Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Người Việt Nam chất lượng cao !

Thăng Sắc


          Mấy cụ về hưu thường hay ra công viên thể dục, ngoài việc trông nom cho sức khỏe còn có mục tiêu tụ tập, gặp gỡ nhau để “xả”. Các cụ buôn đủ chuyện, tựu trung lại là phê phán xã hội xuống cấp, con người gian dối lừa lọc, tha hóa nghiêm trọng, vừa phê vừa bình theo cái cách mà cánh trẻ ngày nay gọi là “chém gió”. Nhiều cụ không ra công viên thì lại đến Bệnh viện Hữu nghị, ngày xưa gọi là Bệnh viện Việt-Xô, ở đây các cụ cũng “chém”, nhiều bác sĩ không chỉ quen mặt các cụ mà còn thuộc cả bài của các cụ nữa. Tất nhiên nhiều cụ trước khi đến khám bệnh cũng đã thuộc cả đơn thuốc của bác sĩ, nhiều cụ nghĩ rằng đổi tên thành Hữu nghị làm cái quái gì, thà cứ để Việt-Xô còn kỷ niệm được một thời, vấn đề là khi khám bệnh thì có nhớ đo huyết áp cho các cụ hay không mà thôi !


          Các cụ hưu mà tụ tập để “chém” là cũng thành cái gì “dữ” lắm đấy, chẳng thế mà vừa mới đây rầm lên câu chuyện có người đem sổ hưu ra dọa các cụ. Cứ chậm lương hưu cho vài tháng xem có rối lên không !!! Nói thế thôi, không dọa nổi các cụ đâu, toàn những người lên rừng xuống biển cả rồi, biết cả rồi !

          Một lần, một cụ bộ đội hưu, đại tá ăn lương tướng gì đó (rất nhiều đại tá về hưu ăn lương tướng), vừa tập Đạt ma dịch cân kinh, tức là vẩy tay ấy mà, vừa hô hào những người chung quanh làm thế nào để phát động phong trào “Người Việt Nam chất lượng cao”. Một cụ nghễnh ngãng lại tưởng phong trào “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, liền bảo :

          - Phong trào “Hàng Việt Nam chất lượng cao” có rồi đấy chứ ông, phải cái nhiều hàng đểu quá nên khó khăn lắm mới giữ được nguyên chất lượng.

          Ông Đại tá ăn lương Tướng ngừng vẩy tay rồi mới bảo :

          - Ông nghễnh ngãng bỏ mẹ, tôi nói Người cơ mà, có nói Hàng đâu !

          - Ờ, Người chứ không phải Hàng, “Người Việt Nam chất lượng cao”, hay nhỉ !

          Ông nghễnh ngãng đứng ngơ ra một lúc, như để cố hiểu cái khái niệm mới mẻ kia, rồi đánh một câu :

          - Ờ, phải đấy. Nhưng mà khó lắm !

          Không bao lâu sau đó tình cờ tôi gặp chị Vũ Kim Hạnh tại nhà một người quen. Tôi biết chị từ khi cùng chị trong đoàn đi dự Liên hoan thanh niên thế giới tổ chức ở Bình Nhưỡng, Triều tiên vào năm 1989, lúc ấy chị còn là Tổng biên tập báo Tuổi trẻ. Về sau này, trên mỗi chặng đường công tác khác nhau tôi cũng thường có dịp được gặp chị và bao giờ tôi cũng có tình cảm mến phục người phụ nữ tài ba, gan góc và đầy nhiệt huyết này. Lần tình cờ gặp ở nhà người quen, tôi bông đùa hỏi chị :

          - Kim Hạnh đã là người khởi xướng thành công chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, bây giờ làm thế nào phát động phong trào “Người Việt Nam chất lượng cao” nữa chứ !

          Chị Kim Hạnh cũng ớ ra một chút rồi mới vui vẻ cười :

          - Ồ, khái niệm hay quá, nhưng cái đó khó lắm anh ơi, Kim Hạnh đâu có làm được.

          Quả có thế thật, Kim Hạnh sao có thể làm được.

          Người cũng là một sản phẩm, nhưng người không phải là hàng. Những cái để tạo nên một sản phẩm “Người” phức tạp và tinh vi hơn nhiều. Tuy nhiên tựu trung lại thì nó cũng chỉ ở hai chữ “tử tế” mà thôi. Về thể chất, sản phẩm ấy phải được tạo nên từ một sự sinh nở tử tế, được nuối dưỡng bằng đồ ăn thức uống tử tế. Về tinh thần, theo nghĩa bao quát, phải được đào luyện, hun đúc từ một nền giáo dục tử tế, trưởng thành trong một cơ chế tử tế, phát triển trong một xã hội tử tế. Những thứ đó mà không tử tế thì tất yếu sẽ cho ra một loạt sản phẩm “Người” kém chất lượng ngay, “Người đểu”, giống như hàng đểu !

          Rốt cuộc, “Người Việt Nam chất lượng cao” cũng là đồng nghĩa với “Người Việt Nam tử tế”, nói và làm đi đôi với nhau. Loại sản phẩm này hiện có, nhưng còn hiếm.
Ông Nguyễn Bá Thanh : nói đi đôi với  làm.

          Hai chữ “tử tế” nghe cũ rich mà học mãi không hết. Các cụ về hưu chắc còn phải “chém” kịch liệt chủ đề này !!!

          Chuyện chẳng đâu vào đâu, rõ là dây cà ra dây muống !


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét