Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương VII

                           VII-TIẾNG THỞ DÀI
CỦA ÔNG PHẠM THẾ DUYỆT

                  

Ngày 23/1/2006, nhân dịp tết Bính Tuất, tôi đi thăm một xóm Việt kiều trong đó có nhà bà Võ Thị Lền, 66 tuổi, ở tổ 35-36, ấp Tua Rka, phường Chak Angre Crom, quận Mean Chey. Đây là một xóm nghèo ven sông Mê Kong, gần Nông Pênh. Gọi là nhà vì bà Lền sống ở đấy chứ thật ra nó không phải cái nhà, nó là cái lều, mà lại là cái lều sàn vì nó được bắc trên mấy cái cột khẳng khiu. Lúc đầu mọi người ngăn tôi đừng lên bởi vì trước hết phải đi ván lên một chiếc thuyền của người khác, rồi lại từ cái thuyền ấy đi qua hai nhịp cầu độc bắc díc dắc mới lên được đến cái lều sàn của bà Lền. Tôi cứ lên, cứ đi trên những chiếc ván rộng chừng 20 phân bập bà bập bùng để hỏi thăm bà. Một mình bà ngồi trên chiếc lều rộng chừng 5, 6 mét vuông, ngồi ôm gối, tóc bạc rối tung, mắt lòa ngước lên nhìn chúng tôi nhưng chắc không trông thấy gì bởi vì tôi thấy bà phải chú ý nghe ngóng bằng đôi tai của mình. Tôi hỏi có biết Tết đến rồi không, bà nói không. Tôi hỏi dưới mình quê bà ở đâu, bà bảo lâu ngày không nhớ nữa. Lại hỏi con cháu họ hàng có ai, lại trả lời không còn ai. Thế là ba không. Tôi sợ, không dám hỏi từ sáng đến giờ đã ăn gì chưa. Bởi vì chưa hỏi đã muốn khóc, mà không dám khóc, thể diện nào mà muốn khóc ở chỗ này !
                
                    (Chèo thuyền trên Tông-lê Sáp, ảnh minh họa)
Một lần khác tôi đi thăm bà Võ thị Kim Loan ở ấp Sen Sok, phường Khmuôi, quận Russey Keo. Nơi này cách sông Mê Kông xa hơn, nằm giữa cánh đồng khô hạn, dễ cháy, bụi bẩn cả ngày. Bà  Loan cũng ở trong lều, nhưng không phải lều sàn như bà Lền, hơn bà Lền là có một đứa cháu ngơ ngơ ngẩn ngẩn, không biết cháu kiểu gì.
Họ là Việt kiều đấy, theo cách gọi của một số người thì họ là kiều đấy. Khi ở An-giê-ri, tôi đã viết một bài báo với đầu đề Cũng là một đời Kiều. Để viết bài báo này chủ yếu tôi đã nghe những chuyện do anh Vũ Duy Láu, lúc ấy là Bí thư thứ nhất Sứ quan, kể lại. Anh Láu là người đã công tác mấy khoá ở Châu Phi, đã gặp nhiều bà con mình. Qua những chuyện của anh Láu, tôi cảm thấy nỗi tê tái của những người xa quê. Khi sang Ma-li trình quốc thư, tôi đã gặp một số bà con mình, trong đó có bà Tuyết, chủ một tiệm cơm rất đông khách. Bà đã nuôi chúng tôi trong suốt thời gian một tuần, nuôi cơm thịt, nuôi bia rượu không lấy tiền. Những người đến công tác trước tôi, kể cả ông Ngô Điền, cũng được bà đối đãi như thế. Cảm động lắm, gặp chúng tôi là cứ  day dứt nỗi xa nhà. Bà con ở châu Phi lúc ấy xa tít tắp không về được quê hương đã đành, đằng này ở ngay Campuchia mà cũng rất đông người nghèo kiết, không lấy đâu ra tiền mà về dưới, tức là về quê. Cầu kiều trong ca dao là cái cầu đẹp vì nó là cái cầu hiếu học,  nói lên nỗi khao khát hướng tới cái sự học.
          Muốn sang thì bắc cầu Kiều
          Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
          Còn cái cầu Kiều của những người xa sứ thì mây gió tha phương lắm, qua cái cầu này rồi thì bỗng dưng sẽ trở thành kiều dân, có qua mà không tính trước được ngày trở lại. Tuy nhiên tình cảm xa sứ kiểu này là tình cảm của thời xưa thôi, thời mà cái làng cái xã ở nhà quê cũng bao la chứ đừng nói gì thế giới. Bây giờ thế giới hội nhập, công nghệ thông tin tung ra thị trường nào in-téc-nét nào là 3G, hàng loạt các hãng máy bay giá rẻ ra đời, kiều dân bỗng dưng  trở thành các công dân quốc tế, bỗng dưng sẽ có hai quốc tịch, kiều hối tăng nhanh hàng năm, Việt kiều trí thức đóng góp chất xám…. Oai lắm.   
Tuy vậy Việt kiều ở Campuchia phần đông vẫn nghèo, vì sao nghèo thế thì nhiều nguyên nhân lắm, biết hết cả nhưng nó cứ rối như cái bòng bong, chưa gỡ ra hết được.
Cứ mỗi lần đi thăm bà con về là trong lòng lại nặng nề tâm sự, lại thấy như mình còn có nhiều lỗi hẹn với bà con, day dứt muốn làm một cái gì cho bà con. Vẫn biết những cố gắng từ xưa nay cũng nhiều đấy, cũng đậm đà đấy nhưng vẫn chỉ như muối bỏ bể. Các cụ xưa nói tiền vào chỗ khó như gió vào chỗ trống thật chẳng sai.
Bây giờ ở Cămpuchia cũng đã có nhiều Việt kiều làm ăn khấm khá, có cuộc sống dễ chịu hơn nhưng phần nhiều vẫn sống trôi nổi trong nhà thuyền trên mặt nước Biển Hồ hoặc dọc các con sông, kênh rạch, làm nghề nuôi, đánh bắt và chế biến thủy sản. Nhiều người khác sống bằng đủ các thứ nghề nặng nhọc như mộc, nề, xe ôm, ve chai, lao công, bốc vác, hàng rong…, công việc thì không ổn định, thu nhập thì thất thường.
Tôi đã mấy lần đi Biển Hồ thăm bà con, được gặp chị Tuyết lúc ấy là Chi Hội trưởng chi hội Việt kiều Giàng Pháo thuộc khu vực Biển Hồ tỉnh Công Pông Chnang. Chị là Việt kiều cốt cán từ bé, cả đời lăn lộn với phong trào, tinh thần yêu nước lúc nào cũng cao ngất trong từng việc làm, từng câu chuyện của mình. Chị dẫn tôi đi thăm bà con, đi huỳnh huỵch trên ván thuyền, nhẩy ào ào từ thuyền này sang thuyền khác,  luôn miệng cười nói chào hỏi. Rồi chị đưa tôi về nhà, tức về thuyền của chị, cho xem ảnh thời kháng chiến, lúc ấy tuy còn trẻ nhưng trông chị đã giống như một người đàn ông thuyền chài thực thụ. Rồi chị thết tôi một bữa cơm có món canh chua nấu với lòng và đầu cá xủ cùng một chén nước mắm gan cá. Đây là một trong số ít những bữa cơm tuyệt nhất trong đời Đại sứ của tôi. Tôi hỏi tại sao chỉ đãi Đại sứ toàn lòng và đầu cá thì chị cười và giảng giải cho tôi rằng bao nhiêu phần thân cá đã đem phơi khô hết rồi, người dân vào mùa cá thì chỉ ăn đầu và lòng cá thôi. Mùa làm cá thì gan cá cũng nhiều, người ta mới mang gan cá ấy ra làm thành một thứ nước mắm tuyệt ngon, được ít lắm nên nhà nào giữ lại cho nhà ấy. Chị cười, đọc cho tôi nghe hai câu ca :
Biển Hồ cực lắm ai ơi
Đêm thời mổ cá ngày thời đem phơi.
Cả đời chị sống ở Biển Hồ, những câu chuyện chị kể về tôm cá Biển Hồ, về cuộc chiến đấu chống bọn Pôn Pốt ở Biển Hồ và về cuộc sống của cư dân Việt trên Biển Hồ chứa đựng bao nhiêu những cay cực khổ ải nhưng đầy ắp chất lãng mạn, lòng vị tha và nhất là tình yêu hướng về Tổ quốc. 
                                
                     (Biển hồ Campuchia, ảnh minh họa)
                    
Tôi đã đi nhiều nơi, đã được gặp nhiều người, từ những người nghèo kiết xác đến những người giàu nứt đố đổ vách, dù họ là ai, trong hoàn cảnh nào, ở đâu tôi cũng đều thấy hai chữ Tổ Quốc như ngọn đuốc sáng ngời trong lòng bà con. Viết tới đây tôi lại nhớ tới bà con trong thời kỳ tôi công tác tại Pháp. Hình ảnh những Lâm Bá Châu, Nguyễn Văn Bổn, Nguyễn Thiện Đạo, Trần Văn Khê, hình ảnh các bác Dớ, bác Học, bác Hệ, các em Pascal Tân, Kiều Thu…lại hiện lên rõ mồn một trong tâm trí tôi như những người thân trong cuộc đời mình.
Xin nhắc lại một vài kỷ niệm về ngày tết. Tết âm lịch thường trùng vào cuối tháng một hoặc tháng hai dương lịch, là lúc những cây tiêu huyền trước cổng Sứ quán ở phố Boa-lô phơi ra những cái búp non như nắm tay trẻ con, chỉ đợi nắng lên là xoè nở. Trong cái giá rét sau Nô-en và tết dương lịch, bà con cô bác hồ hởi cùng chuẩn bị cho ngày gặp gỡ đầu xuân.
Bà con cô bác đến Sứ quán như những người con xa về nhà lo đón tết. Trước tết ba ngày, nhiều cô bác đã đến làm nem. Làm vài nghìn chiếc nem trong ngày là một công việc vất vả. Các cô các bác người đứng người ngồi thành dẫy, ngực quấn tạp dề, tay cuốn thoăn thoắt, hành sống và hạt tiêu trộn nem xông lên mắt đỏ mọng. Mọi người đua nhau kể về những kỷ niệm ngày còn trong nước, có người cao hứng vừa làm vừa đọc thơ hoặc hát cải lương. Công việc xong sớm cũng phải sáu bẩy giờ, có năm phải đến chín giờ tối. Ngoài trời rét bốn năm độ, có năm tuyết rơi như mưa nhưng trong lòng ai cũng cảm thấy có ngọn lửa ấm áp vô cùng. Nem chỉ là một món, Sứ quán còn phải nhờ cô bác chuẩn bị nhiều món khác, các cô bác lại chia việc cho nhau, hội công nhân lo món nộm gà xé phay, hội thương gia làm món tôm rán bọc vừng...Ngày trước, khi Hàng không Việt Nam chưa có điều kiện giúp đưa bánh chưng hành nén từ trong nước sang, cô bác còn giúp gói cả bánh chưng, có khi các cô bác từ những tỉnh xa như Mác-xây, Boóc-đô còn chở hàng xe bánh chưng lên góp. Những chiếc bánh chưng ấy chỉ gói bằng một lớp lá chuối mỏng mà như đã gói ghém tất cả tấm lòng hiếu thảo với quê hương đất nước của bà con. Nhiều cô bác mải lo bếp núc và bày cỗ cho đến tận giờ khai mạc mới vội vàng mặc áo dài, com-lê lên dự. Khi các bác đến phòng tiệc thì khách đã đông kín, ôm hôn các bác mà tôi vẫn ngửi thấy mùi thức ăn còn vương trên những mái tóc bạc.
Càng gần ngày tết, không khí chuẩn bị càng náo nức. Có người mải công việc quay ra đã chiều 30, băn khuăn vì quần áo lễ đã cũ nên vội vàng đi mua bộ com-lê màu đen giá ba nghìn quan mặc luôn từ cửa hiệu về thẳng Sứ quán đón tết. Nhiều thiếu nữ rủ nhau may áo dài từ trước hàng tháng, may lấy cho nhau, chọn những màu sắc rực rỡ như hoa xuân, tội một nỗi không thể chỉ mặc riêng áo dài vì thời tiết thường quá lạnh. Nhiều cô bác sát giờ còn gọi cho cán bộ Sứ quán hỏi xem có cho con dâu, con rể, các cháu nội ngoại đi kèm được không. Hỏi vậy thôi, có bác dắt theo ba con gái kèm theo ba chàng rể Tây cao lớn, đối với họ tết bên vợ là một đêm hội tưng bừng. Tội nhất là những cô bác không tìm được chỗ đỗ xe. Đỗ xe ở Pa-ri rất khó, tìm được chỗ đỗ ở phố Boa-lô là nơi có Sứ quán còn khó hơn. Bà con đến Sứ quán thường đi tàu điện ngầm. Những người đi ô tô phải vòng mấy lượt ở những phố chung quanh, tìm được chỗ đỗ quay lại thì phòng tiệc đã chuyển sang phần văn nghệ, nhưng còn gì vẫn ăn nấy rất vui vẻ.  Nhiều cô bác đi hàng trăm cây số về dự tết, lúc vào tiệc hỏi lấy phần đem về, rất tự nhiên gắp nửa cái bánh chưng, mấy củ dưa hành gói vào túi, cảm động không khác gì đi cỗ chạp, cỗ họ ở quê.        
Ở Cămpuchia thì không như thế, ở đây còn có nhiều người cần đến những gói quà tết, một gói mứt tết, dăm cân gạo, một gói mì chính, mấy lon nước ngọt và nhất là một phong bao tiền lì xì, dù chỉ là một đô la chuyển sang thành bốn riên tiền Cămpuchia cũng đủ làm cho nhiều người nghèo cảm nhận được tình cảm ấm nồng của đồng bào đùm bọc lẫn nhau nhân ngày xuân đến.
          Có một lần tôi được tháp tùng Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt thăm Cămpuchia. Văn phòng Trung ương Đảng CPP chiêu đãi Chủ tịch trên một chiếc tàu du lịch đi trên sông Bốn Mặt. Bánh làm từ quả thốt nốt được đem đến từ các tỉnh Công Pông-chàm, Công Pông-Spư...Mỗi loại bánh được làm theo một kiểu và theo bạn thì đây là các đặc sản của mỗi địa phương.  Đoạn sông Mê Kông chảy qua Nông Pênh được gọi là sông Bốn Mặt là vì từ đây sông tách ra chảy theo bốn hướng. Trên bờ sông phía Nông pênh là hàng dẫy những túp lều lúp xúp, chằng đụp bằng các thứ tôn cũ, bìa cũ, thân cây thốt nốt, mái lá thốt nốt. Ông Sai Chum, Thường vụ Đảng CPP chỉ cho chủ tịch Phạm Thế Duyết thấy và giới thiệu đó là khu nhà của người Việt. Tôi nhìn theo tay ông chỉ, miếng ngon chưa khỏi miệng đã thấy đắng lòng. Mưu sinh trong những túp lều kia là bà con mình, đồng bào mình. Những khu nhà ổ gì gì chứ chưa được là ổ chuột của người Việt mình ở chung quanh Nông pênh, ở chung quanh Biển Hồ nhiều lắm. Họ là đại diện cho cái nghèo đói khốn khó và dốt nát còn lại của Việt Nam. Làm sao có thể tự hào về cái nghèo khó, cái sự nhếch nhác hèn kém do đói khát và dốt nát đem đến. Tôi liếc nhìn chủ tịch Phạm Thế Duyệt, thấy mặt ông dầu dầu buồn, trong tiếng sóng tiếng gió trên sông lẫn với tiếng máy nổ ca nô, tôi vẫn nghe được tiếng thở dài của người lãnh đạo tuổi tác vốn là công nhân mỏ than. Chắc chắn ông hiểu hơn nhiều người khác thế nào là một cuộc sống lầm than. Sau chuyến thăm của Chủ tịch Phạm Thế Duyệt không lâu, một vụ cháy xẩy ra ở bên sông Bát Xắc, thiêu rụi hơn một trăm nóc nhà, thực chất là hơn một trăm túp lều, phần lớn là của Việt kiều. Mặt trận Tổ quốc đã rất nhanh chóng gửi thư thăm hỏi và kèm theo một trăm triệu đồng cứu trợ. Nhận bức điện thông báo quyết định trên, tôi nhớ đến tiếng thở dài của ông Phạm Thế Duyệt.






1 nhận xét:

  1. nhà văn biết giữ vốn cho nên độc giả chỉ nhâm nhi tí một

    Trả lờiXóa