Ngoài lực lượng chủ sòng, casino còn có một loại người "hút máu" khách
chơi bài. Đó là các "chủ sổ". Casino nào cũng có ít nhất 5 chủ sổ. Lúc
cụm casino mới thành lập, các chủ sổ không dám hoạt động công khai trong
sòng bài. Chủ sổ nào bị "áo đen" bắt gặp là bị dính đòn. Nhưng kể từ
năm 2002, sòng bài mới mọc lên san sát dọc biên giới khiến các trùm sòng
nhận ra, chủ sổ là lực lượng ký sinh có lợi cho sòng. Thế là một số chủ
sổ được trùm sòng mời hợp tác theo phương châm, đôi bên cùng có lợi.
Tất nhiên, phần trùm sòng lợi nhiều hơn.
Kẻ “dùng chim cút mồi bắt chim cút thịt”
Chủ sổ là lực lượng giúp khách thua bạc vay tiền khẩn cấp để gỡ bạc.
Khách vay không cần tài sản, chỉ cần dùng mạng mình thế chấp, bảo đảm
khoản vay.
Mỗi sòng đều có một phòng "ca xi" (cashier: Nơi đổi tiền thành phỉnh và
đổi phỉnh thành tiền). Trước đây, khách đánh bài không được chơi tiền
mặt mà phải đổi tiền ra phỉnh. Phỉnh là thứ tiền tệ duy nhất trong sòng.
Mỗi sòng tự phát hành một mẫu phỉnh khác nhau. Để hướng dẫn khách đổi
phỉnh và chia bài, các cashier phải tuyển một số nhân viên xinh đẹp, mặc
váy đồng phục làm rolling: nhân viên đổi phỉnh.
Kể từ khi dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia lúc nhúc hơn 70 sòng
bài, một số casino sinh sau đẻ muộn không thèm xài phỉnh mà cho khách
chơi bằng tiền mặt. Yếu tố cạnh tranh này đã phá vỡ sự sang trọng của
casino truyền thống. Thế là tất cả các sòng casino đều đồng loạt cho
phép khách có 2 lựa chọn: Chơi phỉnh cũng được, mà chơi bằng tiền mặt
cũng được. Sự rối ren này khiến cho các phòng cashier không thể quản lý
nổi nhân viên rolling. Các trùm sòng nghĩ ngay đến lực lượng chủ sổ
chuyên cho vay vốn đánh bài lén bên ngoài sòng.
Các chủ sòng cho phép các chủ sổ hợp tác chính thức với phòng cashier
với thỏa thuận: Chủ sổ phải ký quỹ thấp nhất 100 triệu đồng cho phòng
cashier; Chủ sổ trả lương và quản lý lực lượng rolling; Chủ sổ phải lôi
kéo khách về cho sòng. Đổi lại, chủ sổ được cấp một căn phòng trong
khách sạn của sòng, gọi là "phòng chết" để làm nơi nghỉ ngơi; Chủ sổ
được hưởng % trong tổng số giá trị phỉnh "chết" của khách. Chủ sổ được
đứng trong sòng cho con bạc "khát nước" vay vốn công khai. Con bạc "khát
nước" là khách chơi bài bị thua hết vốn.
Khách dùng tiền đổi ra phỉnh để chơi bài. Số phỉnh ấy là vốn ban đầu
được dân sòng bài gọi là "phỉnh sống". Số phỉnh khách thắng cược được
gọi là "phỉnh chết". Kết thúc cuộc chơi, khách ăn bài đem phỉnh "chết"
đổi thành tiền. Căn cứ vào số tiền thắng cược đó, chủ sổ được cashier
chia từ 2% đến 10% tùy vào hợp đồng.
Hầu hết giới chủ sổ sòng bài đều là người Việt "tạm nhập tái xuất" hoặc
Khmer gốc Việt. Từ khi giới chủ sổ bước công khai vào sòng, các nhân
viên rolling được gọi phiên âm thành "lưu linh". Mỗi chủ sổ tự tuyển
nhân viên lưu linh cho mình với tiêu chuẩn: là nữ xinh xắn, ăn nói có
duyên; Là người Việt (để dễ xử lý nếu ôm tiền bỏ trốn); phải có lưu linh
cũ giới thiệu và bảo lãnh; phải đóng thế chân cho chủ sổ từ 5 đến 20
triệu đồng tùy người. Đổi lại, lưu linh được nhận lương từ 3 đến 5 triệu
đồng/tháng. Lưu linh được hưởng 0,5% tiền phỉnh chết (nếu khách là mối
của chủ sổ) hoặc 1% tiền phỉnh chết (Nếu khách do lưu linh tự lôi kéo về
sòng). Lưu linh được phát 1 chiếc áo có ghi tên chủ sổ, tên sòng. Ngoài
ca làm, lưu linh được lên "phòng chết" của chủ sổ nghỉ ngơi mà không
phải bỏ tiền thuê. Lưu linh được hưởng trọn tiền bo của khách chơi bài.
Để có nhiều khách Việt Nam sang chơi bài, các chủ sổ đã nghĩ ra rất
nhiều mưu ma, chước quỷ để chiêu dụ. Hiện tượng này đã trở thành một
thành ngữ đối với người Khmer sống ở vùng biên giới, tạm dịch "Người
Việt dùng lá bài đốt đít người Việt", ngữ nghĩa tương đương với câu
"dùng chim cút mồi bắt chim cút thịt".
Một cái bang (trái) đang kè sát nách một khách vay nợ đánh bài để thu xâu. |
Chúng tôi đã từng thâm nhập vào một đường dây "tuyển nai" của chủ sổ
sòng bài ở khu vực biên giới. Những kẻ tuyển nai của chủ sổ phải có xe
ôtô du lịch. Ai đồng ý xuất biên đánh bài, họ sẽ dùng ôtô chở miễn phí
đến cửa khẩu. Mỗi "nai" chủ sổ trả 200.000 đồng. Như chiếc vòi bạch
tuộc, những đường dây này vươn dài, lan tỏa ra khắp các vùng thành thị,
nông thôn Việt Nam.
Những người chạy xe ôm ở dọc tuyến biên giới nếu bắt được 1 người khách
đánh bài cũng có thể đem bán cho chủ sổ với giá từ 200.000 đồng đến
500.000 đồng/ 1 "nai" tùy vào "nai bèo" hay "nai sộp".
Chủ sòng mua "nai" xong, giao cho một lưu linh kè sát để "giúp đỡ, hỗ
trợ và sai vặt". Khách chỉ việc ngồi một chỗ sát phạt, lưu linh sẽ lo từ
miếng nước, điếu thuốc cho khách. Thực ra, đó là cách đưa "nai" vào mê
hồn trận đỏ đen. Lưu linh phải ngọt nhạt để khách chìm sâu vào trạng
thái cay cú. Khi khách ăn được 1 cây bài giá 1 triệu VND, lưu linh sẽ
"hót": "Cây sau, anh quất 5 triệu, ăn nhiều hơn". Khi khách thua cây bài
5 triệu, lưu linh sẽ "ru": Cây sau anh quất 10 triệu để gỡ ván thua 5
triệu này mà còn lời 5 triệu nữa". Lời người đẹp thủ thỉ khiến khách
chơi bài mê mẩn. Chỉ đến khi cạn tiền, khách mới sực tỉnh. Nhiều người
đến sòng bài chỉ vì tò mò, đánh thử vài cây nhỏ mua vui, khi tàn cuộc
mới hay tài sản của mình đã về tay chủ sổ.
Theo luật sòng bài, khi khách thua bài trắng tay, chủ sòng sẽ bố thí một
khoản tiền mà dân giang hồ sòng bài gọi là tiền "ân xá" để làm lộ phí
hồi hương. Kể từ khi chủ sổ được hoạt động công khai, chủ sổ nhận nhiệm
vụ "lo" cho khách về nước. Trong thời gian "lo" cho khách về nước, các
lưu linh xinh đẹp tíu tít khuyên: "Nếu anh (chị) muốn gỡ gạc, em sẽ nói
với chủ sổ cho người đến tận nhà anh lấy tiền hoặc chủ sổ sẽ cho anh
(chị) vay nóng". Khách đang "máu" vì thua bài xiêu lòng ở lại vay tiền,
chủ sổ sẽ liên lạc với trùm sòng thu xếp cho khách một phòng khách sạn
để nghỉ ngơi miễn phí. Khách cần người nhà "bơm" tiền sang, chủ sổ sẽ
cho người đến tận nhà lấy. Chỉ cần người thu tiền từ Việt Nam báo tin đã
thu tiền, ngay lập tức, tại Campuchia chủ sổ giao tiền cho khách ngay.
Người nhà không chịu giao tiền, mà khách vẫn muốn chơi thì, chủ sổ sẽ
cho mượn ngay tại chỗ với 2 lựa chọn: 1- Cắt lãi 25%. Có nghĩa là khách
vay viết giấy nhận nợ 10.000 USD sẽ chỉ nhận được 7.500 USD. 2- Chia
"tiền chết". Có nghĩa là khách ăn 1 cây bài, chủ sổ sẽ lấy ngay 15% tiền
lãi theo từng cây bài thắng của khách.
Ngay sau khi giao tiền, chủ sổ sẽ phân công ngay một cái bang cặp kè
khách như cái bóng. Nếu "cắt lãi", khách vừa ăn đủ số tiền vay 10.000
USD, cái bang sẽ thu lại ngay tại bàn để giao cho chủ sổ. Khách muốn có
vốn đánh nữa phải viết giấy vay tiếp.
Nếu vay kiểu "chia tiền chết" thì cái bang có nhiệm vụ thu lãi 15% trực
tiếp sau mỗi ván thắng của khách. Nếu cây nào khách thua thì bỏ qua.
Khách ăn 1 triệu đồng, cái bang thu ngay 150.000 đồng cho chủ sổ. Khi
nào khách ăn đủ số tiền vay, cái bang thu hồi vốn ngay. Tất nhiên, khách
muốn có vốn chơi nữa thì tiếp tục vay. Tóm lại, khi khách đã chạm tay
vào sổ nợ của chủ sổ thì kể như trở thành kẻ đánh bài thuê cho chủ sổ.
Người vay tiền chuộc mạng nào cũng biết mình bị lóc lột nhưng cơn "khát
nước" đã khiến họ hoàn toàn lú lẫn.
Nếu khách bị "đứt tay" tức thua sạch số vốn vay thì sao?
Ngay lập tức, cái bang kè nách dìu lên "phòng chết" (Căn phòng khách sạn
của trùm sòng giao cho chủ sổ). Nó có tên là "phòng chết" vì ngoài chức
năng làm nơi nghỉ ngơi của chủ sổ và đệ tử, nó còn kiêm thêm chức năng
làm phòng giam giữ các con bài vay tiền thế mạng.
Theo luật sòng bài, kể từ khi đặt chân vào "phòng chết", khách không còn
là thượng đế nữa mà trở thành "tù nhân" cho đến khi người nhà gửi tiền
chuộc mạng bằng lãi suất 10% mỗi ngày/ tổng số nợ.
Chủ sổ P. "Năm Cam" (áo trắng) đang yêu cầu lực lượng "áo đen" chú ý không cho một con bạc vay nợ ra khỏi sòng. |
Tất cả các con bạc đều ra về trắng tay
Ngày nay, khách chơi bài ít chịu đổi phỉnh mà chơi trực tiếp bằng tiền
mặt. Vì vậy lưu lượng phỉnh chết không nhiều, dẫn tới thu nhập từ chia
tỉ lệ phần trăm không đáng là bao nhưng chủ sổ vẫn tồn tại để "ăn" tiền
"vay chuộc mạng".
Như tắc kè đổi màu, kể từ đầu năm 2010 đến nay, một loại chủ sổ mới ra
đời để phù hợp với tình hình khách chơi bằng tiền mặt. Đó là loại chủ
cầm đồ. Ở casino chỉ cầm vàng, điện thoại và xe. Muốn được mở quầy cầm
đồ trong casino, chủ cầm đồ phải đóng thế chân cho cashier 10.000 USD và
đóng thuế cho sòng 2.000USD/ tháng. Để chịu được mức thuế đó, chủ cầm
đồ tìm đủ cách tận thu con bạc. Chủ cầm đồ luôn định giá 30% giá trị món
hàng. Ví dụ chiếc laptop trị giá 10 triệu đồng, chủ cầm đồ định giá 3
triệu đồng, với mức lãi phải đóng mỗi ngày 4%. Ở casino K., thời hạn cầm
đồ chỉ có 7 ngày. Đến ngày thứ 8 không chuộc, xem như chủ cầm đồ có
quyền bán món hàng thế chấp.
Mỗi sòng ở cụm casino Bavet có ít nhất 4 chủ sổ thế mạng, 2 chủ cầm đồ.
Toàn bộ hệ thống casino Bavet có khoảng 100 chủ sổ và chủ cầm đồ toàn
người Việt đang ngày đêm chiêu dụ con bạc từ Việt Nam sang chui vào bẫy
rập đỏ đen.
H. - một chủ sổ gian ác ở sòng Kings Crown. Đối với các chủ sổ cũng như
chủ cầm đồ, tình người nằm trong đồng tiền. Một chủ sổ tên H. luôn mồm
tuyên bố: "Tao ác, tao mới làm chủ sổ". Giới cái bang nhận xét: Hai vợ
chồng H. đều làm chủ sổ và đều táng tận lương tâm như nhau.
Năm 2005, H. từ TP HCM sang casino K. đánh bài. Trong những ngày lê la,
cắm mặt vào bàn bài, H. làm quen với một nữ khách ghiền bài khác tên T.
Hai người nhanh chóng biến thành tình nhân và cùng thế mạng vay tiền. H.
gọi vợ đem tiền sang chuộc mạng vài lần. T. cũng gọi chồng sang chuộc
mạng vài lần. Đồng cảnh nên sau vài lần đi chuộc mạng, vợ H. và chồng T.
có tình cảm với nhau.
H. và T. đều chấp nhận ly dị chồng, vợ để lấy tài sản hậu hôn. Có tiền
lớn, cả hai ở luôn casino mở sổ lấy tiền xâu. Vợ H. và chồng T. gá nghĩa
với nhau, cùng làm ăn nuôi 2 đàn con.
Con bạc nào lỡ lọt vào mắt cú vọ của H., T. đều có cơ hội lên "phòng
chết". Khi thấy một khách sộp bước vào sòng, ngoài việc điều lưu linh
bám theo khách, H. còn thuê cái bang đóng vai người sành bài ngồi cạnh
xúi giục tác động tâm lý để khách say bài. Khách cạn vốn, cái bang ra vẻ
người từ tâm ném vài trăm ngàn cho mượn vô tư. Khi khách thua nốt số
tiền cái bang cho mượn thì ngay lập tức, chủ sổ xuất hiện bắt viết giấy
nhận nợ. Trong tình thế đó, những người cạn nghĩ sẽ vay luôn cho tròn số
10 triệu đồng. Đến nước đó, xem như khách đã ngấp nghé cửa "phòng chết"
của chủ sổ.
Ở sòng Kings Crown có hơn 30 chủ sổ, chủ cầm đồ lớn nhỏ nhưng ác độc
khét tiếng, ngoài vợ chồng H. còn có D. "ốm", H. "em D.", N. "pê đê", S.
"Tân Bình", P. "Năm Cam"… P. "Năm Cam" không phải là đệ tử của trùm
giang hồ Năm Cam. Không ai biết vì sao bà ta có hỗn danh như vậy. Em của
bà ta là A.S. - một giang hồ có số má ở thành phố Macau mặc dù 2 chị em
đều sinh đẻ ở Chợ Lớn (Quận 5, TP HCM). Trước đây, P. "Năm Cam" có cổ
phần hùn trong một casino nên bà ta cũng từng thuộc hàng trùm sòng.
Không hiểu sao, thời gian gần đây, bà ta trở thành một chủ sổ cho vay
thế mạng. Giới cái bang đồn rằng, bà ta vẫn còn là trùm sòng nhưng do có
dính vào một vụ án nào đó ở Việt Nam nên phải ẩn thân vào vai chủ sổ
tránh tai mắt của cảnh sát truy nã. Nguồn tin này có thể không chính xác
nhưng chuyện con bạc bị lên "phòng chết" bị chính bà ta ra tay tra khảo
dã man thì chúng tôi có chứng kiến.
Từ những điều mắt thấy tai nghe, chúng tôi có thể khẳng định: Tất cả
những con bạc khi đã đặt chân vào casino K. đều trở thành con mồi ngon
của cả hệ thống sòng bài, không tán gia bại sản thì cũng trở thành cái
bang lê la, lay lắt nơi đất khách quê người
Nông Huyền Sơn
(CAND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét