1200, Đường Láng, Hà Nội, ĐT 0983240446
(Sưu tầm trên mạng)
Thoát nạn ở xứ người
Ngày
thứ 2 của hành trình, hôm 25-12-2012, máy bay của hãng hàng không Air
Bagan đưa chúng tôi từ Yangon đi Heho, nơi có hồ Inle nổi tiếng. Theo
lịch trình, chuyến bay sẽ đến Heho lúc 9 giờ sau khi dừng lại ở sân bay
Mandalay để đón và trả khách trong khoảng 30 phút.
Khi
máy bay hạ độ cao chuẩn bị xuống sân bay
Heho, tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy là 8 giờ 55 phút. Một lát sau, tôi cảm
thấy một cú tiếp đất mạnh hơn bình thường khi máy bay hạ cánh. Ngay sau
đó là những rung lắc liên tục trong vòng khoảng 10 giây. Đang bất ngờ vì
không hiểu chuyện gì đã xảy ra, tôi nghe một tiếng kêu ở phía sau. Biết
là đã có chuyện, tôi nhắc mọi người bình tĩnh và đứng lên bật nắp
khoang hành lý để lấy ba lô của mình. Nhưng nắp vừa bật, tôi bị đẩy ngã
nhào về phía trước. Đứng lên, quay lại nhìn phía sau, tôi thấy các thành
viên trong gia đình mình đã rời khỏi ghế và ra được lối đi. Bước lên
mấy bước, tôi chợt ngửi thấy mùi khói. Một ý nghĩ thoáng qua: “Chỉ cần
một tiếng nổ là tất cả sẽ chấm hết!”
Chiếc máy bay vẫn bốc cháy nhiều giờ liền sau vụ tai nạn.
Xuống
khỏi thang máy bay, tôi mới thấy máy bay đã không hạ cánh trên đường
băng bê tông mà đang nằm trên một cánh đồng, phía đuôi máy bay đang bốc
cháy, khói nghi ngút. May mắn bất ngờ, tất cả chúng tôi (6 người trong
gia đình và hai mẹ con bà thông gia người Úc) đều an toàn. Tôi vội giục
mọi người nhanh chóng chạy ra xa.
Trên chuyến bay có 65 người, kể cả phi hành đoàn, trong đó ngoài 5 người Việt Nam trong gia
đình tôi, còn lại đều là khách du lịch từ các nước Mỹ, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, …
Nơi
máy bay hạ cánh khẩn cấp cách sân bay khoảng 3 km và cách đường ô tô
khoảng 200 m. Khi ra tới nơi, mấy xe cứu hỏa đã có mặt đang tìm cách
tiếp cận với đám cháy. Nhưng vì không có lối vào, phải nối dài vòi rồng
nên việc cứu chữa không thật kết quả. Trên đường, chúng tôi đã thấy
nhiều biển tên khách của các công ty du lịch, khách sạn mà khách du lịch
trên chuyến bay đã đặt chỗ. Họ nhanh chóng tiếp cận với khách của mình.
Sự có mặt của họ dù là những người chưa quen biết cũng khiến chúng tôi
yên tâm hơn, vì
đã có người sẵn sàng hỗ trợ khi khó khăn nơi đất khách quê người. Nhiều
xe máy, ô tô đã dừng lại chứng kiến đám cháy trong đó có cả nhiều người
dân Myanmar đang làm việc trên cánh đồng. Lúc này dù đã hơn 9 giờ,
nhưng mặt trời chưa kịp xua tan sương mù. Trời khá lạnh. Thật cảm động,
khi thấy những người nông dân lam lũ, cởi những chiếc khăn choàng khoác
lên vai, trùm lên đầu những đứa trẻ, bỏ những đôi dép mình đang đi cho
những phụ nữ phương Tây xa lạ đang chịu cảnh rét mướt.
Trên đường thoát hiểm, nhiều túi, xắc, mũ, ba lô,… bị rơi được mọi người tập hợp bên lề đường,
để người thất lạc đến nhận. Rất nhiều người dân Myanmar có mặt, nhưng không hề thấy ai để ý đến.
Một
lát sau, hai xe khách loại lớn đưa tất cả về sân bay Heho. Khi xe
dừng lại bên ngôi chùa gần sân bay, tôi nghĩ người dân Myanmar sùng đạo
Phật đã đưa chúng tôi đến đây để tạ ơn Trời Phật giúp thoát nạn. Nhưng
không phải! Air Bagan đã nhanh chóng liên hệ với chính quyền sở tại mượn
ngôi chùa làm nơi để chúng tôi tạm nghỉ, tránh cái lạnh giá ngoài trời.
Người dân túm tụm tại hiện trường.
Xuống
xe, chúng tôi lại thấy những người dân bình thường đang mang đệm, chăn
của gia đình mình trải trên nền chùa bằng gạch men. Khi mọi người đã
vào hết trong chùa, các nhân viên y tế đã có mặt. Họ thăm khám, đo huyết
áp, băng bó cho những người bị thương nhẹ. (những người bị thương nặng
đã ngay lập tức được đưa về Yangoon, có hai khách người Mỹ bị bỏng nặng
đã được đưa sang Bangkok bằng trực thăng). Nước uống, bánh trái đã được
mang đến.
Lúc
10 giờ, tức là sau khi sự cố xảy ra 1 giờ, ông
chủ tịch huyện sở tại cũng đã đến thăm hỏi những người gặp nạn. Lúc này
cảnh kẻ nằm người ngồi trong chùa vô cùng lộn xộn. Việc kiểm đếm những
hành khách có mặt thật khó khăn. Những người có trách nhiệm có lẽ vì tôn
trọng đã không yêu cầu chúng tôi ngồi cho ngay hàng thẳng lối. Họ cứ
đếm đi đếm lại, người đếm bằng tiếng Myanmar, người đếm bằng tiếng Anh.
Có lúc thấy ba bốn người cùng đếm. Sau tôi mới hiểu, họ cần nhanh chóng
xác định số người có mặt ở đây để có thể phát hiện số người mất tích
nếu có.
Phải
đến khi có danh sách hành khách từ sân bay Yangoon và Mandalay gửi
tới, việc kiểm đếm mới chấm dứt. Lúc này công việc đơn giản hơn. Những
người có mặt được đánh dấu vào danh sách. Nhưng việc này cũng được thực
hiện tới ba bốn lần bởi những người khác nhau, chứng tỏ họ rất thận
trọng.
Đến
11 giờ, chúng tôi được đưa tới phòng khách của sân bay. Ở đây có bia,
nước ngọt và những thức ăn nhẹ. Họ thông báo cho chúng tôi biết, ai muốn
trở về Yangoon sẽ được bố trí một chuyến bay riêng, còn những ai muốn ở
lại sẽ được đưa tới một resort bên hồ Inle chờ đợi giải quyết hậu quả.
Gia đình chúng tôi quyết định ở lại và được đưa tới resort bằng hai xe
con. Ở đây, chúng tôi đã được đón tiếp chu đáo, hai hoặc ba người được
bố trí ở trong một biệt thự.
Nhân viên cứu hỏa dập tắt đám cháy và tìm kiếm các nạn nhân.
Sau
khi tạm nghỉ ngơi, đến 3 giờ, chúng tôi được báo đi ăn cơm. Ai cũng
nghĩ chắc sẽ được một bát mì hoặc cái gì đại loại như thế, nhưng thật
bất ngờ, tất cả được mời một bữa tiệc buýp-phê thịnh soạn, trên bàn ăn
còn có cả hoa và thắp nến. Người quản lý giải thích “vì hôm nay là
Noel!” Sau khi ăn xong, mỗi người chúng tôi được phát quần áo và một số
tiền (tiền Myanmar và
đôla) đủ để mua sắm lại những hành lý đã mất và tiếp tục hành trình nếu
muốn. Ai cũng bất ngờ trước sự khẩn trương của Air Bagan.
Bảy
giờ tối, mọi người lại được mời ăn cơm. Lại tiệc buýp-phê, hoa và nến,
có thêm rượu champagne, rượu vang. Ông chủ tịch Tập đoàn HTOO (mà Air
Bagan là một trong nhiều công ty con) đã từ Yangoon vượt gần một nghìn
cây số tới thăm hỏi những người gặp nạn. Sáng hôm sau, chúng tôi lại
được nhận thêm một số quần áo và tiền (chắc do lệnh của ông Chủ tịch tập
đoàn).
Air
Bagan đã vô cùng chu đáo và có trách nhiệm giải quyết hậu quả của vụ
tai nạn. Trong suốt thời gian ở lại (5 ngày), ở Heho hay khi đã trở về
Yangoon, tất cả hành khách trên chuyến bay đều được ăn ở tại những nơi
tương đương khách sạn 5 sao, được hưởng các dịch vụ như giặt là, điện
thoại quốc tế, … hoàn toàn miễn phí. Tôi vốn mơ ước một cuộc sống bình
dị, rất sợ tất cả những gì là hào nhoáng, bóng bảy, nay trong hoàn cảnh
không một xu dính túi, trên người chỉ độc một bộ quần áo (hành lý và
xách tay đều đã cháy cùng máy bay, ngay cái máy ảnh đeo trên cổ cũng chỉ
còn sợi dây đeo, kính cận thị cũng rơi
mất), lại được ăn ở như thế này thật cũng là một
bất ngờ thú vị. Chúng tôi không phải bước chân ra khỏi khách sạn, mọi
công việc cần thiết đều do nhân viên của họ giải quyết. Ngay việc làm
giấy thông hành để sử dụng khi còn trên đất Myanmar cũng được thực hiện
ngay tại nơi ở. Theo họ, chỉ hai việc chúng tôi phải có mặt: đi kiểm tra
sức khỏe và làm lại hộ chiếu. Nhưng với hai việc này, họ đều cho xe đưa
đón và cử nhân viên đi theo hỗ trợ khi cần thiết. Họ đã hợp đồng với
bệnh viện tốt nhất Yangoon để Giám đốc bệnh viện có mặt bất cứ lúc nào
chỉ đạo việc thăm khám và chữa trị khi có khách do họ đưa đến.
Những
nhân viên
đi theo cũng ngồi đó chờ đợi và đưa khách về tận nơi ở sau khi việc
thăm khám kết thúc. Vợ tôi và bà thông gia người Úc sau khi gặp chấn
động mạnh bị đau lưng. Hai bà đã được thăm khám suốt hơn 3 giờ, mỗi
người được làm đủ các loại xét nghiệm, chụp 4 tấm phim cỡ 50 x 50. Khi
thấy không có vấn đề gì trầm trọng, họ đã cho mỗi người một cái đai bó
lưng và thuốc giảm đau các loại. Bà xã nhà tôi đã nhận xét: Cả đời gần
70 tuổi, chưa bao giờ được thăm khám kỹ càng như thế!
Sau
khi về Yangoon, Air Bagan đã tập hợp mọi người để thông báo về việc
giải quyết bảo hiểm cho hành khách
đi trên chuyến bay. Cuộc họp này cũng được thông báo cho các sứ quán có
công dân trên chiếc máy bay gặp nạn. Sứ quán các nước đều có mặt đầy đủ
để sẵn sàng can thiệp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân nước
mình, trừ sứ quán Úc (vì đang đóng cửa nghỉ Noel và Tết dương lịch) và
sứ quán Việt Nam (không rõ lý do). Nhưng sứ quán các nước cũng không có
nhiều việc phải làm, vì Air Bagan đã giải quyết vụ việc với đầy đủ tinh
thần trách nhiệm. Địa chỉ và số tài khoản của hành khách được ghi lại
để nhận kết quả sau khi một công ty bảo hiểm của Anh tiến hành bồi
thường.
Không
chỉ những người có trách nhiệm, suốt 5 ngày, dù ở đâu, chúng tôi cũng
đón nhận được sự ân cần chu đáo của mọi nhân viên Air Bagan và nhân viên
tại các khách sạn, resort dù tuổi đời còn rất trẻ. Họ dìu những người
bị đau khi lên xuống các bậc thềm, đưa chúng tôi đến tận nơi, mở cửa,
bật đèn rồi giơ tay mời vào khi hỏi đến nơi nào đó. Thấy trên tay ai có
mấy túi nilon, vỏ hoa quả, họ đều nhanh chóng giơ tay đón lấy mặc dù
thùng rác ở ngay trước mặt. Những cử chỉ ấy tôi hiểu không chỉ vì phương
châm coi “khách hàng là Thượng đế”. Qua ánh mắt, nụ cười của họ, chúng
tôi cảm nhận được sự đồng
cảm,
sẻ chia của những con người giàu lòng trắc ẩn.
Khi
vào một làng dệt lụa thủ công trên hồ Inle, khi được biết chúng tôi là
những người vừa gặp nạn, chủ cửa hàng lập tức hạ giá 30% cho toàn bộ sản
phẩm mà chúng tôi mua. Số tiền thực ra không nhiều nhưng cử chỉ ấy của
họ cũng khiến chúng tôi phải xúc động.
Sau
5 ngày, mọi thủ tục đã xong. Air Bagan lại cho xe đưa gia đình tôi ra
sân bay. Ở đây, nhân viên của họ làm tất cả mọi thủ tục cho chuyến bay
và chỉ ra về sau khi chúng tôi tạm biệt để vào phòng cách ly.
Từ
Myanmar trở về, tôi cứ bâng khuâng và ân hận, vì sao một đất nước chẳng
cách xa chúng ta là mấy, một xứ sở có những người dân giàu lòng nhân
hậu, vị tha như thế mà tôi chưa hiểu biết được bao nhiêu?
Trong
cuộc đời chưa bao giờ gặp một tai họa lớn và lại thoát hiểm “ngoạn mục”
như vậy, chúng tôi biết ơn Ông Bà, Cha Mẹ đã ăn ở hiền lành, tu nhân
tích đức dù trong biết bao vất vả thiếu thốn để con cháu bây giờ được
hưởng phúc. Tôi xin cám ơn những người dân Myanmar đã giang vòng
tay che chở khi gia đình tôi gặp nạn. Tôi cám ơn Air Bagan, đã cư xử
đàng hoàng, đầy trách nhiệm trước sự cố chắc chắn họ không hề mong muốn.
Và tôi thầm nghĩ, chuyến đi hôm nay của chúng tôi dang dở, nhưng nhất
định sẽ có chuyến đi khác. Một đất nước với những con người như thế xứng
đáng để chúng ta khám phá.
Gặp “hạn” với xứ mình
Tôi có một người bạn, do có hoàn cảnh nhiều thuận lợi (chú bác cô dì, anh em con cháu ở nhiều nước trên thế giới) nên
anh đã đi khắp nơi trên cả các châu lục Âu, Á, Mỹ, Phi, Úc (chỉ còn
thiếu châu Nam Cực). Một hôm, ngồi uống bia, anh dứ dứ ngón tay, bảo
tôi: “Ông mà đi ra nước ngoài thì
liệu mà giữ lấy
cái hộ chiếu. Ông nên nhớ rằng, ông mất tiền bạc, người ta có thể cho
ông, nhờ các tổ chức nhân đạo giúp ông. Nhưng nếu mất hộ chiếu thì, …
thì,… chỉ có mà bỏ mẹ!”
Tôi nghe “lời răn dạy” mà thoáng có chút ngờ vực.
Vì
thế, trong vụ tai nạn máy bay ở Myanmar, khi phát hiện bị mất hộ chiếu
(mà lại tận 3 quyển của ba người), tôi thật sự lo lắng.
Biết
chúng tôi là người Việt Nam, ông quản lý khách sạn nơi tôi đang ở cho
tôi số điện thoại của một người mà theo ông là nhân viên sứ quán Việt
Nam ở Yangoon. Nhưng chủ nhân của số điện thoại này nói đúng là mình làm
việc ở sứ quán nhưng không làm công việc về lãnh sự. Ông đã cho chúng
tôi số điện thoại của ông Trần Văn Hoằng, Bí thư thứ nhất, phụ trách
công việc này. Liên hệ với ông Hoằng, chúng tôi được ông trả lời, khi
nào về Yangoon thì đến sứ quán và “không có gì khó khăn cả, giấy tờ sẽ được cấp ngay thôi”. Nghe lời ông Hoằng mà chúng tôi nhẹ cả người. Anh bạn tôi đã quá bi quan khi nói
đến chuyện mất hộ chiếu.
Buổi trưa về tới Yangoon, chúng tôi đã điện thoại cho ông Hoằng và được ông hẹn đến vào buổi chiều.
Chiều
hôm đó, tất cả những người cần cấp lại hộ chiếu trong gia đình tôi đã
có mặt tại sứ quán Việt Nam ở Myanmar. Cùng đi có một nhân viên của Air
Bagan. Vừa bước vào cổng, chúng tôi đã thấy một tấm baner kín bức tường
lớn: Nhiệt liệt chào mừng quý khách tới thăm sứ quán Việt Nam ở Myanmar. Thật là thân thiện và mến khách! Nhưng chúng tôi đã lầm, vì chúng tôi không phải đến thăm mà đến xin sự giúp
đỡ.
Sứ
quán Việt Nam thật khéo chọn người! Bà lễ tân người Myanmar thấy năm
sáu người bước vào phòng khách nhưng vẫn mải mê với chiếc điện thoại.
Nghe cách nói cười bả lả, chắc đây không phải là chuyện công vụ. Sau
khoảng 10 phút, bà mới đặt điện thoại và đến lúc này, nhân viên của Air
Bagan mới có thể nói mục đích chuyến viếng thăm của chúng tôi. Bà gọi
điện thoại đi đâu đó, rồi bảo chúng tôi ngồi chờ. Chờ tới 30 phút, không
thấy ai ra tiếp, chúng tôi lại điện thoại báo để ông Hoằng biết chúng
tôi đã ngồi chờ ngoài văn phòng của sứ quán. Ông Hoằng lại bảo chờ. Lại
30 phút nữa,
mới thấy ông Hoằng xuất hiện. Chắc để tiết kiệm thời gian vì “công việc
bề bộn” của sứ quán, nhà ngoại giao bỏ qua việc thăm hỏi, an ủi, động
viên những đồng bào của mình vừa thoát chết, đưa cho chúng tôi mỗi người
3 mẫu in sẵn tờ giấy khổ A4, yêu cầu chúng tôi khai báo, đồng thời đòi
nộp 3 tấm ảnh. Việc này khiến chúng tôi bất ngờ, vì nhà chức trách
Myanmar chỉ chuẩn bị cho chúng tôi mỗi người một tấm ảnh để làm việc
này. Nhưng ông Hoằng không giải thích gì thêm và quay vào trong với
những “công việc bận rộn” của mình.
Rất
may, anh nhân viên của Air Bagan đi theo bảo chúng tôi cứ
khai giấy tờ, còn anh ta cùng lái xe đi làm thêm ảnh giúp chúng tôi.
Đến khi có thêm mỗi người hai tấm ảnh, vẫn chẳng thấy ai có mặt. Mặc dù
chưa hết giờ làm việc nhưng nhân viên lễ tân người Myanmar cũng chẳng
thấy đâu. Gần 5 giờ, ông Hoằng mới xuất hiện và hẹn chúng tôi 3 giờ
chiều hôm sau gọi điện đến để biết kết quả. Khi chúng tôi thắc mắc sao
không được kết quả ngay, ông Hoằng giải thích, còn phải chờ thẩm tra ở
trong nước (chắc vì sợ “thế lực thù địch” luồn về trong nước để phá hoại
công cuộc xây dựng CNXH?). Nếu xong thì mai có giấy, còn nếu không xong
thì phải chờ đến tuần sau (vì ngày mai đã là thứ 6, thứ 7 và chủ nhật
sứ quán không làm việc). Chúng tôi trở vể với bao thất vọng.
Đêm
ấy, tôi không ngủ được. Sao có thể yên tâm chờ đợi đến tuần sau trong
khi người thì chấn thương, người thì có bệnh mãn tính mà các loại biệt
dược mang theo đã mất hết. Tôi buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của ông
Nguyễn Vũ Tú, Đại sứ Việt Nam tại Philippin. Có lẽ do sự tác động này,
đến 3giờ chiều, điện thoại đến sứ quán, chúng tôi được ông Hoằng trả
lời: đã có giấy tờ và hẹn 4 giờ rưỡi đến lấy. Chúng tôi lại thở phào nhẹ
nhõm.
Đúng
hẹn, 4 giờ rưỡi, chúng tôi có
mặt ở sứ quán. Lại được bảo ngồi đợi. Thời gian cứ trôi, nhưng không
thấy ai ra tiếp. Đến 5 giờ kém 10 phút, một kết quả không mấy tốt đẹp đã
hiện ra trước mắt: 5 giờ, ông Hoằng sẽ xuất hiện mang theo 3 giấy thông
hành, nhưng chúng tôi không thể nhận vì nhân viên thu tiền lệ phí đã ra
về vì hết giờ làm việc. Sự cố gắng giúp đỡ của ông Nguyễn Vũ Tú có thể
không có tác dụng. Lúc này, tôi lại nhớ tới lời “đe dọa” của anh bạn và
cảm thấy anh ấy chưa nói hết sự nguy hiểm khi mất hộ chiếu. Tôi cảm thấy
việc mất hộ chiếu còn đẩy tôi vào tình cảnh “trên cả bỏ mẹ”.
5
giờ kém 5, tôi quyết định phải hành động gấp nếu không muốn nằm chờ
thêm mấy ngày nữa. Tôi kín đáo lên tầng 2 của văn phòng
sứ quán tìm đến phòng làm việc của đại
sứ Chu Công Phùng cầu cứu. Rất may, cửa phòng làm việc mở, ông Phùng
đang ngồi viết, tôi “liều mạng” bước vào tự giới thiệu. Ông Phùng vồn vã
đứng dậy bắt tay và mời tôi ngồi. Tôi vội cám ơn hết lòng vì sự giúp đỡ
của ông Phùng. Sau khi biết tôi đang ở khách sạn do sự sắp xếp của Air
Bagan, ông Phùng bảo tôi:“Chúc mừng bác và gia đình đã may mắn thoát khỏi hiểm nghèo. Thế bác đã nhận được đầy đủ giấy tờ rồi chứ?” Ông
Phùng vô cùng ngạc nhiên khi tôi nói cho đến nay tôi chưa nhìn thấy
những giấy tờ này như thế nào. Ông Phùng vội đưa tôi sang phòng làm việc
bên cạnh của ông Trần Văn Hoằng – Bí thư thứ nhất phụ trách công tác
lãnh sự.
Cửa
mở, tôi thấy ông Hoằng tay đang di chuột máy vi tính, trên mặt bàn có
mấy tấm phôi giấy thông hành. Sau khi nghe ông Phùng hỏi: “Giấy tờ của bác Giao đã làm xong rồi chứ?” Ông Hoằng vội rời máy vi tính và trả lời: “Xong bây giờ đây”!
Lúc này là đúng 5 giờ. Lúc đó ông Hoằng mới viết tên, dán ảnh vào những
tờ giấy thông hành chuẩn bị cấp cho chúng tôi. Ông Phùng vội xin lỗi vì
đang dở việc gấp và nói tôi ngồi chờ. Khoảng 15 phút sau ông Phùng quay
lại, gọi người pha nước và hỏi thăm về hoàn cảnh xảy ra tai nạn, về
việc được bảo hiểm đền bù. Tôi cám ơn và trả lời ông Phùng: “Hôm
qua, khi họp bàn về vấn đề bảo hiểm, Air Bagan đã
mời sứ quán các nước có công dân trên máy bay gặp nạn đến dự. Các sứ
quán đều đã cử người đến để sẵn sàng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công
dân nước họ nhưng sứ quán Việt Nam không có mặt.” Tôi cũng không
quên nói để ông Phùng yên tâm, mặc dù thế chúng tôi đã được “ăn theo”
công dân của các nước “Tư bản giãy chết” nên vấn đề bảo hiểm không có gì
khó khăn.
Khi
ông Hoằng viết xong mấy giấy thông hành liền bảo tôi sang nộp lệ phí.
Ông Phùng chính là người đã dẫn tôi đến nơi làm việc của bộ phận hành
chính (có lẽ ông Phùng đã yêu cầu họ ở lại dù thời gian làm việc
đã hết từ lâu). Nhân đây, một lần nữa, gia đình chúng tôi xin gửi lời
cám ơn chân thành đến ông Chu Công Phùng – Đại sứ Việt Nam ở Myanmar.
Tôi nộp lệ phí và nhận giấy thông hành. Nhân viên của Air Bagan vẫn chờ
tôi ở tầng dưới. Lúc ấy đã là 6 giờ 30 phút.
Nhờ ba giấy thông hành này chúng tôi mới có thể trở về nước vào ngày Chủ nhật 30/12/2012.
Để các bạn hiểu thêm niềm sung sướng của một người dân trong một đất nước có độc lập tự do mà chúng ta vẫn
đang tự hào, tôi xin kể hai câu chuyện xảy ra trong chuyến đi này:
-
Câu chuyện thứ nhất: Bà thông gia người Úc của tôi cùng với cô con gái
cũng bị mất hộ chiếu. Bà không may mắn như tôi vì sứ quán Úc đang đóng
cửa nghỉ lễ. Nhưng chỉ một cuộc điện thoại vào đường dây nóng của Bộ
Ngoại giao Úc, bà đã kéo được người phụ trách lãnh sự trở về nhiệm sở và
nhận được hộ chiếu sau 2 giờ đồng hồ (Hộ chiếu chứ không phải giấy
thông hành).
-
Câu chuyện thứ hai:
Từ khi đi cùng chúng tôi tới sứ quán Việt Nam để nhận giấy thông hành,
nhân viên của Air Bagan đã qua điện thoại giữ liên lạc với cơ quan xuất
nhập cảnh của Myanmar và yêu cầu họ ở lại sau giờ làm việc chờ giấy
thông hành của chúng tôi đóng dấu xác nhận đã nhập cảnh (có như vậy khi
ra sân bay chúng tôi mới có thể làm thủ tục xuất cảnh). Sau khi nhận
được giấy thông hành lúc 6 giờ 30 phút nhân viên của Air Bagan đã đến cơ
quan XNC làm thủ tục (chúng tôi ngồi chờ trên ô tô, không cần có mặt).
Nhưng rất tiếc người nhân viên này quên không mang theo ảnh của chúng
tôi. Anh ta trở về báo với chúng tôi 9 giờ sáng hôm sau cần có mặt tại
khách sạn để cơ quan XNC Myanmar cho người đến chụp ảnh và họ sẽ trả lại
giấy tờ sau khi hoàn
tất.
Vì
sao ông Hoằng đã hành xử như vậy với chúng tôi – những người đồng bào
của ông đang gặp hoạn nạn ở nơi đất khách quê người? Điều ấy chỉ có Trời
biết, Đất biết và ông Hoằng biết.
Dương Đình Giao
1200 đường Láng, Hà Nội.
ĐT 0983 240446.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét