Có lần, tôi hỏi nhà thơ Hải Như, rằng những gì gợi ra cảm xúc để ông viết bài thơ “Thành phố hoa phượng đỏ”? Ông nói, khi đó đang chiến tranh, bỗng nhiên tôi thấy màu hoa phượng đỏ rực cả khoảng trời, màu cờ, màu đỏ chiến công, hoa phượng xen với màu băng, cờ, khẩu hiệu rực rỡ tiễn chân thanh niên lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Cái màu hoa phượng thắm cứ bừng lên như hào khí chiến thắng của thành phố cảng. Và tôi đã viết bài thơ này, sau đó nhạc sĩ Lương Vĩnh phổ nhạc. “Những cái tên nghe chẳng thơ đâu / Nhưng với ta vô cùng oanh liệt / Ôi, thân thiết tự hào quê hương!... Hải Phòng đó, hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”…
Lâu nay, tôi vẫn thích nghe bài hát ấy, lời hay, nhiều ý nghĩa, nét nhạc trữ tình, đằm thắm, lại rất hào hùng. Nhưng, từ trước tết Nhâm Thìn, khi báo chí nêu gay gắt và miêu tả đầy nỗi oan khốc, mất trị an về cái vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, sao bỗng dưng những lời ca hay, những âm điệu trữ tình của bài hát truyền thống ấy cứ lặn đi đâu mất. Nhất là khi đã gây ra vụ việc tày đình, kinh thiên động địa như vậy, mà các quan chức Hải Phòng cứ nghênh ngang lờ tịt đi, lo ăn tết, chúc tụng nhau một cách rất vô tư, làm cho thiên hạ phát nóng ruột, tôi lại có sự liên tưởng đến cái gọi là “khí phách” hiên ngang ấy. Cụ Tú Xương có sống lại cũng buộc phải đọc lên: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu / Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?”.
Lại nói đến câu hát mà ngẫm thấy đúng quá: “Hải Phòng đó, hiên ngang chỉ biết ngửng đầu”. Họ ngang nhiên đến mức chỉ biết ngẩng cao đầu, mặt vênh như bánh đa nướng, thách thức với pháp luật, với cả dư luận, tỏ ra bất chấp. Thậm chí khi Thủ tướng đã chỉ rõ hàng loạt cái sai cần phải khắc phục và phải nhanh chóng làm rõ, nhưng ông Bí thư thành ủy lại nói trong cuộc găp mặt “Diên Hồng” với các vị bô lão: “Báo chí sai, ông Vươn sai, …” Một địa phương giàu truyền thống cách mạng, nhưng nay lãnh đạo mà như thế làm sao mà gọi là An Lão? Có tội mà không chịu cúi đầu nhận tội, cứ nghênh cái mặt lên, thì đúng là trong tâm trạng, hoàn cảnh nào cũng “chỉ biết ngửng đầu”. Mà làm con người lúc nào đầu cũng ngẩng vểnh lên là biểu hiện của thứ bệnh thường thấy là “hội chứng đao (down)”, cứ ngơ ngơ, nghênh nghênh, thiên hạ nói gì cũng mặc kệ, không thể bình thường hoặc cúi xuống được, kể cả khi mắc sai lầm khuyết điểm lớn, bị thiên hạ chửi cho rát mặt, vẫn hiên ngang, không cần cúi đầu.
Mới đó, trong dân gian có người đã xin lỗi nhà thơ Hải Như và nhạc sĩ Lương Vĩnh, nhại lời bài hát: “Những cái tên nghe chẳng thơ đâu / Nhưng với dân vô cùng oan nghiệt”…Rồi từ tên bài hát, lời trong câu hát, suy nghĩ loanh quanh thế nào lại bắt gặp những cái tên người ở Hải Phòng. Chỉ riêng trong vụ Tiên Lãng, về mặt nghĩa của danh từ riêng (với tên người), đã gợi ra hai luồng (dòng) ý nghĩa. Hai luồng ý nghĩa đó là: Hầu hết, tên gọi các vị quan từ xã lên huyện mà báo chí nêu nhiều, chức danh chủ chốt, đều bị nghịch nghĩa. Do đạo đức, lối sống, tác phong và cả phát ngôn của họ đã sinh ra những cái tên nghịch nghĩa, bị ngược phẩm cách. Luồng ý nghĩa thứ hai: Những người dân lao động chân chất, thật thà, cha mẹ đặt tên sao thì cứ nguyên nghĩa như vậy, cái tên như áp số phận cho cuộc đời.
Cứ thử “giám sát” từ dưới lên trên, “rà soát” từ xã lên huyện, rồi đến thành phố, thấy đa số họ đều mang cái tên nghịch nghĩa, ngược phẩm cách. Ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, từ nhiều năm nay cứ nhăm nhe giành giật khu đầm của ông Vươn, mong ông anh trên huyện lợi dụng chức vụ, quyền hạn giúp để tìm cách sớm thu hồi đất, giao cho UBND xã, thế nên tên là Thanh Liêm mà lại rất tham lam.
Ông Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang, bị kỷ luật, bị mất chức, do ông buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng ở địa phương. Hoan mà chẳng vui vẻ gì, rất buồn.
Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, vì nóng vội lấy đất giao cho em ruột là Thanh Liêm quản lý, cho đối tác khác thuê, nên sinh ra ác. Riêng cặp đôi anh em ruột họ Lê làm đến chức danh là “người đứng đầu chính quyền” ở huyện và xã đã mang tội bất hiếu. Ông bố đặt tên là Hiền, nhưng lại ác; là Liêm, nhưng lại tham. Thật đúng như thi sĩ Tú Xương đã nhận diện từ mấy đời trước: “Nhà kia hỗn phép con khinh bố”. Ông Nghĩa, Bí thư huyện ủy Tiên Lãng, dính vào vụ này cũng là việc làm phi nghĩa. Nghĩa bị phi nghĩa.
Thử “rà lại tên” các ông lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã xuất hiện trên công luận từ khi xảy ra vụ Tiên Lãng, thì thấy: Ông Thành, Bí thư thành ủy, trực tiếp “mặc áo choàng đen, đội mũ bảo hiểm” xuống tận hiện trường cưỡng chế, nhưng nay lại bất thành. Ai cũng biết, thành phố Hải Phòng có hai ông (hai đời) Bí thư Thành ủy tên là Thành. Nhưng kiểm chứng, đánh giá, thấy ông Đoàn Duy Thành (làm các chức danh ở UBND và Thành ủy Hải Phòng từ 1979-1985) đã để lại nhiều công tích, làm nhiều việc có lời cho “quốc kế dân sinh” trên thành phố Hoa phượng đỏ, nên được thiên hạ bình xét là ông Đại Thành. Ngược lại, từ vụ đất đai Đồ Sơn, Cát Bà đến vụ Tiên Lãng, ông Nguyễn Văn Thành, đương kim Bí thư thành phố hiện nay lại bị dân chúng xúm nhau gọi là ông Bất Thành. Trong vụ Tiên Lãng này, ông Nguyễn Văn Thành cũng bộc lộ để thiên hạ thấy rõ hơn là “mục đích bất thành, âm mưu bại lộ”.
Kế đến, ông Điền, Chủ tịch UBND thành phố, mà lo chuyện điền thổ không xong, dẫn tới các quyết định thu hồi đất bị sai pháp luật, cưỡng chế thu hồi đất cũng phạm luật rất nặng và mất dân chủ trầm trọng.
Ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch thường trực thành phố, “Thoại” là nói, “Trung” là phải thực, nhưng phát biểu với báo chí thì ông Trung Thoại lai thiếu trung thực, phát ngôn theo lối “bừa phứa cầu cảng”, bị dư luận lên án.
Lại nữa, ông Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc công an thành phố, tên là Ca, chữ C và A thường được viết tắt của “công an”, nhưng lại làm mất uy tín ngành công an, làm sai cả 6 điều Bác Hồ dạy công an. Còn nữa, ông bày ra cái lối tung tin đánh lạc hướng, coi vụ cưỡng chế thu hồi đất của ông Vươn là “cuộc diễn tập”. Cho nên, tên ông là “Ca” mà diễn trò quá dở.
Nay, đương kim Phó chủ tịch UBND thành phố có ông Đan Đức Hiệp, người được phân công thay ông Thoại làm tổ trưởng giải quyết hậu họa vụ Tiên Lãng. Nhưng trong vụ này, ai cũng thấy từ dưới lên trên đã cùng một giuộc, vào hùa với nhau, cùng “đoàn kết” cãi quanh, chống chế, thì ông Hiệp dù có muốn “làm tốt phận sự” cũng khó mà hiệp sức, hiệp lực, hiệp đồng mà cữu vãn được tình hình bi bét, bi đát này.
Trong vụ Tiên Lãng còn thấy xuất hiện thêm ba cái tên liên quan nữa, là ba ông: Tài-Đoàn-Kết. Ba ông này được ông Thanh Liêm bày trò thuê xe ủi phá nhà ông Vươn, nhà ông Quý. Nhưng họ cũng đâu có dễ mà “Đoàn Kết” với chính quyền, họ không bao che, không chối tội, mà họ đã mạnh dạn khai ra, tố cáo những người đã mướn họ làm việc phi pháp…
Lại nói đến những danh từ riêng trong những tên người là những nông dân như gia đình họ Đoàn ở Cống Rộc. Cũng là sự ngẫu nhiên, họ là nông dân, người lao động, mộc mạc, tên cha mẹ đặt sao thì khiêm tốn giữ đúng như vậy, trọn nghĩa, không hề bị nghịch nghĩa, không bị ngược phẩm cách. Như ông Vươn, là điển hình của người cựu chiến binh, của nông dân nhà nòi, luôn luôn phải có nghị lực để vươn lên. Ông Quý, cùng mấy anh em nỗ lực làm ăn, muốn nhanh chóng thoát nghèo, nuôi hy vọng vươn lên phú quý. Sau gần 20 năm bỏ công sức, vay vốn khai hoang lấn biển, mở mang đầm nuôi thủy sản, thế là rất quý, vốn bất động sản đã tạo dựng được, nay cũng thành của quý. Của quý mới bị người ta rình ngó nghĩ kế thu hồi để chụp giật. Còn em ông Quý là ông Vệ, có tài sản thì phải lo bảo vệ, bị ức hiếp, bị phá nhà, cướp đất thì phải lo tự vệ. Đến như hai bà con dâu nhà họ Đoàn, tên Hiền và tên Thương. Họ cũng rất hiền thục và đáng thương. Nhất là cảnh bà Thương giữa ngày Tết phải cùng mấy đứa con chui lủi trong căn lều trên đống xà bần hoang tàn đổ nát thị đúng là thảm cảnh thật đáng thương.
Nghĩ đến tên người ở Hải Phòng, tạm nhận diện như sau: Làm dân còn giữ được nguyên ven ý nghĩa của tên gọi; nhưng nếu làm quan, dễ bị nghịch nghĩa. Tôi lại cứ nghĩ đến những địa danh nơi đây mà thấy lạ: Sông thì có sông Cấm, sông Lấp; cầu thì bị Rào, mà có cầu Đất nữa. Sông bị Lấp, rồi bị Cẩm, nước chảy về đâu? Cầu bị Rào, ai mà đi được? Bãi tắm biển thì lại mang tên núi (Đồ Sơn), thế mới ngược đời. Thực tình, nếu như Hải Phòng không xảy ra vụ rùm beng Tiên Lãng thì cũng chưa ai để ý nhiều đến hiện tượng độc chiêu ngôn ngữ ở xứ này. Có lẽ cũng từ những suy tư ấy, Tiến sĩ Tô Văn Trường, nhà khoa học trị thủy (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) đã phải bật ra những câu thơ:
Sông mà bị Cấm chảy về đâu
Rào lại, sao ai dám qua cầu
Lắm chuyện tùm lum sao An Lão
Tiên mà Lãng nhách khối tình sầu.
Giờ đây, nghĩ về tên đất, tên sông, địa danh ở Hải Phong, thấy nó cứ lộn tùng phèo, đang cái này bỗng nhảy sang cái khác, không thể thứ tự sự việc, thời gian, hầu như trong sự việc này ai cũng cứ sợ nói ra bị loạn ngôn. Bỗng nhớ, Tiên Lãng ngày xưa còn có các tên gọi là Bình Hà, Tân Minh, Tiên Minh. Những cái tên này thì lại giàu chất thơ: Bình Hà, là trị thủy, làm chủ được sông nước; Tân Minh, vùng ánh sáng mới; Tiên Minh, cũng hay, là ánh sáng soi đường, đi đầu. Người ta nói vì đây là vùng đất hình thành nên do các công trình khai hoang, lấn biển từ lâu đời mà nên. Nhưng có lẽ do lấn biển là việc cơ khổ, gian nan, cho nên sang đời nhà Nguyễn mới đặt tên là Tiên Lãng, theo nghĩa Hán Nôm của Tiên Lãng là đầu sóng, nơi đầu sóng ngọn gió. Mà cũng đúng vậy, nay là Tiên Lãng đang là nơi đầu sóng ngọn gió của vụ cố ý làm trái của lãnh đạo Hải Phòng, nơi đầu sóng ngọn gió thực thi chủ trương chỉnh đốn Đảng, cả một dây từ Đảng đến chính quyền, từ xã, huyện, lên thành phố. Cả nước cũng đang rất quan tâm đến cái nơi “đầu sóng” ấy. Như trên đã nêu, phải nhắc lại địa danh huyện An Lão. Nghe phát biểu rất bừa phứa của ông Bí thư Nguyễn Văn Thành hôm 17-2 mới rồi, làm sao mà An Lão, các vị lão làng ở Hải Phòng, sao mà yên lòng được? Buộc họ phải nhảy dựng lên cùng ký tên vào kiến nghị cách chức Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành.
Nói về sự độc chiêu, về nét đặc trưng ngôn ngữ ở Hải Phòng, cũng cần đề cập đến địa danh sông Lấp. Tôi nhớ bài thơ “sông Lấp” của cụ Tú Xương:
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò.
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò.
Nhờ có những người nông dân, như mấy anh em họ Đoàn, dám lấp sông, lấn biển mới có làng quê trù phú, phố phường đông đức như hôm nay: “Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai”. Bài thơ của cụ Tú hay là thế, ý nghĩa nhân văn, nhân bản sâu xa. Nhìn cảnh nay, nhớ sông xưa, con sông có tên rất thơ mộng: sông Vị Hoàng. Con sông bị lấp, mang tên sông Lấp mà nay chẳng còn sông. Tên gọi xưa là sông Vị Hoàng có nghĩa là nơi vua từng ở, có thể là nơi vua đến, hoặc đi vi hành đến vùng đất này, neo thuyền trên sông chăng? Nhưng khi quan lại ở địa phương nhũng nhiễu, sợ vua đến thì lộ tẩy hết mọi việc mờ ám, cho nên lấp sông đi, khỏi cần Vị Hoàng, quan sở tại như muốn toàn quyền cứ việc tung hoành ngang dọc, muốn àm trời làm đất gì cũng được. Oan cho dòng sông thơ mộng bị lấp đi. Thảo nào, cụ thi sĩ họ Trần (Tế Xương) tiếc cho con sông đã bị lấp cho mất tăm mất dạng. Ông đã làm bài thơ sông Vị Hoàng:
Có đất nào như đất ấy không ?
Phố phường tiếp giáp với bờ sông.
Nhà kia lỗi phép con khinh bố,
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.
Phố phường tiếp giáp với bờ sông.
Nhà kia lỗi phép con khinh bố,
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.
Keo cú người đâu như cứt sắt
Tham lam chuyện thở những hơi đồng.
Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh
Có đất nào như đất ấy không ?
Tham lam chuyện thở những hơi đồng.
Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh
Có đất nào như đất ấy không ?
Con sông ấy bây giờ đã bị người ta lấp đi, nơi cao thì dân làm nhà ở, nơi thấp thì đã nên đồng nên bãi trồng ngô trồng khoai. Nhưng, vào thời buổi và thời điểm này, đọc bài thơ “sông Lấp” của cụ Tú, tôi lại mạo muội xin vong hồn linh thiêng của cụ thứ lỗi, nhại thơ cụ cho nó có chất thời sự chính trị-xã hội từ hậu họa vụ Tiên Lãng - Cống Rộc. Ví dụ như:
Sông kia ai đã lấp rồi
Lại thêm khu đất bãi bồi Vinh Quang
Nghe rền những tiếng kêu oan
Giật mình lại tưởng có quan huyện về.
Không hiểu có cái duyên nợ gì, mà riêng sông Lấp, cụ Tú đã có hai bài thơ. Ngày xưa, làng quê yên tĩnh là thế. Đêm, ngồi bên đồng vắng, chỉ vang lên tiếng ếch kêu mà cụ Tú bỗng “giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò”. Tôi không hình dung ra lúc đó cụ Tú sao lại dễ giật mình như thế. Có thể là sự diễn tả, tu từ đúng với tâm trạng lúc đó của thi sĩ. Sông mà bị lấp, thật là tiếc. Đâu rồi cảnh hữu tình “dòng chảy êm đềm qua lau lách”? Cụ đang ngồi tưởng tượng dòng sông năm xưa, rồi bến sông vào khuya nghe nhịp mái chèo, tự nhiên nghe tiếng ếch kêu. Thế nên, cụ Tú giật mình là có lý. Còn bây giờ, xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất phát kinh thiên động địa, dân chúng sinh ra tâm lý giật mình khi thấy quan huyện về. Dân Cống Rộc còn nói: “Ông Hiền mà đâu có hiền, ác phát sợ. Sau này, nếu như trẻ con khóc, cứ dọa là im đi, nín ngay, không nín, tao gọi ông Hiền!”.
Tiếng ếch vẳng kêu trong đêm ở nơi đồng bãi ngô khoai heo hút, gợi nhớ tiếng gọi đò da diết thuở nào. Những âm thanh cuộc sống thanh bình và rất tự nhiên nơi đây như thể đang sống lại cả một chiều sâu lịch sử với biết bao biến cố thăng trầm. Trải bao biến đổi thời cuộc, thiên nhiên, thời gian, và cả con người đã góp phần làm đổi thay cảnh vật, cải tạo địa hình, đổi thay cả không gian văn hoá hữu hình và phi vật thể, như một hiện hữu của hạnh phúc mà không sao níu giữ được. Như đầm nuôi trồng thủy sản của họ Đoàn ở Cống Rộc, mới ngày nào cá tôm cũng sướng, nhảy tung tăng. Con thuyền nhỏ lướt sóng êm đềm của người nông dân cần cù, kiên nhẫn, gắn bó với đất đai, đầm nước. Bây giờ, đến chú ếch cũng sợ, im re. Đầm bị cướp hết tôm cá, trở lại cảnh hoang hóa năm nào. Thật là cám cảnh. Đúng là ông Vươn đang rơi vào cảnh huống đau lòng: “Mồ hôi mà đổ xuống đầm / Chưa thu hồi vốn, giam cầm oan khiên”. Chính điều ấy đã tạo nên niềm tiếc nuối khôn nguôi của bao người tâm huyết, bao người cả nghĩ như cụ Tú của chúng ta năm xưa đã từng cảm nhận. Dẫu đẹp như Tiên cũng bị rơi vào hoàn cảnh bị Lãng nhách khối tình sầu thương. Một thời, thành phố Hoa Phượng Đỏ, nay còn đâu? ./.
Bùi Văn Bồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét