Bà Nguyễn Phương Nga trong buổi họp báo chiều nay đã xác nhận: vào lúc 6h sáng ngày 9/6, tàu Viking 2 do PetroVietnam thuê đang tiến hành hoạt động thăm dò thì bị tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 6226, cùng hai tàu ngư chính yểm trợ mang số hiệu 311 và 303, chạy ngang qua mũi tàu sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ.
Người phát ngôn Phương Nga: Điều này “đối với Việt Nam là không thể chấp nhận được”. Ảnh: Trường Sơn |
Tàu Viking 2 đã phát pháo hiệu cảnh cáo song các tàu này vẫn lao vào, bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu cá 6226 mắc vào tuyến cáp của Viking 2 khiến tàu thăm dò của Việt Nam không thể hoạt động bình thường. Hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng một số tàu cá khác của Trung Quốc sau đó đã tiến vào giải cứu tàu 6226.
Cho biết khu vực xảy ra sự việc (lô 136/03 tại 6o47,5 Bắc, 109o17,5 Đông) nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, bà Nga nhận định hành động này của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng.
"Hành động này của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình ổn định tại Biển Đông, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với PetroVietnam", bà Nga nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: Việt Nam phản đối mạnh mẽ hành động trên của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt - Trung, chấm dứt ngay và không để tái diễn mọi hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, đồng thời bồi thường thiệt hại đã gây ra cho PetroVietnam.
Đoạn cáp bị cắt của tàu Bình Minh 02. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhận định các hành động có tính hệ thống này của phía Trung Quốc là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, hiện thực hóa yêu sách đường 9 đoạn – đường lưỡi bò.
Bà Nga nhấn mạnh điều này “đối với Việt Nam là không thể chấp nhận được”.
Người phát ngôn cũng cho biết ngay chiều 9/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện ĐSQ Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động này của phía Trung Quốc và nêu rõ lập trường của phía Việt Nam.
Đáng nói là sự việc này diễn ra chỉ một thời gian ngắn sau vụ việc các tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu địa chấn Bình Minh 02 cũng của PetroVietnam sáng 26/5. Bình luận về việc cắt cáp tàu Bình Minh 02, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại nói đó là việc làm "bình thường và hợp lý ở khu vực biển thuộc thẩm quyển và quyền tài phán của Trung Quốc". Thậm chí, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc còn yêu cầu Việt Nam "tránh tạo ra những sự cố mới".
Trong khi đó, chưa đầy 4 tháng qua, Philippines đã có các văn bản ghi nhận 7 sự cố liên quan tới việc tàu Trung Quốc xâm nhập khu vực tranh chấp và tấn công các tàu của Philippines.
Website của nhiều cơ quan ngoại giao Việt Nam bị tấn công Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Phương Nga cũng xác nhận trong một vài ngày gần đây, website của một số cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao đã bị hacker tấn công. Website của Trung tâm biên phiên dịch bị tấn công và để lại một số nội dung bằng tiếng Trung kèm hình ảnh cờ Trung Quốc. Trang Thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao chiều qua cũng bị tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) khiến website này khó truy cập. |
(Nguồn : Vnn 9/6)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét