Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương IX

IX- CĂMPUCHIA : LỄ HỘI VÀ NƯỚC

 Những ngày lễ tết ở Campuchia rất nhiều nếu không nói là lu bù. Làm việc ở Campuchia mà nghỉ theo bạn thì có đến gần một tháng ngày nghỉ trong năm. Vui. Chắc chắn là mỗi cái lễ hội của bạn đều có nguồn gốc xuất sứ khác nhau, ý nghĩa văn hóa tôn giáo phong phú đa dạng, song tôi vẫn nhận thấy có cái chung là lễ hội nào cũng có điểm gắn bó với nước.
Campuchia đón năm mới vào tháng Tư. Đây là Tết té nước cầu may, là Tết đón mưa của bạn, là dịp để mọi người làm một điều tốt trong nhà hoặc ngoài đường, trừ ma diệt quỷ, loại bỏ những điều xui xẻo của năm cũ. Lần đầu tôi đến Campuchia vào tháng 1 năm 1979, đúng vào mùa khô. Nắng chang chang, không khí khô không khốc, những con bò trắng gày tóp mông dô vai mệt mỏi lang thang chịu đói khát trên những cánh đồng hoang cây cỏ đã cháy xém khô cằn. Mới biết sau mấy tháng mùa khô, người ta mong chờ cơn mưa đầu mùa tới mức nào, té nước cho nhau cầu may chắc hẳn là theo cái ý nghĩa ấy. Bây giờ ở Campuchia vào dịp tết này người ta múa hát nhiều hơn té nước, phum sóc nào cũng răm vông thâu đêm, có té nước thì cũng té vây vẩy gọi là chứ không như ở Thái Lan. Ở Thái Lan ô tô đi thành từng đoàn ngược xuôi, trên xe chở thùng to thùng nhỏ nước, người này dội cho người kia ướt xũng mới là may. Nghe nói chính phủ đã có lệnh hạn chế té nước để tránh tai nạn. Người dân Campuchia hiền lành, biết tôn trọng luật pháp, hoặc nói nôm na là biết sợ, thành thử những chuyện như giải phóng vỉa hè, xắp xếp lại chợ, xây nhà đúng quy cách đến hạn chế té nước trong ngày Tết năm mới…đều làm rất ngon lành. Nghĩ ở Việt Nam mình những chuyện như thế khó quá, có phát mà không có động, phát mãi vẫn trơ ra, người dân mình, chính quyền mình có nhiều cái tốt nhưng cũng có nhiều cái cần phải soi xét lại.
Tết năm mới của Campuchia cũng kéo dài ba ngày. Nhà chùa đánh trống và chiêng báo hiệu năm mới nhưng thường người dân đã bắt đầu từ ngày hôm trước với phong tục đắp núi cát và mời các nhà sư làm lễ. Ngày thứ hai mọi người mang cơm lên chùa mời sư, buổi chiều làm lễ tắm cho sư và các nhà sư chúc phúc. Ngày thứ ba các vị già làng, cha mẹ hoặc những người cao tuồi tắm, sau đó các nhà sư làm lễ chúc phúc và cuối cùng là thả chim. Chim thì người này thả ra, người kia bắt lại đem bán cho người khác thả !  Người Campuchia thường đón năm mới trên chùa, ở đấy có nhạc lễ đồng thời là nhạc đón mừng năm mới. Trước tết mấy ngày, già trẻ lớn bé lo trang hoàng nhà chùa và nhà ở, có mua xắm hương hoa để thắp trên núi cát. Trong những ngày tết có tục lệ múa hát, nhiều điệu hát có từ thế kỷ thứ 8 cổ xưa mà họ vẫn còn lưu truyền lại được. Như thế chẳng phải là bạn làm tốt công tác bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc hay sao !
Năm mới qua đi ít lâu lại đến ngày Vua đi cày, vào khoảng tháng 5 hàng năm, là lúc đã có mưa, người nông dân đã có thể bắt đầu cày ruộng xuống mạ.  Ở Việt Nam, sách xưa ghi lại rằng vào Tết Nguyên đán năm Đinh Hợi (987),  vua Lê Đại Hành đã đến chân núi Đọi Sơn thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay, lần đầu tổ chức cày ruộng Tịch Điền,  mở đầu truyền thống tốt đẹp coi nông nghiệp làm gốc, gọi là “dĩ nông vi bản”, khi cày ruộng lại vớ được một hũ vàng, ý sâu xa cho người nông dân là chịu khó cày sâu cuốc bẫm thì được đền đáp chằng khác gì được vàng được bạc.  Từ đó về sau, các triều đại phong kiến nước ta vào Tết Nguyên đán đều duy trì nghi lễ tịch điền, đích thân vua xuống cày ruộng và nghi lễ này được tổ chức như một quốc lễ, chỉ chấm dứt dưới thời vua Khải Định nhà Nguyễn. Đứt đoạn từ năm 987 đến nay là quá lâu nên nhiều người nông dân Việt Nam, nhất là lớp nông dân trẻ chẳng còn mấy người biết xưa đã có tục vua đi cày.
Thành thử, lần đầu trong đời tôi được dự lễ Tịch điền lại là ở Campuchia, vào ngày 26/5/2005. Thực ra thì vua có đi cày đâu bởi vì buổi lễ được tổ chức long trọng ngay tại quảng trường Veal Men, trước cửa bảo tàng lịch sử Nông Pênh. Vua tới tọa trên ngai vàng đặt trên lễ đài, có sư ban phước, có nhạc lễ tưng bừng, rồi vua ban mũ cho một người có chức sắc đi cày tượng trưng trên những luống cát. Người Campuchia gọi đây là những Luống cày thiêng liêng. Có những con bò béo đẹp, to cao, chắc được nuôi nấng đặc biệt dành cho buổi lễ. Người ta bày ra giữa quảng trường thóc lúa, ngô đậu, cỏ...rồi thả bò ra cho chúng ăn, nếu bò dừng lại ăn loại nào nhiều thì dự đoán sẽ được mùa loại ấy. Những chiếc cày như cày chìa vôi nhưng dài và to hơn được hai bò kéo, chồng cày đi trước, vợ theo sau reo hạt, theo sau nữa là những tốp người mang nước uống và cơm ăn trong những chiếc hũ bạc. Người được vua ban mũ đi cày năm 2005 là Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Sar Khênh. Để đi vào nhận mũ vua ban, ông Sar Khênh được ngồi nghễu nghện trên một chiếc kiệu 6 người khiêng, có lọng che ngù thả, sau ông là bà vợ ngồi võng cũng có lọng che. Vợ chồng ông Sar Kheng phải là những người đi cày sướng nhất trên thế giới này. Năm ấy những con bò đã dừng lại ăn rất nhiều thóc, quả nhiên Campuchia được mùa to, sản lượng thóc hơn một triệu rưỡi tấn, có của ăn của để.
 Cặp bò tiêng trong lễ vua đi cày
Đi sau ông nông dân Phó Thủ tướng Sak kheng là một tốp người reo hạt. Tay họ vung lên khoáng đạt làm tôi lại nhớ đến bài thơ Người Gieo Hạt của Victor Hugo. Bài thơ đẹp quá, hình ảnh người nông dân reo hạt trên cánh đồng bao la đã được Hugor tạc vào thời gian mãi mãi. Thì ra ở đâu cũng thế, ở đâu người nông dân cũng được yêu qúy và tôn trọng. Nhưng mà vào thời toàn cầu hóa này, khi mà chất xám ngưng đọng trong một con chíp nhỏ bằng hạt gạo có giá ngang bằng hàng tấn thóc thì có khi hình ảnh đẹp đẽ kia của người nông dân cũng chỉ còn tồn tại trong thơ.
Vào ngày 26/5/2005 ấy người ngồi cạnh tôi trên lễ đài là Jacques Bekeart, Đại biện vương quốc Man-ta. Trong đoàn ngoại giao, vị trí chỗ ngồi được xếp theo thứ tự trình thư, ai trình trước ngồi trước, ai trình sau ngồi sau, người trình sau cùng thường ngồi sát hàng đại biện. Người lâu nhất thường là trưởng đoàn, ngồi ở vị trí đầu tiên. Nhìn những người ngồi trước có dễ đến gần 20 người tôi biết rằng mấy năm nữa tôi mới bò lên được hàng trên. Đoàn ngoại giao ở Campuchia ít, chắc đến năm thứ ba là tôi đã có thể lên ngồi cạnh trưởng đoàn ngoại giao.  Ở Pháp, sau 3 năm, khi đi dự lễ quốc khánh 14/7 tại quảng trường Công-coóc, chỗ ngồi của tôi vẫn  mãi xa phía sau. Về số lượng, đoàn ngoại giao ở Paris phải gấp mấy lần đoàn ngoại giao ở Nông Pênh.
Tôi xin kể tiếp chuyện lễ hội ở Campuchia. Cuối mùa mưa vào tháng 9 lại đến tết Pchum Bân, một cái Tết rất to ở Campuchia. Theo lời kể của anh Hem Xạ-em, Vụ trưởng Vụ Châu Á II Bộ Ngoại giao Campuchia, một người bạn vui tính và rất giỏi tiếng Việt, thì người ta tin rằng những người chết mà có quá nhiều tội lỗi thì không đầu thai lại được, bị giam hãm ở dưới âm phủ, đến dịp Pchum Bân, thần Yâma tức là Diêm Vương cưỡi trâu thả họ trong vòng 15 ngày về tìm người thân còn sống, được người thân cúng tế, bày tỏ tình cảm thương nhớ rồi từ đó mà phấn đấu tu dưỡng tốt để cải tà quy chính, mong sớm được đầu thai trở về cõi dương. Những linh hồn này lang thang trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ ngày rằm tháng 9, đứng vẩn vơ trước cửa các chùa đợi người nhà cúng cơm, nếu không gặp  thì lại chịu đói chịu khát, lạnh lùng cô đơn và họ có thể đau khổ mà nổi giận khiến những người thân gặp chuyện chẳng lành. Vì thế những người sống không dám sơ xuất, trong vòng 15 ngày lần lượt đi cúng ít nhất ở 7 chùa để cho những linh hồn không vào được chùa này thì vào chùa khác, đến ngày thứ 14 thức thâu đêm múa hát, ngày thứ 15 nhà nhà biện cỗ mời bạn bè thân thích, ăn uống chuyện trò vui vẻ kết thúc một đợt lễ dài. Có những loại bánh đặc biệt nhân đậu gói lá thốt nốt, giống như bánh tét bánh ít ở miền Nam ta được làm để đem lên chùa cúng vào dịp này. Anh Hem Xạ-em còn nói trước kia người Campuchia rất để ý gói bánh này thật nhỏ vì họ tin rằng các vong có cái miệng nhỏ lắm, đồ ăn làm to thì vong không há miệng ra mà ăn được.
          Pchum Bân năm 2008 tôi có theo bạn bè lên chùa, thấy ở cửa chùa để hàng ang to cơm trắng, bên trong sư bận cà sa màu vàng ngồi thành hàng dài, chờ người ta mang thức ăn vào góp. Cả nhà bố mẹ con cái kính cẩn dâng đồ ăn, nhờ sư kết nối với các vong, tưởng nhớ tới những người đã khuất, dâng cho họ những món ngon, cầu cho họ được siêu thoát, cầu cho bản thân được phúc lành.
 Lễ đua thuyền trên sông Bốn Mặt
Cũng giống như ngày rằm tháng bảy xá tội vong nhân của mình còn gọi là tết Vu Lan, Pchum Bân của Campuchia mang đậm ý nghĩa hiếu đễ của đạo Phật. Các vị sư cả thường thuyết giảng cho phật tử rằng cha mẹ chính là Phật ở trong nhà, trước khi đem đồ ăn dâng lên chùa thì phải dâng mời cha mẹ trước. Đạo hay đời, nếu ai ai cũng hiểu được điều giản dị ấy thì không phải thấy chuyện con cái ngược đãi cha mẹ, cuộc sống sẽ tốt đẹp thêm lên biết bao nhiêu. Viết đến đây tôi lại nhớ đến bài Hoa hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
  Cái khía cạnh liên quan đến nước ở lễ Pchum Bân là vào dịp này thì mây mưa đã quang dần và đến đúng khoảng cuối tháng 9 thì bầu trời trở nên xanh trong, báo hiệu mùa mưa đang qua và mùa khô đang tới. Quả thật là chỉ sau đó một tháng, đến tháng 11 là tới Tết nước, đua thuyền trên sông và đợi đón trăng rằm. Đây là thời điểm đánh dấu mùa mưa đã hết, mùa khô bắt đầu. Trong mùa mưa, nước sông Tongle Sap lên rất cao, làm cho cả vùng đồng bằng bị ngập lụt, làm cho nước ở Biển Hồ cũng dâng lên rất cao. Đến mùa khô, nước lại đổ về phía cuối dòng sông. Chính vào thời điểm này người ta tổ chức lễ hội nước. Người Campuchia cho rằng nước ở Biển Hồ được giữ trong suốt mùa mưa nhờ một cái dây, đến ngày lễ hội, nhà vua đích thân cắt chiếc dây này cho nước đổ xuống. Tất nhiên sau khi các nhà sư làm lễ xong, vua chỉ cắt một cách tượng trưng thôi. Hội đua thuyền cũng được tổ chức trong dịp này, càng chứng tỏ mọi lễ hội đều gắn liền với nước. Trước hết, người ta đua thuyền trong tỉnh đã, rồi tuyển ra được các đội giỏi nhất đại diện cho tỉnh mình đi đua toàn quốc vào đúng 3 ngày hội. Bây giờ để thúc đẩy du lịch, người ta còn tổ chức đua thuyển giữa các nước ASEAN vào dịp này. Những người đua thuyền như những tráng sĩ dũng mãnh của sông nước, vào cuộc đua với một nghị lực phi thường và tinh thần sắt đá. Họ mang hết tài năng, sự khéo léo và sức mạnh vào tay chèo, họ đua vì danh dự, danh dự của chiếc thuyền đang đua, danh dự của cả đội và nhất là danh dự của địa phương mình. Bởi vậy, Tết nước trên sông Bốn mặt ở Nông Pênh thật là hoành tráng. Đây là dịp người dân ở khắp các tỉnh thành kéo về Thủ đô vừa để dự lễ hội vừa để thăm Nông Pênh. Đối với rất nhiều người Cămpuchia thì còn là dịp hiếm có thể bày tỏ lòng yêu mến, ngưỡng mộ đối với Quốc vương, ai có diễm phúc thì được Ngài ban tặng quà, may mắn thì được chiêm ngưỡng Ngài từ xa, không thì nhìn thấy xe vua, chạy theo xe vua một đoạn cũng đã toại nguyện lắm rồi. Người dân Campuchia xùng đạo kính vua,  vua tôi đều quỳ gối cúi đầu vái lạy sư, còn đã là phận tôi thì thật sự cư sử như những thần dân, nghèo kiết xác hay giàu nứt đố đổ vách, từ anh lính quèn tới vị quan lớn chức tước thật cao sang thì cũng đều quỳ mọp dưới chân Quốc vương.
Tôi có hỏi một vài người bạn thân quen tại sao lại thế thì họ trả lời rất giản dị là bởi vì vua là vua, là người đại diện cao nhất của quốc gia và dân tộc, còn vì sao nữa thì cũng chẳng đào bới nghĩ ngợi làm gì nhiều, cứ trên là trên dưới là dưới, tôn ti trật tự rõ ràng, chẳng riêng gì với vua mà với mọi thứ bậc khác cũng thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét