Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Vị Đại sứ đặc biệt của vùng đất nhiều biến động

Đức Khải ghi (Báo Thế giới và Việt Nam 8/12/12)
 
Trung Đông- một địa bàn luôn bất ổn về chính trị, khắc nghiệt về thời tiết và khác biệt văn hoá. Nhưng, đối với Đại sứ Nguyễn Quang Khai, người đã dành trọn năm tháng làm ngoại giao của mình cho Trung đông thì vùng đất này không chỉ có vậy...

Những câu chuyện ông kể về năm tháng "sống và chiến đấu" ở Trung Đông có buồn vui, thành công và cả mất mát. Nhưng trong những câu chuyện đó, luôn ngập tràn cảm xúc và niềm tự hào về những người đồng nghiệp, tình cảm của anh chị em trong Đại sứ quán và cả người dân bản địa dành cho ông. Những tình cảm đó đã giúp ông vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để bám trụ vững ở vùng đất khắc nghiệt này gần 40 năm, có nhiều đóng góp trong phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước khu vực.

Những ngày đồng cam cộng khổ ở Iraq
ĐS Nguyễn Quang Khai kể, năm 1995, tình hình Iraq cực kỳ khó khăn do cấm vận toàn diện của Liên hợp quốc sau khi Iraq chiếm đóng Kuwait. Lương thực, thực phẩm, điện, nước, thông tin liên lạc .... đều hết sức thiếu thốn. Người dân Iraq đứng trước nạn đói và nguy cơ xảy ra chiến tranh bất cứ lúc nào. Được cử làm đại sứ trong tình cảnh như vậy, tôi không khỏi suy nghĩ. Nhưng tôi đã không từ chối vì đó là nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Tôi nghĩ rằng mình đã làm việc ở đó 2 nhiệm kỳ, có rất nhiều bạn bè thân thiết, chắc chắn họ sẽ giúp mình vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Thế là tôi cùng vợ và đứa con trai nhỏ lên đường.
Từ Jordan tôi và gia đình rời Hà Nội bằng đường không đến Amman, thủ đô của Jordan rồi đến thẳng biên giới Iraq bằng đường bộ khi trời đã nhá nhem tối. Khi đó đường hàng không bị cắt. Tôi nghĩ có lẽ phía trước chúng tôi là chiến trường. Tất cả đều thấm mệt, nhưng cảm thấy vui vì Bộ Ngoại giao bạn cử cán bộ lễ tân xuống tận biên giới đón và giúp đỡ chúng tôi rất nhiệt tình. Trước mặt chúng tôi còn một quãng đường dài hơn 500 km nữa vượt qua sa mạc mới đến được Baghdad. Con đường độc đạo qua sa mạc hoang vắng trong đêm tối không một bóng người. Tôi cảm thấy hơi sợ nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến được Baghdad an toàn vào lúc 12 giờ đêm. Vừa đặt chân đến Đại sứ quán, tôi nhận được điện thoại của Vụ trưởng lễ tân bạn báo chuẩn bị trình Thư uỷ nhiệm vào 10 giờ sáng hôm sau. Đúng 9 giờ sáng, ông Qais Al Karkhi, Vụ trưởng Lễ tân đến tận Đại sứ quán ta nhận bản sao thư Uỷ nhiệm và đoàn xe hộ tống dẫn tôi lên phủ Tổng thống. Ông Qais Al Karkhi nói: " Đây là trường hợp rất đặc biệt trong ngoại giao thế giới, Đại sứ VN được trình thư Uỷ nhiệm chỉ trong 10 tiếng, phá kỷ lục 24 giờ của Đại sứ Nga Nikolai Kurtuzov". Qua cử chỉ đặc biệt này, tôi hiểu Chính phủ Iraq rất coi trọng quan hệ với VN và muốn gứi đến ta một thông điệp.
Đến Iraq tôi mới thấy tình hình còn khó khăn hơn những gì qua thông tin đại chúng. Thành phố Baghdad huyền thoại, đẹp lung linh chạy dài theo hai bờ sông Tigris hiền hoà như miêu tả trong truyện "Nghìn lẻ một đêm" đã trở thành một thành phố chết, phố xá vắng tanh, tiêu điều. Các cửa hiệu đều trống rỗng. Đêm đến thành phố chìm trong bóng tối vì thiếu điện. Đại sứ quán ta không thể nằm ngoài những khó khăn này. Anh em phải chia nhau từng cân gạo, cân đường, vỉ trứng, từng can nước sinh hoạt... Thịt, cá lúc bấy giờ là một thứ hàng xa xỉ phẩm. Hàng tháng chúng tôi phải cử người sang tận Jordan cách 1000 km để mua lương thực, thực phẩm. Phương tiện liên lạc với trong nước duy nhất là một chiếc máy telex và một máy vô tuyến điện. Cả Đại sứ quán có duy nhất một cái máy phát điện cỡ nhỏ đủ để chạy máy vô tuyến điện, telex, 1 cái tủ đông dự trữ thực phẩm và vài cái quạt điện. Mỗi ngày chỉ dám cho chạy vài tiếng đồng hồ.
Trong tình hình như vậy, tất cả anh em cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đều thương yêu đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ khó khăn, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi không thể nào quên được những những tình cảm làm ấm lòng người hồi đó. Có lần Mỹ và liên quân chuẩn bị tấn công vào thủ đô Baghdad bằng không quân và tên lửa tầm xa. Theo chỉ đạo từ trong nước, Đại sứ quán quyết định cho trẻ em và phụ nữ tạm thời sơ tán sang Jordan. Chị Hường, cán bộ văn thư nhất định không đi với lý do: "Chừng nào Đại sứ và gia đình còn ở lại thì chúng tôi không đi đâu cả, chết thì cùng chết". Sau này tôi mới biết, chị ấy từng là thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Tôi cũng không thể nào quên được những người không quản hiểm nguy như Tham tán Đinh Công Chính, Bí thư thứ 2 Trần Đình Tuân, Bí thư thứ 3 Nguyễn Việt Cường, lái xe Nguyễn Văn Hoa và nhiều người khác. Họ đã luôn bên cạnh tôi trong những thời khắc khó khăn và nguy hiểm nhất.
Bước ngoặt từ cuộc gặp ngoại giao đầu tiên
Có thể nói năm 1995 là năm khó khăn nhất đối với Iraq vì cuộc cấm vận của Liên hợp quốc đã lên tới đỉnh điểm. Để cứu dân khỏi nạn đói đang đến gần, chính phủ Iraq lúc đó chỉ còn nhờ đến các nước bạn bè trong đó có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, một số nước ASEAN....
Hoạt động ngoại giao đầu tiên của tôi là một trường hợp hết sức khó khăn. Ông Mohammed Mahdi Saleh, Bộ trưởng Thương mại Iraq gặp tôi đề nghị: "Các kho lương thực, thực phẩm của Iraq đã cạn, chúng tôi không còn gì để phân phát cho dân trong tháng tới. Dân chúng tôi sẽ chết đói nếu không được cứu trợ kịp thời. Nếu Việt Nam có tàu gạo nào đang ở trên biển chuẩn bị giao cho một nước nào đó thì đề nghị rẽ vào cảng của Iraq giao cho chúng tôi ". Một đề nghị không dễ dàng chút nào bởi trong thương mại quốc tế chưa hề có trường hợp tương tự và cũng chưa biết việc thanh toán ra sao. Từ chối với lý do ta không có tàu gạo nào đang ở trên biển và Việt Nam cũng đang gặp khó khăn là dễ nhất, bạn không thể trách ta. Xử lý vấn đề này thế nào đây?
Tuy nhiên, từ quan hệ cá nhân, tôi đã liên hệ với bà Cao Thị Hảo, Tổng Giám đốc VINAFOOD I. Tôi nói trước đây Iraq đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, nay bạn gặp khó khăn, ta giúp thì bạn không bao giờ quên ơn. Rất may là bà Hảo đã đồng ý đưa gấp một tàu gạo 12.500 tấn sang Iraq. Đây là chiếc tàu nước ngoài đầu tiên chuyên chở lương thực cập cảng Iraq kể từ khi nước này bị cấm vận từ 1991. Chính phủ và nhân dân Iraq đánh giá rất cao nghĩa cử này của Việt Nam. Sau này khi chương trình "Đổi dầu lấy lương thực" được LHQ thông qua, Việt Nam được Iraq ưu tiên ký nhiều hợp đồng, trong đó VINAFOOD 1 được chỉ định độc quyền cung cấp gạo cho Iraq mỗi năm 500 ngàn đến 700 ngàn tấn cho đến khi chiến tranh xảy ra tháng 3/2003. Kim ngạch xuất khẩu của ta sang Iraq tăng vọt từ 17 triệu đô la năm 1995 lên trên 500 triệu đô la/năm kể từ 1998 đến 2003 gồm các mặt hàng thiết yếu như gạo, sữa bột, dầu ăn, chè, xà phòng bột giặt...
Dấu ấn Việt Nam trên đất bạn
Một niềm vui nữa là mỗi lần chở gạo sang Iraq, bà Hảo không quên gửi cho anh em Đại sứ quán ít gạo, thịt, nước mắm, dầu ăn, mỳ ăn liền... Chúng tôi để lại dùng một ít và dành một phần chia cho Đại sứ quán các nước bạn bè tại Baghdad. Hồi đó, tuy vất vả, nhưng chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Các cửa hàng rất nhiều hàng hoá Made in Vietnam. Trong tiêu chuẩn tem phiếu hàng tháng của người dân Iraq chủ yếu là hàng từ Việt Nam. Người dân Iraq gặp chúng tôi ngoài phố, họ nói chuyện với chúng tôi đầy thiện cảm và coi Việt Nam là người bạn số 1.
Ngoài việc xuất khẩu gạo sang Iraq, chúng ta còn giúp bạn trồng lúa, mía đường và đậu tương. Các nước khác khi xuất khẩu lương thực không bao giờ lại giúp nước nhập khẩu phát triển và tự túc được mặt hàng này. Việt Nam là nước duy nhất xuất khẩu gạo sang Iraq đồng thời giúp Iraq thực hiện chương trình tự cung tự cấp về lương thực. Người Iraq đánh giá rất cao việc làm này của Việt Nam.
Để ghi nhận những cố gắng nêu trên, Ngày 25/4/2003, Chủ tịch nước đã tặng tập thể Đại sứ quán Việt Nam tại Iraq và cá nhân tôi Huân chương Lao động hạng Ba vì "Đã dũng cảm vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bả vệ Tổ quốc".
Đức Khải ghi

2 nhận xét: