Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

LÊ NGUYỄN KỂ CHUYỆN NGOẠI GIAO- VIII

                                MỘT “TÍN HIỆU NGOẠI GIAO”.

Một người đàn ông da trắng, to cao, tiến đến chủ động bắt tay tôi. Việc này diễn ra ngay tại hành lang dinh Tổng thống Mexico vào tháng 1 năm 1990, trong buổi Tổng thống tiếp đoàn ngoại giao hàng năm để chúc mừng năm mới. Anh ta tự giới thiệu là Đại sứ Mỹ và tên là Negroponte (nói bằng tiếng Việt). Tôi đáp lại một cách lịch sự và thân tình. Rồi anh ta chủ động đề nghị nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây-ban-nha vì khi nghe thì hiểu tôi nhưng nói tiếng Việt còn gặp khó khăn.
Thế là câu chuyện giữa hai người bắt đầu, mặc dầu chưa bao giờ gặp và quen biết nhau. Anh giới thiệu tiếp từng là cố vấn của Kissinger tại Hội nghị Paris, quen biết rất nhiều người như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Hả Văn Lâu, Nguyễn Thị Bình….Không những là quen biết mà còn cùng với Kissinger đối thoại, tranh luận với các thành viên của đoàn Việt Nam trong một thời gian dài ở Paris. Dù sao thì những mối quan hệ cá nhân đó cũng đã để lại một ấn tượng trong ký ức của anh ta.
Câu chuyện của chúng tôi cứ thế kéo dài trong lúc chờ Tổng thống. Với chúng tôi, những người trong cuộc, không cảm thấy có gì đặc biệt. Nhưng với các nhà báo, phóng viên, các hãng truyền thông, truyền hình có mặt hôm đó thì đó là một sự kiện đáng chú ý, một “tín hiệu ngoại giao”.
Sau 1975, Mỹ thi hành chính sách thù địch, bao vây cấm vận Việt Nam. Cho đến 1990 về cơ bản quan hệ giữa ta và Mỹ vẫn chưa có gì thay đổi so với các năm trước đó. Thế mà Đại sứ Mỹ lại gặp Đại sứ Việt Nam và hai người nói chuyện với nhau lâu, say sưa. Dưới con mắt của các nhà ngoại giao khác và báo chí, truyền hình, truyền thông thì đây là một sự kiện không bình thường, đáng quan tâm, báo hiệu một cái gì đó mới mẻ. Một số Đại sứ Xã hội chủ nghĩa và Mỹ la-tinh, những người có quan hệ thân tình với Việt Nam cũng có ý thăm dò tôi xem có gì mới trong quan hệ với Mỹ không.
Khoảng hai tuần sau tôi có một chuyến đi địa phương về thăm một tỉnh biên giới sát Mỹ. Địa phương tổ chức một buổi gặp gỡ khá rộng, mời tôi nói chuyện. Đặc tính của người Mỹ la-tinh, kể cả Mexico, là cởi mở, năng động và thẳng thắn. Tại buổi gặp, nhiều người hỏi về tình hình Việt Nam, quan hệ Mexico-Việt Nam…Và cũng có một số hỏi tôi về cuộc gặp với Đại sứ Mỹ ở Thủ đô như đã kể trên. Cũng có người hỏi thẳng hai ngài đã nói chuyện gì với nhau mà theo báo chí nói là “khá kéo dài và đáng chú ý” ?.
Tôi trả lời câu chuyện chủ yếu tập trung vào quan hệ của ông Đại sứ Mỹ với một số người Việt Nam trong thời gian họp Hội nghị Paris, đây hoàn toàn là chuyện tình cảm cá nhân, quan hệ cá nhân. Những điều tôi nói là hoàn toàn sự thật, đúng sự thật, nhưng chắc chắn 80% là không ai tin, người ta vẫn cho là tôi có giấu điều gì đó, còn giữ bí mật, chưa tiện nói ra lúc đó.
Kỷ niệm 45 năm ngày Độc lập 2/9, Sứ quán tổ chức chiêu đãi. Buổi tiệc hôm đó diễn ra ngay tại trụ sở Đại sứ quán. Do có mối quan hệ cá nhân như đã nói ở trên, chúng tôi mạnh dạn mời vợ chồng Đại sứ Mỹ dự chiêu đãi. Thực lòng lúc đó chúng tôi nghĩ có thể đây chỉ là một cử chỉ lễ tân ngoại giao, không chắc là họ đến. Nhưng không phải lúc nào dự đoán của mình cũng đúng, cũng chính xác. Không những họ đến mà đến cả hai vợ chồng.
Việc họ đến là điều bất ngờ rồi, nhưng cách họ đến cũng không phải bình thường. Ngày 1/9, vào buổi chiều, anh em trong cơ quan thấy một xe ngoại giao biển số sứ quán Mỹ đi qua sứ quán ta, vòng đi vòng lại hai lần. Ngày 2/9, trước giờ chiêu đãi khoảng hơn một tiếng, tự nhiên thấy một xe sứ quán Mỹ đến đỗ cạnh sứ quán. Anh em trong cơ quan tỏ hơi ngạc nhiên, sao họ đến sớm thế nên có ý quan sát, theo dõi. Khách đoàn ngoại giao và địa phương đến đã tương đối đông thì thấy xuất hiện xe Đại sứ Mỹ. Chiếc xe của sứ quán Mỹ đã đến chiếm chỗ trước khoảng hơn một giờ từ từ lăn bánh và xe của Đại sứ Mỹ tiến vào vị trí của xe trước. Anh em chúng tôi tấm tắc bàn luận cách thực hiện biện pháp bảo vệ Đại sứ của sứ quán Mỹ, đúng là biện pháp an ninh kiểu Mỹ !
Vợ chồng tôi đón khách tại tiền sảnh sứ quán. Vợ chồng Đại sứ Mỹ dừng lại bắt tay và nói chuyện với vợ chồng tôi khá lâu, vui vẻ. Các nhà báo, nhiếp ảnh lại có dịp quan sát, phán đoán theo tư duy của mỗi người. Nhưng có lẽ hầu hết lại cho rằng đó là “tín hiệu ngoại giao mới” giữa Việt Nam và Mỹ.
Vợ chồng tôi và anh chị em trong cơ quan cũng có phần ngạc nhiên về sự có mặt của vợ chồng ông Negroponte tại buổi chiêu đãi quốc khánh Việt Nam ngày 2/9/1990. Tôi báo cáo về Bộ hai sự kiện nói trên với ý thức để Bộ xem nó có liên quan gì đến vấn đề khác không. Cuối cùng cũng có thể kết luận đây chỉ là cử chỉ, hành động cá nhân của vợ chồng Đại sứ Mỹ xuất phát từ mối quan hệ vốn có trong thời gian đàm phán ở Hội nghị Paris.
Một “tín hiệu” không có tín hiệu !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét