. (Tội vạ Sáu Dân xin chịu trách nhiệm với dân, với nước)! Tôi biết rõ Anh Sáu Dân rất quý trọng , đánh giá cao năng lực của Anh Vũ Khoan, còn cái khó chịu ở trên chính là xuất phát ở chỗ chưa nhất quán ở cấp lãnh đạo cao nhất của nước nhà. Lịch sử là lịch sử, chắc sau này còn nhiều chuyện “thâm cung, bí sử” phải được công khai để người dân được biết cái giá mà chúng ta phải trả trên con đường hội nhập và phát triển.
Đoạn kết bài viết của Anh Vũ Khoan nhắc về dự tính của Sáu Dân đi thăm các công trinh đê biển, âu tầu phòng chống lụt bão, nước biển dâng của Hà Lan bị bỏ dở vì sự ra đi đột ngột đến ngỡ ngàng của Anh Sáu. Là thành viên trong chuyến đi đã đặt vé máy bay cùng Anh Sáu Dân đi Hà Lan đêm 2/6/2008 tôi càng chết lặng và sửng sốt khi nghe tin Anh Sáu vĩnh biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng. Mặc dù biết rằng “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật của đời người nhưng sự ra đi đột ngột của Anh Sáu đã làm cho tất cả chúng ta, đều bàng hoàng, đau xót, tiếc thương.
Chuyện Anh Vũ Khoan kể làm tôi bồi hồi xúc động và trào dâng bao kỷ niệm về Anh Sáu Dân. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến mấy câu thơ da diết của Anh Việt Phương:
“Người có biết đời cần người đến thế
Đời cần người lúc này bao xiết kể
Người đừng đi, đừng đi, đừng đi…”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét