Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

LÊ NGUYỄN KỂ CHUYỆN NGOẠI GIAO- VII

 ANH NG ƠI, LÀM SAO ĐỦ ĂN ?

Tôi đi nước ngoài khá nhiều, lúc phục vụ các đoàn, lúc tự mình dẫn đầu đoàn. Tuy đi nhiều như vậy mà vẫn có một sai lầm là chỉ biết mình mà không bao giờ hỏi phía nước ngoài về chế độ tài chính chi tiêu cho đoàn của họ khi đi ra nước ngoài thế nào. Cho đến bây giờ vẫn cứ mù tịt chuyện đó. Nhưng có điều chắc chắn là chi tiêu của họ hoàn toàn khác ta.
Phía ta thì quá đơn giản. Mọi thứ đi lại, ăn ở lúc công tác theo đoàn ở nước ngoài đều do Nhà nước lo cả. Cá nhân chỉ được phát một khoản tiền rất khiêm tốn gọi là tiền tiêu vặt hàng ngày. Với chế độ tài chính như vậy thì người đi công tác khỏi lo lắng chuyện cơm nước, chỉ quan tâm kiếm tí quà nhỏ cho con cháu khi về nước. Đúng là được bao cấp thì cũng có cái sướng của nó !
Năm 2000 tự nhiên tôi thấy có cái gì đó khang khác. Lúc chuyên cơ chở Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn đi thăm Nga, Belarus và Bulgarie rời Hà Nội được vài giờ, tôi thấy một đồng chí chắc là phụ trách  tài chính của đoàn cầm một tập phong bì đi phát cho từng người. Tôi cũng nhận được một cái. Mở ra thấy có mấy trăm đô la Mỹ. Mọi người được giải thích đó là tiền ăn và tiêu vặt của mỗi người trong suốt thời gian của chuyến thăm. Có nghĩa là từ năm 2000, khi đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài, nhà nước không còn lo bao cấp chuyện ăn uống cho cán bộ nữa, mọi thứ đã ở trong phong bì rồi.
Bỏ chế độ bao cấp quả thật có nhiều cái hay, tạo cho cán bộ quyền chủ động hơn. Nhưng rồi nó cũng đẻ ra nhiều vấn đề phức tạp rắc rối. Từ chỗ không lo gì hết nay mọi người phải tự thân vận động về chuyện ăn tiêu. Cũng từ khi đó tôi thấy mọi người trước khi đi công tác khá tất bật về chuyện cá nhân. Khá đông người lo cả rau, gạo, mỳ, nước mắm, bát đũa và cả nồi cơm điện, bình đun nước…
Các khách sạn nơi đoàn ở nhiều phòng mỗi khi bước chân vào phải nếm chịu mùi nước mắm, mùi thức ăn, bát đũa, thùng hàng ngổn ngang bừa bộn. Không khách sạn nào cho phép nấu nướng trong phòng, trước hết vì an toàn của hệ thống điện, kế đến là vệ sinh, trật tự…Nhưng vì tự lo, tự thân vận động để “tồn tại và phát triển” nên các chiến sĩ “đặc công” của chúng ta có đủ kế để qua mắt khách sạn. Thậm chí có người “quên” cả thanh toán tiền điện thoại nên cuối cùng các sứ quán “lãnh đủ”.
Hôm đến Nga, mọi người nhận phòng xong rồi về tắm rửa, nghỉ ngơi. Vào khoảng 8 giờ tối, tôi nhận được điện thoại của anh ĐH, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng, hỏi tôi là chuyện ăn tối thế nào đây ? Tôi thưa lại anh đã nhận phong bì trên máy bay chưa ? Nếu anh đã nhận rồi thì xin anh “tùy nghi di tản” ! Gần một tiếng sau anh L, Bộ trưởng Tư pháp điện cho tôi băn khoăn : 3 anh em chúng tôi vừa xuống nhà ăn của khách sạn dùng bữa tối nhẹ, chỉ gọi bát xúp và đĩa thịt nhỏ, không uống, đã hết hơn 30 đô la Mỹ rồi. Với số tiền được phát hơn 50 đô la một chút (cho cấp Bộ, thứ trưởng) thì làm sao đủ ăn cho một ngày ? ! Tôi hỏi là trong nhóm ăn tối ở khách sạn có anh SH (lúc đó là Bộ trưởng Tài chính) thì nhận được trả lời là có. Nếu vậy thì tốt rồi, bản thân anh SH đã biết với số tiền đó không đủ ăn đơn giản cho mỗi người một ngày thì chắc các anh bên Tài chính phải xem xét lại.
Hôm sau tôi có nói chuyện với anh SH về việc này, anh cũng cảm thấy mức chi đó chưa hợp lý, chắc phải tính toán lại thực tế hơn.
Là những người công tác trong ngành ngoại giao, chúng tôi còn có một nỗi lo khác nữa là với đà này thì các khách sạn sang trên thế giới sẽ rất sợ mỗi khi có đoàn Việt Nam đến ở. Và với kiểu ăn khiêm tốn như vậy thì lấy đâu sức khỏe làm việc, phục vụ đoàn.
                                                                 *
Anh N, Tham tán Công sứ sứ quán ta tại Nga (lúc đó kiêm nhiệm Belarus), đến Minsk trước để phối hợp với bạn đón đoàn. Đoàn rất đông, kể cả các bộ phận phục vụ, báo chí, doanh nghiệp (trên 50-60 người). Có thể chưa biết chế độ mới về tài chính của đoàn, anh N đặt trước với bạn bữa ăn tối (vừa ở khách sạn và nhà khách). Nhưng khi đoàn đến, trừ các  đoàn viên chính thức, hầu hết các bộ phận khác không ai dùng bữa tối. Vì bạn đã chuẩn bị rồi nên bạn vẫn tính với anh N, số tiền bữa tối đó cho khoảng 50 người không phải là nhỏ ! Chúng tôi phải giải thích, vận động để anh chị em dùng bữa tối do bạn đã chuẩn bị sẵn nhưng không ai hưởng ứng vì họ đã chuẩn bị từ nhà theo phương án “tự thân vận động”. Anh N méo mặt, lo lắng, không hiểu phải giải quyết thế nào với số tiền lớn như vậy !
Thì ra ở đời có lúc trách nhiệm quá, lo xa quá cũng mang họa vào người !
Nhưng đâu phải một mình anh N. Trước khi đến Sofia, thủ đô Bulgarie, đoàn được đưa về nghỉ lại một đêm ở Varna, một khu du lịch nổi tiếng của Bulgarie. Cũng với tinh thần trách nhiệm lo cho đoàn có điều kiện thuận lợi để chuyến thăm có kết quả tốt, anh S lúc đó là Đại sứ ta ở Bulgarie bay về Varna trước. Cũng theo vết xe của anh N ở Belarus, anh S hăng hái đặt với nhà khách cơm tối cho đoàn.
Khi đoàn đến nhà khách, anh S vui mừng báo cáo với đoàn mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ, kể cả cơm tối ! Khổ thân anh khi nhận được thông tin phản hồi, trừ thành viên chính thức ra, các bộ phận khác không ai tham gia, họ tự lo !!! Anh S cho biết số tiền bạn đòi của bữa tối hôm đó xấp xỉ nghìn đô la Mỹ. Anh tỏ lo lắng, bối rối, lấy đâu ra tiền để thanh toán đây ?
Tôi thưa chuyện lại với anh SH về cả hai trường hợp ở Belarus và Bulgarie, đề nghị anh xem xét chứ bản thân hai anh N và S và các sứ quán ở Nga và Bulgarie không có khoản nào để chi cho hai vụ đó. Anh SH hứa xem xét thuận lợi, chắc có cách xử lý thích hợp.
Đồng tiền làm cho người ta hãnh diện, sung sướng nhưng nhiều lúc cũng gây cho con người niềm lo, nỗi buồn !


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét