Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Chiếc thang máy của tình yêu

Châu Anh
Nguyễn Thạc Dĩnh sưu tầm.
Năm 2011 vừa qua, cộng đồng mạng Trung Quốc thi nhau truyền tụng về một chiếc thang máy "handmade" - tác phẩm của một cụ ông mang tên Vương Trung Ngọc tại tỉnh Sơn Đông. Chiếc thang máy hoàn toàn được ông tự làm từ đầu đến cuối, hoàn thành vào ngày 28/5/2011, rộng 1,4 mét, cao 1,8 mét, có thể chứa được 3 – 4 người lớn. Tuy nhiên, điều khiến cho chiếc thang máy handmade này trở nên nổi tiếng không phải là bản thân nó, mà là câu chuyện tình yêu cảm động đằng sau nó.


"Chỉ cần vợ tôi còn sống, bất cứ điều gì tôi cũng có thể làm được!"
Chủ nhân của chiếc thang máy độc nhất vô nhị này là một cặp vợ chồng già ở Sơn Đông. Chiếc thang máy do người chồng bỏ ra mấy tháng ròng để hoàn thành, với mục đích là để cho người vợ phải ngồi xe lăn của mình có thể dễ dàng ra khỏi nhà đi dạo hàng ngày.
Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng những điều mình làm cho vợ, dù có gấp 10 lần, trăm lần như thế, cũng không thể đền đáp nổi những gì bà đã từng làm cho ông khi hai người mới kết hôn. Nhắc lại chuyện xưa, ông vẫn không cầm nổi nước mắt:
Trong những năm động loạn của Trung Quốc, khi hai người được giới thiệu với nhau, thì cũng là lúc gia đình ông bị quy là phái tạo phản, bị mọi người xung quanh coi thường, xa lánh, thậm chí tính mạng cũng có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.
Vợ chồng ông Ngọc và bà Bảo Lan (hồi trẻ)
Vợ chồng ông Ngọc và bà Bảo Lan (hồi trẻ)
Nhưng cô gái Bảo Lan xinh đẹp với tính cách mạnh mẽ không hề để ý đến chuyện đó. Sau 8 tháng tìm hiểu nhau, ông cầu hôn, bà đã đề nghị cho bà thời gian để suy nghĩ, nhưng chỉ một ngày sau, bà đã đến nói với ông:
"Được, chúng ta kết hôn đi!". Khi hai người mới kết hôn được 17 ngày, ông đi làm xây dựng tại Vân Nam, bà thì ở nhà tại Sơn Đông. Ông đi liền 1 năm không có cơ hội về thăm nhà, hai người chỉ có thể trao gửi tình cảm qua những lá thư.
Đến năm 1968, nghe nói ông bị một chứng bệnh khiến cho cơ bắp toàn thân không cử động được, bà đã không quản thời buổi nguy hiểm loạn lạc, đi 7 ngày 7 đêm bằng đủ mọi loại phương tiện đến được Vân Nam để gặp ông và đưa ông về nhà.
Ân nghĩa đó ông không bao giờ quên được. Ông thương bà vất vả cả cuộc đời, đến khi 3 đứa con đã trưởng thành, đã có thể hưởng một tuổi già thanh bình bên nhau, thì bà lại trúng bệnh.
Ông nói: "Vợ tôi là người rất thích đông vui, thích nói chuyện cùng mọi người, thế mà giờ đây lại phải ngồi xe lăn, phải ở nhà cả ngày, đó chẳng phải là cực hình với bà ấy hay sao?". Vì vậy, ông nguyện dùng hết tâm sức trong phần đời còn lại để chăm sóc bà, để ở bên bà và đem lại niềm vui cho bà.
Nhớ lại khoảnh khắc bà bị trúng bệnh cách đây cả chục năm, ông vẫn không cầm được nước mắt. Đó là buổi tối ngày 27/12/2000, ông đang nấu cơm trong bếp thì nghe vợ kêu lên một tiếng trong phòng ngủ.
Chạy vào thì thấy bà đã nằm bất động, miệng đã cấm khẩu. Ông vội vàng chạy đi tìm điện thoại gọi cho các con. Lúc đó, ông chỉ có một tâm niệm duy nhất trong đầu: "Chỉ cần vợ tôi còn sống, bất cứ điều gì tôi cũng có thể làm được!"
Có lẽ ông trời cũng nghe thấu lời cầu nguyện của ông Ngọc, nên không lấy đi tính mạng của bà Lan, nhưng thay vào đó, bà bị liệt, phải gắn chặt đời mình với chiếc xe lăn. Giai đoạn đầu tiên thật khó khăn, ông và 3 đứa con thay nhau chăm sóc bà cả ngày lẫn đêm.
Nhưng bà Lan lúc nào cũng buồn rầu ủ rũ, khóc thầm một mình. Ông Ngọc hiểu, là người phụ nữ mạnh mẽ, vui tươi, bà không muốn cảm thấy mình là gánh nặng cho người khác.
Ông bảo bà: "Anh biết em thương các con. Nếu em có lòng tin cùng anh luyện tập, thì có thể đi lại, có thể xuống lầu, chưa biết chừng còn có thể giúp các con trông cháu nữa". Một cuộc họp gia đình được triệu tập, ông Ngọc nói với 3 đứa con:
Vợ chồng ông Ngọc và bà Bảo Lan
Vợ chồng ông Ngọc và bà Bảo Lan
"Các con cứ yên tâm. Bố nhất định sẽ chăm sóc mẹ các con cẩn thận. Có cơ hội được làm điều gì đó cho mẹ, là bố cảm thấy được an ủi lắm rồi. Các con hãy cho bố cơ hội đó!". Khi con cái đã về hết, bà Bảo Lan không nén nổi một tiếng thở dài. Ông Ngọc nhìn bà cười bảo: "Thế giới thực sự của 2 người đã bắt đầu rồi đây!"
Từ đó, ông Ngọc là người ở bên bà cả ngày lẫn đêm, lo cho bà từ chuyện ăn uống, vệ sinh cá nhân, đến luyện tập cơ thể. Nhà ở tầng 2, ngày ngày bà Lan luyện tập đi từ tầng 2 xuống tầng 1. Người bà to béo, dựa vào ông Ngọc vốn gầy còm, dò dẫm bước từng bước một.
Ông Ngọc còn cẩn thận buộc vào mỗi thanh cầu thang một miếng vải mềm làm tay vịn, để vợ nắm vào những cái "tay vịn" đó bước xuống. Mỗi ngày họ luyện tập như thế từ 7h sáng đến 12h trưa.
Từ khi bà Bảo Lan bị liệt, chưa đêm nào ông Ngọc được ngủ yên, đêm đêm ông dậy vài lần để đưa bà đi vệ sinh là chuyện bình thường, nhưng ông chưa bao giờ phàn nàn hay kêu ca lấy một tiếng.
Không chỉ là người chăm sóc cho bà từ bữa ăn đến giấc ngủ, ông còn là "huấn luyện viên" giúp đỡ bà động viên bà luyện tập, và còn là "hoạt náo viên" làm cho bà vui cười mỗi khi bà buồn.

Hơn chục năm qua, mặc dù kiên trì luyện tập, nhưng tuổi tác cộng với bệnh tật đã khiến bà Bảo Lan gần đây yếu đi nhiều. Tác dụng phụ của thuốc khiến bà giờ đây đã 90 cân, việc đi lên đi xuống cầu thang với bà giờ như một thử thách không thể vượt qua.
Đôi lúc bà buồn rầu nói với ông Ngọc: "Có lẽ sắp tới tôi phải ở nhà cả ngày, không thể cùng ông ra ngoài đi chợ, đi chơi được rồi ông ạ!". Ông Trung Ngọc nghĩ, chẳng lẽ bao nhiêu cố gắng của hai vợ chồng suốt chục năm qua là vô ích hay sao?
Ông quyết tâm bằng mọi cách phải duy trì được việc đưa bà ra ngoài đi dạo hàng ngày. Và ý nghĩ về một chiếc thang máy dành riêng cho bà chợt nảy ra trong đầu ông...
Chiếc thang máy handmade như món quà kỉ niệm ngày cưới cho vợ
Đã từng có chút kiến thức tích lũy được qua thời gian làm thợ sửa xe ô tô, ông Ngọc mất hơn nửa tháng trời tính toán để vẽ ra được mô hình chiếc thang máy, rồi tính tiền nguyên vật liệu, tiền thuê thợ, cũng phải đến hơn 3000 tệ.
Để tiết kiệm tiền, ông quyết định tự làm. Bà Lan nghi hoặc hỏi chồng: "Mình có làm được không?". Ông cười bảo: "Anh làm được! Em chỉ việc ngồi trong phòng xem tivi thôi, không cần lo lắng gì cả".
Hình dung thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm thật không dễ dàng chút nào. Ngày đêm nát óc tính toán nghiên cứu, tìm mua các nguyên vật liệu, bắt tay làm thử, rồi thất bại không ít lần, sau 3 tháng trời, cuối cùng ông đã làm xong chiếc thang máy.
Đó là vào ngày 28/5/2011. Nhìn chiếc thang máy được hoàn thành, ông mừng lắm. Bà Lan cũng mừng vui trước thành quả làm việc mấy tháng của chồng, muốn đi thử ngay, nhưng ông Ngọc bảo bà: "Không vội, chúng ta chọn một ngày đẹp, là ngày mồng 6/6 nhé!".
Ngày mồng 6/6, khi ông đưa bà đi thử thang máy lần đầu tiên, bà đã rơi nước mắt, bảo rằng cảm giác đi chiếc thang máy khiến bà nhớ lại cảm giác khi mới kết hôn.
Giờ đây, với sự trợ giúp của chiếc thang máy "tình yêu", hàng ngày ông vẫn đưa bà ra ngoài đi dạo, đi siêu thị, đi ra bờ sông ngắm cảnh, và trước khi ra ngoài, ông vẫn không quên đặt lên trán bà một nụ hôn.
Ông Ngọc nói, hai vợ chồng đã ở bên nhau mấy chục năm trời, nếu nói là kỉ niệm ngày cưới, thì cũng là "đám cưới vàng" rồi, chiếc thang máy này được ông coi như món quà kỉ niệm ngày cưới dành cho vợ.
Bởi lẽ với ông, cho dù bà Bảo Lan có ốm đau bệnh tật hay già yếu thế nào, thì trong lòng ông, bà vẫn mãi là "người vợ dũng cảm, lương thiện, xinh đẹp, ân tình sâu nặng khiến tôi suốt đời không thể nào quên năm nào".  
Đôi vợ chồng già đã ở bên nhau hơn 40 năm, thời gian có thể lấy đi sức khỏe và tuổi thanh xuân của họ, nhưng không thể lấy đi tình yêu của họ. Bà Bảo Lan cho biết:
"Khi đưa tôi ra ngoài đi dạo bằng chiếc thang máy tự chế, ông ấy thường hỏi tôi hôm nay có vui không? Tôi trả lời là tôi rất vui, đến mức không thể nói lên lời. Tôi mong có thể nắm tay ông ấy đi nốt phần đời còn lại, và đến kiếp sau, chúng tôi vẫn có thể nắm tay nhau bước đi trong cuộc đời này".
  • Châu Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét