Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân"

Tương Lai
Nhân kỷ niệm 575 năm ngày mất Nguyễn Trãi

Chưa lúc nào tư tưởng và nhân cách của Nguyễn Trãi lại có ý nghĩa thời sự như lúc này. Kỷ niệm 570 năm ngày " ngôi sao Khuê "[ Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo] bị chìm vào bóng tối của bầu trời u ám buổi đau thương ấy là một dịp để làm sống động lại một bi kịch lịch sử nhằm khặc họa rõ nét hơn tư tưởng vĩ đại và nhân cách cao đẹp của Nguyễn Trãi và hệ lụy thảm khốc của chính tư tưởng và nhân cách ấy, "bui một tấc lòng ưu ái cũ, đêm ngày cuồn cuộn nước chầu đông"*!
 Nguyễn Phi Khanh bị bắt và bị đưa về Trung quốc
Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa gắn liền với an dân, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng, tình cảm và sự nghiệp của ông :"Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu", vì thế với ông, "đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền, cành nam cành bắc một cội nên". Cho nên ông đòi hỏi "phép nước phải thuận lòng dân, không lấy điều muốn của một người mà cưỡng ép nghìn muôn người phải theo". Mới hiểu vì sao ông "coi công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ". Đó cũng là lý do vì sao Nguyễn Trãi cho dù " Ðã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc, Cho hay đường lợi cực quanh co" vẫn cứ dấn thân để thực thi sứ mệnh của người trí thức đích thực : "Trừ đôc, trừ tham, trừ bạo ngược, Có nhân, có trí, có anh hùng".
Xem ra, cái họa mà Nguyễn Trãi phải gánh chịu đã nằm ngay trong lý tưởng dẫn dắt cuộc đời ông đúng như nhận định của Phạm Văn Đồng trong bài viết cách nay đúng nửa thế kỷ đăng trên báo Nhân Dân ngày 19.9.1962 :" Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, thanh liêm quá!  Nguồn gốc sâu xa của thảm án vô cùng đau thương của Nguyễn Trãi bị tru di ba họ là ở đó". Dường như Nguyễn Trãi đã biết trước được điều đó : "Cổ lai thức tự đa ưu hoạn. Pha lão tằng vân ngã diệc vân", xưa nay người biết chữ thường lắm lo âu, hoạn nạn, ông già Tô Đông Pha đã nói như thế và ta cũng nói như thế!
Để hiểu hơn bối cảnh nảy sinh ra "hiện tượng Nguyễn Trãi", phải chăng cần lưu ý đến nhận định sắc sảo của Trần Quốc Vượng: " Nguyễn Trãi tắm mình trong bầu không khí văn hóa ở đó đang diễn tiến cuộc đấu tranh gay gắt giữa truyền thống và đổi mới, cuộc đấu tranh gay gắt giữa xu hướng Trung Quốc hóa với xu hướng giải Trung Quốc hóa trong nội bộ các thế lực cầm quyền và giới trí thức, văn hóa Đại Việt. Hai mươi năm Minh thuộc, với chủ trương và âm mưu tái Trung Quốc hóa nền văn hóa Việt của bọn giặc Minh càng làm gay gắt thêm, phức tạp thêm cuộc đấu tranh nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam, một lối sống Việt Nam. Nguyễn Trãi đã dấn thân hết mình vào các cuộc đấu tranh chính trị, văn hóa, xã hội này; và tiếc thay, ông đã ra khỏi cuộc đời này một cách bi thảm"!**
Đau đớn thay, sự bi thảm ấy là một hệ lụy không sao tránh được vì đó chính là quy luật của sự tha hóa quyền lực, một quy luật muôn đời như sự đúc kết của Lord Acton, nhà sử học Anh thế kỷ XIX :" Quyền lực có xu hướng tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì sự tha hóa cũng tuyệt đối" [Power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely].
"Vẫy vùng một mảnh nhung y nên công đại định", sau mười năm "nằm gai nếm mật", đánh tan giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi. Nhưng khi "phẳng lặng bốn bề thái vũ mở hội vĩnh thanh" [Bình Ngô Đại cáo] thì cũng là lúc diễn ra các cuộc thanh trừng đẫm máu do những mâu thuẫn phe cánh trong triều đình.
Đại công thần Trần Nguyên Hãn [ông ngoại của Nguyễn Trãi] tự tử khi bị bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá dâng sớ tố cáo ông mưu phản. Hai năm sau, một đại công thần khác là Phạm Văn Xảo bị giết khi bọn Lê Quốc Khí tố cáo ông ngầm làm phản. Những người mà bọn Lê Quốc Khí không bằng lòng đều bị vu cho là bè đảng của Trần Nguyên HãnPhạm Văn Xảo, bị xử tử và bị tù. Không rõ Nguyễn Trãi có bị vu cáo như vậy không, nhưng theo phỏng đoán của một số sử gia hiện đại thì thời gian này Nguyễn Trãi đã bị bắt và hạ ngục. hoặc đã bị nghi ngờ có liên quan đến Trần Nguyên Hãn nên bị bắt, sau lại được tha.... Cũng do thái độ nghi kỵ và hành động sát hại công thầncủa Lê Thái Tổ, một số đại thần cương trực đã từ quan xin về quê ẩn dật trong đó có Nguyễn Tuấn Thiện vốn là người em kết nghĩa của Lê Lợi thời khởi nghĩa, đã từng giữ chức Ðô tổng quản, Thái bảo quận công và Bế Khắc Thiệu là người tham gia phái bộ Bình Ðịnh Vương trong Hội thề Ðông Quan cuối năm 1427.
Nguyễn Trãi chứng kiến tất cả những bi kịch cung đình đó, ông những muốn lèo lái làm sao để "nhân nghĩa duy trì thế nước yên" nhưng ông hoàn toàn bất lực và lâm vào thế bế tắc " Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải". Ở chốn triều quan thì ông mắng thẳng vào mặt lũ gian thần "sở dĩ có tai nạn ấy chính tự lũ các ông. Các ông chỉ là đồ thích sưu cao thuế nặng, vơ vét của nhân dân cho nhiều..." Đối với vua thì ông đòi hỏi phải  "hết lòng yêu thương nuôi dưỡng muôn dân, để nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán giận sầu than"  nhằm để "giữ được cội gốc của nhạc" mà theo quan điểm của ông thì "hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc" khi Nguyễn Trãi được trao trách nhiệm cùng hoạn quan Lương Đăng soạn ra lễ nhạc. Và rồi ông xin cáo lui vì bất đồng quan điểm khi Lương Đăng người ta chỉ mô phỏng nhạc thể và nhạc cụ triều Minh để soạn ra nhạc cung đình. "Lũ các ông" trong lời mắng của Nguyễn Trãi là nhằm vào Lương Đăng và đồng bọn.
Cả hai điều ấy đều là lực đẩy Nguyễn Trãi đi đến cái kết cục bi thảm không sao tránh được.  Ông không tự nói như Khuất Nguyên trước khi trẫm mình trong dòng sông Mịch La "Đời đục cả, một mình ta trong"! Nhưng sông Mịch La đâu chỉ chảy bên nước Tàu. Nguyễn Mộng Tuân đã nói giúp ông và cũng là một điều cảnh báo với ông : "Giai túy tùy nhân, vật độc tinh", chỉ một mình ông tỉnh khi mọi người đều say! Cũng có thể nói ngược lại, do Nguyễn Trãi "say" với lý tưởng vĩ đại của mình trong khi lũ gian thần lại rất "tỉnh" trong chuyện "vơ vét" và tranh giành quyền lực nên ông trở thành một con quạ trắng giữa bầy quạ đen. Hoặc cũng có thể nói, chính vì Nguyễn Trãi quá tỉnh trong một cuộc chơi không cân sức giữa chính và tà, trong một môi trường của "Hư danh thực hoạ thù kham tiếu, Chúng báng cô trung tuyệt khả liên." Danh hư thực họa nên cười quá, Bao kẻ dèm pha xót người trung. Ở đó, "Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết, Bui (chỉ) một lòng người cực hiểm thay".
Mà đâu phải chỉ Nguyễn Trãi nghiệm ra điều đó, chính Lê Thái Tổ cũng nhận ra tệ trạng này. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư, Quyển X, Kỷ Nhà Lê chép : "Bởi vì trẫm từng nghiệm thấy, trong các việc tiến cử, hoặc xử án...người ta dung túng che chở cho nhau, để biến hóa đổi thay, qua đó biết được người làm quan trong sạch thì ít và nhơ bẩn thì nhiều...". Nhận ra, song không thể khắc phục được, vì làm sao ngài có thể hoán cải quy luật khi chính ngài vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của sự vận hành quy luật ấy. Bởi thê mà sau thảm kịch Lệ Chi Viên, chính Lê Nhân Tông (1443-1459) đã khẳng định : "Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng" nhưng vẫn chưa thể minh oan cho ông mà phải đợi đến Lê Thánh Tông (1460-1497), do hàm ân về việc che chở cho mẹ con nhà vua lúc gian nan thủa hàn vi, mới xuống chỉ minh oan và "phục hồi" cho ân nhân của mình!
Thân phân con người, đặc biệt là người trí thức, trong những bước đường quanh co của lịch sử mà Nguyễn Trãi là một minh chứng tiêu biểu nhất, ngẫm cho cùng, cũng chẳng có gì khó hiểu. Cái tâm trạng "Kim cổ vô cùng giang mạc mạc, Anh hùng hữu hận điệp tiêu tiêu" mà Vũ Khiêu miêu tả "Có những buổi chiều tàn, ông một mình đứng giữa trời nước. Sông bát ngát như cái vô hạn của thời gian, và lá rơi, lá rơi như nhắc nhở cái hữu hạn của một kiếp sống, như những giọt lệ xót thương cho mối hận của anh hùng"*** không chỉ là là riêng của một Ức Trai tiên sinh! Sau Nguyễn Trãi hơn một nửa thiên niên kỷ, cũng không thiếu những "Nguyễn Trãi" của thế kỷ XX từng có cùng tâm sự với người "anh hùng di hận kỷ thiên niên...anh hùng hữu hận điệp tiêu tiêu" ấy.
Vì sao nói vậy. Xin trở lại với Trần Quốc Vượng : "Cuộc đấu tranh giữa mô hình dân tộc và mô hình kiểu Tàu cho đến khi phong kiến hết thời vẫn chưa chấm dứt..."**. Cuối thế kỷ XIV, xã hội, văn hóa khủng hoảng mà không có đường lối giải quyết . Đúng lúc đó nhân vật Hồ Quý Ly xuất hiện...Ông kiên quyết chống quân Minh, muốn giải Hán hóa nền văn hóa Việt, nhưng ông chỉ mới thổi "tiếng kèn ngập ngừng", sử dụng những biện pháp nửa vời...Ông lại xây dựng một nền độc tài cá nhân. Ông không nắm được dân "trăm vạn người trăm vạn lòng", không cố kết được nhân tâm, hòa hợp được dân tộc, dân tâm lìa tan để mất nước vào tay giắc Minh...Chính trong bối cảnh đó, Nguyễn Trãi kế tục và phát huy truyền thống dân tộc và thân dân thời Lý Trần, cố gắng để khôi phục và phát triển nền văn hóa dân tộc. Quả thật, "tìm về dân tộc" và "thân dân" là phương thuốc tích cực nhất để giải nọc độc vọng ngoại, giải Hán hóa. Dân là gốc nước. Đã yêu nước thì phải yêu dân. và đã gắn bó với dân thì tự nhiên nảy sinh lòng tự hào dân tộc "**. Khẳng định điều đó là tuyệt đối đúng. Không chỉ đúng với thời Nguyễn Trãi mà còn mang một ý nghĩa cập nhật rất sống động đối với cả hôm nay.
Niềm tự hào và cũng là điểm tựa vững chắc của Nguyễn Trãi trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp của ông : "Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực thi văn hiến chi bang", hai câu tiếp theo câu mở đầu Bình Ngô Đại cáo, quyết liệt ngay từ đầu khuynh hướng "giải Hán hóa" của Nguyễn Trãi chưa nhận được sự tiếp sức và đẩy tới của các triều đại nhà Lê, kể cả thời cực thịnh. Với triều Lê Thánh Tông, về chính trị thì thì củng cố chế độ trung ương tập quyền theo hướng chuyên chế, về tư tưởng thì theo hướng độc tôn Nho giáo, bài xích Phật, Đạo và tín gưỡng dân gian, về văn hóa dần dần xa rời vốn liếng dân gian. Tinh thần kỳ thị tôn giáo, chuyên chế tư tưởng hết sức nặng nề. Nền văn hóa chính thống ngày càng rơi dần vào quỹ đạo của văn hóa phong kiến Trung Quốc. Mà đã đi vào quỹ đạo này thì làm sao mà "thân dân" được?
Trút bỏ gánh nặng lịch sử này quả thật dai dẳng cho đến tận bây giờ với những biến thái cực kỳ phức tạp đòi hỏi một sự tỉnh táo của trí tuệ dân tộc nhằm tỉnh thức những người đang chìm đắm, có thể là vô thức nhưng thường là hữu thức, vì những lợi ích rất nhày nhụa được khoác cho những tấm áo mỹ miều. Còn phức tạp hơn nữa với công cuộc "giải Hán hóa" của buổi hôm nay  khó khăn gấp bội vì chủ nghĩa bành trướng đại Hán lại đang khoác cho mình một cái áo "mang màu sắc Trung Quốc", thực chất là một "chủ nghĩa tư bản hoang dã" ngày càng phơi bày bộ mặt bẩn thỉu và đang tự mình cô lập trước thế giới do những thủ đoạn gian trá ấy.Vì vậy, nói đến cùng, trong vị thế địa-chính trị trứng chọi đá quá trình ông cha ta dựng nước và giữ nước cũng là quá trình "giải Trung Quốc hóa" [dé-sinisation] với những lưỡng lự và những nghịch lý của lịch sử, thậm chí của từng nhân vật lịch sử". Vậy thì nói đến nguyên lý " việc nhân nghĩa cốt ở an dân" thì điểm quy chiếu chiinh tà hiện nay  chính là quyết liệt đẩy tới quá trình "giải Hán hóa" với nội dung mới gay go phức tạp hơn trong bối cảnh đầy biến động khó lường của thế kỷ XXI.
Xin kết thúc bài viết này bằng lời của Võ Nguyên Giáp trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 600 sinh Nguyễn Trãi tại Hà Nội năm 1982 : " Nguyễn Trãi nói : "Thời! Thời! Thực không nên lỡ"** với nhận thức rằng không thể bỏ lỡ thời cơ  Viêt Nam tự lực, tự cường, thoát khỏi vòng kiềm tỏa, chi phối của Trung Quốc, cùng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hợp thành sức mạnh răn đe, ngăn chặn và làm thất bại mọi mưu đồ bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán.
 Bỏ lỡ thời cơ là sự bỏ lỡ đau đớn nhất mà lịch sử phải gánh chịu.

_______________
*Những trích dẫn thơ chữ Hán và thơ Nôm của Nguyễn Trãi đều lấy từ "Tổng tập Văn học Việt Nam', Tập 4. NXBKHXH. Hà Nội, năm 2000.
**Kỷ Niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi. NXBKHXH.Hà Nội 1982, tr.96, tr.99, tr.110 và tr.35
*** Vũ Khiêu "Người trí thức Việt Nam qua các thời đại".NXBTPHCM.1987, tr.58

(bản gốc của tác giả)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét