Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

LÊ NGUYỄN KỂ CHUYỆN NGOẠI GIAO - VI

 NHỮNG CÚ “SỐC” NGOẠI GIAO

Do tính chất quan trọng, mỗi khi đoàn Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng thăm nước ngoài đều có đoàn tiền trạm đi trao đổi trước với nước bạn để thống nhất nội dung và chương trình.
Năm 2000, tôi dẫn đầu đoàn tiền trạm đi ba nước để chuẩn bị cho chuyến thăm của thủ tướng Phan Văn Khải. Từ Nga đi Bê-la-rút đoàn có thêm anh N là Tham tán Công sứ Đại sứ quán ta ở Mạc-tư-khoa tham gia.
Do quan hệ giữa hai nước tốt đẹp nên việc trao đổi nội dung chuyến thăm diễn ra khá thuận lợi, nhanh chóng, chủ yếu là bộ phận lễ tân hai phía thống nhất chương trình, ngày giờ diễn ra các hoạt động chính. Anh N cùng với đại diện bộ phận bảo vệ đoàn ta làm việc với an ninh nước bạn để thống nhất một số biện pháp bảo đảm an toàn, trong đó có liên quan đến cuộc Tổng thống tiếp Thủ tướng ta.
Theo thông lệ và thực thực tiễn ở ngoài nước, mỗi khi Tổng thống và Thủ tướng bạn tiếp trưởng đoàn ta, họ thường thoả thuận theo công thức : phía bạn 1 hoặc 1+1 (thêm trợ lý), phía ta 1+2 (phiên dịch + thường là thứ trưởng ngoại giao). Anh N và bạn đã thoả thuận trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Lucachenco và Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ theo công thức thông thường đó, tức phía ta 1+2, bạn chỉ 1.
Bạn đón tiếp Thủ tướng ta trọng thị, thân mật, mọi hoạt động diễn ra suôn sẻ như đã thống nhất với đoàn tiền trạm. Đỉnh cao là cuộc gặp giữa Thủ tướng và Tổng thống. Đúng theo thoả thuận, tôi tháp tùng Thủ tướng trong cuộc gặp đó. Cuộc nói chuyện giữa hai người diễn ra được một phút, bỗng một người của bạn (chắc là lực lượng an ninh) vào phòng mời tôi ra trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Thật bất ngờ nhưng giữ đúng phép ngoại giao tôi đứng dậy rời phòng tiếp. Sau cuộc gặp, anh N tỏ ra bức xúc và không hài lòng vì anh là người trực tiếp chứng kiến cảnh đó. Hơn nữa chính anh đã thoả thuận với bạn trước đó, mặt khác lo tôi không bằng lòng vì bị xúc phạm. Anh N tìm gặp bạn nhưng mọi người cố lảng tránh, không giải thích thoả đáng sự việc xẩy ra. Dù sao thì cũng là việc đã rồi. Một điều chắc chắn đấy không phải là chủ trương và thái độ chính trị của lãnh đạo mà chỉ là hành động mang tính nghề nghiệp và thiếu cân nhắc về mặt ngoại giao của lực lượng an ninh.
Đó là sự cố ngoại giao đầu  tiên xẩy ra trong cuộc đời làm ngoại giao của tôi.
                                                     X
                                                  X   X
Trước đó một vài năm, tôi có chuyến thăm Vương quốc A-rập E-mi-rat. Ngoài yêu cầu chung nhằm tạo thêm hiểu biết và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, chuyến thăm có mục đích cụ thể tìm hiểu khả năng tranh thủ sự hỗ trợ tài chính của bạn phục vụ cho chương trình xây dựng giao thông vùng sâu, vùng xa. Điều này phù hợp với tôn chỉ của Quỹ Abudabi của E-mi-rat.
Tôi cùng anh Chân, lúc đó là Trưởng lãnh sự của Việt Nam ở Đu-bai, về Abudabi gặp Thứ trưởng Ngoại giao của bạn. Câu chuyện giữa chúng tôi với Thứ trưởng diễn ra hữu nghị, bình thường. Nhưng khi đề cập đến khả năng qua Quỹ Abudabi bạn có thể giúp đỡ Việt Nam một số dự án nhỏ về giao thông ở miền núi phía Nam (Tây nguyên) thì buổi tiếp bỗng trở nên đổi chiều.
Không do dự, cũng không đắn đo, Thứ trưởng Ngoại giao bạn liền nói : Xin lỗi Ngài, khi cần tiền thì Việt Nam đến hỏi chúng tôi, còn Sứ quán thì các Ngài đặt ở Tri-pô-li và Bát-đa  ! (Lúc ấy ta chưa mở sứ quán ở Abudabi).
Chúng tôi có phần không hài lòng về câu nói đó vì nó thiếu sự tế nhị của văn hoá giao tiếp ngoại giao. Nhưng rồi suy cho cùng, điều mà ông ta nói chẳng có gì sai cả. Cho đến lúc ấy ta vẫn suy nghĩ theo thời còn chiến tranh lạnh giữa hai phe, vẫn tư duy theo hệ tư tưởng.
Người ta thường ví phụ nữ là phái đẹp, phái yếu, còn nam giới là phái mạnh. Đẹp thì hoàn toàn chính xác rồi, phụ nữ là những bông hoa. Nhưng nói là phái yếu thì chưa hẳn vì cũng có những người phụ nữ mạnh, thậm chí còn mạnh hơn cả năm giới. Người ta thường nói nhà ngoại giao luôn ăn nói nhẹ nhàng, tế nhị và sâu kín. Thế nhưng trong trường hợp nhà ngoại giao vừa kể trên thì đâu phải. Cũng có nhà ngoại giao thẳng thừng, bộc trực, không cần tế nhị trong lời nói và suy nghĩ.
Đó là sự cố thứ hai và cũng là cú “sốc” ngoại giao thứ hai đối với tôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét