Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Ông Vũ Mão: Bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo khó khả thi

Vũ Thủy (thực hiện)

Ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Theo đó, hằng năm, Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, việc bỏ phiếu thể hiện tư tưởng đổi mới, dân chủ và cần thiết song cũng phải bổ sung những quy định về cách thức thực hiện.
Nên gọi là “bỏ phiếu bất tín nhiệm”

Thưa ông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, trong đó có việc hằng năm Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng… Quan điểm của ông thế nào về điều này?
“Nghị quyết 4 của Đảng ta cũng đã đề cập tới vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm và chất vấn. Tôi mong muốn Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Quốc hội sẽ phối hợp, trao đổi để rút ra những kinh nghiệm giúp cho Trung ương Đảng và Quốc hội làm tốt việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng như chất vấn”.
Ông Vũ Mão
Năm 2001, khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, chúng ta bổ sung quy định bỏ phiếu tín nhiệm. Đó là biểu hiện của tư tưởng đổi mới, dân chủ trong hoạt động Quốc hội. Tuy nhiên, khi đó đã tranh luận về cách gọi là bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm? Thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Do đó, không thể bỏ phiếu bất tín nhiệm hàng năm mà phải có lý do như không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín… thì mới phải tiến hành bỏ phiếu. Vì thực tế, có những người trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội làm việc cần mẫn, không để xảy ra sự cố gì thì cần gì phải bỏ phiếu đối với họ?
Nghĩa là, việc bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm này khó khả thi?
Đúng thế.
Vì sao, thưa ông?
Trong Hiến pháp sửa đổi năm 2001 quy định bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án tòa tối cao, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội… Như vậy, ít nhất sẽ có hàng trăm người thuộc phạm vi điều chỉnh khi bỏ phiếu tín nhiệm theo đề án này. Nó quá rộng và chắc là sẽ không thể làm được.
Còn nếu thấy số lượng nhiều quá mà nói rằng chỉ chọn những người chủ chốt để bỏ phiếu tín nhiệm như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội thì phải làm rõ vì sao lại như thế? Còn những người khác như Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội mà “có vấn đề” thì có cần bỏ phiếu không? Thứ nữa, khi bỏ phiếu tín nhiệm thì những người bỏ phiếu phải hiểu rõ về người được (bị) bỏ phiếu, xem họ có ưu, khuyết điểm gì? Muốn vậy, Quốc hội cần tiến hành thảo luận, đánh giá và sau đó để chính những người được (bị) bỏ phiếu giải trình. Cần phải dành thời gian thỏa đáng cho công việc quan trọng này vì liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, không thể làm qua loa được. Tôi hình dung việc này ít nhất cần tới năm, bảy ngày trong một kỳ họp. Trong khi đó, Quốc hội đang muốn rút ngắn thời gian làm việc.
clip_image001
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Phải huy động sự tham gia của người dân
Ông nghĩ sao khi có ý kiến lo ngại, việc bỏ phiếu này diễn ra giữa các đại biểu Quốc hội với nhau, nhiều người trong số họ gặp nhau thường xuyên, thậm chí là chỗ thân tình thì dễ bị cảm tính chi phối mà ảnh hưởng đến sự khách quan, minh bạch của lá phiếu?
Điều ấy có thể xảy ra nhưng không nhiều và cũng không phải là quá quan trọng. Cái chính rất khó thực hiện khi vẫn đang hiện diện quy định tại Điều 12 Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nghiệm nếu có một trong hai điều kiện: Phải có 20% số đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội kiến nghị bỏ phiếu. Để đạt được con số 20% như thế là rất khó. Muốn đạt được, người ta sẽ cần đến “vận động hành lang”. Việc làm này dễ bị hiểu lầm.
Đại biểu Quốc hội do cử tri bầu ra. Nay Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với các đại biểu này thì có cần đến sự tham gia của cử tri không, thưa ông?
Cần chứ!
Vậy theo ông, huy động sự tham gia ấy bằng cách nào?
Chúng ta có thể tiến hành theo hai cách. Thứ nhất, khi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội cần quan tâm tới ý kiến, kiến nghị của cử tri có liên quan đến công việc và trách nhiệm của các vị lãnh đạo do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một trong những căn cứ để bỏ phiếu. Thứ hai, sau khi Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm mà người đó không đủ 50% tín nhiệm thì đại biểu Quốc hội thông báo cho cử tri và hỏi ý kiến của cử tri về việc miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến cử tri, Quốc hội sẽ đưa ra quyết định hợp lòng dân.
Cần tạo sự thống nhất giữa Đảng và Quốc hội
Theo đề án này, kết quả bỏ phiếu được công bố công khai; người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức. Ý kiến của ông thế nào?
Tôi cho rằng, ngay từ lần bỏ phiếu đầu tiên, nếu dưới 50% phiếu tín nhiệm là uy tín của người đó không còn nữa thì nên tiến hành các thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm mà không cần đợi đến lần thứ hai.
Việc bỏ phiếu này nếu được triển khai, theo ông nó sẽ mang lại hiệu quả gì?
Chúng ta sẽ được nhiều thứ. Đó là sự trong sạch của bộ máy, loại trừ được những người không đủ năng lực, trình độ, uy tín ra khỏi những cơ quan công quyền. Trong đó chắc chắn có những kẻ tham nhũng!
Hiệu quả như thế thì có cần nhân rộng ra các cơ quan công quyền ngoài Quốc hội không, thưa ông?
Nếu Quốc hội làm tốt thì tự nó sẽ làm gương cho Hội đồng nhân dân các cấp. Một bài học đã có là, việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn ở Quốc hội từ năm 1994 đã được Hội đồng nhân dân các tỉnh, nhất là ở Hà Nội và TPHCM hưởng ứng và làm theo. Đó là một minh chứng cho sự làm gương của Quốc hội.
Theo ông, cần phải làm gì để việc bỏ phiếu tín nhiệm này được triển khai hiệu quả?
Như tôi nói lúc đầu, không thể nói một cách chung chung là hằng năm sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, mà phải rất thực tế khi đưa ra các đề án cụ thể.
Bên cạnh đó cũng cần sửa Điều 12 Luật Tổ chức Quốc hội. Đồng thời, cần có những quy định để tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Quốc hội và Đảng trong quá trình triển khai việc bỏ phiếu tín nhiệm, cũng như việc miễn nhiễm, bãi nhiệm, đảm bảo kết quả đưa ra được thống nhất.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo ông Vũ Mão: “Hiện nay, ngay bản thân các Ủy ban của Quốc hội cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong việc giám sát. Ví như vụ Vinashin, đành rằng các cơ quan của Chính phủ phải chịu trách nhiệm chính thì các Ủy ban hữu quan của Quốc hội cũng chưa góp phần phát hiện kịp thời, không đưa ra được những thông điệp cần thiết để góp phần ngăn chặn. Do đó, cần phải có cơ chế rõ ràng thì mới có thể đưa ra những vấn đề của từng bộ, ngành, cá nhân có liên quan để đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét