Hiếm thấy năm nào lắm sự kiện đầy kịch tính như năm 2011. Danh mục các sự kiện nổi bật sẽ rất dài, vả lại nhân dịp cuối năm các phương tiện truyền thông đại chúng đều đua nhau chọn ra 10 sự kiện điển hình nên trong bài này xin không điểm lại. Để có cái nhìn bức tranh tổng thể ta có thể hình dung ra 4 chiều hướng lớn diễn ra trong năm với sắc mầu đậm nhạt khác nhau. Đó là kinh tế thế giới được cơ cấu lại; sức mạnh của các quốc gia được sắp xếp lại; bản đồ một số khu vực được tô vẽ lại và cuối cùng là khí hậu, môi trường biến động khác thường. Trong bốn chiều hướng lớn ấy có những sự kiện hàng thập kỷ mới diễn ra, thậm chí không ít sự kiện hàng trăm năm mới lặp lại.
Kinh tế thế giới được cơ cấu lại
Khỏi nói thì ai cũng thấy sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ và suy thoái kinh tế toàn cầu trong các năm 2008-2009 uể oải như thế nào. Hơn thế nữa với cuộc khủng hoảng nợ ở Tây Âu, những khó khăn chồng chất của kinh tế Mỹ, Nhật vốn được coi là ba đầu tàu của nền kinh tế thế giới đang dấy lên mối lo ngại về nguy cơ của một cuộc khủng hoảng kép.
Thôi, đó là những khó khăn trước mắt cần được tính đến trong việc làm ăn trong vài ba năm tới. Cái đáng bàn hơn là những mầm mống về sự chuyển dịch kinh tế toàn cầu trong dài hạn.
Trước hết là những khuyết tật, thậm chí sự khủng hoảng của các mô hình phát triển bộc lộ khá rõ nét, đòi hỏi phải tìm ra mô hình mới thích hợp hơn. Nếu như cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mô hình kế hoạch hóa tập trung sụp đổ ở một loạt nước Liên Xô, Đông Âu thì ngày nay cả hai mô hình phát triển chủ yếu ở Tây Âu đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Phong trào “Chiếm phố Uôn” – sào huyệt của các nhà tài phiệt Mỹ cho thấy người dân Mỹ chán ngấy cái mô hình “Đồng thuận Oa-sinh-tơn” mà nội dung cốt lõi là tư nhân hóa, tự do hóa và phi điều tiết hóa, đưa tới sự phân cực ghê gớm giữa một bên là một nhúm người, nhất là bọn tài phiệt tài chính – tiền tệ giầu sụ nắm hầu hết tài sản quốc gia và một bên khác là tuyệt đại đa số người lao động ngày càng cơ cực, thậm chí không có công ăn việc làm. Cuộc khủng hoảng nợ ở hàng loạt nước Tây Âu cho thấy cái mô hình “thị trường xã hội”, theo đó sự tiêu sài và phúc lợi xã hội vượt quá cái làm ra, sống bằng vay mượn sớm muộn cũng sẽ phá sản. Đó là chưa kể mô hình “hướng mạnh ra xuất khẩu” mà một loạt nước châu Á áp dụng từ khoảng những năm 60 – 70 thế kỷ trước và đã đạt được sự tăng trưởng thần kỳ nay xem chừng cũng trục trặc do các thị trường xuất khẩu chủ yếu gặp khó khăn, xu hướng bảo hộ gia tăng. Trong bối cảnh ấy người ta quay sang khuyến khích nội nhu, chú tâm vào thị trường nội địa.
Nói như vậy không có nghĩa là xu thế toàn cầu hóa đã cáo chung mà nó vẫn tiếp tục. Biểu hiện là dòng hàng hóa, dịch vụ, tiền vốn, phương tiện giao thông, thông tin, lao động, sản phầm văn hóa… vẫn “vượt biên” lan tỏa ra toàn cầu. Mấy năm qua người ta hay sử dụng từ “thế giới phẳng” để thể hiện chiều hường trên, chỉ có điều thế giới không phẳng lỳ mà là một cao nguyên lồi lõm có núi cao, rãnh sâu, thậm chí có những vết nứt lớn, trong đó sâu nhất là sự phân hóa giầu nghèo giữa các quốc gia và cuộc đấu tranh một mất một còn giữa các nước công nghiệp phát triển và đang phát triển về việc mở rộng tự do hóa thương mại, đẩy vòng đàm phán Đô-ha vào trạng thái “sống sinh vật”. Thay vào đó các Khu vực mậu dịch tự do liên quốc gia, liên khu vực mọc lên như nấm.
Thiết nghĩ trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng chúng ta không thể không rút ra kinh nghiệm cần thiết cho bản thân, chú trọng hơn nữa sự cân bằng thỏa đáng giữa phát triển kinh tế và công bằng xã hội, giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa nội lực và ngoại lực, giữa thị trường bên trong và bên ngoài.
Dưới tác động của cuộc khủng hoảng kép: vừa khủng hoảng kinh tế, vừa khủng hoảng năng lượng và khí hậu, đang diễn ra sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng ưu tiên công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường đi đôi với việc phát triển các nguồn năng lượng tái sinh như điện gió, điện mặt trời, một số nước thậm chí rời bỏ điện hạt nhân. Như vậy là, cùng với kinh tế tri thức, nay người ta đang cổ vũ cho nền kinh tế xanh.
Như một quy luật, cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng cơ cấu toàn cầu cơ cấu sản xuất lị được chuyển dịch, công nghệ mới về chất lại ra đời. Ví dụ sau cuộc khủng hoảng dầu lửa đầu những năm 70 thế kỷ trước đã xuất hiện nhiều sản phẩm tiết kiệm năng lượng, công nghệ thông tin bùng nổ. Tuy mọi việc còn đang ở giai đoạn manh nha song sự chuyển dịch cơ cấu nói trên chắc sẽ phát triển mạnh trong những thập kỷ tới.
Trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và công nghiệp hóa chúng ta không thể không tính đến xu hướng này; nếu không nước ta sẽ tụt hậu xa hơn nữa, thậm chí lệch pha, sản phầm làm ra tiêu thụ năng lượng cao và không thân thiện với môi trường khó bề tiêu thụ được.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn cho thấy sự chuyển dịch sức mạnh của các nền kinh tế, trong đó các nền kinh tế Mỹ - Nhật – Tây Âu trục trặc, các nền kinh tế mới nổi, trong đó nổi lên là kinh tế Trung Quốc, Ấn độ…đang vươn lên; trung tâm kinh tế của thế giới chuyển dần về châu Á – Thái Bình Dương Về câu chuyện này xin đề cập ở phần sau; riêng về kinh tế nước ta cũng không thể không tính đến và kịp thời thích nghi kể cả về thị trường lẫn đầu tư.
Đi liền với quá trình này là sự hoán đổi vị trí của các đồng tiền. Đồng đô-la và đồng ơ-rô suy yếu, đồng yên mạnh lên đặt Nhật bản vốn thiên về xuất khẩu gập khó, trong lúc đó đồng Nhân dân tệ lên hương và có thể trở thành đồng tiền chuyển đổi, một phương tiện thanh toán quốc tế. Quyền lực trong Quỹ tiền tệ quốc tế cũng được phân bổ lại theo hướng có lợi hơn đối với các nền kinh tế mới nổi. Sự chuyển dịch này là một mốc lớn sánh ngang với việc xóa bỏ bản vị vàng sau cuộc Đại suy thoái 1929 – 1933, việc hình thành hệ thống Bretton Wood sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, theo đó đồng đô-la Mỹ chiếm vị trí thống trị và việc thả nổi tỷ giá vào đầu những năm 70 thế kỷ trước.
Đã hội nhập sâu với nền kinh tế-tài chính toàn cầu, nước ta không thể không tính đến sự thay đổi lớn này trong việc chọn lựa phương tiện thanh toán, dự trữ, vay mượn quốc tế.
Rieng khía cạnh an ninh cũng nẩy sinh không ít vấn đề mới liên quan tới nguy cơ tụt hậu xa hơn, cạnh tranh kinh tế - thương mại, sử dụng đồng tiền…
Sức mạnh của các quốc gia được xếp sắp lại
Một hiện tượng mới khi thế giới bước vào thế kỷ XXI và càng bộc lộ rõ qua cuộc khủng hoảng vừa qua là sự hoán đổi dần sức mạnh và vị thế của các quốc gia. Suốt trong mấy thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, các nước công nghiệp phát triển luôn ở thế thượng phong, còn các nước đang phát triển luôn ngồi chiếu dưới. Nhưng rồi từ những năm 60 – 70 thế kỷ trước một loạt “con rồng”, “con hổ” châu A xuất hiện và như trên đã nói, từ cuối thế kỷ trước, đầu thế kỷ này xuất hiện khái niệm “các nền kinh tế mới nổi”, bao gồm nhóm BRIC (Brê-din, Nga, Ấn độ, Trung quốc) và một số nền kinh tế khác, trong đó có các nước đông dân hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn độ đóng vai trò ngày càng nổi trội trên vũ đài quốc tế. Trong khi đó các nền kinh tế đầu tầu như Tây Âu, Mỹ, Nhật ngày càng lún sâu vào thế khó khăn.
Người ta đặc biệt hay nói tới “hiện tượng” Trung Quốc phát triển thần kỳ sau hơn ba chục năm cải cách và mở cửa và nay đã trở thành “công xưởng của thế giới”, “thị trường thu hút vốn, công nghệ và nguyên nhiên liệu nhiều nhất thế giới”, “chủ nợ lớn nhất thế giới”, từ năm ngoái đã chiếm ngôi nền kinh tế lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ. Như vậy Trung Quốc hầu như đã lấy lại được vị trí của nền kinh tế hàng đầu thế giới vào khoảng năm 1820. Đi đôi với sự lớn mạnh về kinh tế là sự phát triển về khoa học – công nghệ, kể cả về vũ trụ, sức mạnh quân sự và vai trò chính trị trên thế giới.
Đương nhiên mọi sự còn đang diễn biến, sự tụt lùi của nước này, sự nổi lên của nước khác là cả một quá trình lâu dài với nhiều biến số khó lường. Nẩy sinh rất nhiều phỏng đoán về thời hạn Trung Quốc đuổi kịp Mỹ song trước mắt về tổng sản phẩm nội địa tính theo đầu người, trình độ khoa học – công nghệ và đi liền với nó là năng suất lao động cũng còn khoảng cách lớn, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng chính trị còn khác nhau.
Diễn biến tiếp theo thế nào còn tùy thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó có việc sức mạnh của các quốc gia được hướng vào mục tiêu nào; trong lịch sử nhân loại đã lắp đi lặp lại nhiều lần sự hưng thịnh và tiêu vong của các đế chế do sử dụng sức mạnh vào những tham vọng quá mức. Khỏi cần nhắc lại sự hưng vong của các đế quốc La-mã, Ô-tô-man, Nguyên Mông, Anh…trong quá khứ, cứ xem Mỹ trong hơn một thế kỷ qua đủ thấy. Vươn lên hàng đầu sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, liên tiếp tiến hành chiến tranh hết Triều tiên đến Việt Nam – Đông dương hao người tốn của, tiếp đến là chiến tranh vùng Vịnh, Ban căng rồi hai cuộc chiến ở I-rắc, Ap-gha-nit-xtan…đã biến giấc mộng về thế giới một cực sau khi Liên Xô sụp thành mây khói.
Trong thời kỳ chuyển tiếp đang diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt, sự rượt đuổi, kiềm chế nhau dữ dằn, sự tập hợp lực lượng phức tạp làm cho thế giới nhiều khi rối loạn, bất an. Tuy nhiên, trong một thế giới mà tính tùy thuộc lẫn nhau sâu sắc, khát vọng hòa bình, hợp tác vì phát triển của các dân tộc hết sức mạnh mẽ, hy vọng rằng sự cạnh tranh không biến thành chiến tranh tổng lực toàn cầu.
Những chuyển biến mang tính “thế kỷ” này đặt ra cho các nước, trong đó có nước ta nhiều bài toán hắc búa, đòi hỏi sự chọn lựa khôn ngoan, sự định vị chuẩn xác vì lợi ích an ninh, phát triển và vị thế quốc tế của mình.
Bản đồ thế giới được tô vẽ lại
Nếu cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước, bản đồ chính trị châu Âu được vẽ lại với sự thay đổi chế độ của các nước Đông Âu, cuộc chiến ở bán đảo Ban-căng và sự tan rã của Liên Xô thì nay bản đồ Trung Đông – Bắc Phi được vẽ lại với sự rối loạn và sụp đổ của hàng loạt chế độ trong khu vực này. Thực ra trong hàng nghìn năm qua bản đồ của khu vực vốn có vị trí chiến lược nằm giữa ngã ba đường nối liền ba châu lục Âu – Á – Phi, giầu dầu lửa đã bị vẽ lại nhiều lần, từ thời các cuộc thập tự chinh rồi đế quốc La mã, Ô-tô-man, sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất và thứ Hai và trong nửa sau thế kỷ XX khi phong trào giải phóng dân tộc lên cao cũng như hệ quả của các cuộc chiến liên tiếp diễn ra ở đây.
Nguyên nhân của tình trạng này đã được mổ xẻ nhiều và sẽ tiếp tục được đào sâu, nghiên cứu. Tựu trung lại những rối loạn, sụp đổ chúng ta đang chứng kiến bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân bên trong và bên ngoài, lịch sử và hiện tại. Về bên trong, đó là những mâu thuẫn bộ lạc, sắc tộc, tôn giáo, mô hình kinh tế - chính trị - xã hội đẻ ra sự phân tầng sâu sắc, trong đó nhiều nhà cầm quyền trị vì hàng mấy chục năm trở thành độc tài, gia đình trị, tài nguyên phong phú được sử dụng không đúng cách, phân phối không đều, kẻ giàu thì giầu sụ, quảng đại quần chúng thì lâm vào cảnh nghèo khó, bần cùng, khát vọng dân chủ, tự do không được đáp ứng đưa tới sự bùng nổ dữ dội. Thêm vào đó hoặc do tính toán, kích động, thậm chí can thiệp quân sự công khai của các thế lực bên ngoài vốn thèm khát tài nguyên và vị trí chiến lược của khu vực càng làm cho sự rối ren bên trong thêm phức tạp.
Chưa biết rồi ra cục diện từng nước và cả khu vực sẽ đi về đâu. Tuy nhiên một điều có thể khẳng định được là quá trình hình thành các chế độ mới và cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ là cả một quá trình mang nặng đẻ đau vì những mâu thuẫn sâu xé mỗi nước và cả khu vực vẫn còn đó, không dễ gì hàn gắn trong một sớm một chiều để có được cuộc sống yên bình, ấm no.
Một nét mới nữa trên bản đồ thế giới là sự chuyển dịch trung tâm sinh hoạt thế giới sang châu Á – Thái Bình Dương sau nhiều thế kỷ châu Âu chiếm vị trí hàng đầu. Thực ra chiều hướng này đã manh nha từ hàng chục năm nay khi nhiều nước châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động, trở thành thị trường hàng đầu, là nam châm thu hút các nguồn lực từ Mỹ và Tây Âu, nơi quy tụ các nước lớn chủ yếu là Trung Quốc, Ấn độ, Mỹ, Nhật, Nga. Hai ba năm gần đây xu hướng này càng gia tăng trong bối cảnh Mỹ và Tây Âu chồng chất khó khăn, còn các nước châu Á vẫn duy trì được phong độ, hỗ trợ cho sự tăng trưởng toàn cầu, thậm chí Trung Quốc và Nga còn ngỏ ý sẵn sàng chìa tay cứu giúp Tây Âu trong cơn nợ nần. Một nhân tố nữa làm cho vị thế của châu Á càng nổi trội với quyết định của Mỹ “trở lại” khu vực.
Tất nhiên sự xáo động dữ dội ở một khu vực có vị trí địa- chính trị và địa-kinh tế mang tầm chiến lược quan trọng như Trung Đông – Bắc Phi và sự lên hương của châu Á – Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng không ít tới cả thế giới trong những thập kỷ tới.
Đối với nước ta, có nhiều điều cần được chăm chú nghiên cứu để rút ra những bài học cần thiết cho bản thân nhằm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập chủ quyền đi đôi với việc mở rộng quan hệ quốc tế, duy trì sự phát triển, tận dụng những cơ hội mới mở ra và ứng phó với những thách thức mới xuất hiện.
Khí hậu, môi trường biến đổi mạnh mẽ
Trên đây là những chuyện “nhân định”, năm nay còn chứng kiến không ít vụ thiên tai kinh thiên động địa do “trời định”. Điển hình nhất là vụ động đất kéo theo sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản hàng trăm năm mới xẩy ra một lần. Ngay ở khu vực ta cũng diễn ra trận lụt lịch sử ở Thái Lan, các trận bão mạnh khác thường liên tiếp ở Phi-lip-pin và ngay nước ta cũng phải hứng chịu không ít lũ lụt, thiên tai, triểu cường quá mạnh, xâm thực tràn lan.
Đổ hết tội cho Trời là không công bằng vì khí hậu biến đổi, môi trường ô nhiễm một phần không nhỏ là do con người gây ra qua những hành vi hủy hoại môi trường, tàn phá rừng rú và tài nguyên thiên nhiên, ngăn cản dòng chẩy, xả nhiều chất thải, chọc thủng tầng ô-dôn, băng tan trên cả hai cực, bờ sông sạt lở, nước biển dâng cao…Ấy thế mà chỉ thấy họp hành dài dài, triền miên xung khắc, chưa biết bao giời mới tìm được tiếng nói chung để cứu vớt loài người.
Riêng nước ta kẹt cả hai bên: nước biển Đông dâng cao, nước sông Mê-công ở phía Tây biến đổi có thể đe dọa sự sinh tồn của dân tộc.
Rõ ràng nguy cơ biến đổi khí hậu đã gõ cửa cả nhân loại, trở thành vấn đề an ninh của mỗi quốc gia, một vấn đề chính trị có thể gây sự bất hòa giữa các nước và chủ đề của nền ngoại giao quốc tế. Là một thành viên của công đồng quốc tế, thậm chí là nạn nhân trực tiếp của sự biến đổi khí hậu ta không thể đứng ngoài.
Với những biến động trên toàn cầu và với tầm cỡ lịch sử như trên, 2011 đúng là một năm đáng nhớ. Trong khi bươn trải với những khó khăn trước mắt, ta chẳng nên bỏ qua những chiều hướng mới mẻ đang hé lộ để có biện pháp tận dung những cơ hội mới, đề phòng, ngăn ngừa những thách thức mới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét