Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Kể chuyện Myanmar


Chu Công Phùng

Quan hệ Việt Nam - Myanmar
            Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Myanmar trong lịch sử cận đại và hiện đại có thể chia thành 2 thời kỳ. Thời kỳ Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thời kỳ hai nước đều xây dựng phát triển kinh tế trong độc lập, tự do.[1]

I. THỜI KỲ 1947 – 1975
Myanmar là một trong những nước có quan hệ hữu nghị sớm nhất với Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Thực dân Pháp đang ở giai đoạn khó khăn thì Myanmar chính là cửa ngõ quan trọng giúp Việt Nam liên hệ với thế giới bên ngoài.
Ngay từ giữa năm 1947, sau khi giành được độc lập, tuy còn gặp nhiều khó khăn trong nước nhưng chính quyền và các đoàn thể quần chúng Myanmar đã giành cho Việt Nam nhiều ủng hộ và giúp đỡ quý giá về tinh thần và vật chất. Liên đoàn tự do nhân dân chống Phát xít (AFPFL) do tướng Aung San lãnh đạo đã tổ chức các cuộc mít tinh kêu gọi nhân dân Myanmar ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Pháp, kêu gọi thanh niên Myanmar tinh nguyện sang Việt nam chiến đấu chống Thực dân Pháp. Chính quyền Myanmar đã mua vũ khí của Ấn Độ (đủ trang bị cho một tiểu đoàn bộ binh), cho dân binh gùi qua Lào sang giúp đỡ Việt Nam đánh Pháp. Tại Thủ đô Yangon, chính phủ Myanmar đài thọ chỗ ở và thiết bị làm việc cho các cán bộ Việt Minh đang làm công tác thông tin tuyên truyền tại Myanmar.
Tháng 1 năm 1948, nhận lời mời của chính phủ Myanmar, Việt Nam Dân chủ cộng hòa cử đoàn đại biểu cấp cao do Bộ trưởng - Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch dẫn đầu sang dự Lễ độc lập mồng 4 tháng 1 của Myanmar. Hai bên nhất trí nâng cấp Cơ quan thông tin Việt Minh thành Cơ quan đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Yangon.
Năm 1954, sau Hiệp định Geneve, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền với hai chính phủ khác nhau, cũng như nhiều nước khác, Chính phủ Myanmar giữ lập trường trung lập, duy trì quan hệ với cả Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính quyền Sài Gòn ở cấp Tổng Lãnh sự quán.
Tháng 11 năm 1954, Thủ tướng Myanmar U Nu sang thăm chính thức Việt Nam, ký Tuyên bố chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy “5 nguyên tắc chung sống hòa bình” làm cơ sở cho quan hệ hai nước. Tháng 2 năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức Myanmar. Trong Tuyên bố chung giữa hai nước, chính phủ Myanmar ủng hộ việc thi hành Hiệp định Geneve về Đông Dương, ủng hộ việc thống nhất Việt Nam theo Hiệp định Geneve.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, tuy giữ lập trường trung lập, nhưng chính phủ Myanmar đã 2 lần ra Tuyên bố phản đối Mỹ ném bom miền Bắc và rải chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam. Nhân dân Myanmar nhiệt tinh ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Báo chí Myanmar đưa tin và bình luận có lợi cho Việt Nam, đòi Mỹ rút quân, thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc  v.v...
Sau chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam, chính phủ Myanmar chủ động trong việc tăng cường phát triển quan hệ với Việt Nam, nhanh chóng đóng cửa Tổng Lãnh sự quán của chính quyền Sài Gòn tại Yangon, thỏa thuận cùng Việt Nam nâng quan hệ ngoại giao hai nước lên cấp Đại sứ vào ngày 28/5/1975. Thủ tướng Myanmar Ne Win kêu gọi quốc tế giúp đỡ Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh. Tuy lúc đó Myanmar đang gặp khủng hoảng kinh tế xã hội, kinh tế rất khó khăn, nhưng chính phủ Myanmar vẫn cố gắng viện trợ cho Việt Nam 500 tấn phân ure.
II. THỜI KỲ TỪ 1975 ĐẾN NAY
1. Quan hệ chính trị
            Từ cuối thập kỷ 70 và thập kỷ 80 của thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân khách quan, quan hệ Việt Nam – Myanmar duy trì ở mức độ bình thường, giữa hai nước không có chuyến thăm cấp cao nào.
Bước sang thập kỷ 90, cùng với việc Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới kinh tế mở cửa đối ngoại, quan hệ Việt Nam – Myanmar có những bước phát triển mới.
- Tháng 5 năm 1994, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thăm Myanmar nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước. Hai bên đã ký kết 3 Hiệp định: Hiệp định Thương mại; Hiệp định Hợp tác du lịch; Hiệp định thành lập Ủy ban hỗn hợp hai nước.
- Tháng 3 năm 1995, Thống tướng Myanmar Than Shwe thăm Việt Nam và họp Ủy ban hỗn hợp hai nước lần thứ nhất tại Hà Nội. Tiếp sau đó, hai nước nhất trí gia tăng các chuyến thăm viếng cấp cao kể cả an ninh quốc phòng.
Về phía Việt Nam, để thúc đẩy quan hệ song phương phát triển, lãnh đạo cấp cao Việt Nam liên tiếp sang thăm Myanmar. Đó là các chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 5/1997); Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 5/2000); Chủ tịch Trần Đức Lương (tháng 5/2002); Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 8/2004); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 8/2007).
Về phía Myanmar, đó là các chuyến thăm của Thống tướng Than Shwe – Chủ tịch Hội đồng Hòa binh và phát triển Myanmar (tháng 3/2003); Thủ tướng Khin Nyunt (tháng 8/2004); Thủ tướng Soe Win (tháng 4/2005); Thủ tướng Thein Sein (tháng 11/2007).
Trong các chuyến thăm cấp cao đó, hai bên ký kết thêm nhiều Hiệp định và Thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, phù hợp với tình hình và nguyện vọng của mỗi bên. Từ tháng 8 năm 2005, Bộ Ngoại giao hai nước tiến hành tham khảo chính trị hàng năm ở cấp Thứ trưởng.
Ngày 28/5/2005 và ngày 28/5/2010, hai nước đều tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 30 năm và 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Tính đến năm 2010, hai nước đã 7 lần họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương; 6 lần tham khảo chính trị giữa 2 Bộ Ngoại giao; hai nước đã ký kết 9 Hiệp định cấp chính phủ và nhiều Thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Ngoài các chuyến viếng thăm của Lãnh đạo cấp cao, hai bên còn trao đổi nhiều đoàn cấp Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Văn phòng của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc  v.v... nhằm gia tăng hợp tác và trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề liên quan.
Sau khi cơn bão Nargis lịch sử đổ bộ vào Myanmar tháng 5 năm 2008, gây tổn thất nặng nề về người và của cho nhân dân Myanmar, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên cử đội y tế đến cứu giúp nhân dân vùng bị bão. Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phật giáo, các đoàn thể và nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã kịp thời thăm hỏi và ủng hộ về vật chất cho nhân dân Myanmar ở những vùng bị bão lụt. Việt Nam cũng là một trong các nước đề xuất và ủng hộ sáng kiến thành lập “Nhóm nòng cốt 3 bên” (TCG) giữa Liên Hợp Quốc – ASEAN – Myanmar, làm cầu nối giúp Myanmar nhận trợ giúp và triển khai có hiệu quả viện trợ từ thế giới bên ngoài đối với Myanmar khắc phục hậu quả cơn bão Nargis. Sau hơn 2 năm hoạt động tích cực từ đầu năm 2009 đến tháng 7 năm 2010, TCG đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bước đột phá quan trọng trong quan hệ hai nước Việt Nam – Myanmar là chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Myanmar đầu tháng 4 năm 2010. Tuyên bố chung giữa Thủ tướng hai nước ngày 2/4/2010 ghi nhận hai nước không chỉ gia tăng hợp tác trong 12 lĩnh vực kinh tế [2], mà còn hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư vào mỗi nước.
Ngoài các hoạt động hợp tác song phương, hai nước còn phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn đa phương ở khu vực và quốc tế. Tại các Diễn đàn đa phương, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Myanmar gia nhập ASEAN và tham gia diễn đàn ASEM. 
 
Hai nước còn phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khác như hợp tác ASEAN; hợp tác 4 nước Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV); hợp tác 5 nước Campuchia – Lào – Myanmar - Thái Lan - Việt Nam (ACMECS); hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS); hợp tác Hành lang Đông – Tây (EWEC); hợp tác trong Diễn đàn các Tổ chức quốc tế khác và tại Liên Hợp Quốc  v.v...
Năm 2010, với cương vị Chủ tịch ASEAN, trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ Myanmar giải quyết các vấn đề nội bộ của mình, không có sự can thiệp của bên ngoài, nhất là cuộc Tổng tuyển cử 7/11/2010 của Myanmar. Với sự ủng hộ và vận động tích cực của Việt Nam, ngày 8/11/2010, các nước thành viên ASEAN đã nhanh chóng thông qua “Tuyên bố của ASEAN về cuộc bầu cử 7/11/2010” của Myanmar do Việt Nam dự thảo với nội dung hợp tình hợp lý. Tuyên bố trên của ASEAN đã giúp Myanmar tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng Quốc tế đối với cuộc bầu cử lịch sử 7/11/2010.
Từ 9-11/6/2011, Phó Thủ tướng chính phủ Hoàng Trung Hải thăm Myanmar. Hai bên trao đổi sâu rộng về các vấn đề cùng quan tâm và ký kết thêm các Thỏa thuận về hợp tác Ngân hàng và hợp tác Chăn nuôi giữa hai nước.
Từ 22 – 26/8/2011, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy lợi U Myint Hliang dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar sang thăm Việt Nam. Bộ Nông nghiệp hai nước đã ký kết các Thỏa thuận quan trọng hợp tác song phương về đào tạo cán bộ khoa học, hợp tác trồng lúa nước cao sản, cây cao su, trồng mía và sản xuất đường kính.
Từ 21-22/12/2011, sau khi dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng thực hiện chuyến thăm hữu nghị Myanmar. Trong dịp này, phía Myanmar đã ký 2 Giấy phép đầu tư (tạm thời) cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn ASV Holdings đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao và sản xuất tân dược tại Yangon. Sau khi 2 doanh nghiệp trên hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ đầu tư liên quan sẽ được nhận Giấy phép chính thức.
Từ 11/3 – 15/3/2012, đ/c Lê Thanh Hải – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy và đ/c Nguyễn Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn quan chức và doanh nghiệp Thành phố Hồ Chính Minh sang thăm Myanmar và ký kết Thỏa thuận hợp tác kết nghĩa giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Thành phố Yangon.
Từ 20-21/3/2012, Tổng thống Thein Sein thực hiện chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, có các cuộc gặp và trao đổi ý kiến chân thành và đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Trước khi Tổng thống Thein Sein thăm Việt Nam, Ủy ban đầu tư Myanmar đã cấp giấy phép đầu tư chính thức cho Công ty Simco – Sông Đà khai thác mỏ đá trang trí Marble tại bang Rakhine – Myanmar.
Việt Nam là một trong ít nước trước sau như một kiên trì chính sách ủng hộ Myanmar bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa hợp dân tộc; không tán thành chính sách bao vây cấm vận, trừng phạt kinh tế của Mỹ và Phương Tây đối với Myanmar.
Về phía Myanmar, chính phủ Myanmar cũng ủng hộ mạnh mẽ công cuộc đổi mới của Việt Nam; ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO; cùng các nước Châu Á khác ủng hộ Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diên Châu lục ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009. Năm 2009, tuy còn khó khăn về kinh tế, nhưng chính phủ Myanmar vẫn ủng hộ 50.000 USD giúp nhân dân miền Trung Việt Nam khắc phục hậu quả cơn bão số 8.
Trong các buổi tiếp đón tiếp, hội đàm với Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Lãnh đạo cấp cao Myanmar luôn khẳng định “Việt Nam là bạn bè thân thiết, tin cậy của Myanmar”, “giữa hai nước chỉ có tình hữu nghị và hợp tác, không tồn tại bất cứ vướng mắc gì”, “Myanmar khâm phục tinh thần bất khuất của Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm và tinh thần cần cù sáng tạo trong lao động xây dựng đất nước.”, “Myanmar học tập được nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp  v.v...”
Trong các cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Liên chính phủ; tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao; các cuộc hội thảo giữa quan chức và doanh nghiệp hai nước, phía Myanmar thường nhấn mạnh giữa hai nước có 4 điểm tương đồng hiếm có trong các nước Đông Nam Á:
a/ Hai nước đều bị đế quốc thực dân phương Tây đô hộ hơn một thế kỷ, đều đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc bằng chính sức mạnh của dân tộc mình.
b/ Hai nước đều trải qua nhiều năm bị bao vây cấm vận từ bên ngoài nhưng vẫn giữ vững được độc lập tự chủ. Việt Nam đã vượt qua khó khăn này, Myanmar đang từng bước vượt qua.
c/ Hai nước đều có nền văn hóa lúa nước phong phú trong đó đạo Phật là tôn giáo chính. Nhân dân hai nước đều rất quý trọng độc lập tự do, cần cù lao động và đều có phong tục ăn “trầu cau” mang đậm bản sắc dân tộc.
d/ Hai nước không tồn tại bất kỳ xung đột nào về biên giới, lãnh thổ, biển đảo, an ninh quốc phòng và an ninh kinh tế.

 2. Quan hệ kinh tế
2.1. Về thương mại
Trong những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Myanmar không đáng kể do khó khăn của cả hai bên. Sau khi Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải thăm chính thức Myanmar (tháng 5/2000), quan hệ thương mại giữa hai nước mới thực sự triển khai.
Mười năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước nhất là về thương mại phát triển không ngừng. Nếu như năm 2000 tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước mới đạt 9,31 triệu USD, thì 10 năm sau, năm 2011, kim ngạch thương mại 2 nước đã  tăng mạnh, đạt 168 triệu USD.
Theo số liệu của Cục Thống kê Myanmar, năm 2011, Việt Nam đã trở thành bạn hàng xuất khẩu thứ 11  và là bạn hàng nhập khẩu thứ 12 của Myanmar trong tổng số hơn 100 đối tác xuất nhập khẩu của Myanmar.
Từ năm 2001 đến nay, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) Việt Nam đã phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và Bộ Thương mại Myanmar tổ chức thành công 6 cuộc Hội chợ thương mại quốc tế tại hai nước. Đó là:
- Hội chợ thương mại Việt Nam tại Yangon năm 2002 với sự tham gia của 32 doanh nghiệp Việt Nam.
- Hội chợ thương mại Việt Nam tại Yangon năm 2003 với sự tham gia của 52 doanh nghiệp Việt Nam.
- Hội chợ thương mại Việt Nam tại Yangon năm 2004 với sự tham gia của trên 50 doanh nghiệp Việt Nam.
- Hội chợ thương mại Việt Nam tại Yangon tháng 11 năm 2009 với sự tham gia của 51 doanh nghiệp Việt Nam và 10 doanh nghiệp Myanmar.
- Hội chợ thương mại Việt Nam tại Yangon tháng 4 năm 2010 với sự tham gia của 83 doanh nghiệp Việt Nam và 10 doanh nghiệp Myanmar.
- Hội chợ thương mại Myanmar tại Hà Nội tháng 1 năm 2011 với sự tham gia của 32 doanh nghiệp Myanmar.
Năm 2011, Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Myanmar đã thỏa thuận hàng năm tiến hành Hội chợ thương mại tại hai nước.
Những mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu tới Myanmar gồm: thép các loại, nguyên phụ liệu may mặc, thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế, xăm lốp các loại, nguyên phụ liệu các ngành công nghiệp khác, ôtô, thiết bị điện và điện tử, vật liệu xây dựng, phụ tùng máy móc, hóa chất, dụng cụ nhà bếp, mỹ phẩm, nguyên phụ liệu sản xuất giày dép, sản phẩm nhựa và chất dẻo nguyên liệu, máy tính điện tử và linh kiện  v.v...
Những mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam nhập khẩu từ Myanmar là: gỗ và lâm sản (gỗ tròn các loại, gỗ Teak, gỗ cao su, gỗ xẻ các loại,  v.v...); mủ cao su thiên nhiên; nông sản (đậu xanh, đậu đen, đậu tương, ngô vàng,  v.v...); thủy sản (cá khô, tôm hùm, cá biển đông lạnh, cua biển,  v.v...); đồng nguyên liệu; dây thép; kim khâu; đá ngọc bích (nguyên liệu dạng thô);
Các nhà kinh tế hai nước dự báo, trong 10 năm tới (2011 – 2020), tốc độ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Myanmar sẽ tăng bình quân 30%/năm và tốc độ kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Myanmar tăng bình quân 20%/năm.

 2.2. Về đầu tư
Trong lĩnh vực đầu tư (FDI), do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp sang Myanmar còn rất khiêm tốn. Tính đến tháng 10/2009, Việt Nam mới có 2 dự án đầu tư được Bộ Kế hoạch và Phát triển quốc gia Myanmar cấp giấy phép với tổng số vốn hơn 23 triệu USD.

   Từ đầu tháng 4 năm 2009 đến nay, sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar tổ chức “Những ngày Việt Nam tại Myanmar” thu hút gần 30 doanh nghiệp lớn Việt Nam và hơn 100 doanh nghiệp Myanmar tham gia giao thương, tọa đàm, tìm hiểu cơ chế xuất - nhập khẩu, đầu tư sản xuất của hai nước. Đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Myanmar đầu tháng 4/2010, hàng loạt doanh nghiệp lớn và vừa của Việt Nam đã sang Myanmar khảo sát, tìm kiếm đối tác liên doanh đầu tư sản xuất trong 12 lĩnh vực kinh tế.

 Theo thống kê của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar (AVIM), tính đến hết năm 2011, các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư vào Myanmar nhiều dự án sản xuất với tổng vốn đăng ký khoảng gần 1 tỉ USD. Trong đó những dự án đầu tư lớn đang chờ chính phủ Myanmar cấp giấy phép triển (vốn đầu tư từ 10 triệu USD trở lên) là:
- Liên doanh hàng không
- Liên doanh ngân hàng
- Thăm dò khai thác dầu khí
- Dịch vụ viễn thông
- Khai thác đá xây dựng
- Sản xuất thuốc tân dược
- Sản xuất vật liệu xây dựng
- Sản xuất cáp quang
- Xây dựng khách sạn, khu văn phòng cao cấp, nhà hàng ẩm thực
- Trồng cà phê, cao su
- Trồng lúa nước cao sản
- Trồng rau, củ, quả xuất khẩu
- Trồng mía, sản xuất đường.
- Chế biến sản phẩm sữa, đồ uống.
- Nuôi trồng thủy hải sản…
Các doanh nghiệp lớn Việt Nam đã và đang đầu tư vào 12 lĩnh vực kinh tế của Myanmar là: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Tập đoàn viễn thông quân đội (VIETTEL), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn ASV Hodings, Tổng công ty SIMCO - Sông Đà, Tổng công ty sành sứ (VIGLACERA), Tổng công ty Cao su Việt Nam, Tổng công ty Động lực, , Công ty Vietranimex., Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC), Công ty thực phẩm ACECOOK  v.v...
Tháng 7 năm 2011, Hiệp hội cơ khí Việt Nam thăm Myanmar, cùng Hiệp hội cơ khí Myanmar ký Thỏa thuận hợp tác trao đổi kinh nghiệm, sản phẩm và mở Showroom giới thiệu sản phẩm cơ khí Việt Nam tại Myanmar. Tổng công ty Viglacera cũng mở thành công Showroom giới thiệu vật liệu xây dựng Việt Nam tại Yangon và ký Thỏa thuận với Tập đoàn Shine của Myanmar xây dựng nhà máy hiện đại sản xuất gạch, ngói, gốm, sứ tại Myanmar.


3. Các lĩnh vực khác
3.1. Hợp tác quân sự, an ninh
            Ngoài việc trao đổi đoàn cấp cao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hai nước thường xuyên trao đổi kinh nghiệm xây dựng lực lượng quân đội, an ninh, phòng chống tội phạm, bảo vệ đất nước trong khuôn khổ hợp tác ASEAN. Hai bên cũng đạt được nhiều thỏa thuận về trao đổi thông tin, đào tạo ngoại ngữ cho sĩ quan hai nước.
3.2. Hợp tác giáo dục
            Năm 2009 – 2010, Bộ Giáo dục Việt Nam giành cho Bộ Giáo dục Myanmar 6 suất học bổng Cử nhân và Thạc sĩ trong các lĩnh vực kinh tế và khoa học xã hội. Bộ Giáo dục Myanmar cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 20 sinh viên từ các Bộ, Ngành, Doanh nghiệp Việt Nam theo học hệ Cử nhân và Thạc sĩ tại Đại học Yangon.
            Chính phủ và Hội Phật giáo Myanmar hàng năm đều giành nhiều học bổng cho các Tăng, Ni Việt Nam sang Myanmar học tập, nghiên cứu Phật giáo từ bậc Cử Nhân đến Tiến sĩ. Năm học 2010 -2011 có gần 50 Tăng, Ni Việt Nam theo học các cấp bậc Phật giáo tại Học viện Phật giáo quốc tế Yangon.
3.3. Hợp tác về dân tộc, tôn giáo
            Hàng năm, giữa Ủy ban dân tộc của Quốc hội, Ban tôn giáo của Chính phủ Việt Nam và Bộ Quản lý vấn đề biên giới và dân tộc, Bộ Tôn giáo của Myanmar đều trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi về kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa cho các dân tộc thiểu số của hai nước; hợp tác về tôn giáo giữa hai nước.
            Ban tôn giáo của Chính phủ Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác với Bộ Tôn giáo Myanmar, trong đó có việc Myanmar cử các giáo sư tôn giáo sang giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam. Chính phủ Myanmar đã đồng ý về nguyên tắc cấp đất xây dựng một Chùa Việt Nam tại Yangon.
3.4. Hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch
            Bộ Văn hóa, thể thao & Du lịch Việt Nam thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Bộ Du lịch & Khách sạn và Bộ Thể thao Myanmar. Phía Myanmar đã cử nhiều đoàn thể thao sang Việt Nam tham dự các giải thi đấu của ASEAN. Tháng 6 năm 2010, Tổng cục du lịch hai nước tiến hành hội thảo tại Yangon, thỏa thuận hợp tác du lịch dài hạn giữa hai nước, tiến tới kết nối các tuyến du lịch giữa hai nước với các nước Đông Dương. Tháng 9 năm 2011, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar sang Việt Nam tham dự Hội nghị du lịch khu vực 4 nước Việt Nam – Lào – Campuchia – Myanmar trao đổi các biện pháp gia tăng du lịch và dịch vụ du lịch trong và ngoài khu vực.
3.5. Hợp tác về hàng không
            Tổng cục Hàng không hai nước đã thỏa thuận mở 2 đường bay trực tiếp giữa Hà Nội – Yangon (tháng 3/2010) và Thành phố Hồ Chí Minh – Yangon (tháng 11/2010). Hiện tại mỗi tháng có hàng nghìn du khách, doanh nghiệp hai nước qua lại tham quan, du lịch, học, khảo sát tìm kiếm cơ hội thương mại và đầu tư. Tổng cục Hàng không hai nước đã thỏa thuận về nguyên tắc hợp tác mở các đường bay quốc tế mới từ Yangon tới các nước khác.
            Ngoài ra, hai nước còn tiến hành hợp tác về công tác Kiểm toán; Ngân hàng Tài chính, Xóa đói giảm nghèo; Xóa bỏ cây thuốc phiện; Duy trì bảo tồn các văn hóa vật thể và phi vật thể  v.v...



[1] Do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam với Myanmar khá xa, giao thông đường bộ không thuận lợi, do đó trong lịch sử, kiều dân hai nước di cư sang sinh sống trên lãnh thổ của nhau không nhiều. Từ thập kỷ 50 thế kỷ XX về trước có khoảng gần 600 Việt kiều sinh sống ở Myanmar. Trong thập kỷ 60, phần lớn số Việt kiều đã trở về Việt Nam tham gia xây dựng đất nước. Hiện nay chỉ còn vài chục Việt kiều sinh sống rải rác và đều nhập quốc tịch Myanmmar. Ở thành phố Yangon chỉ còn hơn 10 gia đình người Myanmar gốc Việt.
[2] 12 lĩnh vực hợp tác kinh tế gồm: nông nghiêp, cây công nghiệp, thủy sản, ngân hàng – tài chính, hàng không, viễn thông, dầu khí, khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, lắp ráp ô tô, xây dựng, hợp tác thương mại và đầu tư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét