- Nếu Bộ Giao thông quyết thu phí, ngân sách mất hàng tỷ USD
- Bộ giao thông quyết thu phí: "Ép dân không phải là cách phục vụ dân"
- Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Người nộp phí sẽ hoàn toàn tự hào, hạnh phúc"
- Nhà sử học Dương Trung Quốc: Không thể nói nộp phí là yêu nước
Những ngày qua, câu chuyện thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ô tô vào nội đô giờ cao điểm đang trở thành chủ đề “sốt xình xịch” trên mặt báo và là đề tài được bàn luận rôm rả nhất trên các diễn đàn. Hàng chục “phát kiến”, hàng trăm ý tưởng, hàng nghìn ý kiến được đưa ra luận bàn nhưng dường như các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trần tình rằng: “Nhà nước đầu tư hạ tầng thì người dân sử dụng cũng phải đóng góp, người dùng ô tô sử dụng nhiều hạ tầng thì phải đóng góp nhiều hơn. Một chính sách đưa ra chưa hẳn đã công bằng, nhưng tôi nghĩ rằng 600.000 người đang sử dụng ô tô sẽ ủng hộ và tự hào vì được đóng góp. Tôi không nói có ô tô là người giàu, mà là đỡ nghèo hơn người không có ô tô”.
Trước sức ép đến “nghẹt thở” của dư luận, “tư lệnh” ngành giao thông đã “động viên” rằng, nộp phí sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, an toàn hơn và là sự thể hiện của lòng yêu nước. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra không đồng tình.
Giới chuyên gia lo lắng, phát ngôn “nhạy cảm” trên không những không đủ “xoa dịu” lòng dân mà thực chất đang đổ thêm dầu vào lửa. Đóng phí mới thể hiện lòng yêu nước, vậy không đóng lẽ nào là không yêu nước? Việc dùng mệnh lệnh hành chính “ép” đóng phí liệu có khiến người dân “tâm phục khẩu phục”? Phải chăng lòng yêu nước của người dân đang bị lạm dụng?
Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Nếu là nghĩa vụ chính đáng, người dân sẽ sẵn sàng thực hiện mà chẳng ca thán một lời. Còn mang lại quyền lợi cho một ngành nhưng lại nâng tầm thành quyền lợi quốc gia thì đó là một sự mạo nhận đáng tiếc. Kiểu nói như Bộ trưởng Thăng là rất không ổn, không đúng về đạo lý và cả pháp lý”.
Ông Thuận dẫn chứng: “Ngày xưa, đất nước ta gặp vô vàn khó khăn với “thảm họa” giặc đói, giặt dốt, giặc ngoại xâm luôn rình rập. Khi đó, lòng yêu nước của người Việt được thể hiện rõ nhất. Khi đó, Hồ Chủ Tịch cũng chỉ mới ra lời kêu gọi lòng yêu nước bằng tinh thần tự nguyện chứ không hề bắt buộc người dân đóng góp. Đặc biệt, người kêu gọi phải có một tư cách cực kỳ quan trọng, phải được lòng dân, đại diện cho nhân dân”.
Ông Thuận tiếp tục đánh giá: “Tôi thấy một số người ủng hộ Bộ trưởng Thăng, còn tôi thì không nhìn nhận như vậy. Trước đó, ông ấy còn có nhiều phát ngôn và đề xuất vi hiến. Ví dụ, ngoài giờ làm, người ta muốn làm gì là việc của người ta, sao lại cấm người ta đi đánh golf?. Xe máy để trong nhà, lại bắt đánh thuế, đánh thuế tài sản?. Mà đánh thuế tài sản là không công bằng, không thể chấp nhận được”.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cũng nhận định, bất cứ việc gì trước khi đi đến quyết sách, nên đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, không nên bị chi phối bởi quyền lợi của một nhóm người. Bộ trưởng như một vị “tư lệnh”, nên có những đề xuất rõ ràng sao cho xứng đáng với vị trí của mình. Bộ trưởng Thăng phát biểu “đóng phí là thể hiện sự yêu nước”, vậy không đóng phí chắc không yêu nước?
“Nhiều người không bằng lòng với một số phát biểu mới đây của Bộ trưởng Bộ GTVT. Có người nói với tôi rằng, đó là sự “bỗ bã”. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên “chấp” từng câu”, ông Hùng nói.
Theo: DĐDN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét