Mỗi độ Tết đến, Xuân về người ta thường hồi tưởng lại những chuyện hên sui trong năm cũ, ngưỡng vọng những ngày tháng tốt đẹp hơn trong năm mới.
Đối với đất nước và giới doanh nghiệp, Tân Mão chẳng khác nào đi đường gặp phải con mèo đen chạy qua nên sui nhiều hơn hên. Lạm phát tiếp tục lên cao, giá thành leo thang, sức mua giảm sút, tiêu thụ gian truân, khó bề toan tính kế sách lâu dài. Đến đận thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát thì lãi suất lại thăng thiên, vốn liếng eo hẹp, làm ăn chẳng dễ chút nào, hàng ngàn doanh nghiệp buộc phải bỏ cuộc. Thêm vào đó thị trường bên ngoài bập bùng, ba đầu tầu kinh tế thế giới đồng thời là thị trường xuất khẩu chủ yếu của nước ta là Mỹ, Tây Âu và Nhật bản đều xuống sức, nguy cơ vỡ nợ trong khu vực đồng ơ-rô lan rộng, nhiều nền kinh tế giầu có nối đuôi nhau bị hạ thấp mức độ tín nhiệm, tai họa khủng hoảng kép luôn luôn rình rập. Đúng là khó đơn khó kép, khó cả bên trong lẫn bên ngoài!
Ấy vậy mà các doanh nghiệp nước ta vẫn gồng mình chống đỡ, nhờ vậy tốc độ tăng trưởng của đất nước tuy có giảm sút nhưng vẫn ở mức dương, nông nghiệp phát triển toàn diện, giá trị xuất khẩu tăng vọt, nhập siêu giảm bớt. Thế mới biết lửa thử vàng, gian nan thử sức!
Nhâm Thìn là năm con Rồng nhưng chắc chưa thể hy vọng hóa rồng vì khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài vẫn còn ngổn ngang. Tuy lạm phát có giảm nhưng chưa thật vững chắc, chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ được tiếp tục, lãi suất có thể sẽ giảm song dòng vốn chưa thể xông xênh, sức mua chưa thể tăng nhiều. Lạy trời quả bong bóng nợ ở châu Âu không vỡ tung, kinh tế thế giới không rơi vào khủng hoảng mới; nếu không thì chưa biết điều gì sẽ xẩy ra đối với cả chúng ta!
Nói vậy thì có phần đen tối quá, chẳng lẽ không có tia sáng gì hay sao? Con người vốn có thuộc tính là tìm mọi cách để tồn tại và sống tốt hơn, do đó trong cái khó tất sẽ ló cái khôn. Chẳng lẽ lạm phát thuyên giảm, kéo theo lãi suất giảm; thêm vào đó Nhà nước lại cắt giảm một số sắc thuế, hé mở tín dụng một số lĩnh vực như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ… chẳng phải là cơ hội đó sao? Lại nữa, các biện pháp tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng chẳng lẽ nào không hé lộ những điều mà các doanh nghiệp ngoài Nhà nước có thể tận dụng ?
Tuy bầu trời kinh tế thế giới vần vũ mây đen, thậm chí sấm chớp đì đoành, báo hiệu giông bão có thể ập xuống nhưng cứ ngồi than vãn cũng chẳng thay đổi được gì, tốt nhất là cố lần tìm xem điều gì có lợi cho việc làm ăn, kinh doanh. Châu A – Thái bình dương là sân nhà của ta nay đang lên hương, bàn dân thiên hạ hướng vào chẳng lẽ ta lại bỏ qua? Chia xẻ nỗi đau với người dân Nhật chịu tai họa kép, nhân dân Thái chịu trận hồng thủy kinh hoàng, song về mặt làm ăn ta cũng nên sẵn sàng đón bắt dòng vốn của nước Nhật chạy ra bên ngoài, thiết lập các cơ sở công nghiệp phụ trợ, đa dạng hóa nguồn cung cấp linh kiện; tận dụng những lợi thế của nền nông nghiệp Việt Nam trong khi nền nông nghiệp Thái lan còn bận hồi phục. Nước Nga rộng lớn, đông dân gia nhập WTO, hàng rào quan thuế sẽ giảm thiểu cũng là một cơ hội đấy chứ!
Chịu khó lần tìm, nhanh nhậy nắm bắt, khéo léo tận dụng vẫn có thể vượt thác, nếu chưa hóa rồng cũng không hóa thành run! Mong các doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm được như vậy trong năm Nhâm Thình!
(Đăng trong tạp chí Doanh nhân của VCCI số 96-97 ngày 10/1/2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét