Mấy hôm nay dư luận Hà nội bàn tán nhiều về việc đổi giờ học và giờ làm. Việc này mới thực hiện có vài ba ngày làm sao có thể đánh giá chuẩn xác được, nhất là lại tiến hành sau Tết, sinh hoạt xã hội chưa trở lại bình thường: các trường đại học chưa học lại, lao động ngoại tỉnh chưa trở lại, nhiều cửa hàng chưa mở lại. Do đó nên đợi thêm để có cái nhìn sát thực.
Tuy nhiên qua các luồng dư luận trái chiều nhau, nhất là xung quanh sự đảo lộn đối với các cháu học sinh và phụ huynh và các thầy cô giáo có một điều đáng suy ngầm; đó là đạo lý đằng sau quyết định hành chính này.
Thứ nhất là ai cũng hiểu bất cứ quyết định nào cũng có thể gây ra sự thiệt thòi đối với một số người; vấn đề chỉ là chọn ai làm “vật hy sinh”. Lâu nay ta vẫn nói thanh thiếu niên là tương lai của chúng ta, là đối tượng luôn được dành ưu tiên hàng đầu nhưng trong trường hợp này sinh hoạt và học tập của lớp trẻ lại bị đảo lộn nhiều nhất. Đảo lộn thế nào chính các em và các bậc phụ huynh đều đã nói.
Thứ hai là dân ta vốn có truyền thống “tôn sư”, tôn trọng các thầy cô giáo song trong trường hợp này họ lại vấp phải nhiều sự bất tiện, thậm chí vất vả nhất. Vất vả thế nào nhiều thầy cô cũng đã lên tiếng.
Thứ ba là chúng ta vẫn nói gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, nhiều bất ổn xã hội hiện nay bắt nguồn từ sự lơi lỏng của gia đình. Với sự chuyển đổi giờ giấc này, mối quan hệ giữa các cháu với gia đình càng thêm lỏng lẻo: còn đâu bữa cơm đầm ấm duy nhất trong ngày của gia đình một khi mãi tới gần 8 giờ tối các cháu mới về trong trạng thái mệt nhoài cả về thể xác lẫn tinh thần; ông bà cha mẹ ăn trước cũng dở, chờ đợi cũng dở?
Thứ tư là chúng ta hay lo ngại về việc giáo dục con cháu mà các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là TV đóng vai trò rất quan trọng. Với lịch học tập này các cháu chẳng còn được hưởng thụ giờ vàng, không bao giờ còn được thấy tin tức thời sự nữa dù có muốn.
Mỗi quyết sách đều do con người đưa ra nhưng tiếc rằng không phải quyết sách nào cũng chú trọng tới những đạo lý thường được rao giảng, những tác động sâu kín không đo đếm được như “thành tích” giảm thiểu các vụ, các điểm ùn tắc của giao thông.
(Bài đăng trên báo Thanh niên số ra ngày 6 tháng 2 năm 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét