Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Chú Tư, con là ai - Chương 7

    
                                                     7

Nước lên một ngày một lớn, lụt vô tuốt trong rừng. Xóm chài của tôi quần quật từ sớm tinh mơ tới tối mờ tối mịt, ai cũng ráng hết sức đặng tranh thủ kiếm đủ tiền mua xăng, mua lưới đón mùa nước giật. Nhà ông Mười ghe xuồng tốt lại đông người, có ngày trúng gần trăm ký. Hai chú cháu tôi bươn chải hết sức cũng chỉ được chừng hơn chục ký là cao, đủ đổi gạo, muối, dầu, số dư ra không bao nhiêu. Tôi lo chú Tư không dành đủ trả nợ số tiền mượn mua ghe. Có bữa tôi đi phụ chú, có bữa ở nhà làm cá khô với Gấm. Một hôm tôi và Gấm đang bỏ cá lên giàn phơi thì thấy có xuồng cập vô. Có ba thanh niên vui vẻ hỏi thăm anh Din, hỏi rồi họ nhảy tuốt lên ghe. Gấm tò mò, bỏ tôi phơi cá một mình, te te chạy về. Một lúc sau nó quay lại, tươi cười :
- Mấy ảnh ở dưới lên. Họ quen anh tao.
- Họ có quen mày không chớ ?
- Có một người em họ tao thì tao biết, những người kia lạ hoắc.
Những người này cùng anh Din pha cà phê ngồi hút thuốc thơm trên khoang ghe nhà Gấm,  thỉnh thoảng ngó chúng tôi cười. Gấm  toe toét cười trả lại, còn tôi thì lại thấy ngượng quá. Tôi bận chiếc áo màu tím cộc tay, có một miếng rách trên vai, quần sắn quá đầu gối, lại mang trên đầu một chiếc nón rách bươm. Chắc chắn trông tôi phải quê một cục. Tôi thấy ngượng thiệt, chạy về thay đồ thì kỳ quá, nhưng cứ đứng đây cho người ta dòm mình thế này thì ngượng chín người. Miếng rách trên vai áo hình như  rộng ra, tôi thấy cả gió lùa vô chỗ ấy lành lạnh. Mình ngượng thì vậy thôi chớ họ ngồi xa thấy sao được miếng áo rách. Tôi dòm qua Gấm, thấy nó cũng quê mùa luộm thuộm như tôi, lại gày đét, nhưng nó tỉnh bơ như không. Chốc chốc nó lại quay ra cười với những người khách lạ, huơ tay như chào họ. Rồi nó ca rất tự nhiên :
     Ở trên này cực lắm các anh ơi
     Đêm thời chúng em mổ cá ngày thời phải đem phơi khô.
Không biết bọn họ có nghe được hết không mà cả bọn đều nhăn răng cười có vẻ khoái lắm. Họ ở lại nhà Gấm khá lâu, thỉnh thoảng cùng đi lưới cá với anh Din nhưng phần nhiều thời gian họ chỉ đi dạo chơi, buổi tối hút thuốc lá và ca hát nhộn nhịp. Trong số họ có một anh hay ra mũi ghe dòm qua tôi. Mỗi lần bắt gặp anh ta dòm qua là tôi chui vô mui luôn. Chỉ vậy thôi mà tôi đã không dám sắn quần hoặc bận đồ rách để đi phụ chú Tư nữa. Chú Tư cười, chọc tôi :
- Con này biết làm dáng rồi.
Một hôm con Gấm bỗng dưng dắt cả ba anh qua chơi. Tôi xấu hổ ngồi nép vô một chỗ. Gấm giới thiệu :
- Đây là anh Tới, em họ tao. Đây là anh Hán, còn đây là anh Chương, bạn anh Tới. Các ảnh đòi qua thăm mày đó.
Tôi không biết phải nói gì nên cứ ngồi im thít, mắt nhìn xuống sàn. Họ chán quá, kéo nhau về, còn một anh ngồi lại. Sao anh này lì quá, không về luôn đi, ngồi riêng hai người như vầy khó coi quá. Bỗng dưng anh ta hỏi :
- Bộ em không nhận ra anh hả ?
Tôi ngạc nhiên nhìn lên :
- Đã khi nào gặp mà nhận ra. Có quen đâu.
- Có quen mà. Tôi nhận ra em ngay.
- Sạo. Chưa gặp bao giờ.
- Hồi nhỏ em đã thắt dây thun cho tôi. Tôi cho em tới năm cục bi ve, em nhớ không !
Tôi ngó thẳng vô mặt anh ta, hình như thấy quen quen.
- Em là em gái của thằng Hai Dũng mà ?
- Trời ơi sao anh biết ?
- Chơi với nhau suốt ngày,  bộ em quên thiệt sao ?
Tôi bất chợt nhớ ra tất cả, không ghìm được vui sướng reo lên :
- Anh là anh  Tư Cháy phải không ? Sao con Gấm kêu anh là Chương ?
- Đổi lại tên rồi.
- Bộ tên Chương thì anh hết đen như cháy hay sao ?
- Đâu có, mình lớn rồi, phải chọn cái tên sao coi cho được chớ.
- Anh có nghe tin gì về má em và anh Hai không ?
- Có nghe. Anh nghe nói thằng Hai Dũng và  thằng Som Bát theo bộ đội lên Campuchia từ đầu. Má em cũng lên và lấy chồng rồi.
- Ôi, lạy trời, vậy là họ còn sống hết.  Anh có biết họ đang ở đâu không ?
- Không biết, để anh dò coi.
Bao nhiêu ngượng ngập mất tiêu luôn, tôi sung sướng chỉ muốn reo lên, nhảy tới ôm lấy anh Cháy, à anh Chương, nhưng không dám. Tôi khoe ngay chú Tư. Chú Tư nghe chuyện cũng mừng khôn xiết, gọi qua ghe nhà Gấm :
- Thằng Cháy ra tao coi lớn bao nhiêu rồi.
Cháy chạy ra chào chú Tư. Tôi ghẹo :
- Ảnh đổi tên rồi chú, bây giờ kêu là Chương cho trắng, kêu Cháy đen chết.
- Tao coi nó vẫn đen thấy mồ.
- Con đổi tên cho đẹp thôi chú, con vẫn đen mà.
- Khoẻ mạnh và lớn quá ta. Mày đem cái tin vui cho con Nhung đó hả ?
- Dạ, con nghe mấy ông xã ở dưới nói vậy. Lần này về con dò thêm.
- Biểu tất cả anh em bạn mày sang chú nhậu đi, chú mời. Mừng quá trời còn gì. Tụi bay thích nhậu món gì ?
- Nhậu gì cũng được chú.
- Vậy con Nhung đi làm mấy con cá lóc đãi tụi nó nghe.
Chú Tư hỏi các anh đủ thứ chuyện ở bển nhưng họ trả lời câu chăng câu chớ khiến chú chưng hửng. Chú phán một câu :
- Tụi bay thanh niên gì mà kỳ quá vậy, quê nhà đất nước đi lên ra sao mà tụi bay cũng hổng có biết.
Anh Cháy chống chế :
- Chú, tụi con cũng lo làm ăn thiệt mà, cũng khó khăn lắm chớ.
Sau bữa nhậu, anh Tới và anh Cháy về dưới, còn anh Hán ở lại. Coi bộ anh Hán thích con Gấm dữ quá. Má  Gấm sợ luôn, giữ chặt con gái ở nhà. Bả buộc tôi phải luôn đi kèm con Gấm. Kiểm soát gắt gao thế nên anh Hán không làm gì được, anh mới kêu tôi :
- Nhung đi với anh, kêu Gấm đi cùng. Anh không rủ nó đi một mình được.
- Anh phải lòng nó rồi hay sao mà dính thế ?
- Anh thương nó. Sắp tới anh anh phải về dưới rồi nên muốn gặp nó.
- Nó có thương anh không ?
- Hổng biết nên mới phải gọi nó đi để hỏi cho rõ.
Tôi gọi Gấm, nó đi ngay, nó cũng chỉ đợi có thế. Anh Hán dẫn chúng tôi vô ghe cà phê nhà dì Tám. Gấm bắt tôi ngồi giữa, anh Hán một bên, nó một bên. Hai người hỏi nhau có thương không, không thương, có thương, tôi nghe mà phát chán, cơn buồn ngủ kéo đến híp cả mắt. Tôi cúi xuống ngủ lơ mơ nhưng vẫn biết tụi nó vòng tay qua lưng tôi nắm tay nhau. Một lúc anh Hán khều tôi, nói nhỏ :
- Bây giờ mình đi về, tới gần nhà em giả bộ quên cái gì quay lại lấy, cho anh hun Gấm một cái, mai anh về bển sớm.
Tôi nghe tức cười nhưng vẫn làm theo. Trời tối đen, bờ sông mấp mô chỗ cao chỗ thấp thậm thụt. Một bên là đồng ngập nước, đom đóm to như cái bóng đèn pin bay loang loáng, một bên là xóm ghe vẫn vẳng lên tiếng thùng bát nhà ai kêu bập bùng. Anh Hán bấm tay tôi ra tín hiệu, tôi nói quên cái dép quay lại lấy, kỳ thực chân tôi đang dận dép. Đi được mươi bước tôi ngồi thụp xuống ngó lại. Anh Hán kéo con Gấm vô, nó vùng vằng gỡ ra. Anh lại kéo nó vô, lần này nó im. Anh Hán ôm riết nó hun đã đời, tôi cũng thấy nổi hết da gà. Muỗi chích quá không chịu được, tôi đứng lên giả bộ ho. Họ buông nhau ra. Tôi hỏi :
- Hun xong chưa ?
Gấm không nói gì. Anh Hán trả lời :
-       Con này quê quá, em tưởng hun chút xíu là xong ngay à !
-       Hun lâu muỗi chích tôi không chịu được.
 Anh Hán cầm tay con Gấm  lắc nhẹ :
- Tụi bay vô trước đi.
Xuống tới ghe, tôi hỏi Gấm :
- Hun thế nào, đã không ?
Gấm không nói gì. Tôi lại hỏi :
- Mày thương anh Hán thiệt ?
- Tao không biết. Thôi, ngủ đi.
Tôi thấy lạ, không thương sao cho hun, hun dễ quá à, tới tôi thương ai tôi sẽ làm khó cho coi. Nghĩ vậy nhưng không ngờ những chuyện hẹn hò như của Gấm cũng lại cùng lúc tới với tôi.  Không bao lâu sau, bộ ba các anh Tới, Hán và Cháy lại rủ nhau trở lên. Cháy vác theo một bao tải đậu phọng đưa tôi. Tôi hỏi :
- Anh mang đậu phọng cho ai ?
- Em đưa vô nói anh biếu chú Tư. Đậu phọng nhà trồng đó.
Tôi nóng lòng muốn biết tin má và anh Hai.
- Anh Cháy, anh đã dò biết má và anh Hai em ở đâu chưa ?
Anh Cháy trả lời tỉnh khô :
- Chưa.
- Ủa, vậy anh trở lên làm gì ?
Anh xượng xùng :
- Anh để ý thương Nhung thì anh trở lên.
Tôi bật cười khanh khách :
- Dưới Việt Nam bao nhiêu gái đẹp sao anh không thương, anh lại thương em ?
- Anh thương em vì em đẹp tự nhiên. Dưới đó con gái chưng diện nhiều quá nên anh không thích.
Lần đầu tiên có người con trai khen tôi đẹp, tôi thấy xấu hổ ít mà vui thích nhiều. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình đẹp, cũng chẳng mấy khi có kính mà soi. Tôi thường nghĩ người đẹp phải như út Thủy, nghĩa là mông nở, vú to, trắng trẻo và nhất là phải luôn tươi vui rạng rỡ như ban ngày đầy nắng gió. Khổ sở như tôi thì không thể nào đẹp được, không khi nào có thể rạng rỡ như  dì út Thủy thầ tượng của tôi, nhưng còn đẹp tự nhiên là như thế nào thì tôi chưa biết, chưa hình dung ra.
- Mới gặp lại em mà anh đã nói anh thương. Anh thấy em nhà quê anh gạt em chớ gì ?
- Anh thương thiệt mà Nhung. Không tin anh về kêu ba má lên hỏi cưới em liền.
Tôi lại bật cười, nhưng không cười to được như trước. Tôi cố chọc anh :
- Lên cưới thì em chịu, thương em thì em sợ, em không dám thương.
- Vậy Nhung chịu thương anh thiệt chớ ?
- Cưới thì em chịu, còn thương thì em không biết có thương không.
Tôi cứ tưởng đó là những chuyện bông lơn. Vậy mà anh Cháy đi đi về về rất thường xuyên, gặp ai cũng nói anh về Việt Nam nhưng nhớ tôi quá nên lại lên thăm. Cả xóm chài bắt đầu bàn tán chuyện anh Cháy với tôi, tôi đi đâu cũng thấy ngượng, cũng thấy như có người dòm mình, dò xét mình. Ngày ngày đi kiếm rau chai rau muống về nuôi heo, đi trên bờ đìa là tôi lại như nhìn thấy anh. Có lần bất chợt con Gấm hỏi :
- Hun chưa ?
- Chưa hun. Tao còn khờ lắm.
Tôi còn khờ thiệt, tôi mới thấy thinh thích nhưng chưa biết thương. Tôi chọc anh Cháy :
- Anh đã kêu ba má lên hỏi cưới em chưa ?
Anh hồ hởi trả lời liền :
- Rồi, ông bả nhờ bà cô anh trên này tới coi trước.
- Anh có bà cô trên này ? Coi trước là coi làm sao ?
- Là coi em có đẹp có xinh không, có vừa mắt không, tính nết có thuần, có siêng không, về nhà chồng có biết làm việc không.
- Trời ơi, sao bày ra chuyện đó. Em vừa xấu vừa lười, anh thương em làm chi.
- Em đẹp lắm chớ, mình đẹp thì phải biết mình đẹp, cớ sao lại nói mình xấu ! Bà cô anh có tới anh cam đoan bả mê luôn.
- Anh Cháy sạo quá rồi.
  Tôi đỏ bừng mặt , tim đập rộn ràng, y hệt khi uống chút rượu của chú Tư. Cứ tưởng toàn chuyện nói chơi ai dè lại xoay qua thiệt. Tôi hoang mang, luống cuống tránh chạm mặt anh Cháy.  Chú Tư  bị bất thình lình khi anh dẫn bà cô tới gặp. Bà cô dòm tôi như dòm hàng, chắc trong đầu bả nghĩ con này ốm nhách. May mà tôi đã bận cái áo cụt tay màu tím, miếng rách trên vai đã vá lại, trông cũng gọn gàng. Chú Tư ngồi im nghe bà tra vấn tôi :
- Con biết nhà nó vừa làm ghe vừa trồng đậu phộng không ?
- Dạ không.
- Con ốm yếu quá làm sao mà gánh nước tưới cây được ?
- Dạ, con không gánh nước tưới cây được.
- Con chịu ưng nó không ?
Mèn ơi hỏi chi khó dữ vậy, tôi còn chưa biết tôi có thương ảnh thiệt không nói chi tới chịu hay không, mà có chịu tôi cũng không nói liền rằng mình chịu. Tôi nhanh trí chỉ qua chú Tư :
- Dì hỏi chú Tư coi chú có chịu không.
Bà cô quay nhìn chú Tư, chú nói 
- Tôi đâu có quyết định được chị Hai. Má con Nhung còn đang lưu lạc ở đâu, chưa tìm được. Tôi đã nhờ thăm dò mà chưa có hồi âm. Vậy nên chuyện lấy chồng của con Nhung phải chờ vài năm nữa. Mà cũng để nó lớn thêm, nó đang còn nhỏ quá. Thằng Cháy thương thiệt thì chờ hai ba năm nữa đi.
Nghe nói tới đó anh Cháy buồn quá bật khóc. Coi anh ngồi khóc thút thít tôi không nhịn được bật cười. Anh Cháy quay sang trách tôi :
- Thấy anh khóc bộ vui lắm hay sao mà cười.
- Tôi không biết là vui hay buồn, thấy anh khóc thì mắc cười không nín được.
Bà cô anh Cháy vui vẻ nói :
- Tụi bay đúng là còn trẻ con. Cô ngó thấy ưng rồi đó, thằng Cháy chịu khó chờ thêm đi, cô nhắn ba má mày sớm lên hỏi. Chẳng dấu chú Tư, ông bả dưới đó cần người làm lắm, muốn kiếm vợ sớm cho thằng Cháy.
Sau lần gặp gỡ này anh Cháy tới lui thường xuyên, thân mật tự nhiên hơn. Có lần ngồi riêng, anh nói :
- Nhớ em quá, khi ngủ cứ nằm mơ thấy em.
Thiệt lòng thì tôi bắt đầu thấy thương anh, lâu lâu anh không lên là thấy buồn nhớ, có cái gì da diết rất khó tả, rất mong gặp anh mà khi mới nhìn thấy anh từ xa là tim tôi đã đập loạn lên.
- Em cũng thấy nhớ anh rồi, nhưng chưa tìm được má, biết sao ! Hay là anh đi dò tìm má đi.
- Chờ hai ba năm gì anh cũng chờ được, chỉ sợ gặp má rồi má  lại gả cho người khác.
Nghe anh Cháy nói vậy tôi thấy buồn xỉu đi, tôi và anh đang ngồi kế nhau đây nhưng mọi cái phía trước còn mong manh quá. Tôi thở dài :
- Em cũng không biết nữa, má gả cho ai thì phải chịu người đó thôi chớ em đâu có dám.
- Gì anh cũng chờ, anh nhất định đòi má phải gả cho anh.
Bất thình lình anh  hỏi :
- Cho anh nắm tay Nhung được không ?
- Em  quê lắm anh Cháy, em sợ lắm.
- Anh nắm tay nghen.
Tôi để cho anh nắm tay. Đây có phải lần đầu anh Cháy nắm tay tôi đâu, hồi bé bện thun anh ý đã cầm tay tôi xềnh xệch kéo chạy theo anh, mới đây nhất cũng cầm tay đỡ tôi nhảy qua ghe nhà Gấm, vậy mà lần này tôi thấy người nóng ran và tim ép lại, trống ngực đập loạn xạ. Tôi cứ để im tay mình trong tay anh.  Tôi liếc nhìn xung quanh, chỉ có hai đứa tôi trên ghe. Cả hai đều ngồi ngây ra, không biết nói chuyện gì thêm nữa. Anh cầm tay tôi mân mê một chập rồi kéo tôi xích dần vô, bất thình lình hun lên má tôi. Tôi giật mình sực tỉnh, giựt khỏi tay anh, đẩy anh ra. Anh lại cầm cổ tay tôi kéo vô, kéo tới tôi ngã vô lòng anh, quyết liệt nâng mặt tôi lên rồi hun vô miệng tôi. Tôi run rẩy, không tài nào cưỡng lại được.
Những ngày có các anh ở chơi là những ngày thiệt vui thích. Tôi và Gấm làm quần quật cả ngày không biết mệt, nóng lòng chờ đến đêm sáng trăng. Cả bọn rủ nhau đi dạo trên bờ đìa trăng sáng, nói đủ các loại chuyện, chế nhạo chọc ghẹo lẫn nhau, đẩy cái Gấm vào cho anh Hán hun, lại đẩy tôi vô cho anh Cháy hun. Em họ Gấm là anh Tới thường tìm cách đi gần sát tôi, tranh thủ nói :
- Anh cũng thương em.
Tôi cười khanh khách, đẩy anh ta ra xa. Sao bỗng dưng một lúc lại có tới hai người cùng nói thương tôi. Còn tôi thì tôi đã thương Cháy rồi, lúc nào tôi cũng chỉ mong được gặp anh. Đợi một ít lâu nữa nếu không tìm được má thì chắc chú Tư cũng sẽ đồng ý gả tôi cho Cháy, lúc ấy tôi sẽ được ở với anh suốt cả ngày. Một tối cả bọn dạo chơi tới khuya, khi trở về ghe, anh Hán, con Gấm và tôi đi trước. Anh Cháy và Tới đi sau. Về tới ghe, bỗng nghe tiếng ầm, như có người ngã xuống đìa.  Tôi quay trở lại, hỏi Cháy :
- Anh ngã xuống đìa ?  Đáng đời.
- Đâu có. Anh uýnh thằng Tới ngã xuống đìa thì có.
- Trời ơi, sao vậy.
- Nó biết anh thương em, vậy mà nó luôn mồm nói thích em. Lại còn biểu ba má anh không đồng ý thì anh để em cho nó. Bậy quá, anh uýnh nó lộn cổ xuống đìa.
 Vậy là anh Cháy vẫn hay uýnh lộn. Anh cầm tay tôi, đặt vô một cái kẹp tóc, nói anh tặng em. Tôi nắm chặt tay, sợ buông ra thì chiếc kẹp tóc rớt mất. Về tới ghe là tôi đã nhớ anh , nhắm mắt vô là mơ thấy anh ấy cầm tay mình. Trong lúc miên man nhớ nhung tôi chợt nghĩ tới câu nói của Cháy. Tại sao Tới lại biểu Cháy nếu ba má anh không đồng ý tôi thì để tôi cho Cháy. Chẳng phải là có chuyện ba má Cháy không ưng tôi hay sao. Vui vẻ quá nên không nghĩ ra ngay chỗ dích dắc này nên sớm sau tôi kiếm ngay anh Cháy để hỏi cho rõ chuyện.
- Bữa qua anh biểu ba má anh không đồng ý em ?
 Cháy đang vui bỗng xìu mặt xuống, khổ sở trả lời :
- Anh có nói mãi nhưng ông bả vẫn không thuận.
- Làm sao ông bả không thuận ?
- Ông bả biểu em là gái Campuchia.
 Tôi chết lặng khi nghe anh nói vây. Thì ra ba má ảnh không thuận vì tôi là gái Campuchia. Ai biểu họ tôi là gái Campuchia ! Từ nhỏ tới giờ tôi chưa hề nghĩ xem mình là ai, việc gì phải tìm hiểu khi tôi luôn cho rằng hiển nhiên tôi là người Việt. Tôi xững sờ và trở nên hoang mang cực độ, đau lòng gắt lên với Cháy :
- Anh thương tôi tại sao anh không nói tôi đâu phải gái Campuchia ?
 - Có nói mà ông bả vẫn không chịu nghe.
- Vậy thì anh về dưới ấy mà lấy gái Việt đi.
Tôi bật khóc tức tưởi, vùng bỏ chạy về ghe, mặc kệ Cháy cuống cuồng đuổi theo sau. Cũng vừa lúc chú Tư định xuống xuồng đi giăng lưới. Tôi níu chú lại, vừa khóc vừa hỏi :
- Chú Tư, con là ai ?
Chú ngơ ngác, không hiểu đã xảy ra chuyện gì.
- Chú nói đi, con là ai ? Là gái Việt hay gái Campuchia ?
Chú Tư kéo tôi ngồi xuống.
- Từ từ nói coi có chuyện gì.
Vừa lúc đó anh Cháy cũng tới. Mới đây thôi tôi còn thương nhớ anh, làm gì cũng nghĩ tới anh, vậy mà lúc này sao tôi ghét anh quá, không còn muốn thấy anh trước mặt, không muốn nhìn vô anh nên mới gào lên quầy quậy đuổi anh :
-       Anh về dưới ấy đi, anh đi đi !




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét