Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

“LA PRÉSENCE INDÉFINISSABLE”: CÂU TIẾNG PHÁP KHÓ DỊCH (Nhà báo Sác-lơ Phuốc-ni-ô kể chuyện về Bác Hồ)



     Thăng Sắc  
 
         Khi công tác tại Pháp, tôi thường có dịp gặp gỡ và chuyện trò với nhà báo, nhà sử học đồng thời là Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt, ông Sác-lơ Phuốc-ni-ô.
 Một lần vào mùa đông năm 1997, tôi hẹn ông ở tiệm cà phê Lơ Sác-đông trên đại lộ Ếch-den-man gần Sứ quán. Đây là một tiệm bình dân theo kiểu Pa-ri, nghĩa là gọi một tách cà phê thì ta có thể ngồi nhâm nhi suốt buổi sáng, đọc sách, làm bài tập, tán gẫu với bạn đến trưa, muốn thì làm thêm cái bánh mỳ kẹp dăm-bông rồi ngồi qua đến chiều luôn. Ở những tiệm cà phê này bao giờ cũng có không khí ấm cúng đặc biệt, huống chi lại có bạn, mà người bạn ấy lại là Sác-lơ (gọi ông Sác-lơ Phuốc-ni-ô một cách thân mật). Tôi mừng vì thấy ông khỏe, tóc bạc trắng như tuyết, da mặt đỏ au, nói theo kiểu của ta là rất nhuận sắc và phong độ. Ngoài kia tuyết đang rơi, rét như thế mà ông không đội mũ. Người Pa-ri ít đội mũ, chỉ khoác áo măng tô và quấn khăn phu-la.


Mỗi lần gặp tôi, Sác-lơ thường nói về ý nghĩ của ông đối với hoạt động của Hội Hữu nghị Pháp-Việt mà ông là Chủ tịch từ hàng chục năm. Qua từng giai đoạn Hội đã có nhiều đóng góp thiết thực cho sự hiểu biết Pháp-Việt, là một cái cầu nối của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Ông luôn luôn trăn trở về những ý định đổi mới hoạt động và trẻ hóa Hội. Ông nói lớp trẻ bây giờ không có cùng những kỷ niệm như thế hệ của ông, họ có những lợi ích cụ thể trong các lĩnh vực du lịch, kinh tế… Tôi thật thông cảm với những băn khoăn tâm huyết ấy. Ông nhắc lại những kỷ niệm về thời gian ông làm phóng viên báo Nhân đạo tại Việt Nam, về Bác Hồ.

 Nhân câu chuyện, tôi hỏi Sác-lơ, trong lời mở đầu luận án tiến sĩ của mình, khi viết về Bác Hồ, ông đã viết một câu rất khó dịch là “la présence indéfinissable”, vậy thì nên hiểu câu đó thế nào? Thế là Sác-lơ nói một cách say sưa:

- Bác Hồ luôn là điều bí ẩn đối với tôi. Tôi thường đặt câu hỏi tại sao nhưng không bao giờ có câu trả lời thích đáng. Khi đứng trước một vị tướng, tôi có ngay tình cảm của mình là đang đứng trước một vị tướng. Nhưng khi đứng trước Bác tôi lại không có cảm tưởng mình đang đứng trước vị lãnh đạo nhà nước. Bác nói những điều giản dị, trong sáng. Cử chỉ, lời nói, cách ăn mặc… đều toát lên một cái gì đặc biệt kỳ diệu. Tôi chiêm ngưỡng Bác không chỉ vì Bác có một cá tính, một nhân cách mạnh mẽ, đã làm nên sự cuốn hút như có từ tính.

Tôi gặp Bác lần cuối vào năm 1969, ít thời gian trước khi Người mất. Bác cùng ngồi với một số người trong đó có ông Hoàng Tùng. Ông Hoàng Tùng có nói một điều gì đó ngụ ý mọi người chuẩn bị sinh nhật Người. Bất thình lình tôi thấy Bác quay lại phía Hoàng Tùng, không nói bằng tiếng Pháp nữa. Tôi không biết tiếng Việt nhưng cũng hiểu là Bác đang ra lệnh qua giọng nói và qua cách nhìn. Đây là một biến đổi đặc biệt và lần đầu tiên tôi có cảm nhận là mình đứng trước một vị chỉ huy. Sau đó Bác lại vui vẻ quay lại nói bằng tiếng Pháp, giải thích cho tôi biết Bác không bằng lòng về ý định tổ chức sinh nhật Bác vào lúc này.

Một lần tôi đề nghị Bác viết về việc Bác gặp chủ nghĩa Lênin như thế nào để đăng báo Nhân Đạo. Bác nói rất muốn làm một cái gì nhưng bận nên khó. Bác đưa tôi một số bài viết của Bác, bảo tôi về tổng hợp, viết lại rồi đưa bác xem. Tôi đã làm việc này tại khách sạn Thống Nhất. Khi xong, Bác xem rồi nói được, nhưng có hai nhận xét. Một là trong khi phê bình chủ nghĩa cơ hội, tôi đã dẫn nhiều về Sác-lơ Lông-guê (người nhận là cháu của Mác). Bác nói Bác không đồng ý với quan điểm của Lông-guê, không nên dẫn ông ta nhiều mặc dù thời kỳ Bác ở Pa-ri ông đã tỏ ra rất đáng mến. Bác nói “Thôi, tha thứ cho ông ta!”. Nhận xét thứ hai là về cách viết. Để khẳng định một ý nào đó tôi thường dùng hai lần phủ định. Bác nói hai lần phủ định là một lần khẳng định, tại sao không dùng khẳng định luôn cho cách hành văn nhẹ nhàng!

Bài viết này là vào khoảng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lênin. Qua hai nhận xét của Bác, tôi thấm thía về nhiều bài học, nhất là bài học về nhân văn, về đoàn kết, về tranh thủ… Nó phản ảnh một tư duy mạnh mẽ, cho thấy rõ Bác vừa là một nhà tư tưởng lớn, vừa là một nhà thực tiễn vĩ đại. Những tư tưởng lớn của người được Người thể hiện thật nhuần nhuyễn thông qua thực tiễn đấu tranh. Tôi liên hệ tới ngày hôm nay, việc suy nghĩ về tư tưởng Hồ Chí Minh là rất cần thiết. Theo tôi, với một số đảng, cần thiết phải chỉ ra rằng đã có sự đứt đoạn giữa lý luận và thực tiễn. Tư tưởng Hồ Chí Minh không có chuyện đó. Đặt vấn đề lý luận và thực tiễn trong tư tưởng Hồ Chí Minh không mang ý nghĩa lớn vì tự nó đã là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.

Những tiếp xúc với Bác và với Việt Nam đã làm tôi thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ, hiểu sâu sắc hơn chủ nghĩa Mác, nhưng nhiều hơn nữa là tư tưởng phương Đông. Nền văn minh phương Đông đã làm cho cách suy nghĩ của tôi thêm phong phú và sâu sắc.

Sác-lơ nói một mạch không dừng. Tôi buộc phải ngắt lời ông:

- Sác-lơ, ông chưa đi vào câu hỏi đâu nhé. Ông gặp Bác lần đầu khi nào?

- Năm 1960 và sau đó trong nhiều dịp khác. Có lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cả nhà tôi ăn cơm tối trong một ngôi nhà nhỏ tại phủ Chủ tịch. Khi mọi người đang đứng nói chuyện thì Bác đến bất thình lình. Quả thực sự hiện diện mạnh mẽ và khó tả của Bác bao giờ cũng để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng. Giống như buổi tối hôm ấy, khi Bác đến, mọi người vừa mừng rỡ, vừa lúng túng. Bác bắt tay con gái thứ hai của tôi là An, lúc ấy 14 tuổi. Con bé luống cuống và đã gập mình chào Bác theo kiểu quý tộc Pháp. Bác tỏ ra hơi bất ngờ nhưng sung sướng và vui vẻ thốt lên một cách hài hước: ôi, sao lại có một cô gái Pháp chào tôi một cách trịnh trọng thế này. Khi Bác ra về, tôi hỏi cảm tưởng các con tôi, chúng đều nói thật lạ, lúc Bác xuất hiện thì tất cả đều như biến mất. Sự hiện diện của Bác thật kỳ diệu như vậy, thật khó mà diễn tả nổi. Điều đó cắt nghĩa tại sao tôi lại viết: “la présence indéfinissable”.

Khoảng gẩn 12 giờ trưa Sác-lơ vội vàng đứng lên. Anh phải vào bệnh viện thăm vợ đang ốm. Một mình tôi ngồi lại với những ấn tượng mạnh mẽ về anh, về những câu chuyện anh kể. Thời gian anh ở Việt Nam không nhiều nhưng tại Pháp anh đã dành hết mình cho Việt Nam, dành hết mình cho hoạt động của Hội Hữu nghị Pháp Việt.

Tôi nhìn qua tấm kính mờ tiệm cà phê. Sác-lơ đi trong lất phất tuyết rơi, hai tay đút túi. Ông đã ngoài bẩy mươi tuổi. Tôi thầm thốt lên: thời gian sao trôi nhanh quá. Khó hình dung nổi cách đây hơn ba mươi năm có một nhà giáo đang dậy học ở Pa-ri đã đến số nhà 44 phố Pơ-lét-chi-e là trụ sở Trung ương Đảng cộng sản Pháp lúc bấy giờ, tự nguyện xin đi Việt Nam làm phóng viên báo Nhân đạo. Và để không mất việc làm trong thời gian đi Việt Nam, ngoài công việc của một phóng viên Đảng Cộng sản, anh còn phải nghiên cứu để viết một luận án tiến sĩ về lịch sử. Người phóng viên ấy đã xông xáo ngay tử những ngày đầu Mỹ ném bom miền Bắc năm 1965, lặn lội ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, đến nhà dân vào 2 giờ sáng, chứng kiến cảnh người dân sản xuất và chiến đấu. Trong những bài viết của mình, anh đã phản ánh cuộc chiến đấu dũng cảm của nhân dân Việt Nam, đó là sự tham gia cũng như tinh thần phấn khởi lạc quan của cả một dân tộc, một dân tộc không hề sợ hãi trước một kẻ thủ mạnh hơn nhiều về vật chất vì họ biết tổ chức và chiến đấu. Hơn cả thế, ngay từ những ngày đầu của năm 1965, anh đã nhận định rằng người Mỹ sẽ thua cuộc. Người phóng viên ấy chính là Sác-lơ Phuốc-ni-ô. Ông kia, đang đứng đợi đèn xanh để qua đường và xuống tàu điện ngầm ga Ếch-den-man, bận bịu với bao công việc thường ngày như những người dân Pa-ri khác. Tuyết cũng vẫn như thế, rơi nhẹ, vô tình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét