Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

THÔNG TIN-BÁO CHÍ Ở NƯỚC NGOÀI

Hồ Thể Lan


N
ói đến công tác tuyên truyền báo chí không thể không kể đến hoạt động này tại cơ quan đại diện (CQĐD) ở nước ngoài. Đây là công việc mà tôi đã trực tiếp tham gia trong các nhiệm kỳ công tác tại ĐSQ nước ta ở Liên Xô cũ và ngay khi công tác ở Vụ TT-BC. Phụ trách công tác báo chí ở CQĐD phải lo cả “đầu vào” lẫn “đầu ra”. “Đầu vào” nói ở đây là thu tập thông tin về nước sở tại và cả thông tin quốc tế để báo cáo Đại sứ và điểm tin báo cáo về nước. Thú thật là chủ yếu chúng tôi thu tập “thông tin chết”, nghĩa là thông qua báo chí, tin tức nước sở tại chứ không có điều kiện thu tập “thông tin sống”, tức là qua các cuộc thăm thú, tiếp xúc với bên ngoài. Nguyên do thì có nhiều song cái chính là “cái khó bó cái khôn”, muốn đi cũng chẳng có kinh phí, muốn la cà, đãi đằng để “moi tin” cũng chẳng lấy đâu ra tiền, đó là chưa kể những quy định ngặt nghèo về tiếp xúc sinh ra tâm lý “an phận thủ thường”. Nói vậy thôi chứ việc điểm tin hàng ngày, thông tin hàng tuần cho Đại sứ và cán bộ trong cơ quan cũng rất có ích vì nhiều người, nhất là các bộ phận quản lý lưu học sinh, lao động có biết ngoại ngữ đâu mà không biết tin tức thì làm sao “quản lý, giáo dục” học sinh, lao động được! Đó là chưa kể người Việt Nam ta có máu xính theo dõi tin tức, nghe thời sự. Trong các vị đại sứ, người để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất là ông Nguyễn Văn Kỉnh. Ông là một tri thức, giỏi tiếng Pháp, từng là ủy viên Trung ương Cục miền Nam và là ủy viên Trung ương Đảng lâu năm, ra Bắc có thời là Phó Ban tuyên giáo TW, tính tình rất hiền lành, ít nói nhưng suốt ngày đọc tin tức, sách báo. Khi nghe tin ông thường nhắm mắt, có lần tôi tưởng ông ngủ gật bèn khẽ khàng đi ra khỏi phòng, khi ra tới cửa bỗng nghe ông hỏi: đã xong đâu mà Thể Lan đi? Ông còn mắc một “bệnh trầm kha” nữa là rất đam mê quốc tế ngữ Et-xpê-ran-tô, chẳng thế mà trong một thời gian dài ông là Chủ tịch Hội quốc tế ngữ. Ông là con người hết mực nhân từ, nhiều khi để dành kẹo sô-cô-la cho tôi và Xuân Phương - người bạn gái thân thiết của tôi, mẹ của Thứ trưởng Ngại giao Phương Nga ngày nay; có lần nhận được tiền nhuận bút ông còn chia cho tôi.

Còn “đầu ra” chính là việc tuyên truyền về tình hình và chính sách của nước ta cho các tầng lớp nhân dân nước sở tại. Công cụ để làm việc này là các cuộc họp báo, bản tin, tủ ảnh, sách báo, phim ảnh, đôi khi là triển lãm, các đoàn văn nghệ… trong nước ra.
Cứ mỗi lần có “chuyện lớn” trong nước, trong thời chiến (cả chống Mỹ lẫn chiến tranh Tây Nam và phía Bắc) như các diễn biến quân sự, những tội ác của đối phương, các đợt đấu tranh ngoại giao thì chúng tôi phải nai lưng ra làm ngày làm đêm để ra bản tin phân phát cho các cơ quan địa phương và đoàn ngoại giao hoặc tổ chức tiếp xúc với báo chí. Qua thực tế tôi thấy hiệu quả nhất không phải là ta nói gì, viết gì mà làm sao cho nhà báo nước ngoài tự viết ra, vì vậy sự thân tình, những cuộc chuyện trò rủ rỉ để họ hiểu, họ viết vẫn tốt hơn. Nhờ đã công tác ở Vụ TT-BC trong nước nên sang Liên Xô tôi có nhiều “bạn thân” trong làng báo địa phương đã từng làm việc ở Việt Nam như I-ly-in-xki từ báo Tin tức - một con người tài tử, con sâu rượu nhưng viết rất hay; Sê-đrốp, Đôn-ma-gát-xkich, Xvê-tốp từ báo Sự thật; A-phô-nhin, Cô-bư-lép, Mi-khê-ép từ TASS; Xôn-xép từ Đài phát thanh… Theo cơ chế ở Liên Xô “Đảng lãnh đạo toàn diện”, muốn làm tốt công tác tuyên truyền báo chí phải quan hệ mật thiết với các Ban Đảng. May mà chúng tôi có quan hệ rất thân tình với các cán bộ Ban Đối ngoại như Gla-du-nốp, Vô-rô-nhin và cả anh A-phô-nhin nói ở trên - những người đã lăn lộn lâu năm trong môi trường quan hệ với Việt Nam. Để vận động báo chí chúng tôi có một đồng sự rất hữu hiệu là anh Quế Lâm và anh em trong phân xã VNTTX tại Mát-xcơ-va và anh Trần Kiên, đại diện cho báo Nhân dân luôn hết lòng hợp tác, giúp đỡ chúng tôi.
Thú thật sách báo của ta mất bao nhiêu công của để in ấn và khi công tác ở Vụ chúng tôi phải lụi hụi đóng gói gửi đi xem ra ít tác dụng vì nội dung rất khô khan, ngoại ngữ thì “giả cầy”, in ấn lại không đẹp mắt. Báo ảnh, lịch đưa ra có khi chậm hàng mấy tháng, chẳng còn tác dụng gì.Tủ ảnh ở cổng cơ quan cũng ít người xem vì dân người ta đi xe ô-tô chứ mấy người đi bộ, nhất là ở cái phố dặt cơ quan, bệnh viện, không có kinh doanh buôn bán? Ít phim của ta thuộc hàng “kinh điển”, chất lượng về mặt kỹ thuật cũng rất kém lại không lồng tiếng hoặc có phụ đề, nếu có thuyết minh thì cũng lộc bộc nên chẳng cuốn hút người xem. Có lần chiếu ở ngoài rạp hoàn toàn miễn phí, cửa mở toang vẫn không thu hút được khách xem. Bức tranh toàn cảnh nói trên có thể quá nhiều mầu xám nhưng là sự thật, tôi nói ra cốt để những người phụ trách việc này suy ngẫm tìm cách cải tiến cho đỡ tốn tiền của dân và mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

1 nhận xét: