Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

LÊ NGUYỄN KỂ CHUYỆN NGOẠI GIAO- 14


TỪNG BƯỚC PHỤC HỒI QUAN HỆ VỚI BẠN BÈ TRUYỀN THỐNG Ở ĐÔNG ÂU

Tôi đã ở tuổi ngoài 70, tức thuộc loại “xưa nay hiếm”. 70 năm nhưng xuyên hai thế kỷ : 60 năm của thế kỷ 20 và hơn 10 năm còn lại vắt qua thế kỷ 21. Trong hơn 70 năm đó, tôi đã sống, trải qua một số mốc sự kiện quan trọng, đáng nhớ :
1954, chiến thắng Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng dẫn đến ký kết Hiệp định Geneve, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ở tuổi 14, lúc đó mới ra miền Bắc (Hà Tĩnh) được mấy tháng, tôi được sống những ngày vô cùng sung sướng, cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam chấm dứt, hòa bình được thiết lập, mặc dù Nam-Bắc còn tạm thời chia cắt.

20 năm sau, thắng lợi lịch sử vĩ đại 1975, giải phóng hoàn toàn đất nước, thống nhất Tổ quốc. Đó là những ngày vô cùng sung sướng, hạnh phúc và tự hào (lúc đó tôi đang công tác ở Cuba) vì mình là nước nhỏ đã đánh thắng đế quốc to, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trên thế giới. Sau hơn 20 năm xa quê hương, làng xóm, từ nay Nam Bắc đã được nối liền, tôi lại có dịp trở lại nơi chôn rau cắt rốn, gặp lại gia đình, bà con, anh em, chỉ một điều ân hận là không được gặp lại bố mẹ.
15 năm sau, cuối thập kỷ 80, đầu 90 là những năm tháng đầy tâm trạng, suy nghĩ : Liên Xô sụp đổ, các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa lần lượt chia tay chủ nghĩa xã hội ! Những biến đổi chính trị to lớn đó tác động, ảnh hưởng sâu sắc quan hệ các mặt giữa họ và chúng ta. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước đã được thống nhất không thể không bị tác động ở mức độ nhất định. Trước sự kiện lớn đó, ai có thể không khỏi tâm tư, suy ngẫm !
Đại hội VIII của Đảng năm 1996 chủ trương chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Trong khi triển khai chủ trương và phương châm đó, ta tiếp tục  quan tâm đúng mức quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, kể cả Nga và các nước Đông Âu.
Năm 1997, tức khoảng 5 năm sau các biến cố chính trị nói trên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có chuyến thăm chính thức đầu tiên (cấp Thủ tướng) tới các nước Italia và Ba Lan, Séc, Hung-ga-ri. Thông điệp của chuyến thăm rất rõ ràng : tiếp xúc để tăng cưởng hiểu biết và từng bước phục hồi quan hệ các mặt giữa Việt Nam và các nước này trên cơ sở mới : quan hệ bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.
Về kinh tế, cũng từ đại hội VIII, ta bắt đầu thực hiện đường lối công nghiệp hóa và hiện đại hóa để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp.
Trong suốt chuyến thăm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tìm mọi khả năng để tranh thủ hợp tác với các nước này trên các lĩnh vực công nghiệp họ có thế mạnh : chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí, giao thông vận tải…Qua các cuộc trao đổi hẹp trong đoàn, Thủ tướng cho rằng trong lúc tìm kiếm để phát triển công nghiệp với kỹ thuật, công nghệ cao, ở giai đoạn nhất định, ta vẫn song song tận dụng tối đa kỹ thuật, công nghệ vừa để làm bước đệm. Theo phương châm đó, đoàn đã đạt được một số kết quả trong hợp tác với các nước nói trên, tạo đà để khôi phục và phát triển quan hệ nhiều mặt khác sau một  thời gian bị đình trệ.
Có lẽ trong khoảng thời gian đó mỗi khi đoàn cấp cao của ta thăm nước ngoài thường có các doanh nghiệp đi theo. Tại Ba Lan hơi có trục trặc một tí. Lúc đầu thủ tướng giao cho Bộ trưởng Kế hoạch (lúc đó là anh Trần Xuân Giá) chủ trì diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ba lan. Để tăng thêm ý nghĩa và tầm quan trọng trong cuộc tiếp xúc, giao lưu giữa giới doanh nghiệp hai nước, chúng tôi cố thuyết phục và cuối cùng Thủ tướng chấp nhận có lời phát biểu khai mạc  diễn đàn rồi chuyển sang hoạt động khác.
Cũng tại Ba Lan lại có sự cố nhỏ khác. Trong hội đàm chính thức giữa hai đoàn, Thủ tướng bạn dung một phiên dịch là một người Ba Lan gốc Việt. Dĩ nhiên người này phải giỏi cả hai thứ tiếng Ba Lan và Việt. Khi bắt đầu phiên họp, đúng là anh ta chỉ dịch được vài câu chào hỏi xã giao, sau đó chỉ ấp úng, bối rối !Không cách nào hơn ta phải xin phép để phiên dịch của đoàn đảm nhiệm luôn cho cả hai phía. Thì ra không phải cứ giỏi ngoại ngữ là dịch được !
Ở thời điểm đó, tình hình Séc và Hung-ga-ri cũng tương tự như Ba Lan nên chuyến thăm diễn ra cũng đại thể như vậy, về đối ngoại không có gì đặc biệt. Nhưng về nội bộ ở Séc có chuyện nhỏ vui vui. Biết Thủ tướng ta thích thể thao nên trong chương trình hoạt động của đoàn, bạn dành một số giờ cuối buổi chiều để Thủ tướng thư giãn trên sân tennis. Kết thúc séc thứ nhất, phía Thủ tướng thua (đứng cùng Bộ trưởng thương mại Lê Văn Triết). Sau giờ giải lao, tôi bàn với anh Nam, lúc đó là Phó vụ trưởng vụ Tây Âu, vào hiệp 2 hai anh em mình nâng cao bóng để Thủ tướng đập thoải mái, coi như biếu Thủ tướng một séc. Tưởng thế là xong, chúng tôi đề nghị nghỉ. Nhưng không, Thủ tướng muốn chơi tiếp nên chúng tôi đành chiều. Do sức khỏe Thủ tướng không cho phép, anh em bảo vệ và bác sĩ đứng ngoài bắt đầu thấy sốt ruột, năn nỉ Thủ tướng nghỉ nhưng không kết quả. Thế là đội bảo vệ chĩa mũi nhọn, quát chúng tôi, dọa nếu có chuyện gì không may với Thủ tướng thì chúng tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm. Quả thật tôi cũng lo vì cuộc chơi đã kéo dài. Thấy bảo vệ găng với hai anh em chúng tôi, Thủ tướng đành chấp nhận rời sân nhưng có vẻ không thỏa mãn lắm.
Theo lịch trình chuyến thăm đoàn đến Italia vào ngày nghỉ nên bạn bố trí ghé Venice trước. Chuyên cơ rời Séc đến thẳng sân bay sát Venice, từ đó đi ca nô vào phố. Đã nghe, đã thấy qua phim ảnh nhưng làm sao bằng được thấy tận mắt, sờ tận tay. Một thành phố nổi trên nước tuyệt vời ! Không hiểu sao các nhà kiến trúc, xây dựng lại làm được một điều lạ kỳ vậy ? Hàng triệu người khắp thế giới bỏ công, của đến đây chiêm ngưỡng, quả thật đáng đồng tiền.
Ngoài kết quả chung của chuyến thăm, sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo của bạn, tôi muốn ghi lại đây vài câu chuyện vui.
Sau khi ổn định chỗ ở, tôi dẫn anh Nam, Phó Vụ trưởng, chuyên gia về Italia và anh Q, Đại sứ của ta vào gặp Thủ tướng, báo cáo chương trình hoạt động  tiếp theo. Sau khi nghe, tự nhiên Thủ tướng hỏi lại Đại sứ : Thủ tướng bạn tên là gì nhỉ ? Đại sứ ta tỏ lúng túng, ấp úng mãi không nói ra lời. May quá, anh Nam đã cứu Đại sứ bàn thua trông thấy ! Chiều hôm sau, theo chương trình, thủ tướng đến thăm Sứ quán, gặp gỡ cán bộ, nhân viên và đại diện cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm ăn ở Roma. Khoảng 15 phút trước khi rời khách sạn, tôi đến phòng Thủ tướng để báo cáo, nêu một số vấn để anh em ở Sứ quán và cộng đồng muốn nghe. Vừa đến nơi đã thấy Đại sứ xách cặp đứng ở cửa buồng. Tôi ngạc nhiên hỏi sao anh còn đứng đây, Đại sứ trả lời đến đón Thủ tướng cùng đi. Quá bất ngờ, tôi giải thích hôm nay anh là chủ nhà, anh phải có mặt ở Sứ quán để cùng mọi người ra cổng chào đón Thủ tướng đến, anh về ngay đi kẻo muộn. May mà anh về kịp nên khi Thủ tướng đến, Đại sứ đã có mặt ở cơ quan. Tôi rất áy náy và không vui khi kể chuyện này nhưng cũng mong mọi người thông cảm cho, Đại sứ là người “ngoại đạo” (không phải trong ngành).
Có lẽ lâu rồi mới có một Thủ tướng Việt Nam đến thăm Italia nên được Tổng thống Oscar Luigi tiếp rất nhiệt tình. Cũng như ở Ba Lan, Tổng thống sử dụng phiên dịch riêng, một phụ nữ Ý gốc Việt. Sau khi dịch vài câu chào hỏi, tôi thấy chị lúng túng, ấp úng rồi ngổi yên không thể dịch  được. May mắn phía ta có chuyên gia tiếng Ý đi theo nên đã đỡ được cho chị, cuộc nói chuyện giữa Tổng thống bạn và thủ tướng ta tiếp tục diễn ra êm đẹp.
Giữa Vụ trưởng Lễ tân ta và bạn cũng đã có một cuộc trao đổi ý kiến rất lý thú. Thường thường một số nước khi đón đoàn cấp cao họ chi ăn ở cho khoảng 8-10 người, kể cả trưởng đoàn. Nhưng ở Ý bạn chỉ chịu đài thọ cho đoàn ta 4 người, kể cả Thủ tướng. Đoàn ta lại có trên dưới 10 đoàn viên chính thức. Vụ trưởng Lễ tân ta nêu thông lệ ở các nước khác để thuyết phục bạn chi cho ta 10 suất, có nghĩa là tất cả đoàn viên chính thức, nhưng bạn một mực từ chối. Tưởng là bế tắc nhưng cuối cùng bạn cũng mở cho ta một lối thoát cực kỳ thú vị. Ông Vụ trưởng trình bày cho ta cách “chui” : tất cả đoàn viên chính thức sau khi ăn đều ghi vào hóa đơn số phòng của Thủ tướng thì chính phủ Ý có trách nhiệm thanh toán với khách sạn. Một chiêu thật hay, một bài học quý cho lễ tân.  Sau chuyến thăm Italia, tôi trêu mãi Vụ trưởng Lễ tân của ta là trong chuyến đi này cậu là người được lãi nhiều nhất, học được cách ăn gian rất hữu hiệu mà vẫn rất lịch thiệp.
Sau hai ngày hoạt động căng thẳng, thấy buổi chiều có khoảng trống hơn 1 giờ, Thủ tướng bảo tôi đề nghị Bộ Ngoại giao bạn xem có thể sắp xếp để Thủ tướng ra sân tennis thư giản khoảng 1 giờ và nếu có người của bạn cùng chơi thì càng tốt. Sứ quán liên hệ và bạn đáp ứng ngay. Thủ tướng gọi anh em bảo vệ chuẩn bị vợt và áo quần thể thao để ra sân. Anh em đứng ngẩn người ra, miệng lắp bắp…thưa mọi thứ để lại trên máy bay, quên đem xuống. Tôi nghĩ sẽ có trận lôi đình đây. Nhưng không, Thủ tướng chỉ tỏ thất vọng không được ra sân và nhắc anh  em lần sau chú ý. Tôi liền nhờ  Sứ quán báo lại Bộ Ngoại giao bạn hoãn cuộc chơi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét