Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013
« SỨ GIẢ VĂN HÓA VIỆT TẠI MIDI-PYRENEES» ĐÃ ĐI XA
Vũ Đức Tâm
Bà Andrée Nguyễn, nguyên Chủ tịch Hội Essor Vietnam, Chủ Galerie Jardin Ánh Tuyết tại Toulouse qua đời ngày 1/6/2013. Sinh thời, người con dâu Việt này đã tích cực quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp và hoạt động hết mình trợ giúp Việt Nam ở hầu khắp các tỉnh, thành nước ta. Nhân một tháng tròn ngày bà đi xa, tôi viết những dòng này tưởng nhớ về bà, người đã hợp tác rất chặt chẽ và hiệu quả với chúng tôi trong các hoạt động tại vùng Midi-Pyrénées những năm 2004-2007.
Nhận được điện của chị Nguyễn Bích Huệ, Tham tán Công sứ Đại sứ quán ta tại Pháp về sự ra đi đột ngột của bà Andrée Nguyễn vào tối 1/6, tôi vô cùng bất ngờ. Cách đó vài ngày bà còn gọi điện rủ tôi phối hợp với bà thực hiện một cuộc nói chuyện về Việt Nam cho các bạn Pháp nhân Năm chéo Việt-Pháp 2014. Giọng bà còn rất khỏe và còn đùa bảo tôi hãy « ra khỏi tháp ngà » làm chuyến trở lại « Mẫu quốc » (Vì có lần tôi bảo bà với tôi là đồng hương vì các bậc cha chú của tôi thuộc lòng câu « Nos ancêtres sont les Gaulois » (Tổ tiên chúng ta là người xứ Gaule). Thế mà…
Ngày 5/6, cùng thời gian với buổi lễ ở Nhà thờ Saint-Pierre (Blagnac) bên Pháp, Nhà thờ Sainte Marie, tại 37 Hai Bà Trưng, Hà Nội, cũng tổ chức lễ cầu nguyện cho bà. GS-TS. Hoàng Xuân Sính, cháu ruột ông bà Nguyễn thay mặt gia đình đọc điếu văn. Sau buổi lễ, tôi bồi hồi nhớ lại…Một buổi sớm mùa xuân năm 2004, một phụ nữ Pháp gọi điện tới Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO muốn gặp tôi. Tôi cầm máy nghe và ù tai vì bà nói quá nhanh. Học ngoại ngữ để nghe được trực tiếp người bản ngữ đã khó, nghe qua phôn lại khó hơn và nghe hội thoại trên phim ảnh thì thôi rồi, bập bõm câu được câu chăng, ù ù cạc cạc, chỉ đoán ý mà thôi. Tôi xin lỗi và đề nghị bà nói chậm và rõ hơn. Sau đó, tôi cũng hiểu vấn đề, tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn phải nhắc bà« doucement, doucement, s.v.p. ! » (từ từ thôi !). Đó là cuộc tiếp xúc đầu tiên của tôi với Đại diện của Hội « Những người bạn của Việt Nam », bà Andrée Nguyễn. Bà thay mặt cho Hội mời tôi xuống dự« Tuần lễ đoàn kết Việt Nam » tại Toulouse.
Paris phía Bắc nước Pháp cách Toulouse, thủ phủ vùng Midi-Pyrénées ở phía Nam khoảng 800 cây, tôi quyết định đi tàu hỏa. Đón tôi tại Toulouse có bà Andrée Nguyễn và một hai vị của Hội. Khác với dự đoán của tôi, bà Nguyễn không còn trẻ, người thấp, nhưng rất năng động, vui vẻ, cởi mở và đặc biệt, nói « như súng liên thanh ». Bà là linh hồn của mọi hoạt động trong « Tuần lễ đoàn kết Việt Nam » : Hội thảo, văn nghệ, biểu diễn võ dân tộc, thi tìm hiểu về Việt Nam cho các em học sinh phổ thông… Bà luôn giới thiệu tôi rất trịnh trọng là Ngài Đại sứ. Còn tôi cũng giữ phép lịch sự gọi bà là Bà Nguyễn. Trong buổi khai mạc, theo thói quen, tôi không đọc « đít cua » viết sẵn mà nói vo (thật ra, tôi luôn có mảnh giấy nhỏ với vài cái gạch đầu dòng cất ở túi áo ngực, phòng khi quên vở...kiểu "tiểu nhân phòng bị gậy" ấy mà). Tôi giới thiệu tóm tắt về Việt Nam, về quan hệ Việt-Pháp và những lĩnh vực mà các bạn Pháp có thể góp phần giúp đỡ Việt Nam. Sau đó là phần hỏi, đáp, rất cởi mở, chân tình và có phần thoải mái. Sau buổi ấy, quan hệ giữa tôi và bà Nguyễn cũng như các bạn Pháp đã trở nên gần gũi, đỡ khách sáo hơn. Chiều muộn, sau khi kết thúc các hoạt động của ngày đầu tiên, bà Nguyễn lái xe đưa tôi đi thăm Toulouse được mệnh danh là thành phố hồng – Ville rose, vì các tòa nhà đều được xây bằng loại gạch nung có một sắc hồng thật kỳ diệu. Hơn nữa, lúc ấy hoàng hôn buông xuống, chân trời nhuộm đỏ, cảnh vật soi bóng xuống dòng Garonne lung linh, huyền ảo khiến ta nhớ mãi…
Sáng hôm sau, bà đến khách sạn đón tôi đến nhà ăn sáng. Lúc đó, chúng tôi mới có dịp hàn huyên. Bà Nguyễn (Andrée Bourbon) sinh năm 1932 tại Rouen, miền Bắc nước Pháp trong một gia đình khá giả. Cha muốn bà trở thành dược sĩ, một nghề rất ổn định và phù hợp với nữ giới, nhưng bà thích làm kĩ sư hơn. Năm 1954, sau khi tốt nghiệp trường Đại học bách khoa dành cho nữ (EPF), bà đến Toulouse thực tập tại Sud-Aviation, một trong hai xưởng máy bay lớn của Pháp, nơi chỉ có ba phụ nữ, còn lại toàn nam giới. Đối với một cô gái trẻ đi từ phía bắc Pháp đến phía nam, ngồi tầu mười mấy tiếng đồng hồ, rồi đến một môi trường hoàn toàn xa lạ, vào thời ấy quả là một cuộc phiêu lưu. Nhưng bà thích thế. Duy có điều bà không nghĩ là sẽ lập nghiệp và sinh sống luôn ở đó. Tôi bất chợt nhớ đến mấy câu: "Đến đây thì ở lại đây/Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về." Mấy ai học được chữ ngờ, tại nơi thực tập, cô sinh viên mới ra trường rất ngưỡng mộ chàng trai Nguyễn Văn Phúc, xếp trực tiếp của mình, người chỉ huy toàn bộ công việc tính toán của chiếc máy bay Caravelle, máy bay phản lực dân dụng đầu tiên trên thế giới do Sud-Aviation sản xuất. Sau chiếc Caravelle, người kĩ sư tài ba này còn tham gia thiết kế chế tạo máy bay Concorde, máy bay phản lực siêu âm đầu tiên trên thế giới, với sự hợp tác giữa hai nước Pháp và Anh. Rồi tình yêu đến với họ. Năm 1956, họ thành vợ thành chồng. Ba người con lần lượt ra đời buộc bà phải từ bỏ ngành hàng không chuyển sang làm giáo viên toán, lý để có điều kiện chăm lo gia đình. Ông Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1916 tại Thạch Thất, Hà Nội trong gia đình có 6 anh chị em. Cha mẹ không may mất sớm, nên bà Nguyễn Thị Mười, chị cả ông Phúc, đồng thời là mẹ của GS-TS Hoàng Xuân Sính phải lo mọi việc trong nhà. Do học giỏi, năm 1937, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông Phúc được sang Pháp du học và thi đỗ vào Đại học Hàng không Pháp. Ra trường, ông làm tại Sud-Aviation và tại đây duyên số đã đưa đẩy ông gặp người vợ tương lai của mình.
Đau đáu nỗi nhớ quê, khi đất nước thống nhất, trong dịp gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Pháp, ông bày tỏ nguyện vọng về thăm nhà và giúp đất nước trong lĩnh vực hàng không. Do đó, năm 1977, lần đầu tiên ông Phúc trở về Việt Nam để bí mật giúp ta chế tạo máy bay. Lần thứ hai, bà theo ông cùng về và kể từ đó bà gắn bó máu thịt với quê chồng, cùng chồng làm hết sức mình cho đất nước. Sau vài năm hợp tác chặt chẽ giữa ông Phúc với các cán bộ của Viện kĩ thuật Không quân, tháng 9 năm 1980, chiếc máy bay đầu tiên mang tên TL-1 đã bay thử thành công, đánh dấu một mốc lớn trong lịch sử ngành hàng không nước ta. Những năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục chế tạo thành công hai chiếc máy bay nữa là HL-1 và HL-2.
Bất hạnh thay, năm 1995, ông đã mất trong một tai nạn ở biển. Bà gắng sức vượt qua nỗi đau, vừa thay chồng gánh vác việc gia đình vừa tiếp tục tham gia các hoạt động trợ giúp cho Việt Nam thông qua các hội từ thiện. Từ 1995 đến nay, năm nào bà cũng về Việt Nam mang theo quà, đồ dùng, máy móc các loại quyên góp được và thực hiện các dự án cụ thể cho các cơ sở ở khắp đất nước…Và đến năm 2004 thì cơ duyên đã đưa tôi đến Toulouse và đã bị người phụ nữ thông minh, không còn trẻ, nhưng nhanh nhẹn, vui vẻ và "nói như liên thanh” ấy chinh phục. Ngược lại, sau chuyến đầu tiên xuống dự “Tuần lễ đoàn kết Việt Nam” tôi cũng chiếm được cảm tình của bà và những người bạn Pháp phương Nam, có lẽ bởi tác phong thân thiện, chân tình, cởi mở, pha chút hài hước của mình. Tôi hứa sẽ hết òng hợp tác cùng bà thúc đẩy các dự án giúp Việt Nam. Bà cũng nói sẽ nỗ lực hơn nữa để tranh thủ sự ủng hộ của các bạn Pháp vùng Midi-Pyrénées. Như vậy, có thể nói chúng tôi đã kí kết “Thỏa thuận hợp tác”, nghĩa là đã nâng cấp quan hệ hợp tác, (chỉ là thỏa thuận miệng thôi, nhưng chúng tôi thực hiện cực nghiêm nhé), nhưng lại "hạ cấp" quan hệ xưng hô. Chúng tôi gọi nhau bằng tên riêng. Những từ trịnh trọng “Ông Đại sứ”, “Bà Nguyễn”, trừ những buổi gặp gỡ chính thức và lúc nói vui, đã biến khỏi trao đổi giữa chúng tôi. Đại từ “Vous” trong tiếng Pháp(ngài, ông, bà…) cũng được thay thế bằng “Tu” (bạn, tớ, cậu, thậm chí có thể hiểu là mày, tao…). Và rồi, những lần sau xuống Toulouse, thay vì ở khách sạn, chúng tôi ở ngay nhà bà “cho tiện phối hợp công tác và cũng để giảm bớt chi phí cho đất nước”, bà nói vậy.
Những năm ấy, Phái đoàn VN tại UNESCO thường xuyên phối hợp với Đại Sứ quán, Thương Vụ, các Cơ quan báo chí thường trú tại Pháp như TTXVN, Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam lập các đoàn đi địa phương để tuyên truyền về Việt Nam thông qua các cuộc Hội thảo, trình bày về văn hoá, lịch sử, kinh tế, triển lãm tranh, ảnh về Việt Nam. Đặc biệt, tháng 2/2006, tại Blagnac, vùng phụ cận Toulouse, Hội thảo về văn hoá, kinh tế Việt Nam và hợp tác phi tập trung hoá Việt-Pháp đã rất thành công nhờ tài nghệ tổ chức và ứng phó của bà Andrée. Người đến dự đủ các thành phần ngồi kín cả hội trường. Trước khi khai mạc và trong giờ giải lao, bà Andrée đã kịp chuẩn bị và cho phát những hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam kèm theo bài “Bonjour Vietnam” do Marc Lavoine sáng tác với giọng ca trong vắt của Phạm Quỳnh Anh. Đây là bài rất “hot” thời ấy. Không những người Việt mà cả những bạn bè Pháp đều bồi hồi, xúc động khi nghe giai điệu và lời ca này. Hội thảo đã kéo dài hơn dự kiến với những câu hỏi và trả lời, giải thích rõ ràng, đầy đủ về các lĩnh vực liên quan. Đã hết giờ thuê hội trường, mà những cánh tay giơ lên vẫn còn nhiều. Không nỡ để mọi người thất vọng, bà Andrée chợt nảy ra sáng kiến mời mọi người quá bộ về nhà bà ở gần đó.Hội thảo lại tiếp tục sôi nổi và kết thúc bằng một bữa cocktail ngẫu hứng với sự giúp đỡ và đóng góp cũng vô cùng ngẫu hứng của các bạn Toulouse, rất thân thiện với bà Andrée.
Một chuyến đi nữa thật ấn tượng,đó là chuyến đi khai mạc Triển lãm tranh và bưu ảnh Việt Nam tại Vic Fezensac, một thành phố phía tây nam Pháp, cách Toulouse khoảng 90 km. Lúc ấy thành phố đang có hội, trong chương trình, ngoài Triển lãm tranh và bưu ảnh Việt Nam, còn có nhiều hoạt động khác mà đáng kể có đấu bò tót, một tập tục có từ lâu đời của thành phố. Tận dụng cơ may này, sau lễ khai mạc triển lãm, chúng tôi đề đạt nguyện vọng xem đấu bò. Bà Andrée hỏi thì được biết không còn vé và người xem đã ngồi chật các khán đài và trận đấu sẽ bắt đầu trong chốc lát. Chúng tôi thất vọng định từ bỏ thì bà Andrée bảo đợi. Bà vội vã đi và vội vã quay lại vẻ đắc thắng. Kết quả là chúng tôi không những được xem đấu bò mà còn được ngồi ở vị trí trang trọng và lại còn được một vị ở ban tổ chức nói vắn tắt cho nghe về luật đấu bò. Sau mới biết bà đã thuyết phục được một số vị nhường chỗ cho “Phái đoàn quan chức từ VN”.
Các con đã trưởng thành, bà sử dụng nhà của mình như một trụ sở hội, nơi hội họp, gặp gỡ, tiếp đón bạn bè, khách vãng lai theo tiểu chuẩn khách sạn “sao thân thiện”. Có lần, bà bàn với tôi ý định lập một galerie lấy tên là Jardin Ánh Tuyết. Tôi bảo sao lại lấy cái tên khó đọc với người Pháp như vậy. Bà bảo vì Phúc (chồng bà) rất thích cái tên ấy. Và Jardin Ánh Tuyết ra đời, trưng bày nhiều thể loại tranh, trong đó có vô số sáng tác của họa sĩ Việt Nam. Jardin Ánh Tuyết trở thành một nơi giao lưu giữa những người yêu nghệ thuật và giữa tác giả và công chúng. Sau nhiều năm phối hợp với các hội khác để giúp Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu trợ giúp ngày một tăng và cũng để chủ động hơn trong hoạt động, bà đã cùng một số bạn bè lập ra Hội Essor Vietnam do mình làm Chủ tịch. Hội tiếp tục các dự án trợ giúp tài chính, phương tiện cho Việt Nam và đẩy mạnh hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua các buổi hòa nhạc, triển lãm, nói chuyện, hội thảo chuyên đề tổ chức tại Toulouse và các vùng phụ cận, cũng như những chuyến về thăm Việt Nam của các thành viên Hội.
Giờ đây, những hình ảnh về bà Andrée cứ như một cuốn phim lần lượt tái hiện. Tôi nhớ mãi nụ cười, cái nghiêng đầu nheo nheo mắt của bà khi trêu chọc tôi. Cái tác phong nói và làm “tout de suite” của bà khiến đôi lúc tôi vẫn phải nhắc bà “Doucement! Doucement!”. Tôi thường bảo bà muốn hợp tác với Việt Nam thì đức tính tối quan trọng là kiên nhẫn (patience). Bà lẩm nhẩm, patience! patience! Nhưng rồi bà vẫn “sồn sồn”. Đôi lúc bà chán nản thốt lên, thật không hiểu nổi, muốn giúp đỡ VN sao khó thế! Tôi động viên bà, bảo người Pháp chả có câu "La patience vient à bout de tout" (kiên trì làm gì cũng xong) đấy thôi. Bà lại cười hiền lành, hóm hỉnh. Được cái, tuy nôn nóng thúc giục, nhưng bà cũng biết chờ đợi. Sau này, bà tâm sự chính vì nghĩ đến trẻ em nghèo, mồ côi, bụi đời, tàng tật ở VN mà bà rèn được tính kiên nhẫn. Phùng Quán bị vùi dập một thời, nhưng ông không đầu hàng : "Có những phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!" Còn bà, những đứa trẻ kém may mắn ở mọi miền đất nước đã là điểm tựa, là chỗ cho bà "vịn" vào mỗi khi "ngả nghiêng". Một lần tôi buột miệng hỏi sao chị/mày (đại từ nhân xưng “tu” của tiếng Pháp) gắn bó với Việt Nam ghê thế. Bà trợn mắt vẻ ngạc nhiên độp lại tôi sao hỏi ngu thế, vì tôi/tao là con dâu Việt và hơn nữa rất yêu Phúc, vậy thôi. Nói xong, bà thoáng chút ưu tư, rồi, như để chứng minh cho lời nói của mình, bà chỉ cho tôi bức thư pháp chữ “Phúc”treo trong phòng ăn, để Phúc thường xuyên có mặt, bà bảo thế. Bà Andrée là thế đó. Bà hầu như không giận ai và cũng chẳng ai giận được bà, mà ai gặp bà rồi chẳng sớm thì muộn sẽ bị bà “mê hoặc”. Người ta bảo bà là một trong những phụ nữ có thể dời non, lấp bể bằng chính sự năng nổ và nghị lực của mình. Trước khi rời Pháp, trong lần gặp bà tại “Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Toulouse” do thành phố Hà Nội phối hợp với thành phố Toulouse tổ chức vào tháng 6/2007, tôi có nói vui là thay mặt Việt Nam tôi bổ nhiệm bà làm “Ambassadeur culturel du Viet Nam à Midi-Pyrénées”. Ý tôi muốn nói là “Sứ giả văn hóa Việt Nam tại vùng Midi-Pyrénées”. (Chứ không phải Đại sứ đâu nhé!). Bà đặt tay lên trái tim, nghiêng mình, nheo nheo mắt bảo cảm ơn Ngài…Rồi chúng tôi cùng phá lên cười.
“Sứ giả văn hóa Việt Nam tại Midi-Pyrénées” đã đi xa. Đó là một mất mát không gì bù đắp nổi với gia đình, bạn bè và những người đã nhận được sự giúp đỡ của bà. Hội Essor Vietnam mất đi một Chủ tịch năng động, đầy ý tưởng, nhiệt huyết. Tôi mất đi người bạn vong niên thân thiết, tâm đầu ý hợp, chỉ nửa lời đủ hiểu nhau. Bà xa chúng ta, nhưng bà lại về gần ông. Giờ này, chắc ông bà đã “trúc mai xum họp”. Hẳn bà phải tự hào khoe với ông về những hoạt động vì Việt Nam, quê hương yêu dấu của ông và cũng đã trở nên gắn bó máu thịt với bà tự bao giờ.
Hà Nội, 01/07/2013
Vũ Đức Tâm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét