Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

MẤT GÌ, ĐƯỢC GÌ TỪ VỤ CƯỠNG CHẾ Ở TIÊN LÃNG ?

Thăng Sắc

Vụ cưỡng chế ông Đoàn Văn Vươn ở cống Rộc, huyện Tiên Lãng, Hải phòng, tuy chưa có kết luận ai đúng ai sai thì cũng đã bộc lộ ngay ra mấy cái mất (nếu không gọi là thất bại) và mấy cái được sau :
Mất gì ?
- Việc giải quyết tranh chấp đất đai, nhà cửa giữa người dân với nhau và giữa người dân với chính quyền là chuyện “thường ngày ở phố huyện”, bao giờ chẳng có. Có nhiều cách để giải quyết tranh chấp, trong đó hạ cách nhất là cưỡng chế. Đã phải cưỡng người dân thì tức là người dân có cái gì chưa tâm phục khẩu phục. Chủ trương của Đảng, Chính phủ và của Mặt trận bao giờ cũng lấy tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục làm chính. Ông Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an thành phố Hải phòng đã nói :  :“Công an Hải Phòng đã tham gia  hàng trăm vụ cưỡng chế, đều đạt kết quả tốt. Nhưng có phương pháp đúng là mọi việc êm đẹp ngay. Kể cả khi đối tượng đã tỏ thái độ chống đối rồi thì giải thích, thuyết phục vẫn có thể đem lại kết quả. Bản chất vấn đề là bảo vệ lợi ích. Mà đã gọi là lợi ích thì sẽ có thiệt, hơn. Lấy lời phải ra mà khuyên giải họ, dẫu có không đạt được sự quy phục ngay thì cũng sẽ hiệu quả trong việc giảm bớt mức độ chống đối.Từ xưa đến nay các vụ cưỡng chế phải xác định quan điểm giáo dục là chính. Tôi xin nhắc lại lần nữa là không thể coi đối tượng giải phóng mặt bằng là tội phạm, đừng để họ đối đầu với mình khi không cần thiết” (Công an Nhân dân, 16/1).  Ấy vậy mà kết quả cưỡng chế thế nào đã rõ và nó nói lên là chủ trương tốt đẹp trên đã thất bại, dù là trong một trường hợp cụ thể như ở Tiên Lãng thì cũng là thất bại. Ấy là một cái mất.
- Để bảo đảm đúng tiến độ công trình, vì lợi ích của toàn dân, toàn xã hội thì ở nhiều trường hợp cụ thể cần phải tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, trong vụ cưỡng chế nhà ông Vươn ở Tiên lãng,  việc huy động Công an huyện, gồm 1 đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ huy, huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng (cảnh sát điều tra, cảnh sát trật tự, cảnh sát phòng cháy, cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự), huy động Ban Chỉ huy quân sự huyện gồm 1 đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ huy, huy động lực lượng cơ quan ban chỉ huy quân sự huyện, lực lượng dân quân tự vệ, và về sau khi tăng cường thì tung Giám đốc Công an thành phố vào cuộc cùng với nhiều phương tiện trấn áp là có biểu hiện sai về quan điểm đường lối, sai về xác định đối tượng, đánh giá đối tượng, mục đích cưỡng chế, từ đó sai về chỉ đạo. Chỗ này không cần nói nhiều vì người dân nào cũng biết Quân đội nhân dân Việt Nam tồn tại và phát triển là để làm gì mà lãnh đạo địa phương lại đưa họ vào một cuộc cưỡng chế đất đai như thế này. Ấy là cái mất thứ hai.
- Quyết định cưỡng chế một vụ tranh chấp đáng ra đã có thể giải quyết được từ trước đó bằng các biện pháp tuyên truyền vận động và bằng minh bạch pháp luật, thực hiện cưỡng chế có vấn đề sai lệch đã gây nên một chấn động dư luận, làm tăng thêm nhiều sự ngờ vực của người dân trong cả nước đối với chính quyền, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị xã hội, buộc những người lãnh đạo cao nhất phải có ý kiến. Đó là cái mất lớn và là cái mất thứ ba.
- Cái mất thư tư, tuy nhỏ hơn nhưng cũng là một cái mất, đó là ngoài việc phá được cái nhà, có người gọi là cái lều hay cái chòi của ông Vươn, về thực chất thì việc thực hiện cưỡng chế là thất bại. Thất bại ở chỗ tuy kế hoạch cưỡng chế đã có từ trước đó nhiều ngày nhưng công tác điều tra nghiên cứu, nắm tình hình vẫn sai, đã lường trước là có chất nổ chất cháy mà vẫn để xẩy ra, khi xẩy ra vẫn tăng cường và áp sát dẫn đến thiệt hại về người : đáng ra bốn chiến sĩ công an và hai bộ đội đã không bị thương trong khi đối tượng cũng vẫn trốn được.
Chắc còn nhiều cái mất nữa mà người viết chưa nghĩ ra, xin bạn đọc thêm vào. Vậy còn những cái được là gì ? Cái được là vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng đã phát lộ rõ thêm ra một số vấn đề sau :
- Không thể xem thường và bất chấp sức mạnh của công luận, nhất là trong thời buổi  internet, không thể không đánh giá cao tinh thần thông cảm đoàn kết của Mặt trận và của người dân đối với đối tượng Đoàn  Văn Vươn và gia đình cũng như những ý kiến chỉ đạo của những người lãnh đạo cao nhất đối với vụ việc, không thể không tính đến những bức xúc của người dân trong cả nước về đất đai.
- Đã đến lúc không thể không xem xét và sửa đổi luật đất đai, trong đó phải xem lại ai là người phán quyết việc cưỡng chế khi có tranh chấp giữa chính quyền và người dân.
- Không thể không tiến hành ngay chỉnh đốn đảng ở các cấp, trước hết là ở các cấp địa phương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4.
- Không thể không minh bạch chuyện đúng sai trong vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng. Nếu kết luận đúng, xử lý tốt đúng sai thì sẽ là bài học tốt cho việc chỉnh đốn đảng, bài học tốt cho cán bộ ở các địa phương trong khắp cả nước, làm yên lòng dân trong đó có dư luận nước ngoài và bà con Việt kiều vốn luôn hướng về Tổ quốc. Nếu kết luận và xử lý chưa thoả đáng thì chắc dư luận và bất bình trong dân chúng sẽ không nguôi.
- Không thể không xem xét lại quan điểm Công an nhân dân và Quân đội nhân dân của một số cán bộ Hải phòng và Tiên lãng khi họ huy động rất nhiều lực lượng công an và đặc biệt là huy động cả bộ đội vào cưỡng chế,  khi mà một lãnh đạo công an Hải phòng, theo báo chí, đã nói như sau về vụ cưỡng chế : Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả. (VnMedia, 8/1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét