Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Những ngày không quên ở Iraq

Ông Nguyễn Quang Khai vốn là cán bộ phiên dịch tiếng Ả rập. Ông đã làm việc tại Iraq 4 nhiệm kỳ, trong đó có 2 nhiệm kỳ là Đại sứ (1995-1999) và (2002-2007). Năm 2001-2002, ông được cử làm Đặc phái viên thường trú của Bộ trưởng Ngoại giao nước ta bên cạnh Chính phủ Iraq. Năm 2008-2011, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Đánh giá những đóng góp của ông, Chủ tịch nước đã phong hàm Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam cho ông ngày 21/7/2011.
Cuối tháng 3/2003, căng thẳng giữa Iraq với Mỹ lên đỉnh điểm. Phía Iraq đã có nhiều nỗ lực ngoại giao để tránh xảy ra một cuộc chiến tranh nhưng Washington vẫn quyết định tấn công Iraq với lý do nước này tàng trữ vũ khí huỷ diệt.
Tất cả các Đại sứ quán, các Tổ chức quốc tế buộc phải rời khỏi Iraq. Đại sứ quán Việt Nam tại Baghdad cũng không phải ngoại lệ. Đại sứ quán ta cũng nhận được lệnh từ trong nước phải bảo toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của cơ quan. Trước tình hình như vậy, tôi liền triệu tập anh em họp khẩn cấp và lên kế hoạch bảo vệ tài sản và sơ tán cán bộ, nhân viên sang Jordan.
Sơ tán khỏi vùng chiến sự
Lúc đó, hàng trăm xe tăng, máy bay cùng 150 ngàn quân Mỹ và hơn 30 nước tham gia liên quân đã được điều đến Kuwait sát biên giới phía Nam của Iraq. Thành phố Baghdad bỗng thành một trận địa với công sự, ụ súng được xây dựng khắp nơi. Không khí chiến tranh sôi lên sùng sục.
Ngày 19/3/2003, tôi là người cuối cùng khoá cổng rời Đại sứ quán, trước khi chiến tranh nổ ra 1 ngày. Tôi trao lại chìa khoá cho cô Taleb Al Ihda'a, thư ký người Iraq, dặn cô ấy cẩn thận và nhớ tưới nước cho hoa và cây cối trong khuôn viên Đại sứ quán. Giây phút chia tay với cô thư ký và mấy người lính Iraq bảo vệ Đại sứ quán đầy xúc động. Tôi thấy trong mắt họ đẫm lệ và tôi cũng vậy. Chúng tôi hẹn gặp lại nhau tại Baghdad khi chiến tranh kết thúc...
Khi chúng tôi vừa đến một khách sạn ở Thủ đô Amman của Jordan thì Mỹ và liên quân bắt đầu tấn công Iraq. Chúng tôi hồi hộp theo dõi chiến sự qua ti vi. Hàng loạt tên lửa, bom dội xuống Baghdad. Thành phố bốc cháy như một chảo lửa, cảnh tượng không khác gì những trận bom B52 ác liệt của Mỹ trút xuống Hà Nội tháng 12 năm 1972. Từ phía Nam, hàng vạn quân Mỹ và liên quân cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép tràn qua biên giới Kuwait vào lãnh thổ Iraq. Quân Iraq chống trả yếu ớt do đã kiệt sức vì cấm vận. Chỉ sau 45 ngày cầm cự, Iraq đã thất thủ. Mỹ và liên quân đã chiếm và kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Iraq.
Qua các phương tiện thông tin, chúng tôi biết tình hình Baghdad lúc đó rất hỗn loạn. Nhiều Đại sứ quán nước ngoài đã bị cướp phá. Đại sứ quán Trung Quốc bị cướp hết tài sản và bị đốt cháy. Trong tình hình như vậy, chúng tôi vô cùng lo lắng về số phận của Đại sứ quán và tài sản của ta ở đó. Tháng 5/2003, tôi xin phép Bộ được trở lại Baghdad để kiểm tra tình hình. Tuy nhiên, do an ninh không đảm bảo, Bộ đã không cho phép Đại sứ đi mà cử anh Nguyễn Việt Cường, Bí thư thứ 3 đi. Thực lòng tôi muốn hai anh em cùng đi để nếu có gì còn hỗ trợ nhau. Hôm tiễn Cường đi như tiễn người thân ra chiến trường. Chúng tôi liên hệ với nhau qua chiếc điện thoại vệ tinh Thuraya. Khi biết Cường đã đến được Đại sứ quán ta an toàn và tài sản của Đại sứ quán vẫn còn nguyên vẹn, tôi rất mừng. Tôi cho rằng, một trong những lý do Đại sứ quán ta không bị cướp phá là do chúng tôi có mối quan hệ rất thân thiết với những người láng giềng và bạn bè Iraq. Họ chính là những người bảo vệ tốt nhất cho mình. Ông Muhammed Abass, một hàng xóm sống cạnh Đại sứ quán ta kể: "Từ khi quân Mỹ chiếm Baghdad, ngày nào tôi cũng ghé qua xem Đại sứ quán VN có bị gì không?".
Chuyến đi định mệnh
Khi chiến tranh mới kết thúc, tháng 9/2003 tôi được Chính phủ giao dẫn đầu một đoàn sang Baghdad để tiếp xúc với chính quyền mới, bàn việc tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký trước đây và thăm dò khả năng khôi phục lại hợp tác. Đoàn chúng tôi có 13 người gồm đại diện các bộ: Ngoại giao, Thương mại, Tập đoàn Dầu khí và Tổng Công ty chè. Trong bối cảnh như vậy, anh em trong đoàn ai cũng tỏ ra lo lắng nhưng đều sẵn sàng lên đường làm tôi cảm thấy yên tâm.
Để vào được Baghdad từ Jordan, chúng tôi phải đi bằng đường bộ. Đoàn đi bằng 3 chiếc xe, trong đó có 1 xe của Đại sứ quán và 2 xe thuê của một công ty vận tải Jordan. Theo kinh nghiệm của bạn bè, chúng tôi rời Amman lúc 2 giờ đêm và làm sao phải đến Baghdad trước 12 giờ trưa hôm sau, vì sau 12 giờ trưa là các nhóm khủng bố bắt đầu hoạt động, rất nguy hiểm. Con đường từ Amman đến biên giới với Iraq chừng 500km. Chúng tôi đi trong màn đêm tối đen như mực và đến biên giới lúc rạng sáng. Không khí tại cửa khẩu Iraq đã thay đổi hoàn toàn. Thay vì những người lính biên phòng Iraq thân thiện là những lính Mỹ đứng gác bên cạnh những chiếc xe bọc thép rất lạnh lùng. Họ chiếm toàn bộ khu nhà làm thủ tục cho khách VIP trước đây. Chúng tôi phải làm thủ tục nhập cảnh như những người bình thường.
Sau khi làm xong các thủ tục vào Iraq, nạp xăng ô tô rồi chúng tôi tiếp tục hành trình về phía Baghdad. Tất cả mọi người đều mệt nhoài qua một đêm không ngủ. Chúng tôi thoả thuận 3 xe phải luôn luôn bám sát nhau, mỗi xe cách nhau chừng 50 mét để đề phòng có điều gì không may xảy ra còn giúp đỡ nhau. Vừa đi được khoảng 40 km, tôi nhìn lại phía sau thì không thấy chiếc xe thứ 3 đâu nữa. Tôi ra hiệu cho tất cả đoàn dừng lại chờ. 5 phút trôi qua vẫn không thấy chiếc xe thứ 3đâu. Tôi linh cảm có chuyện gì đã xẩy ra và cho cả đoàn đi ngược trở lại. Đi được một đoạn thì thấy một chiếc ô tô bị lật nằm chổng kềnh ngoài sa mạc. Va li, hành lý văng vãi khắp nơi. Tôi và anh em trong đoàn chạy đến thì thấy 2 cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán, thành viên trong đoàn đã chết. Anh Trọng, Tổng Giám đốc Tổng công ty chè bị thương nặng…. Chúng tôi vội vàng đưa anh em tất cả lên xe và quay lại biên giới để cứu chữa người bị thương và làm những thủ tục tại hiện trường cho 2 đồng nghiệp xấu số... Chúng tôi đã làm hết sức mình, nhưng hoàn cảnh chiến tranh, các cơ sở y tế của bạn hết sức thiếu thốn nên đoàn lúc lên đường có 13 người nhưng khi trở lại chỉ còn 10 người...
Đây là chuyến đi tôi không thể nào quên được. Chuyến đi với mong muốn nối lại các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa đã ký với bạn từ trước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước nhưng đã phải trả một giá quá đắt. Đây cũng là một mất mát to lớn của ngành ngoại giao nước nhà. Nhân dịp kể lại kỷ niệm đau buồn này, tôi cầu mong cho hương hồn anh Trọng, Tổng Giám đốc Tổng công ty chè, anh Khánh, Tham tán Thương mại và anh Thái, Tuỳ viên Thương mại được siêu thoát. Tổ quốc ghi công các anh. Chúng tôi mãi không quên các anh, những doanh nhân, những cán bộ đã dấn thân vì lợi ích chung, can đảm như những người lính ra chiến trận như thế.
Gặp gỡ chính quyền mới
Tại Baghdad, tôi và đoàn đã gặp các quan chức của chính quyền mới, trong đó có Bộ trưởng Thương mại, tiến sỹ Yousif Abdul Rahman, Bộ trưởng Dầu mỏ Bahr Al Uloum, Bộ trưởng xây dựng Jabor Al Jawad, Bộ trưởng Ngoại giao Hoshyar Zibari và bà Susan, cố vấn kinh tế người Mỹ. Tất cả họ đều tỏ mong muốn nối lại mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực. Bộ trưởng Ngoại giao Hoshyar Zibari nói: "Nước Iraq mới mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam. Chúng tôi sẽ cố gắng để quan hệ Việt Nam - Iraq phát triển mạnh mẽ hơn so với trước đây dưới thời chế độ cũ."
Bộ trưởng Thương mại của Chính quyền Iraq mới khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các hợp đồng thương mại mà chúng ta đã ký với chính quyền cũ. Bộ trưởng Dầu mỏ cam kết vẫn tôn trọng các Hiệp định hợp tác dầu khí đã ký kết giữa 2 nước. Và một điều hết sức quan trọng là chính phủ mới của Iraq vẫn giữ quyết định của chính quyền cũ, là xoá toàn bộ số nợ mà ta đã vay của bạn. Số nợ này gồm 2 triệu tấn dầu bạn cho ta vay không tính lãi từ năm 1976 và một số khoản vay khác.
Hồi đó, tổng trị giá các khoản nợ bạn xóa cho ta khoảng 62 triệu USD, một số tiền rất lớn lúc đó. Chính phủ mới của Iraq nói rằng đây là sự giúp đỡ của nhân dân Iraq đối với nhân dân Việt Nam nên không có gì thay đổi cả. Từ đó đến nay, mặc dù tình hình của bạn vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng quan hệ giữa hai bên tiếp tục có những bước phát triển tích cực, trên nền tảng tốt đẹp mà hai bên đã gây dựng được.
Đức Khải (ghi)

1 nhận xét:

  1. Bác cho cháu hỏi Đặc phái viên BNG bên cạnh Chính phủ Iraq, vậy "bên cạnh" ở đây nghĩa là gì ạ? Cháu cũng gặp một số chức vụ ngoại giao cũng có chữ "bên cạnh" này nhưng cháu không hiểu lắm. Bác giải thích dùm cháu với ạ. Cháu cảm ơn!

    Trả lờiXóa