Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Vài ghi chép đến Sơn Tây

Nguyễn Thị Kim Dung
Cựu thông tín viên báo Tiền Phong


 Tác giả Kim Dung ở ngã ba Sơn Tây
Tôi có ý định đi tham quan Thành cổ Sơn Tây đã lâu. Cuối năm ngoái nghe nói đầu năm nay (Quý Tỵ 2013) xuất hành hướng Tây thì tốt, tôi rủ ông xã cùng đi, ông ấy đồng ý ngay. Sáng mùng 5 Tết, vợ chồng tôi đi ra bến xe buýt gần nhà, đi xe số 70. Lúc lên xe, ngồi yên chỗ, tôi nói với chú bán vé cho mua 2 vé, chú bảo “Bác trả cho 60.000đ”. Tôi nhìn chú như muốn nhắc chú chưa xé vé xe trả tôi, còn chú lại hiểu tôi thắc mắc giá vé nên vội giải thích: “Hôm nay vẫn còn Tết, từ ngày mai cháu lại bán theo giá cũ”. Lúc sau, tôi quay sang hỏi cô gái trẻ ngồi bên cạnh: “Giá vé cũ là bao nhiêu cháu nhỉ?”. Cô bé vui vẻ trả lời: “Giá vé cũ là 20.000đ  cho mỗi vé Bà ạ!”. Tôi thầm nghĩ thế là chú ấy tự nâng giá vé ngày Tết để bồi dưỡng, lại còn không xé vé đưa cho khách nữa. Như vậy, xe buýt ngày Tết, Nhà nước thất thu to.


Đến bến Sơn Tây tôi xuống xe, nhiều người chở xe ôm dến mời đưa đi. Nhưng chúng tôi trả lời về gần đây đi bộ cho khỏe chân, rồi tạt vào hàng nước nghỉ ngơi, mỗi người gọi một cốc nước trà nóng uống cho ấm bụng, hỏi thăm đường đến Thành cổ, ông già bán nước nói ngay: “Thành cổ gần đây thôi, khoảng 700-800m, đi thẳng là tới, nhưng Thành cổ có gì mà ông bà đi tham quan? Ở đấy, chỉ là một bãi đất trống rộng, cây cối mọc um tùm, toàn thanh niên nam nữ đến hú hí với nhau thôi”. Ông lão nhiệt tình chỉ giúp: “Ông bà có đi tham quan ở đây thì nên đến Đền Và và Chùa Mía, người đi lễ chùa ngày Tết đông vui lắm”. Nghe ông nói, tôi thất vọng, nhưng vẫn đến Thành cổ tham quan trước. Đến ngã tư, ông xã bảo tôi đứng để chụp ảnh kỷ niệm ngã tư Sơn Tây. Tôi nhận xét “Sơn Tây cũng đẹp đấy chứ anh nhỉ, rộng, thoáng hơn ở Hà Nội”.  Đi bộ khoảng 10 phút, tôi nhìn phía trước nói với chồng tôi: “Thành cổ trước mặt mình thì phải”. “Đúng rồi”, ông xã tôi đáp lại với vẻ mặt rất phấn khởi. Chúng tôi đi loanh quanh ngoài hành lang, thành xây bằng đá rất đẹp, thấy đá còn mới tôi nhận xét: “Có lẽ Nhà nước mới cho xây lại nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long!”. Sau chúng tôi có hỏi chú bảo vệ Thành cổ thì quả là đúng thế. Từ ngoài hành lang đến hào rộng 26m9, sâu 4m. Cách hào 2m là tường thành. Chúng tôi chụp ảnh đứng cạnh hàng lang nhìn vào Thành, sau đó đi qua cầu đá uốn cong vào Thành chơi. Trong Thành rất rộng, nhiều cây to, cổ thụ. Chúng tôi trèo lên cổng Thành phía Bắc, trước cổng đặt 2 khẩu pháo, đứng trên cổng Thành ngắm Thị xã một lúc, rồi lại vào Chùa thắp hương. Qua sân đứng dưới cột cờ, sau đó lại qua cổng phía Nam. Ở đây, cây to bao quanh cổng lâu năm đã làm hỏng tường, nên Nhà nước phải cho xây lại cổng mới ngay gần đấy, còn cổng cũ vẫn để nguyên làm kỷ niệm.

Nói chung Thành cổ Sơn Tây to và rộng, nhiều cây to, quý; trong sân có nhiều chậu cây cảnh đẹp do Hội viên Hội sinh vật cảnh đem đến dự thi mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ngày xuân, thăm quan Thành cổ để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp. Ông xã nhắc tôi “Hè này chúng mình nhớ cho 2 đứa cháu nội qua đây nữa nhé!”.

Ở Thành cổ ra, chúng tôi thuê xe ôm vào lễ Đền Và. Ngày xuân, nhiều người đi cúng lễ cầu tài, cầu lộc. Mặc dù trời mưa phùn, đường trơn, bẩn nhưng người đến Đền vẫn đông. Gặp vợ chồng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và cô con gái út. Nhìn gần thấy anh chàng này thấp lùn chỉ cao khoảng 1m50, đậm người, đã từng đóng vai Thằng Bờm trong phim “Thằng Bờm” trong rất ngộ, nhưng lại là người nhạc sĩ có tài nên lấy được người vợ khá nổi tiếng, là nữ diên viên điện ảnh Chiều Xuân xinh đẹp cơ đấy!”

Vì trời mưa, đường bẩn nên chúng tôi quyết định không sang Chùa Mía, chỉ cách đấy vài km. Ông xã tôi đề xuất đi chơi quanh thị xã, chồng tôi có số điện thoại của mấy người bạn đồng nghiệp đi hợp tác lao động, nơi chồng tôi phụ trách năm xưa. Tôi đồng ý chúng tôi thuê xe ôm đến nhà cô Dung cách đây hơn chục km. Đến nơi cô ấy nhận ra ngay cán bộ cũ của mình. Cô nói vui vẻ: “Anh em mình phải đến hơn 20 năm mới gặp nhau, nhưng em trông anh chẳng già đi mấy, anh còn nhớ đến chúng em chứ từ ngày về nước chẳng có cán bộ nào qua thăm chúng em cả. Rồi Cô bảo: “Anh chị ngồi uống nước, em qua gọi “cái” Trang (người cùng quê) cùng ở đơn vị với em sang chơi”. Gặp và tâm sự với 2 cô, mình mới thông cảm với chị em phụ nữ Việt Nam vất vả, thiệt thòi, nhưng có nhiệu nghị lực.

Cả 2 cô đều đi bộ đội từ năm 18 – 19 tuổi. Sau 3 năm ở quân ngũ, xuất ngũ. Được địa phương ưu tiên giới thiệu đi hợp tác lao động tại Tiệp Khắc vào những năm 1980. Các cô đều lao động tại nông trường nông nghiệp Praha, chuyên trồng su hào, bắp cải, cà rốt, dưa chuột … Lao động vất vả, nhưng lương thấp, lại không gần các đơn vị có nhiều nam giới nên không có điều kiện để giao lưu, tìm hiểu bạn đời. Sống và lao động ở Tiệp 7 năm về nước đã 28-29 tuổi, thời gian qua nhanh, ở quê tuổi đó khó lấy chồng. Cô Dung năm nay đã 53 tuổi, vẫn đơn than ở với bố mẹ và vợ chồng cậu em trai. Tôi gặng hỏi cô từ ngày về nước cô làm gì. Cô tóm tắt về những gian truân đã trải qua: “Khi về nước, em bán hết những thứ hàng mua tích cóp ở Tiệp về, được ít vốn thuê một gian bán vải tại chợ Sơn Tây. Một vài năm. Chợ Sơn Tây bị cháy, mất hết vốn liếng, nghỉ ở nhà một thời gian, em lại vay mượn bạn bè khoảng 30 triệu đồng. Chợ xây lại, em lại thuê một gian bán quần áo may sẵn từ đó đến nay”.

Còn Cô Trang có đi làm ở một vài nơi, sau lại ra Hà Nội ở nhờ bà cô họ để buôn bán. Khi đó, Cô có quan hệ với một người đàn ông đứng tuổi. Hai người quan hệ thân mật trên mức tình bạn, bà cô sinh nghi, sợ xảy ra việc không hay mang tiếng bà, nên bà không cho Cô ở nhờ nữa. Cô thuê nhà ra ở riêng, anh chàng này vẫn tìm đến chơi luôn. Rồi việc gì đến vẫn phải đến, Cô có thai với anh ta. Khi biết rằng anh ta đã có vợ và mấy đứa con ở quê, đồng thời anh ta nói vẫn yêu thương vợ con. Cô và anh ta chia tay nhau, Cô nói là Cô xin anh một đứa con để nuôi. Vượt lên mọi khó khăn, vất vả, giờ đây bé gái đã học Lớp 5, dáng người nhỏ gầy. Tôi hỏi Cô, từ đó anh ấy có đến thăm Cô và cháu không, Cô lặng lẽ lắc đầu. Tôi thấy buồn lại hỏi Cô giờ làm gì để mẹ con sinh sống. Cô kể, sau khi sinh con được 6, 7 tháng, không có người trông giúp, em cho cháu cùng đi làm xe ôm. Thấy tôi ngạc nhiên, Cô nói tiếp: “Em địu con đằng trước, chở người thuê xe ôm đằng sau”,  Cô cười buồn: “Ở miền núi chị em địu con ở đằng sau để đi làm nương, còn em lại địu con đằng trước để làm xe ôm” . Chao ôi là vất vả, nhọc nhằn để kiếm sống. Cô lại nói có thời kỳ giữ con ở nhà xin đi sang Liên Xô làm “ô sin” đến 3 năm đấy anh chị ạ. Sau nhớ con quá, em lại về nước. Hiện vẫn làm xe ôm chở khách, em thường chở người quen quanh xã, họ lại hay nhờ đưa đi Hà Nội khám bệnh, người thì ra Bệnh viện K, người thì Bệnh viện phổi …

Em chở họ di đến Bệnh viện, rồi lại đưa họ đi xét nghiệm làm tất cả thủ tục, chiều lấy kết quả rồi lại đưa họ cùng về quê. Cô Trang năm nay cũng đã 53 tuổi rồi, người cao khoảng 1m60, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, dáng thể thao, hình thức trông cũng ưa nhìn, thế mà lại vất vả quá. Thế mới biết Phụ nữ Việt Nam tuổi 28, 29 trở ra khó lấy chồng. Nhẽ ra chẳng đi nước ngoài làm ăn, ở nhà thì đâu đến nỗi. Cô Dung nói chen vào: “Con Trang này trông khỏe mạnh nhưng cũng chỉ làm nghề xe ôm được 5, 6 năm nữa là cùng, ngoài 60 tuổi còn sức đâu, mà ai lại còn thuê nó nữa ánh chị nhỉ?”. 5, 6 năm nữa, cón gái cô mới 17, 18 tuổi vẫn đang tuổi đi học, chắc Cô ấy phái tìm việc khác cho thích hợp. hai mẹ con Cô hiện đang ở cùng với bố mẹ và các em. Ông bà cho Cô 20 m2 đất để làm một gian nhà cấp bốn để mẹ con ở riêng. Gặp Cô tôi cứ băn khoăn mãi cho hoàn cảnh của mẹ con Cô.

Ôi, tôi thương hoàn cảnh của 2 Cô áy quá, phục nghị lực của cả hai cô.

Một buổi đầu xuân đi tham quan Thành cổ, thăm lại bạn bè, đồng đội cũ của chồng, tôi cứ liên miên suy nghĩ về cảnh đẹp đất nước, mỗi người nghĩ một khác, cuộc sống của mỗi người trên đất nước mình “Thương nhiều, thông cảm nhiều, phục nghị lực chị em Phụ nữ Việt Nam mình nhiều lắm!”.



Hà Nội mùng 6 Tết Xuân Quý Tỵ (2013)

Nguyễn Thị Kim Dung




3 nhận xét:

  1. Buồn thật,tác giả ứ có bức hình nào để đăng lên sao?

    Trả lờiXóa
  2. ỐI GIỜI ÔI! Viết coment lại phải "xác minh từ" nũa! Phiền toái quá,anh thiết kế lại đi!

    Trả lờiXóa
  3. Đọc trên facebook thấy Người muốn có địa chỉ để về thăm tôi;Tôi rất cảm động.Xin cung cấp ngay để kính mời đây:Người cứ về Thành phố Hải Dương,rồi hỏi về Thị trấn Nam Sách.Đến Thị trấn NS hỏi về Phố HÓP xã Nam Hồng (cách thị trấn NS 800M).Rồi hỏi NHÀ ÔNG GIÁO DỰ (nhà thơ THANH DẠ) là có người chỉ nhà tôi cho ông ngay .Trân trọng Kính mời ông về chơi !

    Trả lờiXóa