Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

LÀM SAO GIỮ ĐƯỢC SỰ BÌNH TÂM ?

Tác giả : Vũ Khoan

Trong nhiều buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ các doanh nghiệp sản xuất hàng chất lượng cao (LBC) do chị Vũ Kim Hạnh làm Chủ tịch có mời tôi đến trao đổi. Năm nay CLB họp tổng kết cuối năm 2011 họ lại mời tôi vào dự và chia xẻ với họ. Do tôi không đi được nên chị Kim Hạnh nẩy ra “sáng kiến” phỏng vấn tôi để truyền đạt lại cho anh chị em. Báo Tiền phong số ra ngày 14/1/2012 có trích đăng bài trả lời đó nhưng không nói rõ ngọn nguồn và cắt đi nhiều đoạn. Vậy xin chuyển toàn văn để ai quan tâm tham khảo, gọi là sự chia xẻ đầu năm – Vũ Khoan

        “Tôi thật tiếc không vào được TP HCM để có dịp trực tiếp hàn huyên với các bạn. Trước hết tôi xin chuyển lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc tốt đẹp nhất tới các bạn khi chúng ta vừa bước vào năm 2012 và sắp đón Xuân Nhâm Thìn.
        Tôi rất thích thú thấy các bạn không tổng kết theo lệ thường bằng cách kiểm điểm những gì đã làm được, những gì chưa làm được rồi rút ra nguyên nhân, bài học, vạch ra công việc sắp tới…mà đã ngồi lại với nhau để trao đổi tâm tình xem làm thế nào để có thể bình tâm được trong lúc “ăn chẳng nên, làm chẳng ra” này. Thực tình tôi chẳng thích lắm các buổi tổng kết nhiều khi mang nặng tính hình thức, ít thực chất, thường nói đấy rồi lại quên đấy. Vả lại, đằng sau những câu chữ khuôn xáo đại loại như “tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao…” rất ít hồn người nên hơi bị “tẻ”.
        Nhân dịp này Kim Hạnh có gợi ý tôi chia xẻ với các bạn đôi điều về sự trải nghiệm cuộc đời. Trước khi làm việc này tôi có đôi điều phi lộ. Cuộc đời của tôi rất khác cuộc đời của các bạn vì tôi là dân “ăn bám”, suốt đời sống nhờ đồng lương, hưởng sự bao cấp, bảo đâu đánh đấy, chẳng phải bươn trải, xoay xở gì (cũng may mà không biết xoay xở, nếu không khi về già chắc chẳng được bình tâm!). Vì lẽ đó những suy nghĩ, hành vi của riêng tôi chẳng giúp gì được cho các bạn đâu mà chỉ là những điều tâm tình thôi.
        Hỏi: Trải qua những năm tháng hoạt động ngoại giao và quản lý Nhà nước, cả công tác Đảng hết sức sôi động và hiên nay là một nhà hoạt động xã hội thông tuệ và dấn thân theo cách riêng, xin ông cho biết, nguyên tắc sống của ông là gì?
Trước sau tôi vẫn tâm niệm rằng bất luận thế nào “mình luôn phải là mình”. Tất nhiên trong cái mình có cái hay, có cái dở, mình phải thực sự cầu thị, cố sửa những cái dở, giữ những cái hay.Bên cạnh đó, cuộc sống của con người luôn chịu tác động của ngoại cảnh, có những cái tác động thuận cho mình và cũng không ít cái trái với lòng mình. Nhưng làm sao có thể lái ngoại cảnh chỉ có thuận chiều đối với mình được? Ngay trong quan hệ giữa con người với con người, có người ưa mình, có người không ưa mình, chẳng lẽ mình cứ phải uốn theo hay sao? Nếu cứ uốn như vậy thì thành con bạch xà chứ đâu còn là con người?
        Năm rồi các bạn làm ăn khó khăn một phần quan trọng là do ngoại cảnh. Chắc các bạn cũng vẫn phải cố sống theo phương châm “mình vẫn là mình”, thích nghi với ngoại cảnh.
         Hỏi: Theo ông giá trị nào là cần theo đuỏi và trân trọng nhất:
Giá trị sống thì có nhiều và không nhất thành bất biến, chúng thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh, giai tầng…Nhưng có những giá trị vĩnh cửu được gọi chung là cái thiện, cái tử tế, cái con người, trong đó tôi trân trọng nhất là lòng tự trọng. Tôi sợ nhất, thậm chí ghê tởm nhất những người không biết tự trọng, quỵ lụy, cúi mình nịnh nọt, chạy chọt và tệ hơn nữa là làm hại đồng loại để mưu lợi cho mình. Nay đã về già tôi thở phào nhẹ nhõm thấy mình chưa bao giờ chạy chọt cho bản thân, cho con cháu để rồi khi tĩnh tâm nghĩ lại cảm thấy hổ thẹn rằng mình đã để mất lòng tự trọng. Mình mà không trọng mình thì thử hỏi còn mong ai trọng mình? Mình có tự trọng thì mới biết trọng người khác chứ.
Thật đau buồn thấy bây giờ sao lòng tự trọng bị đánh mất nhiều thế. Ai đời Đại hội Đảng cũng phải thốt lên trước tình trạng chạy tràn lan: chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương ! Thực ra danh mục “chạy” còn dài hơn nhiều, kể cả chạy  nghi thức và đất mai táng nữa! Đáng buồn nhất là cái cơ chế sinh ra tai nạn “chạy” vẫn tồn tại và đáng trách nhất là những người đáp ứng sự “chạy chọt” đó. Chính những người ấy cũng đã để mất lòng tự trọng một khi hạ mình sánh vai cùng với những kẻ chạy chọt.
Ngoài những người làm ăn không ngay ngắn còn các doanh nghiệp chẳng muốn chắc cũng phải chạy dự án, chạy tín dụng, chạy lãi suất, chạy giấy tờ… để đến nỗi mất mình, nhưng khốn nỗi không chạy thì làm ăn sao được? Do đó tôi chẳng trách các bạn, chỉ đồng cảm với các bạn thôi và tự trách mình không làm được gì bao nhiêu để các bạn đỡ phải chạy! Tôi mong mỏi các bạn cùng góp tiếng nói để làm sao luật lệ minh bạch, từ đó khỏi phải chạy.
Hỏi: Tâm bình, thế giới bình nhưng thế giới hiện nay quá sức xáo trộn, vậy thưa ông, làm sao giữ cho được tâm bình?
 Tôi nghĩ rằng chẳng những thế giới đâu mà ngay trong nước cũng nhiều sự xáo động: xáo động trong làm ăn, xáo động trong xã hội, từ đó xáo động trong tâm hồn. Đây chính là cái ngoại cảnh tôi nói ở trên. Chẳng phải bây giờ mới xáo trộn mà xưa nay vẫn vậy. Có phải bây giờ mới khủng hoảng đâu, ối cuộc khủng hoảng xẩy ra rồi đấy chứ: nào đại suy thoái 1929 – 33, nào khủng hoảng dầu lửa những năm 70, nào hai cuộc đại chiến, nào chiến tranh lạnh, nào sự sụp đổ ở Liên xô – Đông Âu…Còn ở nước ta, nào là nô lệ, nào là chiến tranh, nào là bao cấp đói nghèo…
Vậy thì ta hãy chấp nhận cái thế giới nó vốn có, thích nghi với nó, tìm cách bươn trải, thậm chí “luồn lách” theo nghĩa lành mạnh ngõ hầu khai thác mọi cơ hội dù là nhỏ nhất, ứng phó với mọi thách thức dù là khốc liệt nhất.
Hãy cứ nghĩ rằng ngày nay tốt hơn trước rất nhiều: không có chiến tranh, đất nước đã thống nhất, đã qua thời bao cấp khốn khó, đã có vai vế trên thế gian, đã hội nhập toàn cầu. Như vậy lòng sẽ nhẹ hơn.
Hỏi: ông đi nhiều, gặp nhiều, đàm phán nhiều, chịu thua…chắc cũng không ít trước những điều gây bất bình mà chưa giải quyết được của cuộc sống hiện nay. Vậy ông tin vào cái gì nhất?
Trước sau tôi vẫn tin rằng dù sao cái thiện cũng thắng thế, không vậy thì ngày tận thế đã ập xuống từ lâu rồi chứ còn đâu sự sống nữa? Miễn là mỗi người nếu chưa đủ sức đẩy lùi cái ác thì chí ít hãy đừng làm điều gì thị phi, hãy sống tử tế. Có người hỏi tôi rằng, khi về nghỉ hưu, ông hối tiếc điều gì nhất? Tôi nghĩ điều hối tiếc nhất là có những chuyện sai trái rõ mười mươi mà mình không làm gì được để đẩy lùi nó, như vậy là mình thiếu dũng khí, thậm chí còn hèn!
Hỏi: theo ông, sức mạnh của ông để sóng đúng như ý muốn của ông là gì?
 Chính là lẽ sống “mình vẫn là mình” đi đôi với chữ “nhẫn”. Nếu viết chữ Hán thì chữ nhẫn thể hiện bằng chữ “tâm” nằm dưới chữ “đao”, tim có bị dao đâm rỉ máu đi nữa cũng nghiến răng chịu đựng, lấy công việc mà mình yêu thích làm thang thuốc hàn gắn nỗi đau. Cộng vào đó là niềm tin rằng trên đời cái thiện vẫn chiếm ưu thế.
Hỏi:Giữ cho được ngọn lửa tin yêu cuộc sống này, giữ được nguồn năng lượng vô tận đóng góp cho đời, ông có kinh nghiệm nào chia xẻ với doanh nhân, những người bận rộng phải hàng ngày đương đầu với những thắng thua thương trường lỗ lãi, được mất để giữ để giữ được cân bằng, yên tính trong tâm hồn?
 Thú thật tôi không dám làm việc này vì mỗi người mỗi cảnh. Như trên đã nói, hoàn cảnh của tôi dễ hơn doanh nhân nhiều vì sao tôi vẫn là người được “bao cấp”, cả đời được Nhà nước che chắn cho dù cái phên, cái dậu che chắn rất thưa thớt, mỏng manh.
Nhưng nếu “suy cảnh ta ra cảnh người” thì những điều tôi chia xẻ ở trên chính là cách tôi duy trì sự cân bằng, yên tĩnh trong tâm hồn. Còn “công nghệ” để duy tr sự cân bằng thì tôi thường tìm việc gì đó mình thích thú rồi rúc đầu vào làm để khỏa lấp chỗ trống. Niềm đam mê của tôi là tìm tòi thông tin qua sách vở, tài liệu, nay cả trên mạng về một đề tài gì đó mình quan tâm để hiểu cho rõ ngọn ngành, hứng lên thì viết thành bài, loay hoay sửa chữa, gọt rũa, rồi tùy hoàn cảnh sử dụng. Ngoài ra cũng nên rộng mở lòng mình, cố quên đi những điều ngang trái, chia xẻ với những người gần gụi; như vậy sẽ vợi bớt băn khoăn, bức xúc. Có một câu rất “Chí Phèo” của dân ta là “Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì chẳng ai bằng mình”. Hãy cố bằng lòng với cái mình đang có thì sẽ nhẹ lòng hơn. Nói chung phương cách tùy thuộc tường người, chẳng có lời khuyên nào phù hợp cho mọi người cả.
Hỏi: Doanh nhân, những người đang chọn con đường làm giầu về vật chất, cần làm gì để cùng một lúc giầu có về tâm hồn?
Tôi nghĩ doanh nhân trước hết là con người cái đã, mà đã là con người thì có tâm hồn, còn tâm hồn họ giầu nghèo ra sao thì cũng tùy. Dù sao đi nữa bên cạnh việc bươn trải làm ăn kiếm tiền họ cũng có gia đình, họ hàng, bạn bè, cũng có những đam mê, thú vui riêng, họ cũng nghĩ về nhân tình thế thái, vận nước, sự đời. Cứ sống trọn vẹn với những sự tình ấy đã đủ làm giầu tâm hồn rồi! Mà sống chọn vẹn, theo tôi, là không chỉ vì mình mà vì người. Tôi rất trạnh lòng thấy một số đại gia không có lòng trắc ẩn, ăn chơi ngông cuồng trong khi đồng loại còn bao gian truân. Khi giúp người khác cũng lại nghĩ tới chuyện “làm phúc”, tức là ban ơn cho người khác. Ngồi ăn bát phở mà thấy cháu nhỏ đói rách nhìn mình thì làm sao nuốt nổi? Cứ xem Bill Gate giầu nhất nhì thế giới nhưng sẵn lòng bỏ ra hàng chục tỷ đô-la để làm từ thiện đủ thấy tâm hồn ông ta giầu hơn cả số tiền ông có ấy chứ!
Hỏi: Xin hỏi một câu có vẻ riêng nhưng có thể vẫn là chung với nhiều người: ông có chia sẻ với bà, người bạn đời tâm đắc của ông về những trải nghiệm cuộc đời không? Bà thường chia xẻ đièu gì nhất?
Vợ chồng tôi cùng học, cùng làm với nhau cả cuộc đời nên cái gì cũng chia xẻ cùng nhau. Do cùng “làm chính trị” (nhà tôi từng là Người phát ngôn của BNG những năm 80-90) nên càng hay trao đổi về nhân tình thế thái cả ở trong nước lẫn trên thế giới. Từ ngày về hưu nhà tôi thường hay nghe nhạc cổ điển, có khi hàng tiếng đồng hồ, cũng hay lướt mạng, rất thích đọc sách về đạo Phật, ngày nào cũng thiền. Tất cả cái đó để tĩnh tâm và bà ấy thường khuyên tôi hãy chỉ nghĩ những gì mình có thể làm, còn những gì ngoài tầm tay của mình thì hãy bỏ qua. Nhưng khổ nỗi, tính tôi hay cả nghĩ, khi chơi golf – một môn đòi hỏi tĩnh tâm, tập trung cao độ vẫn cứ lăn tăn điều này, điều khác nên cứ “phì phọt” hoài!
Hỏi: Ông có quan tâm chọn bạn không? Bạn quý của ông là những người như thế nào?
 Bạn chẳng “chọn” được đâu mà đến với nhau một cách tự nhiên do ý hợp tâm đồng thôi. Mà những người bạn tôi quý trọng là những người tự trọng, khi mình có chức có quyền họ không chạy chọt, nịnh hót, khi mình chẳng còn gì họ vẫn một lòng với mình. Đó là những người bạn chân chính! Tôi được an ủi nhiều khi mình đã về hưu mà rất nhiều người, thậm chí chẳng quen biết gì, thuộc mọi tầng lớp, vùng miền đến chơi với mình, chào hỏi mình khi ra đường. Mấy hôm nay thỉnh thoảng có những người lạ hoắc đến chơi nhà, không quà cáp, không “phong bao”, chỉ cốt bầy tỏ tình cảm với mình chứ cũng không yêu cầu gì, mà họ có yêu cầu mình cũng chẳng đáp ứng nổi. Đấy là tình cảm thật; là điều đáng quý nhất trong những cái đáng quý!
Hỏi: Sự yên tĩnh trong tâm hồn, trong những lúc biến đọng dữ dội nhất của cuộc đời ông, đã được gìn giữ như thế nào, có giá trị như thế nào đoói với ông?
 Nhìn bề ngoài hoặc xem lý lịch thì có vẻ đời tôi thuận buồm xuôi gió nhưng thật ra không phải vậy đâu! Tôi cũng đã từng trải qua biết bao thử thách, thậm chí bị trù úm, dèm pha đủ điều chứ đâu có sóng yên biển lặng. Nay về già nhớ lại thấy rợn cả tóc gáy, nhiều khi tưởng như không thể vượt qua nổi! Còn sức mạnh nào đã giúp tôi vượt qua thì tôi đã nói rõ ở trên rồi: bất luận thế nào cũng cần “mình vẫn là mình”, tự trọng, không quỵ lụy luồn cúi. Tôi cứ nói đùa với anh em là có mấy điều không nên bận tâm vì không phụ thuộc vào mình; đó là sống chết; lên lương lên chức. Ra đời hay không đâu mình có thể định đoạt được?  từ giã cõi đời thế nào cũng đâu phải do mình quyết định? Mình có lên lương lên chức không cũng do ông tổ chức và cấp trên quyết ở đâu đó chứ! Vậy bận tâm làm gì?
Hỏi:  Mối quan hệ giữa sức khỏe thể chất và tinh thần, giữa thân và tâm, theo ông cần được gìn giữ thế nào? Làm sao để thân – tâm thường an lạc?
 Thân và tâm đâu có tách rời ! Phần hồn và phần xác cùng trong một thực thể đấy chứ? Tất nhiên có người thân ốm yếu nhưng tâm rất mạnh hay ngược lại nhưng một con người “hoàn chỉnh”, lý tưởng thì cần có cả hai. Tâm tĩnh thì thân mạnh, thân mạnh thì tâm cũng yên hơn; người sống vô tư, không “théc méc” thường sống lâu hơn!
Hỏi: Đâu là những con người trong ngành ngoại giao, quản lý Nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà kinh tế trong và ngoài nước…) mà ông cho rằng cuộc sống của họ có mang lại những kinh nghiệm sống có ích cho đời. Xin ông chia sẻ những câu chuyện về họ
Tôi có may mắn được tiếp xúc với nhiều “vĩ nhân” của đất nước từ Bác Hồ đến Bác Tôn, các TBT Lê Duẩn, Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…Nói chung là tất cả các thế hệ lãnh đạo cho tới tận nay. Phải nói rằng lớp lãnh đạo đầu tiên là những con người siêu phàm, chẳng những họ dấn thân, vào tù ra tội chí khí không sờn đã đành mà họ còn là những nhà thông thái, trí tuệ, nhiều người có nhân cách tuyệt vời. Ở mỗi người tôi đều tìm thấy biết bao điều để học, làm sao tôi kể hết được? Về Bác Hồ thì khỏi nói, nếu có dịp tôi sẽ kể những điều mắt thấy tai nghe về Bác, chỉ buồn một nỗi lắm người cứ nói thao thao bất tuyệt về việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác những chẳng chịu làm theo mảy may điều gì cả! Còn về các vị khác thì trong tôi hình ảnh bác Tôn luôn luôn là một “người công nhân” chân chính; ông Lê Duẩn là một nhà hiền triết; ông Trường Chinh là tấm gương về sự chuẩn mực, ông Phạm Văn Đồng là người rất nhân đức; ông Nguyễn Lương Bằng (từng được gọi là anh Cả, Sao Đỏ), thủ trưởng đầu tiên của tôi khi được lấy ra ĐSQ VN ở Liên Xô làm việc là mẫu mực của lòng trung kiên và sự trong sạch tuyệt đối; ông Võ Nguyên Giáp là người thông tuệ nhiều mặt…Hay ông Nguyễn Cơ Thạch, thủ trưởng trực tiếp khi tôi đã là Trợ lý Bộ trưởng rồi Thứ trưởng vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 là tấm gương về lòng say mê công việc và trí sáng tạo, sự táo bạo…
Đương nhiên trong cuộc đời tôi còn được tiếp xúc, làm việc với biết bao người, mỗi người mỗi vẻ đều có nhiều điều hay để học. Ngay các cháu thanh niên, sinh viên mà tôi thường tiếp xúc cũng rất trí tuệ, mạnh dạn mà mình phải học. Trong hàng ngũ doanh nhân cũng có nhiều người làm tôi rất khâm phục do tính táo bạo, sự sáng tạo đáng học tập. Thực lòng mà nói tôi cho rằng hình mẫu về những con người đáng kính nhất là các bà mẹ miền Bắc, các bà má miền Nam: lòng nhân ái, vị tha toát ra từ cốt cách của họ, thể hiện trong từng sự đối nhân xử thế của họ, không gợn chút nào sự giả dối.
Nói chung ta hãy cố tìm thì sẽ thấy trong mỗi con người đều có những điều hay cần học.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét