Ts. Lê Đăng Doanh
"Các câu hỏi cần được đề ra về mô hình hoạt động của các tập đoàn thế nào, Hội Đồng Quản trị quyết những gì, giám sát hoạt động của Tổng Giám Đốc ra sao để dẫn đến những sai phạm như vậy. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội Đồng Quản trị và Tổng Giám đốc đến đâu, cho đến nay vẫn chưa hề được làm rõ. Cho đến nay, trách nhiệm của ông Đào Văn Hưng vẫn chưa được làm rõ như Bộ Công thương đã hứa. Nếu không có chế độ trách nhiệm cá nhân thì ở Vinashin có sai phạm mua tàu Hoa Sen thì ở tập đoàn Dầu khí Việt Nam có vụ mua tàu địa chấn 2D của Na Uy với giá 30 triệu USD, đóng từ năm 1983, đã quá hạn đăng kiểm 10 năm, có ai chịu trách nhiệm hay không? Rõ ràng, cần có một điều tra, nghiên cứu khoa học-thực tiễn độc lập về các tập đoàn và quá trình thí điểm từ năm 2006 tới nay để đề ra những kiến nghị tái cấu trúc và cải cách cần thiết.
Các kết quả thanh tra cho thấy thực trạng quản lý rất đáng lo ngại tại các tập đoàn kinh tế."
Tiếp theo vụ án xét xử các cựu quan chức Vinashin về nhiều sai phạm nghiêm trọng, gần đây công luận lại phiền lòng về những sai phạm với số tiền rất lớn được Thanh tra Chính phủ công bố tại một số tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị đề nghị xử lý tài chính 18.200 tỉ đồng, trong đó có nhiều khoản chi đầu tư không đúng quy định, chỉ định thầu trái quy định, tiền vốn cổ phần hóa chưa thu hồi 1.928 tỉ đồng…
Trước đó, cũng theo Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Sông Đà sai phạm lên đến 10.676 tỉ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội cũng bị phát hiện mắc nhiều sai phạm trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và quản lý tài chính; Tập đoàn Điện lực Việt Nam có số lỗ lớn kỷ lục: 10.162 tỉ đồng (năm 2010) và hàng loạt vụ lùm xùm nội bộ khác. Còn với Agribank, chỉ riêng Công ty Cho thuê Tài chính của ngân hàng này đã lỗ 3.000 tỉ đồng, cao gấp 8,5 lần vốn điều lệ của công ty…
Đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chưa được làm rõ một cách đầy đủ. Số tiền sai phạm do Thanh tra Chính phủ phát hiện ở các tập đoàn kể trên cộng lại (chưa kể 86.000 tỉ đồng của Vinashin) đã lên đến trên 30.000 tỉ đồng, một số tiền quá lớn mà ai cũng xót xa, nhức nhối.
Nhận xét sơ bộ có thể rút ra qua các dẫn chứng trên là hễ thanh tra tập đoàn kinh tế nào là phát hiện sai phạm ở tập đoàn đó với số tiền phải xử lý lên đến hàng ngàn tỉ đồng ở các khâu quản lý vốn, đầu tư trái quy định của Nhà nước, đầu tư ra ngoài ngành gây thua lỗ lớn… Điều đó đã bộc lộ những yếu kém nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế ở nhiều tập đoàn. Đó chính là lý do để nay các tập đoàn kinh tế Nhà nước cần phải tái cấu trúc mạnh mẽ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu tại Hội nghị III Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vào tháng 10-2011 vừa qua.
Tập đoàn kinh tế Nhà nước được quản lý và sử dụng vốn của Nhà nước, khai thác tài nguyên của đất nước, có vị thế độc quyền trong kinh doanh, được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước… lẽ ra phải có hiệu quả kinh doanh khả quan. Đằng này, kết quả thanh tra cho thấy nhiều tập đoàn đã chưa đáp ứng được mong đợi, chưa hoàn thành trách nhiệm được giao phó.
Từ đó, cần đặt ra những câu hỏi rất nghiêm túc về đánh giá chủ trương và tổ chức thí điểm tập đoàn cũng như trách nhiệm quản lý, giám sát các tập đoàn đó về mọi mặt. Đặc biệt, phải có cơ chế làm rõ trách nhiệm cá nhân người đứng dầu khi để xảy ra sai phạm. Bao quát hơn, cần có một điều tra, nghiên cứu khoa học – thực tiễn độc lập về các tập đoàn và quá trình thí điểm từ năm 2006 tới nay để đề ra những kiến nghị tái cấu trúc và cải cách cần thiết.
Tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế Nhà nước theo yêu cầu của Hội nghị III Ban Chấp hành Trung ương Đảng, yêu cầu trước tiên là phải khắc phục những yếu kém đã được phát hiện. Làm được điều đó sẽ góp phần ổn định kinh tế, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nước ta.
Ts. Lê Đăng Doanh
Theo: nld.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét