Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

CHUYỆN MỘT NGƯỜI LÍNH

Truyện ngắn của Thăng Sắc

   Phải ba tháng sau cái chết của Ngọc, Khiển mới trở về.
Đấy là vào một chiều cuối xuân năm 1985, tôi thấy một người bộ đội cao lớn, bước những bước quả quyết vào sân và hỏi:
- Anh cho hỏi thăm nhà anh Dũng?
Linh tính cho tôi biết đó chính là Khiển. Và như có điều gì thúc giục tự bên trong, tôi chạy ào ra nắm lấy tay anh ta:
- Có phải anh Khiển không? Anh về khi nào?
- Tôi về chiều qua.
- Từ hôm qua đến giờ anh làm gì?
- Tôi thăm mộ Ngọc. Hôm nay tôi đến đón cháu Bạch Dương.

Tôi mời anh vào nhà. Anh vứt lên bàn bao thuốc giải phóng có in hình một cái tháp. Chúng tôi ngồi lặng lẽ rít thuốc, không ai muốn bứt ra khỏi sự im lặng, có thể vì không ai biết phải bắt đầu như thế nào. Một lát sau, Khiển mới hỏi chuyện tôi. Giọng anh khản đặc, mắt nhìn tôi mà như nhìn vào chỗ trống.
- Ngọc ốm như thế nào hở anh?
- Ngọc phải vào viện đúng hôm tôi đi lấy vé hộ Ngọc. Khi tôi mang vé về nhà, bà hàng xóm bảo người ta vừa đưa cô ấy đi cấp cứu ở Việt - Đức. Tôi chạy vùng ngay lên bệnh viện xem chuyện gì đã xảy ra, nhưng các bác sĩ không cho vào. Cách đấy gần một tháng, Ngọc nói với tôi là Ngọc cảm thấy có điều lo lắng và thường nghĩ nhiều đến anh.
- Ngọc nói với Dũng thế?
- Vâng. Cô ấy còn bảo rằng muốn cùng Bạch Dương đi ngay Căm – phu – chia thăm anh, không đợi đến mùa hè như dự kiến nữa. có điều Ngọc không nói với tôi, nhưng tôi biết là số tiền cô tích cóp cả năm mới chỉ đủ mua một phần ba vé, chưa kể các khoản quà cáp và chi tiêu khác. Tôi có bảo Ngọc lấy thêm của tôi một chỉ nhưng cô ấy gạt đi và nói sẽ cố may hết đống quần đùi gia công. Cô ấy đã cậm cạch máy gần như suốt đêm, đêm nào cũng vậy. Khi trả hết hàng, Ngọc cộng các khoản lại đưa tôi và bảo cô ấy mệt quá rồi, nhờ tôi mua vé hộ, đăng ký được ngày nào đi ngày ấy, càng sớm càng tốt.
Khiển ôm đầu, thốt ra một câu trách móc:
- Sao Dũng không ngăn cô ấy?
- Làm sao tôi không ngăn cô ấy ư? Làm sao Khiển biết được là tôi đã không ngăn Ngọc và làm sao cái người lính – người chồng đang ngồi trước mặt tôi kia biết được là anh ta đã có một người vợ tuyệt vời nhưng cô đơn và đau đớn đến nhượng nào! Tôi chưa bao giờ gặp anh ta, nhưng vì yêu Ngọc nên đã nhiều lúc oán giận anh ta, thậm có có lúc còn căm ghét nữa vì anh ta đã bắt một người đàn bà tươi trẻ, nết na như Ngọc phải chịu đựng đến tận cùng.
Tôi và Ngọc cùng học đến hết lớp mười ở một trường huyện. Đến đại học, mỗi đứa vào một trường. Ngọc học thư viện rồi được làm việc ở Hà Nội. Tôi vào Bách khoa, đi sơ tán, đi bộ đội rồi học lại và đi nước ngoài. Vì thế, tôi không có dịp bày tỏ tình yêu với Ngọc cho dù mối tình ấy đã có từ thủa học sinh. Sau này gặp lại Ngọc, cô đã có chồng và con gái lên năm. Ngọc kể tôi nghe là cô cưới năm 1979, được năm tháng thì chồng đi Căm-pu-chia, đi thẳng một mạch, không một lần về phép hoặc ghé qua nhà. Bây giờ thì người chồng ấy ngồi trước mặt tôi kia, trên ve áo đeo lon thiếu tá. Bây giờ thì anh đã trở về, nhưng Ngọc chết rồi, còn gì đâu nữa hở Khiển?
Khiển vẫn cúi, tay ôm đầu. Thấy tôi dừng lại, anh hỏi:
- Ngọc bị bệnh gì?
- Ung thư.
- Hôm Ngọc mất, có ai ở bên cạnh không?
- Có tôi. Anh không thể hình dung được Ngọc đã đau đớn như thế nào đâu. Cô ấy sụt cân kinh khủng. Sau một tuần nằm viện, cô ấy chỉ còn là một cái xác, mặt trắng bệch. Nhưng mắt vẫn mở to và nói, nói bằng mắt, anh có biết không! Cái đôi mắt ấy, cái hốc mắt ấy cũng được, đã hỏi tôi là anh đâu, sao anh không về. Đến lúc ấy thì tôi không thể nói dối là anh đang về vì đôi mắt ấy không tin tôi nữa. Ôi, đến bây giờ tôi vẫn còn thấy đôi mắt Ngọc nhìn tôi vào những phút cuối của đời cô. Không bao giờ anh có thể biết nó thế nào đâu.
- Thôi đủ rồi!
- Ngọc đã chỉ nghĩ tới anh thôi, lúc nào cũng nghĩ tới anh. Ngày thứ ba nằm viện, cô khoẻ khoắn, vui vẻ. Da mặt hồng hào hơn, ánh mắt rạng rỡ hơn và Ngọc nói biết bao nhiêu là chuyện. Ngọc nói rằng nếu cứ đà này thì có thể kịp đi thăm anh được mà không cần hoãn vé. Ngọc hỏi tôi ở bên ấy các anh có phải đánh nhau nhiều không, đất nước ấy có giống ta không và nên mang cái gì đi để có thể làm quà cho cả đơn vị. Ngọc khoe đã mấy lần anh gửi cao trăn về, nhưng cô không thể nào nuốt trôi được cái thứ thuốc tanh lợm đó. Sau hôm ấy, bệnh ngày một nặng, cô không nói được gì thêm. Chỉ có đôi mắt là vẫn nói, vẫn hỏi tôi.
- Thôi, anh đừng kể nữa. Tôi không thể chịu đựng được. Tôi cám ơn anh đã chăm sóc vợ con tôi.
Khiển châm thuốc, bật mãi không được que diêm. Bỗng anh vứt cả diêm thuốc lên bàn, xoè bàn tay ra, nhìn vào tay mình, chống gối đứng lên rồi lại ngồi xuống. Tôi không hiểu ý nghĩa của những cử chỉ ấy. Anh đang xúc động sắp bật khóc hu hu, nhưng tôi không thể nói một lời an ủi nào cả vì tôi không biết phải an nủi một người lính như thế nào.
- Ngọc thiêng lắm anh Khiển ạ. Cô ấy mất đúng ngày đăng ký vé máy bay đi thăm anh.
*
*        *
Chúng tôi ngồi với nhau rất lâu, không ai nói với ai thêm một điều gì nữa. Hai người đàn ông cùng yêu một người đàn bà ngồi với nhau để thầm lặng vợi bớt cho nhau nỗi thống khổ của mất mát. Nếu Ngọc còn, chắc chẳng bao giờ tôi giám thú nhận với Khiển, nhưng bây giờ cả Khiển, cả tôi đều mất Ngọc rồi, mà khi Ngọc còn sống, còn đẹp dịu dàng, còn nói cường giữa cuộc đời vừa vui tươi vừa đầy những khổ đau này thì cô tinh khiết quá. Chính sự thánh thiện của Ngọc đã làm tôi không chút bẽ bàng khi kể lại tình cảm của mình cho chồng cô nghe.
Gần tối Bạch Dương mới về. Mắt Khiển sáng lên khi nhìn thấy con. Anh lao ra, dường như muỗn nhảy bổ vào ôm chầm lấy nó. Bạch Dương ngơ ngác, hoảng sợ rồi lùi lại, níu lấy tôi. Khiển xững lại. Anh như xụm xuống, rã rời, nét mặt bỗng dăn dúm trước phản ứng bất ngờ nhưng rất tự nhiên ấy. Chắc hẳn anh vẫn tưởng tượng rằng ngay từ đầu Bạch Dương sẽ ào đến bá cổ anh, cho anh nhấc bổng nó lên. Tôi vuốt tóc nó, khẽ khàng nói cho Bạch Dương biết ai đang đứng ngẩn ra trước mặt nó kia. Khiển từ từ đi lại, quì hẳn xuống, tay run run chìa ra kéo nó vào lòng.
- Bố đây mà. Bố về với con và bố sẽ không đi đâu nữa. Như thế nhé, không đi đâu nữa, có được không?
Bạch Dương gục đầu vào bố nó, hai vai nhỏ xíu rung lên, nức nở. Khiển xin đón nó về. Tôi đưa chìa khoá nhà trả Khiển và dẫn hai bố con ra ngõ. Bạch Dương nhìn tôi, mắt đỏ hoe, đôi mắt in hệt mắt mẹ những lúc buồn.
Hai bố con dắt nhau lững thững đi trên đường gạch, bóng Khiển như tạc lên nền trời chiều tháng ba. Cây gạo bên đường làng đang ra hoa, mỗi bông đều như thẫm mầu  máu đỏ. Tôi quay vào, rùng mình khi nghĩ rằng chỉ một lát nữa Khiển sẽ mở khoá để vào gian nhà đã ba tháng nay vắng hơi người ấy và khi bật điện lên,  sẽ thấy ngay bức ảnh Khiển chụp với Ngọc ngày cưới. Không còn tiếng cười và ánh mắt đầy ắp yêu thương của Ngọc, Khiển lấy gì lấp đầy được khoảng trống vắng vô biên trong căn phòng mười hai mét vuông?
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét