Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Dương Trung Quốc: Tôi tin Thủ tướng không gác chuyện tăng lương

(Đời sống) - "Nếu rà soát lại những khoản lãng phí hay không hợp lý và dừng một số công trình xây dựng chưa cần thiết thì con số 60.000 tỷ không phải là không thể kiếm được..." - Ông Dương Trung Quốc nhận định.



PV:
- Chính phủ đã báo cáo ra UBTVQH năm 2013 chưa thể cân đối đủ nguồn để bố trí 60.000 tỷ đồng tăng lương tối thiểu lên 1,3 triệu đồng từ tháng  5 năm sau, do khả năng cân đối ngân sách khó khăn. Ý kiến của ông về điều này như thế nào?
Ông Dương Trung Quốc: - Vào thời điểm này, những khó khăn mà Chính phủ nêu lên như lý do chưa thể tăng lương tối thiểu theo lộ trình là một thực tế ai cũng có thể nhận thấy trong bối cảnh chung của nền kinh tế đất nước đang gặp quá nhiều khó khăn.

Thiếu vốn sản xuất đi cùng với tồn kho và nợ đọng thì có được một khoản tiền 60.000 tỉ đúng là... khó kiếm. 

 
ĐBQH Dương Trung Quốc
ĐBQH Dương Trung Quốc

Tuy nhiên, theo tôi không phải là... tuyệt vọng nếu chúng ta đọc cái tin (đăng trên Tuổi Trẻ ngày 26/10/2012) Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã chỉ đạo ngành của mình khắc phục căn bệnh “hoành tráng”. 
 
Một cây cầu chưa cần thiết phải ứng dụng công nghệ “dây văng” để có kỷ lục Đông Nam Á về khẩu độ lớn có thể giảm được 600 tỷ đồng cho một công trình, và nếu điều chỉnh hợp lý dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành thì cũng giảm quy mô đầu tư được 10.000 tỷ. 
 
Cũng trên số báo này đăng ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch phân tích rằng nếu thay đổi theo luật thuế mới về nộp thuế hàng nhập khẩu thì mỗi năm các doanh nghiệp nước ta bị tổn thất tới 1,5 tỷ USD (tức 30.000 tỷ đồng). 
 
Rõ ràng nếu rà soát lại những khoản lãng phí hay không hợp lý và dừng một số công trình xây dựng chưa cần thiết thì con số 60.000 tỷ không phải là không thể kiếm được...
 
PV: - Theo ông, sự việc này tác động ra sao đến đến giá cả thị trường? Trên thực tế, giá không chờ lương tăng và người tiêu dùng bắt buộc phải thắt lưng buộc bụng, sao chúng ta không vận động người dân thắt lưng buộc bụng?
 
Ông Dương Trung Quốc: - Gần như đã thành quy luật là tăng lương luôn đi cùng với tăng giá làm giảm đi đáng kể thu nhập thực tế của người lao động, đôi khi rất nhanh chóng nó hoá giải luôn món tiền tăng vốn đã không lớn. Điều đó đã trở thành quy luật rồi. 
 
Nhưng hy vọng trong bối cảnh “cung nhiều hơn cầu” như hiện nay và một số giải pháp Chính phủ đã làm nhằm bình ổn  giá cả thì tác động tăng giá lúc này cũng không thể... như trước.
 
Chẳng cần “thắt lưng thì hoàn cảnh lúc này ai cũng đã tự buộc bụng mình rồi”, không chỉ người nghèo mà người vốn giàu cũng đang gặp khó khăn chi tiêu không rỉnh rang như trước nữa.
 
PV: Thưa ông, phải chăng lương không đủ sống cũng là nguyên nhân của nạn phong bì, tham nhũng mà chúng ta đang cố gắng quyết tâm phòng  chống, xóa bỏ nhưng chưa có hiệu quả?
 
Ông Dương Trung Quốc: - Điều đó thì ai cũng biết. Vấn đề vẫn là câu chuyện “con gà hay quả trứng”: lương cao thì làm tốt và phải làm tốt thì mới có để trả lương cao. Lại thêm lượng người phải trả lương quá lớn, không thể giảm được thì rất khó cải thiện được một cách căn bản, bền vững. Vẫn là cảnh “giật gấu vá vai”.
 
Đấy là câu chuyện của cán bộ, công chức hay nhân viên nhà nước. Đối với các doanh nghiệp trong hoàn cảnh kinh tế hiện tại, tăng lương tối thiểu cũng là một nan giải.
 
PV: -  Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, mặc dù cố gắng, nhưng thu ngân sách năm 2012 có khó khăn. Thưa ông, năm 2012 khó khăn, liệu có đảm bảo rằng năm 2013, năm 2014 chúng ta hết khó khăn? Và việc Bộ trưởng Bộ Tài chính lặp lại tuyên bố "không có tiền" trong một vài năm tới là hoàn toàn có  thể? Có ý kiến cho rằng Chính phủ tiết kiệm đầu tư, chi tiêu cũng đủ để tăng lương, ông nghĩ sao?
 
Ông Dương Trung Quốc: - Như tôi đã nói ở trên. Khó khăn tôi nghĩ còn dài bởi lẽ bên cạnh vấn đề của chính mình còn chịu tác động của kinh tế thế giới cũng đang trong cơn bĩ cực.
 
Thôi cũng phải vừa nỗ lực ứng phó vừa tin rằng thế giới “hết cơn bĩ cực sẽ đến ngày thái lai”sẽ giúp ta vượt qua.
 
PV: - Bên cạnh những mong muốn tăng lương theo lộ trình, ngược lại, lại có nhiều người sợ điều đó vì lương tăng 1 thì vật giá tăng 3. Họ cho rằng tăng lương là ban phát bằng biện pháp hành chính nhưng bên ngoài, cái ban phát thực tế lại bằng quyền lực của đồng tiền, nên chẳng thà đừng tăng. Ông có suy nghĩ gì về điều đó?
 
Ông Dương Trung Quốc: - Tăng giá thì phải có người mua. Cả nền kinh tế khó khăn như thế này thì cái quy luật bạn nêu ra nó cũng không thể lặp lại như cũ.
 
Cái tôi sợ nhất, là vì ham rẻ mà ta rơi vào cái bẫy của những doanh nghiệp xấu tiêu thụ hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng độc hại đương nhiên rất rẻ và rất sẵn nhập từ Trung Quốc.
 
PV: - Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần chịu đau một lần để cắt giảm thực bộ máy hành chính đang quá cồng kềnh, trên cơ sở đó, tăng lương cho công  chức, thanh lọc bộ máy hành chính một lần nữa (vừa cắt giảm, vừa thay thế) trong khi không chỉ duy trì mà còn tiến hành nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Ông có đồng tình với cách khắc phục này không? Và vì sao vậy?
 
Ông Dương Trung Quốc: - Phương án này bàn mãi rồi, nhưng không ai chịu cái “phần đau” mà chỉ muốn “nhường cho người khác”.
 
Cũng như khi nói về tham nhũng, ai cũng công nhận là phổ biến những ai cũng cho mình là vô can. Cần phải có một cuộc cách mạng thực sự, nhưng bắt đầu từ đâu thì tôi cũng... chịu!
 
Nhưng tôi tin chắc rằng, sau lời xin lỗi của Thủ tướng thì chắc chắn ông sẽ tìm mọi cách để không gác lại chuyện tăng lương...
 
- Xin cám ơn ông!
 
Khải Nguyên (Thực hiện)
 
http://phunutoday.vn/xa-hoi/doi-song/201210/duong-Trung-Quoc-Toi-tin-Thu-tuong-khong-gac-chuyen-tang-luong-2189161/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét