Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung ở Myanmar ngày 1/4/12

Chu Công Phùng

Ngày 01/4/2012, Myanmar đã tổ chức bầu bổ sung 45 ghế của Quốc hội, trong đó có 37 ghế Hạ viện, 4 ghế Thượng viện và 4 ghế Bang/Vùng. Có 17/35 đảng chính trị tham gia tranh cử trong đó có 2 đảng lớn là Đảng Đoàn kết và Phát triển – USDP (Đảng cầm quyền) và Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ - NLD (đảng đối lập do bà Aung San Suu Kyi làm lãnh tụ).





Cuộc bầu cử này tuy có quy mô nhỏ, chỉ bầu bổ sung khoảng 7% nghị sĩ quốc hội, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng thu hút sự quan tâm không chỉ trong nội bộ Myanmar mà được cả thế giới theo dõi chặt chẽ.
Để thực hiện cam kết về tính dân chủ, công bằng, minh bạch trong bầu cử, Chính phủ Mianma đã mời đại diện Liên Hợp Quốc, Mỹ, EU, các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác của ASEAN cùng đoàn ngoại giao tại Yangon cử quan sát viên đến chứng kiến cuộc bầu cử. Tổng cộng có 156 quan sát viên và gần 200 phóng viên đến từ 30 nước, tổ chức khu vực và quốc tế. Với tư cách Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, Campuchia cử đoàn gồm 11 người do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Campuchia làm trưởng đoàn. Các quan sát viên được tự do quan sát các khu vực bầu cử trong thời gian bỏ phiếu và kiểm phiếu; được tiếp xúc, phỏng vấn cử tri và thành viên ban tổ chức. Các phóng viên được tự do quay phim và chụp ảnh trong và ngoài khu vực bỏ phiếu.
Nhận xét chung của các quan sát viên quốc tế và đoàn Ngoại giao tại Yangon cho thấy, ngoại trừ một số khiếm khuyết nhỏ về kỹ thuật, cuộc bầu cử trong cả nước Myanmar diễn ra suôn sẻ, trật tự; an ninh được đảm bảo; các cử tri được tạo thuận lợi tối đa; nhiều người già yếu, tàn tật, mù chữ được hỗ trợ bỏ phiếu; các hoạt động vận động của Đảng NLD không bị cản trở; mỗi điểm bầu cử đều có đại diện của các đảng tranh cử giám sát từ khi bỏ phiếu đến khi kiểm phiếu, các hòm phiếu được làm bằng nhựa trong để có thể quan sát được từ bên ngoài… Trong thời gian trước, trong và sau ngày bầu cử không xảy ra rối loạn hoặc hành động khủng bố nào trên lãnh thổ Myanmar.



Hai ngày sau bầu cử, ngày 3/4/2012, thông báo của Ủy ban bầu cử Myanmar cho biết, cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, hơn 6 triệu cử tri cả nước (khoảng 80% cử tri) đã đi bầu cử tại  hơn 8.000 địa điểm bỏ phiếu. Đảng NLD giành thắng lợi lớn với 43/45 ghế, trong đó có 37 ghế Hạ viện, 2 ghế Thượng viện và 4 ghế Bang/Vùng. 2 ghế còn lại ở Thượng viện thuộc đảng cầm quyền (USDP) và đảng Dân chủ Dân tộc Shan (SNDP). Bà Aung San Suu Kyi trúng cử vào Hạ viện với tỉ lệ phiếu bầu trên 85% ở khu vực Yangon.
Ngày 3/4/2012, phát biểu bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Phnom Penh, Tổng thống Myanmar Thein Sein khẳng định cuộc bầu cử quốc hội bổ sung của Myanmar đã diễn ra thành công. Phản ứng của các đảng phái chính trị và các tầng lớp dân chúng Myanmar đều theo chiều hướng thuận, chưa xuất hiện ý kiến ngược chiều. Tại một số địa điểm ở Myanmar, nhiều dân chúng nhất là thanh niên đổ ra đường chúc mừng kết quả bầu cử, chúc mừng đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi.
Dư luận quốc tế phản ứng rất nhanh chóng về kết quả cuộc bầu cử 1/4 ở Myanmar. Ngày 3/4/2012, Hội nghị cấp cao ASEAN tại Phnom Penh tuyên bố, coi đây là "một đóng góp tích cực vào tiến trình dân chủ đặc biệt là đối với phát triển kinh tế của Myanmar". Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói "cuộc bầu cử là bước đi lớn cho việc hòa giải dân tộc ở Myanmar và sẽ cho phép Myanmar hòa nhập với Châu Á và thế giới". Trưởng phái đoàn quan sát viên Campuchia và cũng có những phát biểu tích cực về kết quả và tác động từ cuộc bầu cử 1/4 đối với tương lai phát triển của Myanmar.
Mỹ và EU đều lên tiếng hoan nghênh kết quả bầu cử 1/4 ở Myanmar. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói: "chúng tôi sẵn sàng đáp ứng những bước đi cải cách ở Myanmar bằng bước đi tương hợp. Tôi không có gì để thông báo, nhưng sẽ có thêm chuyển động từ chúng tôi trong những tuần sắp tới". Tin cho biết, tháng 6 hoặc chậm nhất là tháng 8 năm nay, Mỹ sẽ cử Đại sứ mới đến Myanmar đồng nghĩa với việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Người phát ngôn EU cho biết, các Ngoại trưởng của khối có thể đưa ra quyết định bắt đầu dỡ bỏ cấm vận Myanmar tại Hội nghị Ngoại trưởng EU ở Brussels vào ngày 23/4 tới. Tin tức cho biết, Đức và Ytalia là 2 nước đưa ra ý kiến nên hủy bỏ hẳn lệnh này, trong khi Anh và một số nước Bắc Âu ủng hộ ý kiến chỉ nên giảm bớt mức độ cấm vận, để tiếp tục gây áp lực buộc chính phủ Myanmar phải đổi mới chính trị. Riêng Thụy sĩ đã xóa bỏ lệnh cấm visa đối với Tổng thống Thein Sein cùng 86 quan chức của Myanmar, có hiệu lực từ ngày 3/4...
Tổng hợp dư luận quốc tế và trong nước Myamar, những người quan tâm tình hình Myanmar đều dễ dàng nhận thấy ý nghĩa của cuộc bầu cử 1/4/2012 là:
1/ Đối với Chính phủ Myanmar: cuộc bầu cử 1/4/2011 nằm trong “Lộ trình dân chủ 7 bước” mà Chính phủ Myanmar đã thực hiện xong 6 bước đầu, tiến sang bước thứ 7 – bước cuối cùng là hòa hợp dân tộc, hội nhập quốc tế để “xây dựng một nước Myanmar hiện đại, dân chủ và phát triển”. Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi là đảng chính trị thứ 26 tuy “muộn” hơn các đảng khác nhưng đã chính thức tham gia bình đẳng vào cơ quan lập pháp của Myanmar, cùng các đảng phái khác góp sức vào việc đổi mới chính trị, cải cách kinh tế, xây dựng đất nước hiện đại, dân chủ, phát triển và hội nhập quốc tế.
2/ Đối với nhân dân Myanmar: cuộc bầu cử 1/4/2012 đã đáp ứng nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp nhân dân Myanmar bao gồm 135 sắc tộc, trong đó có các đảng phái chính trị, các nhóm vũ trang ly khai và các nhân vật bất đồng chính kiến… về sự công bằng, dân chủ trong đời sống chính trị xã hội ở Myanmar. Việc đảng NLD giành 43/45 ghế quốc hội bổ sung và bà Aung San Suu Kyi trúng cử với tỉ lệ phiếu cao là minh chứng rõ ràng về sự ủng hộ của dân chúng đối với đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi vốn bị “thiệt thòi” nhiều suốt hơn hai chục năm qua kể từ cuộc bầu cử tháng 5/1990.


Quan sát viên nước ngoài đến Myanmar theo dõi cuộc bầu cử QH bổ sung, ngày 1/4 (Ảnh do BBC đưa) 

3/ Đối với quốc tế: cuộc bầu cử 1/4/2012 không chỉ đáp ứng mong muốn của Liên Hợp Quốc, Mỹ, EU mà cũng đáp ứng mong muốn của ASEAN và các nước bè bạn đối tác của Myanmar… đều muốn Chính phủ Myanmar bằng hành động thực tế chứng minh với thế giới sự đổi mới gần một năm qua ở Myanmar là vững chắc, không thay đổi; chính phủ Myanmar thực sự hòa hợp dân tộc, dân chủ hóa, thực sự mong muốn hội nhập quốc tế. Cuộc bầu cử 1/4/2012 cũng là một liều thuốc thử của Mỹ, EU trước khi họ có những hành động cụ thể nới lỏng tiến tới tháo dỡ bao vây cấm vận và trừng phạt kinh tế đối với Myanmar.
 Kết quả cuộc bầu cử 1/4/2012 tuy không ảnh hưởng nhiều đến tương quan lực lượng trong Quốc hội cũng như vai trò cầm quyền hiện nay của đảng USDP, nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc hợp pháp hóa sự tham gia của đảng NLD trong chính trường Myanmar. Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, sau cuộc bầu cử này, bà Aung San Suu Kyi sẽ có một vị trí xứng đáng trong Hạ viện. Những phát biểu và hành động thực tế của bà Aung San Suu Kyi sau bầu cử sẽ có tác động qua lại với chính phủ Myanmar và sẽ có tác động đáng kể tới chính sách của Mỹ và phương Tây đối với Myanmar.
CCP 

1 nhận xét:

  1. Cháu đang tìm hiểu về thị trường Myanmar cho dự án đầu tư của công ty. Chuỗi bài viết Kể chuyện Myanmar và những bài viết khác có liên quan... đều rầt bổ ích cho sự nghiên cứu của cháu! Rất cảm ơn chú, chú Vĩnh và đặc biệt là chú Phùng đã viết và đăng những bài viết này!
    Cháu chúc các chú luôn dồi dào sức khỏe!

    Trả lờiXóa