Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Bộc trực như Nguyễn Bá Thanh

Thư Vũ
(Vnnet)
Một người đậm chất Đà Nẵng. Ở cương vị nào, ông cũng luôn là người "nói đi đôi với làm".

Đó là nhận định của một độc giả có tên Lê Minh Mẫn gửi tới VietNamNet khi biết ông chuẩn bị đảm nhiệm vị trí công tác mới: Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Ý kiến độc giả Mẫn trùng hợp với rất nhiều ý kiến của các độc giả từ khắp mọi miền gửi về VietNamNet bày tỏ quan tâm đến công việc mới của ông, mà những ý kiến thiện cảm cho rằng xuất phát từ những ấn tượng, dấu ấn nổi lên của ông trong vai trò lãnh đạo địa phương.

Một trong những chuyện thời sự còn "nóng hổi" gần đây nhất là việc ông đưa ra "tối hậu thư" cho các ngân hàng hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về việc hạ lãi suất theo quy định, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sắp hấp hối vì thiếu vốn.
Ông Nguyễn Bá Thanh (trái) bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tối hậu thư được Bí thư Thành ủy đưa ra khi kiểm tra một thực tế tại Đà Nẵng là hầu hết các ngân hàng đều phớt lờ ý kiến chỉ đạo của NHNN về việc giảm lãi suất cho vay. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.
Với tinh thần "ba mặt một lời", ông đứng ra chủ trì cuộc đối thoại, hai bên đối chất nhau là doanh nghiệp và ngân hàng. Các doanh nghiệp đã "tố" ngân hàng luôn "tạo điều kiện khó khăn" khi họ vay vốn.
Sau khi để hai bên đối mặt "nói cho ra nhẽ" theo đầy đủ lý của mình, ông chỉ đạo cho đến cuối năm 2012, nếu ngân hàng nào không hạ lãi suất theo quy định sẽ phải chịu một án phạt penalty rất mang tinh thần kinh doanh:

"Nếu các ngân hàng không hạ lãi suất theo quy định và tiếp tục hành người đi vay, tôi sẽ công khai tên tuổi từng ngân hàng giữa cuộc họp HĐND. Đến lúc đó, người dân sẽ không đem tiền đến gửi và giao dịch với ngân hàng nữa, để xem các nhà băng sống thế nào. Ngân hàng phải hiểu và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, doanh nghiệp sống, ngân hàng sống, còn ngược lại khi doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng sập tiệm theo..." - ông Thanh nói.

Không muốn dồn ngân hàng vào thế khó, đích thân Bí thư Đà Nẵng chỉ đạo UBND TP dành khoản kinh phí 3.000 - 5.000 tỷ đồng để bảo lãnh vay cho các doanh nghiệp.

Kết quả, cho đến nay, tất cả các ngân hàng ở Đà Nẵng đã đồng loạt hạ lãi suất.
Bộc trực, thẳng thắn
Không bộc trực, không thẳng thắn thì không phải là Nguyễn Bá Thanh.
Ông đã tự mở không biết bao nhiêu cuộc đối thoại ở Đà Nẵng, với đủ mọi tầng lớp, thành phần từ đối thoại với những ông chồng vũ phu, phụ nữ, thanh niên chậm tiến, sinh viên đến cán bộ, lãnh đạo cơ sở, doanh nghiệp, dân tái định cư, người bị bệnh phong... Ở cuộc đối thoại nào, ông cũng nói theo cách rất đời, thật, hóm hỉnh, chân thành và hướng thiện.
Nói chuyện với 176 thiếu niên chậm tiến ở Đà Nẵng, ông nói: “Ở đời không ai không có sai lầm. Không phải dũng khí là vung nắm đấm hay vác dao ra xử. Rồi các em sẽ thành cha, mẹ. Có con cái lớn lên ra đường bị bạn bè dè bỉu: Hui, cha mi là thằng cha ở tù. Nhục lắm. Hối hận thì đã muộn rồi”… Rồi ông tiến tới: “Hồi chú đi học phải nhịn ăn, viết bút bằng tre cũng ráng. Giờ các cháu được sung sướng mà không học nổi thì quá kém".
Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, khi câu chuyện Vinalines kinh doanh thất thoát hàng tỷ đồng, ông cũng không ngần ngại chỉ ra những lỗ hổng về yếu kém quản lý Nhà nước: "Vinalines thua lỗ, chủ tịch bỏ chạy, công an không bắt không được. Nói ra cứ như chuyện đùa, cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào, mặt cứ trơ ra. Trong khi 70.000 hộ gia đình chính sách, hỗ trợ chẳng được bao nhiêu tiền mà cứ đưa lên đưa xuống, chưa quyết được. Đằng này, hàng nghỉn tỉ đồng tiền đổ sông, đổ biển sót hết cả ruột".
Đài truyền hình Đà Nẵng năm ngoái phát trực tiếp một buổi đối thoại "đáng nhớ" của ông Nguyễn Bá Thanh với hơn 4.000 cán bộ xã, phường, quận, huyện và sở ban ngành của thành phố.
Tuyên bố thành phố có diện mạo như ngày nay là nhờ khát vọng, ông khuyên: “Người làm công tác cán bộ phải vô tư, phải tự đi tìm cán bộ để bổ nhiệm chứ đừng để cán bộ tìm tới mình. Khi người ta chạy tới nhà các đồng chí đem cái này, cái khác tới biếu, nếu được bổ nhiệm chỉ có hại cho Đảng, cho chế độ. Tôi xin nói thật là những ai làm được việc thì không bao giờ chạy chọt đâu”.
Một câu chuyện vui, đó là trong năm 2012 khi đề thi đại học khối D có câu nghị luận về thần tượng, một thí sinh đã chọn viết về ông Nguyễn Bá Thanh.
Thí sinh này đã mô tả thần tượng của mình: "Người lãnh đạo giỏi phải là một người nói được nhưng cũng phải làm được. Đó là người phải biết đặt lợi ích của nhân dân lên trước lợi ích của bản thân... Đó là những điểm mạnh của vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh".
Bạn trẻ này cho rằng thành công của ông Nguyễn Bá Thanh là nhờ học tập phương châm làm việc của Bác Hồ: "Việc gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm, có hại cho dân thì kiên quyết tránh".

Thư Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét