Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

MỘT, HAI, BA, PHẬT !

Vũ Đức Tâm



Mình vốn rất ghét kiểu văn nghệ mà mình tạm gọi là « văn nghệ phất cờ ». Kiểu này thường diễn ra trên sân khấu lớn, hoành tráng vào những dịp kỉ niệm rất trọng đại. Toàn nam thanh nữ tú cầm cờ quạt vừa chạy dọc ngang sân khấu vừa phất cờ, múa quạt. Thi thoảng họ lại nhẩy cẫng lên, xoạc hai chân, giang hai tay hết cỡ, ngực ưỡn, mặt ngẩng cao. Đi kèm với nhảy là nhạc và lời rất hào hùng… Kiểu này nghe đâu, ngoài xứ ta chỉ hay được thực hành ở một hai nước châu Á mà thôi.
Thế mà một hôm,mình bỗng thấy bên hàng xóm ồn ào náo nhiệt hẳn lên. Mình nghe giọng một cô gái lanh lảnh cất lên : « Một, hai, ba, phật ! Một, hai, ba, phật ! ». Quá lạ tai, mình chạy ra ban công xem trò gì. Thì ra cái sân rộng nhà hàng xóm đã được trưng dụng làm sàn tập nhảy. Trên nền nhạc và trống thùng thùng, kèm giọng ca nam, một tốp thanh niên nam nữ cầm cờ và quạt vừa chạy vừa múa quạt và phất cờ theo lệnh : « Một, hai, ba, phất! » mà mình nghe thành phật. Cũng có thể cô "biên đạo" cao giọng hô phất mãi, mệt, nên hạ giọng hô phật để tiết kiệm hơi chứ chả phải mình nghe nhầm? Lời bài hát nghe sáo mòn, kiểu như ta là con cháu Lạc Hồng; Việt Nam ta truyền thống bất khuất, quật cường ; ta phải tự hào và phấn đấu xứng danh… Mình bị tra tấn như vậy mất gần chục ngày.


Cách đây ít năm, mình quen một ông ở Bộ Văn hóa, cứ mỗi khi có đợt kỉ niệm gì đó là ông ấy tặng mình vé đi xem văn nghệ ở Nhà hát lớn. Mấy khi được vinh dự như vậy nên mình vui lòng nhận lời. Chương trình hát, múa, sau đó là mít tinh kỉ niệm. Cũng có khi dàn đồng ca mở màn rồi đến phần mít tinh và tiếp tục văn nghệ. Hát thì kiểu gì cũng thấy có ba ông một thấp, một béo, một gầy cao giọng hát những bài tụng ca mà giới trẻ hay gọi là nhạc đỏ. Múa thì hầu như bao giờ cũng có kiểu« văn nghệ phất cờ ». Nể bạn, mình đi vài lần, rồi phát chán bèn nói thẳng : « Thôi ông làm ơn tha cho tôi ! » Kể từ đó, mình dị ứng với những buổi văn nghệ kỉ niệm ồn ào, rập khuôn, cứng nhắc, rất hình thức mà có ai đó gọi rất chí lí là « Văn hóa kỉ niệm ». Hỡi ôi, ở xứ ta thì tháng nào chả có kỉ niệm !

Mình cũng rất dị ứng với đầy rẫy những băng rôn, khẩu hiệu chi chít chữ chăng ngang, dọc phố phường. Quanh năm, mùa nào, tháng nào, kỉ niệm nào, khẩu hiệu ấy, băng rôn ấy. Thi thoảng có một đại hội gì đó là lại phong phú thêm các loại khẩu hiệu. Mình nhớ có một vị nào làm to lắm đã nói đại loại là chừng nào còn quản lí xã hội bằng khẩu hiệu thì dân ta còn khổ. Xem ra nỗi khổ này còn dài dài…Trên đường đi mấy ai để ý đọc, mà nếu có ai vừa lái xe vừa đọc thì thật nguy hiểm, tai nạn xe cộ dễ như bỡn.
Nhân dịp Thủ tướng đang kêu gọi các Bộ, Ngành thực hành tiết kiệm, giá mà bỏ kiểu « văn hóa kỉ niệm » và « văn hóa khẩu hiệu » cũng dôi ra được ối tiền cho những hoạt động thiết thực. Ấy là mình nghĩ thế !
29/7/2013
Vũ Đức Tâm


1 nhận xét:

  1. (Cười). Cháu không có nhận xét nào cho bài này, vì .... không biết nhận xét thế nào cả :)

    Trả lờiXóa