TT - Ngày 20-12, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã
tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Chất lượng cuộc sống của người dân
TP.HCM trong bối cảnh kinh tế hiện nay”.
Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại diện cơ quan quản lý nhà nước đã tham dự cuộc hội thảo này.
Người nghèo muốn đi xe đạp cũng phải mua xe cũ. Trong ảnh: một người nghèo ở Q.8 (TP.HCM) chuyên mua xe đạp cũ về sửa để bán lại cho người nghèo - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Đa số ý kiến tham gia hội thảo nhận định tình hình suy
giảm kinh tế trong những năm gần đây tác động tiêu cực đến chất lượng
cuộc sống của cư dân ở tất cả các nhóm xã hội, đặc biệt là nhóm người có
thu nhập thấp.
Đã khổ càng thêm khổ
"Đáng lo ngại là khuynh hướng tiêu dùng cận biên của
tất cả các nhóm xã hội, các khu vực và trên toàn TP.HCM đều ở mức âm
trong giai đoạn từ sau năm 2008. Điều này cho thấy việc tăng lên quá
mạnh của chi tiêu và chi tiêu đã vượt xa mức tăng thu nhập đã làm các hộ
gia đình phải sử dụng nguồn tiết kiệm tích lũy từ trước năm 2008. Trong
đó, khu vực thành thị có mức độ thâm hụt tiết kiệm cao nhất, gấp 2,03
lần khu vực nông thôn"
Tiến sĩ Lê Thanh Tùng (Trường đại học Tôn Đức Thắng)
|
Khảo sát trên 500 công nhân (CN) nhập cư tại Khu chế
xuất Linh Trung 1 và Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM), nhóm nghiên cứu
gồm thạc sĩ Nguyễn Thụy Diễm Hương và Tạ Thị Thanh Thủy (Trường đại học
KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) đưa ra số liệu đáng chú ý: 58% CN
có thu nhập chỉ từ 2-3 triệu đồng/tháng.
So sánh giữa thu nhập với chi tiêu, đa số CN đều cố
gắng chi tiêu ở mức thấp nhất với 34,3% chi tiêu dưới 1 triệu
đồng/tháng, 40,7% chi tiêu từ 1-2 triệu đồng/tháng và chỉ có 3,6% dám
xài từ 3-4 triệu đồng/tháng. Cuộc điều tra đưa ra sáu mục tiêu mong đợi
của CN thì có đến 30,6% CN mong được tăng lương, 22,6% mong được ổn định
điều kiện sinh hoạt, trong khi có chưa đầy 10% mong được nâng cao trình
độ, tay nghề.
Nhóm nghiên cứu của thạc sĩ Hồ Thị Hương Giang, Lê Thị
Hồng Quế, Ngô Thị Thu Trang (Trường đại học KHXH&NV, Đại học Quốc
gia TP.HCM và Đại học Sư phạm TP.HCM) đưa ra số liệu thống kê từ kết quả
khảo sát thực tế tại quận Bình Tân: Nhóm cư dân hiện hữu sau khi di
dời, giải tỏa nhà đất không được chuyển đổi nghề nghiệp và nhóm lao động
nhập cư có thu nhập thấp thì chi tiêu cho ăn uống chiếm dưới 30% khoản
thu nhập ít ỏi và luôn có thói quen bỏ bữa ăn, tình trạng thiếu năng
lượng chiếm đến 30%.
Theo thạc sĩ Lê Thị Mỹ Hà (Viện Nghiên cứu phát triển
TP.HCM), cư dân sống ở các vùng ven, vùng nông thôn thuộc TP là thành
phần chịu nhiều ảnh hưởng do suy giảm kinh tế. “Mức chi tiêu của cư dân
nông thôn phần lớn chỉ tập trung vào các yếu tố sinh tồn: chi cho ăn
uống chiếm hơn 45,5%, trong khi mức chi cho giáo dục chiếm hơn 6% và chi
cho văn hóa, thể thao, giải trí chỉ khoảng 3% tổng cơ cấu chi tiêu” -
bà Hà cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế
miền Nam, nhận xét: “Với nhóm thu nhập cao, suy giảm kinh tế có thể
khiến họ gặp khó trong kinh doanh, giảm thu nhập... nhưng không ảnh
hưởng trực tiếp đến mức sống hằng ngày, các điều kiện hưởng thụ văn hóa,
giáo dục. Với nhóm thu nhập cao, các tác động tiêu cực của môi trường
xã hội như quan liêu, cửa quyền, Nhà nước thu thêm nhiều loại phí, tệ
nạn xã hội tăng cao hay tác động tiêu cực của môi trường tự nhiên như
triều cường, ô nhiễm môi trường... cũng ít chạm tới họ”.
Tiến sĩ Nguyên lý giải tiếp: “Nhóm thu nhập cao tránh
được tác động tiêu cực là nhờ dùng tiền để thuê dịch vụ, ở nhà cao, đi
xe hơi, sống ở khu vực an ninh, có lực lượng bảo vệ. Còn với nhóm có thu
nhập thấp, hầu như tất cả tiêu cực xã hội đều ảnh hưởng trực tiếp đến
cuộc sống hằng ngày của họ. Trong đó, bữa ăn là nhu cầu tối thiểu mà còn
phải cắt giảm thì không thể tăng thêm bất kỳ nhu cầu nào khác. Nói cách
khác, nhóm thu nhập thấp cũng là nhóm yếu thế, bị tổn thương nặng nề
nhất do suy giảm kinh tế và lạm phát”.
Cần xem lại hiệu quả quản lý nhà nước
“Tôi đi thăm Công ty Hyundai của Hàn Quốc mới thấy họ
chỉ có 14.000 nhân viên mà đã sản xuất xe tải, xe hơi bán đi khắp nơi
trên thế giới. Như vậy thu nhập của họ sẽ ở mức nào? Còn ở ta, đơn cử
sáu bảy chục ngàn công nhân tại Công ty Pou Yuen ở Bình Tân cũng chỉ là
công nhân gia công theo đơn đặt hàng. Thu nhập thấp, chất lượng sống
thấp là điều tất yếu” - bà Nguyễn Thị Dân, trưởng phòng lao động tiền
lương - tiền công Sở LĐ-TB&XH TP, đặt vấn đề.
Theo bà Dân, hơn 20 năm TP thu hút đầu tư nước ngoài
thì chủ yếu là thu hút đầu tư các ngành gia công, lắp ráp. “Các doanh
nghiệp đầu tư khai thác lao động VN suốt độ tuổi thanh xuân từ 18-40
tuổi. Khi người lao động đã bước sang tuổi 40-45, họ bắt đầu bị thải
loại với sức khỏe hao mòn, chế độ bảo hiểm xã hội nhiều khi không đảm
bảo, trình độ tay nghề không có, như vậy làm sao có chất lượng cuộc sống
tốt?” - bà Dân bức xúc.
Một số nguyên nhân khác dẫn tới suy giảm chất lượng
sống hiện nay, theo nhiều đại biểu, còn do cải cách hành chính chưa tới
nơi tới chốn, an toàn vệ sinh thực phẩm không được kiểm soát, tình hình
trộm cắp, cướp giật hoành hành. “Đã đến lúc phải xem lại hiệu quả quản
lý nhà nước để có cách giải quyết căn cơ các vấn đề xã hội, bên cạnh
việc phải đầu tư nghiêm túc cho dạy nghề và tạo việc làm, ưu tiên cho
nhóm người yếu thế” - tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên đề xuất.
MAI HƯƠNG
http://tuoitre.vn/Ban-doc/525996/Kinh-te-kho-khan-nguoi-ngheo-%E2%80%9Ctham-don%E2%80%9D-nang-nhat.html
http://tuoitre.vn/Ban-doc/525996/Kinh-te-kho-khan-nguoi-ngheo-%E2%80%9Ctham-don%E2%80%9D-nang-nhat.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét