Khiếu Quang Bảo
Rồi tôi cũng thu xếp công việc về
lại Đà Nẵng thêm một lần vào dịp Quốc khánh vừa rồi sau nhiều năm xa.
Đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố trách tôi
lười đi.
Trong bữa ăn tối khoản đãi, ông
Thái Thanh Hùng cho biết đôi điều về Đà Nẵng với toát yếu như sau: Đà
Nẵng quy hoạch đã và đang xây dựng thành phố thành Trung tâm kinh tế,
một trong những Trung tâm văn hóa, giáo dục và công nghệ miền Trung và
Tây Nguyên. Đà Nẵng đã sớm xây dựng một cơ
cấu kinh tế hợp lý, biết chọn lọc sử dụng và đào tạo thế hệ trẻ và nhân
tài. Biết dân vận để lập lại trật tự kỷ cương trước nhất là bài chống
nhũng nhiễu. “Cán bộ phải là công bộc của dân”, “tìm và diệt” tiêu cực.
Còn người đứng đầu, ông Nguyễn
Bá Thanh, là người có tính cách quyết liệt, không thích nói nhiều vòng
vo, không dùng từ hoa mỹ, đã nói là làm, đã làm là làm đến, dám làm dám
chịu trách nhiệm. Và Đà Nẵng là “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”. Báo
chí nói thế đấy. Để anh trải nghiệm vào ngày mai sẽ thú vị hơn. Vâng.
Tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai.
hiều tối ấy một cơn mưa rào đổ
sập. Nửa giờ. Như rửa đường phố. Để rồi chỉ còn mưa bụi lất phất bay.
Đường phố lên đèn đủ sáng. Từ khách sạn Hàng không tôi ở trên phố Thái
Thuyên ra sông Hàn rất gần. Hồng Liên nhân viên khách sạn nói rằng chú
cứ yên tâm đi dạo. An ninh ở Đà Nẵng tốt lắm. Xe để trên đường qua đêm
không bị “vặt gương móc đèn”. Hồng Liên quê ở thành phố Đồng Hới Quảng
Bình. Học xong Cao đẳng Du lịch tại đây và được tuyển dụng làm ở khách
sạn này. Cô khen ở đây có không khí làm việc, thu nhập khả dĩ tùy theo
cống hiến tất nhiên là Hồng Liên đã làm việc hết mình. Và cô không có ý
định trở lại quê mà không biết làm như vậy có gì sai không. Cô khúc
khích cười khi nói câu đấy.
Con đường dạo bộ bên
sông Hàn ẩm ướt có nhiều cặp trai gái thả bước. Về đêm, sông Hàn nổi
nhất là chiếc cầu xoay duy nhất ở Việt Nam được xây dựng bằng tiền quyên
góp của người dân và là niềm tự hào của người dân thành phố Đà Nẵng
khánh thành năm 2000. Giờ đây trong đêm, cây cầu được nạm ánh sáng đèn
led mang hình tháp nón cao lộng hắt lên nền trời đổi màu trôi màu như
khúc nhạc nước huyền diệu. Cái đoạn tháp nón ấy là đoạn cầu quay, người
ta sẽ mở vào lúc nửa đêm để tàu thủy qua lại trên sông Hàn.
Ánh đèn màu trên
cây cầu ấy và từ hai đường phố chạy dọc hai bờ sông Hàn hắt xuống mặt
sông rực rỡ sắc màu quang phổ lung linh rung rinh như thả buông những
tấm phên lụa dậu gấm vậy. Đã bốn kỳ dạ hội pháo hoa quốc tế trình diễn
trên quãng sông Hàn này được truyền hình qua màn ảnh nhỏ xem từ Hà Nội
mà náo nức tâm can. Giữa lòng sông mênh mang nước vài con thuyền đi
chuyển chậm tô điểm một khối đen vào màn màu quang phổ rủ xuống mặt
sông. Hồng Liên cho hay trên con sông Hàn nay có nhiều cầu bắc qua. Dự
kiến đâu có tới 10 chiếc. Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng dài
nhất nước, 1.850 mét bắc qua eo biển nối cuối đường Nguyễn Tất Thành với
bán đảo Sơn Trà. Xa trông nó có hình dáng một con chim vươn cao sải
rộng đôi cánh, như biểu tượng đón chào thuyền bè vào cửa vịnh Đà Nẵng.
Cầu mới Nguyễn Văn
Trỗi – Trần Thị Lý đang được xây dựng, là loại cầu dây văng một trụ tháp
nghiêng. Trên đỉnh tháp có bố trí một vọng cảnh phục vụ du khách tham
quan ngắm nhìn. Cầu Tuyên Sơn, Cẩm Lệ, cầu Rồng và cầu Hòa Xuân có cái
đã đưa vào sử dụng có cái đang thi công. Hệ thống cầu bắc qua sông Hàn
là để nối hai khu vực bờ Đông kém phát triển với khu vực bờ Tây phát
triển mạnh để cả hai miền thành phố Đà Nẵng giao lưu giảm bớt cách biệt.
Ôi! Trí tuệ của Hồng Liên tuyệt vời hẳn nó đã giúp cô vượt qua thi
tuyển công chức khắt khe của Đà Nẵng.
Hương Liên nhủ tôi
tới Đà Nẵng là cần tới Bà Nà – Núi Chúa, tới Ngũ Hành Sơn và ra bán đảo
Sơn Trà mới là biết hết Đà Nẵng. Tôi cười nói biết hết chưa đủ mà cần
hiểu hết nhau mới là tìm hiểu.
Ông Nguyễn Bá Thanh
là chính khách, giữ trọng trách Bí thư Thành ủy và Chủ tịch Hội đồng
Nhân dân Thành phố Đà Nẵng. Tôi không quen ông. Cũng chưa một lần diện
kiến. Chỉ tiếp nhận thông tin qua báo chí nói về ông đã để lại trong tôi
từ cảm xúc đến ấn tượng xem ông như một con người xuất chúng đến nỗi
trong một kỳ họp Quốc hội quan chức Quốc hội đã bàn về “Hiện tượng
Nguyễn Bá Thanh”. Báo chí mô tả ông là một người lãnh đạo gần dân, sát
dân, lắng nghe dân, thường xuyên đối thoại với dân. Coi tiếp dân là việc
làm thường xuyên của lãnh đạo thành phố.
Những gì Nguyễn Bá Thanh làm cho
dân và cho thành phố Đà Nẵng thực sự thu hút dư luận xã hội. Ông có
những câu nói gây sốc không phải là nói suông “Cán bộ không nên giống
con cá heo biểu diễn chờ cho ăn mới chịu diễn còn không cho ăn thì thôi.
Cán bộ như thế là không được!” Và đã có “Hội những người phát cuồng” vị
Chủ tịch thành phố Nguyễn Bá Thanh.
Ngay từ nhiều năm
trước Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh đã đưa ra những mục tiêu cho thành phố Đà
Nẵng mà người ta cho là không tưởng, đó là “5 không – 3 có”. “5 không”
là: – Không hộ đói – Không mù chữ – Không lang thang xin ăn – Không ma
túy – Không giết người cướp của. Sau 5 năm thực hiện “5 không” Đà Nẵng
tiếp tục thực hiện 3 có. “3 có” là: – Có nhà ở – Có việc làm – Có lối
sống văn minh đô thị. Lộ trình ấy năm 2010 Đà Nẵng cơ bản hoàn thành.
Người Việt Nam rất
kiệm lời khen cá nhân một con người dẫu nổi trội đến đâu chăng nữa khi
người ấy còn sống trên cõi đời này. Lâu dần như một phương châm khen trừ
phi người ấy đã chết. Khác hẳn với ông cha ta ngày xưa “Hay (thì) khen –
Hèn (thì) chê”. Nhưng trường hợp Nguyễn Bá Thanh thì lại giống các cụ
ngày xưa.
Nguyễn Bá Thanh nổi
tiếng với tính cách tự tin sẵn sàng đối thoại với tất cả các đối tượng
về mọi vấn đề nan giải trong đời sống xã hội một cách thẳng thắn và chịu
trách nhiệm không né tránh những vấn đề gai góc.
Ông đối thoại với gần
5.000 cán bộ công chức Đà Nẵng ngồi kín Cung Thể thao Tiên Sơn với cách
diễn đạt vừa cứng rắn vừa thuyết phục “Cán bộ bây giờ nhiều khen, ít tự
phê và ngại đối thoại. Nguy hiểm nhất là xa dân!” Ông cam đoan trong
công tác tổ chức cán bộ “Không có chuyện chạy chọt, chung chi, chỉ cần
phấn đấu”. Phải đi tìm người chứ đừng để người tìm mình đưa đến chai
rượu cái phong bì. Loại người này nếu được chọn vào cũng chẳng để làm
gì.
Ông đối thoại với 550
cán bộ trẻ đang công tác tại các ban-ngành-xã-phường ở Đà Nẵng được gọi
là đối thoại “mở”. Ông cho biết rõ sinh viên khá, giỏi sẽ được tuyển.
Cứ tâm huyết với công việc sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Phải có “lửa”
và giữ được “lửa”. Tất nhiên ông cũng lắng nghe họ đề cập tới sự
nghiệp, mục tiêu phấn đấu, đào tạo chuyên môn, cũng như những đòi hỏi
của họ về điều kiện làm việc, thu nhập, nhà ở. Rồi ông hứa sẽ giải quyết
thỏa đáng những yêu cầu chính đáng ấy.
Giống như tất cả các
thành phố thực hiện đô thị hóa khó khăn là giải phóng mặt bằng. Phường
Hòa Xuân có hơn 2.000 hộ cần giải tỏa di dời nhường đất cho dự án Khu đô
thị Sinh thái Hòa Xuân. Chủ trương của Đà Nẵng đảm bảo đền bù và tái
định cư là để cho cuộc sống người dân phải khá hơn nơi ở cũ. Nguyễn Bá
Thanh đã đối thoại với 660 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng ở Cồn Dầu.
Ông tìm hiểu lý do. Trực tiếp giải quyết hợp tình hợp lý từng trường
hợp. Đo thực tế đất ở để đền bù. Còn cấp thêm đất cho những hộ đông
người. Rồi ông tuyên bố “Nếu hộ nào vì giải tỏa mà nghèo khó không lối
thoát thì đến gặp trực tiếp tôi tôi giải quyết”. “Đừng vội dùng chất nổ
chống đối như ông Vươn ở Hải Phòng là tôi bắt vô tù đấy!”
Vừa rồi Nguyễn Bá
Thanh đối thoại với 64 hộ dân làng phong Vân Thuận thuộc rừng Nam Hải
Vân được di dời vào đất liền định cư tại tổ 14 phường Hiệp Hòa Nam quận
Liên Chiểu với những căn nhà xây sẵn khang trang. Với tấm lòng nhân văn
ông nói, làm vậy là để người mắc bệnh phong sớm được hòa nhập cộng đồng
để người lớn có việc làm trẻ em được đi học. Nếu không sự kỳ thị sẽ kéo
dài mãi từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ông cấp thêm đất tái định cư,
thêm phụ cấp 200.000 đồng để được 610.000 đồng/người/tháng. Sau đối
thoại ông tặng mỗi người 500.000 đồng. Có một cụ già yếu nhất được ông
tặng thêm một suất, nhưng cụ già ấy cười cảm ơn xin nhường cho những
hoàn cảnh nghèo khó khác. Điều đó làm ông vui.
Ông thường xuyên chủ động đối
thoại với các doanh nghiệp và các ngân hàng trên địa bàn để cùng tìm ra
hướng giải quyết vốn. Đối thoại bế tắc. Nhận thấy ngân hàng khó có thể
đồng hành cùng doanh nghiệp. Ông đe “Nếu ngân hàng không giảm lãi suất
cho vay thì trong cuộc họp HĐND thành phố tới tôi nói vài câu là dân Đà
Nẵng rút hết tiền gửi ngân hàng khác lúc đó đừng có kêu!” Nhưng ông cũng
khuyên các doanh nghiệp cần bình tĩnh tìm cách vươn lên. Buông tay là
tầu chìm.
Trong bất cứ kỳ họp
nào của HĐND thành phố Đà Nẵng thì các Giám đốc sở cũng toát “mồ hôi
hột” trước chất vấn của các đại biểu HĐND đặc biệt là của Chủ tịch HĐND
Nguyễn Bá Thanh. Ông “truy tận gốc bắt tận ngọn” với Giám đốc Sở xây
dựng về thi công “tiến độ rùa” mà ông này chẳng nắm được lý do cụ thể
nào, và trong chất vấn vị này luôn phải nghe “Sao anh lại không biết
chi?” “Vậy anh mần ri răng rứa?” Bà ĐBQH TPHN Bùi Thị An nói cách chất
vấn “truy tới cùng” của Nguyễn Bá Thanh là cần phải được truyền vào các
phiên chất vấn của Quốc hội.
Một lần ông đối
thoại với thanh niên chậm tiến, bằng cách đưa 200 thanh thiếu niên hư
tham quan trại giam Hòa Sơn (Hòa Vang), chúng hý hửng vui vì được đi
chơi mà lại có quà 300.000 đồng. Tại đây chúng tận mắt chứng kiến những
phạm nhân lao động cải tạo vất vả dưới sự giám sát của quản giáo. Ông
Nguyễn Bá Thanh nói với chúng: Thành phố dám chi trăm tỷ đồng để dựng
trường học, đồng thời cũng mở rộng trại giam Hòa Sơn thêm 50.000 mét
vuông. Đi tù thì khổ đấy. Các em chọn đi học chứ? Nghèo thì thành phố
giúp đỡ. Đừng bỏ học. Ông hứa giải quyết những gì họ cần từ nguyện vọng
học văn hóa, học nghề đến bố trí việc làm với quyết tâm “Không còn thanh
niên sáng ngậm đắng chiều nuốt cay”.
Độc đáo và lạ lùng
nhất, là ông mời 130 ông chồng hay dùng bạo lực với vợ con để đối thoại
cởi mở. Tìm hiểu nguyên nhân gỡ từng nút khó khăn trong kinh tế để họ tổ
chức cuộc sống tốt đẹp hơn. Và sau đó đối thoại tiếp với các bà vợ có
chồng hay dùng bạo lực khuyên họ thực hiện trách nhiệm làm vợ chu toàn.
Ông cũng đối thoại
với những người lang thang ăn xin, bán hàng rong. Cần gì để lao động
kiếm sống thành phố sẽ giúp đỡ. Ai phát hiện người bán hàng rong ăn xin
thưởng nóng 200.000 đồng.
Ông từng phê phán
cán bộ cứ nói ra rả “nghị quyết 03 – 04” ở cửa miệng. Ông sợ nhất là
“nghị quyết không làm!” Làm cán bộ phải có ý chí và khát vọng. Ông tuyên
bố sẽ đi nhậu với mấy ông xe ôm xe thồ tự quản ở Hòa Cầm, với tổ nữ dân
quân tự vệ quận Ngũ Hành Sơn tay không bắt cướp. Ông trăn trở trước
tình trạng tội phạm ma túy, trộm cắp, cướp giật ngày càng gia tăng tuy
chưa là điểm nóng. Trong khi lực lượng cán bộ có dấu hiệu quan liêu kênh
kiệu.
Ông
là người lãnh đạo biết tìm đến tất cả các đối tượng xã hội đang sống và
làm việc trên địa bàn thành phố sòng phẳng nói chuyện về trách nhiệm
công dân của họ và trách nhiệm của chính quyền, của người lãnh đạo. Quan
điểm của ông từng gây tranh cãi “Sai quy định nhưng có lợi cho dân thì
kiên quyết làm” ví như việc đánh số nhà không theo quy định từ đông sang
tây từ nam lên bắc vì người dân đã quen nhiều chục năm nay ở một số phố
cũ thì hà cớ gì phải đánh lại số nhà. Cũng giống như việc nhập cư vào
thành phố Đà Nẵng cần có những điều kiện cần và đủ về chỗ ở, có việc làm
và thu nhập ổn định. Và là địa phương đầu tiên nói không với “Đại học
tại chức” trong tuyển dụng, mà nay đã có thêm Quảng Nam, Ninh Bình, Hà
Nam cũng nói không với “Đại học tại chức”.
Tôi đã trải nghiệm Đà
Nẵng một ngày ngắn ngủi vào hôm sau với sự hướng dẫn của Lê Chí Dũng,
bạn tôi, làm việc ở Ban Quản lý dự án thành phố. Trước tiên Lê Chí Dũng
đưa tôi ngắm cái logo Đà Nẵng. Được thiết kế với chủ đề “Xanh núi, xanh
sông, xanh biển. Trắng gió, trắng trời, trắng cát”, tác giả là họa sĩ
Nguyễn Thủy Liên. Từ ngày chỉnh trang đô thị đến nay, đường cũ được mở
rộng kéo dài, cùng một số đường mới mở điều tiết giao thông làm đẹp đô
thị, đánh dấu bước tiến dài của Đà Nẵng về giao thông nội đô.
Con đường đặc
trưng nhất đẹp nhất là đường Bạch Đằng bờ tây sông Hàn. Đường có nhiều
công trình kiến trúc Pháp được lưu giữ khá nguyên vẹn như Bảo tàng nghệ
thuật Điêu khắc Chămpa, UBND thành phố, HĐND thành phố, Thư viện thành
phố. Đường Điện Biên Phủ: Cửa ngõ vào trung tâm thành phố và nối trung
tâm thành phố với Quốc lộ 1A. Đường Nguyễn Tất Thành còn gọi là Đường
Liên Chiểu – Thuận Phước chạy dọc bờ biển theo hướng Bắc từ đường Bạch
Đằng ra đến đèo Hải Vân. Còn đường Hoàng Sa – Trường Sa còn gọi là đường
Sơn Trà – Điện Ngọc chạy dọc bờ biển theo hướng Nam nối Đà Nẵng với đô
thị cổ Hội An, được mệnh danh là “Con đường 5” của Đà Nẵng, bởi nơi đây
tập trung hàng loạt resort cao cấp 4 – 5 sao tiêu chuẩn quốc tế.
Đường Phạm Văn
Đồng chạy từ chân cầu sông Hàn ra đường Hoàng Sa – Trường Sa. Các đường
mới mở được chia làn vạch sơn trắng sáng rõ. Các biển hiệu phân làn
ngoài trồng ven đường nơi phong quang còn treo ngang đường nơi tầm cao
như ở các nước phát triển để lái xe nhìn tỏ tường không bị tán cây xanh
che khuất lấp. Xe tôi chạy đến một ngữ tư, một người cảnh sát giao thông
cầm cây gậy điều khiển chỉ vào một làn. Cậu lái xe theo lệnh mà không
dừng. Cầm chắc bị “quả” phạt. Nhưng không, xe cứ chạy. Lái xe cười nói
cảnh sát hướng dẫn cho anh đi đúng làn đường thôi. Lái xe cho tôi là một
chàng hiểu biết nhiều về Đà Nẵng. Anh khoe con đường chúng tôi đang
chạy chỉ thi công mất có 81 ngày. Với ông Thanh thì đừng có đùa với “tốc
độ rùa”. Giống như khi bơm xăng ở một cây xăng anh ta cũng khoe xăng
chưa về kịp, thành phố yêu cầu chỉ bơm xăng cho các xe du lịch và ở tỉnh
ngoài đến. “Người ta không thực hiện thế thì sao?” “Thì em gọi điện lập
tức cây xăng ấy bị thu giấy phép kinh doanh ngay! Hi hi!” Lê Chí Dũng
cười khanh khách xác nhận.
Toàn thành phố Đà
Nãng có 11 khu công nghiệp. 24 trung tâm thương mại và siêu thị. 28 chợ
theo hướng văn minh đô thị. Năm 2010 là năm thành công của du lịch Đà
Nẵng với tổng số khách tham quan nghỉ dưỡng tới 1,77 triệu lượt khách.
Người ta đến Đà Nẵng được gọi là thiên đường bãi biển nước xanh trong
bãi cát dài vàng hoe. Anh lái xe đưa chúng tôi ra bãi tắm Mỹ Khê 3, cát
trắng phau dưới nắng nước biển xanh sóng xô bờ uốn lượn như viền đăng
ten. Ở đó có những con người với những bộ đồ một mảnh hai mảnh đủ sắc
màu vui đùa với nước bình an và thanh thản. Trên mép sóng sạch là thế mà
vẫn có một tốp người tay cầm vợt đi dọc bãi biển tìm vợt rác gom vào rọ
lơ thơ vài cái. Bỗng muốn buông mình đùa với sóng dưới bầu trời nắng
vàng ong. Ngoài xa kia là bán đảo Sơn Trà trôi nổi trên mặt biển phập
phồng tựa như bức tranh thêu. Tiếc là thời gian ngắn ngủi. Ngũ Hành Sơn
còn được gọi là Non Nước có làng nghề tạc đá với những tác phẩm tuyệt kỹ
từ bàn tay tài khéo của các nghệ nhân làng nghề. Tôi ngạc nhiên khi
thấy hai nhân vật nổi tiếng Chí Phèo – Thị Nở trong tiểu thuyết của Nam
Cao cũng được tạc rất ngộ nghĩnh và gợi cảm.
Đường tới Bà Nà – Núi Chúa là một con đường khá đẹp đi men theo bãi
biển rộng thênh có đường bờ bao mà người ta có thể dựng nhà bạt tắm
biển, nghỉ ngơi cùng các hoạt động thể thao bãi biển. Tịnh không thấy
người ăn xin và bán hàng rong. Sạch sẽ như lau như ly. Tôi trộm nghĩ nếu
nơi này mà đưa được về Hà Nội chắc chắn đông nghịt các mẹt mực khô
nướng khói bay nghi ngút. Các túi xúc xích chao dầu bóng nhẫy chấm mù
tạt. Các can bia cỏ thùng xốp đựng đá. Các thúng bánh nộm thịt bò khô và
đám dân nhậu cởi trần mặc quần lửng vừa ăn uống vừa phét lác văng đủ
thứ tục tằn, và giấy ăn rẻ tiền cùng lá bánh vỏ lon chai nhựa sẽ thải
tãi đầy bộn bước chân đi như hai bờ đường Thanh Niên bên Hồ Tây và Trúc
Bạch. Bà Nà – Núi Chúa được gọi là Đà Lạt miền Trung. Đường cáp treo lên
đỉnh Bà Nà Hills hiện đại có từ năm 2009, chạy vắt trên cánh rừng
nguyên sinh đoạt 2 kỷ lục thế giới: 1. Tuyến cáp treo một dây dài nhất
(5.042m). 2. có độ cao chênh lệch lớn nhất giữa ga trên và ga dưới
(1.291m).
Có lẽ tất cả vì thế
mà tổng sản phẩm nội địa GDP Đà Nẵng năm 2010 đạt 10.400 tỷ đồng, tăng
bình quân 11% /năm. GDP bình quân đầu người 33,2 triệu đồng, bằng 1,6
lần mức bình quân chung cả nước. Đà Nẵng có chỉ số năng lực cạnh tranh
cấp tỉnh (PCI) đứng đầu cả nước liên tiếp trong 3 năm 2008, 2009 và
2010. Đứng đầu về chỉ số hạ tầng. Xếp thứ tư về môi trường đầu tư. Năm
2011 ở vị trí thứ 5/63 tỉnh thành. Cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng tiếp tục
chuyển dịch theo hướng Dịch vụ – Công nghiệp – Nông nghiệp.
Tôi đã tới gần hết những địa điểm
mà cô nhân viên Khách sạn Hàng không Hồng Liên mách bảo trừ bán đảo Sơn
Trà. Tôi cũng đã trải nghiệm tuy chưa tường tận “5 không 3 có” của
thành phố Đà Nẵng. Và những cảm nhận về Đà Nẵng bất cứ nơi nao đều mang
ấn tượng Nguyễn Bá Thanh – người đứng đầu thành phố mặc dù chỉ nghe về
ông mà chưa có một lần cơ hội diện kiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét