Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Phận áo dài và duyên nợ với ngành ngoại giao

Nguyễn Thị Hồi 
Nguyên Đại sứ tại Cộng hoà Áo và Đại diện Việt Nam bên cạnh các tổ chức quốc tế tại Viên(1992 -1995), nguyên Đại sứ tại Canada (2002 -2006).


     Vào năm 1968, khi tôi học hết năm thứ nhất khoa Anh văn trường Đại học Ngoại ngữ sơ tán ở Gia Lương, Hà Bắc thì được chọn là một trong số hơn ba chục học sinh đi Cu Ba học lớp tiếng Anh đặc biệt, gọi là lớp tiếng Anh quân sự để sau về phục vụ quân đội. Vào một tối sáng trăng, cả lớp tôi hối hả đi bộ từ Gia Lương về Hà Nội để đi tàu lên biên giới Lạng Sơn. Trăng sáng vằng vặc và trong vắt là đặc điểm của những đêm trăng ở vùng quê thời sơ tán. Đêm ấy trăng soi sáng đường cho đoàn sinh viên trẻ, những người đến từ tứ xứ thôn quê, những người lúc bấy giờ mới chỉ biết đến cuộc sống khó khăn gian khổ ở nơi sơ tán. Họ hồ hởi náo nức đi suốt đêm với tinh thần của những người lính trẻ đi chiến đấu, hồi hộp và tò mò hỏi nhau về những điều mới mẻ đang chờ đợi họ ở những đất nước xa lạ.

Đến Lạng Sơn chúng tôi được đưa qua Bằng Tường rồi lên tàu liên vận của Trung Quốc. Cuộc sống trong bảy ngày trên tàu liên vận là một cuộc sống hoàn toàn khác lạ. Vừa đấy thôi chúng tôi còn phải ăn cơm gạo đã có màu hoặc bánh bột mỳ cứng như bột đá mà chúng tôi thường nói đùa là ném chó cũng chết, thì trên tàu chúng tôi được ăn no cơm trắng với nhiều thịt cá và trứng. Tôi nhớ mãi món rau cải xanh xào thịt đặt trên đĩa sứ màu trắng, món miến xào sao mà tuyệt thế, nước xì dầu màu đen rưới lên trên, đĩa thịt to tướng thơm tho tỏa mùi thơm phức. Lúc ấy ở Trung Quốc đang có Cách mạng văn hóa. Những người Trung Quốc phục vụ trên tàu luôn tươi cười và chăm sóc chúng tôi rất nhiệt tình. Họ mặc áo màu cỏ úa có gài huy hiệu Mao Chủ tịch trên ngực, đem đến cho chúng tôi những bao táo đỏ tươi, giục giã chúng tôi ăn và luôn miệng hỏi có cần gì thêm không. Đêm đến, họ đi từng toa, kéo chăn đắp kín cho chúng tôi khỏi lạnh. Họ nghiêm túc và trân trọng tặng cho chúng tôi huy hiệu Mao Chủ tịch cùng những quyển trước tác bìa đỏ bằng tiếng Trung. Chúng tôi đã được các anh chị trong lãnh đạo đoàn dặn dò cẩn thận rằng nếu bạn tặng thì ta vui vẻ nhận, khéo léo cho vào va li cất đi, không được bỏ lại tàu nhưng khi sang tàu Liên Xô thì cũng không được để cho các bạn Liên Xô trông thấy vì lúc ấy Trung Quốc và Liên Xô đang có mâu thuẫn nặng nề. Trong hoàn cảnh ấy, thật khó khăn khi phải cư xử với những món quà tặng này nhưng tôi đã làm đúng được lời dặn của các anh chị lãnh đạo đoàn. Lúc ấy tôi đâu có biết được rằng những việc làm như thế lại là những bài học đầu tiên, khái niệm đầu tiên về quan hệ quốc tế và công tác ngoại giao.


Bẩy ngày trên tàu Trung Quốc là bẩy ngày có những cuọc giao lưu đầu đời với người nước ngoài. Sự chăm sóc chu đáo ân cần của bạn dành cho chúng tôi là những người thôn quê vừa từ chiến trường ra đã đem lại cho chúng tôi những tình cảm đặc biệt. Vì vậy, mặc dù đã được dặn rằng với người nước ngoài thì không được bộc lộ tình cảm thái quá nhưng đến giờ phút chia tay thì chúng tôi không thể không bần thần lưu luyến, một số bạn trong đoàn không kìm được đã khóc thút thít. Lưu luyến mãi rồi chúng tôi cũng phải vội vã chuyển sang toa tàu của Liên Xô. Mọi người còn đang lếch thếch xách đồ tìm toa thì đã nghe một người Liên Xô nét mặt lạnh tanh, tuôn ra một tràng tiếng Nga với giọng bực tức. Xem thái độ thì chúng tôi biết ông không vừa lòng với chúng tôi. Anh trưởng đoàn biết tiếng Nga phiên dịch lại cho chúng tôi rằng ông ấy quát và bảo các em khóc lóc gì, bao nhiêu súng đạn viện trợ cho Việt Nam chiến đấu, họ còn không cho đi qua kia, một ngày chậm là bao nhiêu xương máu, khóc lóc cái gì! Chúng tôi im thít, lặng lẽ tìm toa. Cả chuyến đi trên tàu Liên Xô có vẻ không được thoải mái, không chỉ vì thức ăn không quen mà còn vì mấy người phục vụ trên tàu có cách ứng xử khác không vồn vã, thỉnh thoảng mới có một ông già hỏi “trai, trai?”, tức là có uống trà không. Lại nữa, khi vừa đến Mát-xcơ-va thì người ta lập tức tách nam ra nam, nữ ra nữ rồi lùa chúng tôi vào phòng tắm tập thể, cởi hết quần áo, xả hơi, phun nước bắt chúng tôi tắm “nuy”. Tôi còn nhớ trong đoàn có một vài bạn khi cởi ra thì đầy mình hoa gấm, một bà người Nga thấy thế choáng luôn, nhăn mặt, xì xồ nói gì chúng tôi không hiểu rồi cầm cành bạch dương quất liên hồi lên người họ. Lúc ấy tôi làm sao biết là chúng tôi đang được tắm hơi theo kiểu người Nga, tôi chỉ thấy xấu hổ, xấu hổ lắm, làm sao không xấu hổ được khi mà mới đây đa số chúng tôi còn là những đứa con gái nhà quê thơ ngây.

Từ Mát-xcơ-va chúng tôi được đưa đến Lê-nin-gơ-rát để xuống tàu đi Cu Ba. Bảy ngày trước khi lên tàu tại đây quả là một kỷ niệm đáng nhớ, vì chúng tôi được đưa đi tham quan thành phố với những lâu đài, cung điện mà trong mơ tôi cũng không dám nghĩ có một ngày mình được đặt chân tới. Ba, bốn ngày đầu mới lên tàu thì trời im sóng lặng, trên tàu lại có bể bơi, sân bóng chuyền, ăn uống sung sướng, ai cũng thấy thật vui vẻ. Tuy nhiên sang đến ngày thứ năm, thứ sáu khi tàu ra đến ngoài đại dương và gặp bão biển thì ai ai đều biết thế nào là say sóng, ai cũng héo như tàu lá cải phơi nắng để muối dưa, mặt đứa nào cũng “xanh như đít nhái”. Lúc này nhà ăn hầu như không còn mấy người. Bây giờ ngồi nhớ lại tôi vẫn còn khiếp về cái đận say sóng ấy mà nhờ nó tôi biết được thế nào là “nôn ra mật xanh mật vàng”. Những ngày này mỗi người được phát một khăn tắm rất to và buộc phải quàng vào cổ trong mọi lúc mọi nơi, phòng khi những thứ trong bụng đột nhiên tuôn ra thì phải hứng ngay, tránh để chúng rớt xuống sàn tàu. Tôi nhớ có một bạn vẫn không kịp phanh đã tuôn hết cả vào một cô người Nga phục vụ trên tầu, mùi này thật khủng khiếp, không hiểu làm sao người ta chịu đựng được mà không cáu gắt, mắng nhiếc chúng tôi, ngược lại chỉ gượng gạo cười trong nước mắt. Khi đến La Ha-van, các bạn Cu Ba tổ chức lễ đón những người bạn vừa từ chiến trường đến rất hoành tráng, thế nhưng những người bạn trẻ Việt Nam vẫn còn say sóng, xanh rớt như tàu lá héo, liêu xiêu đi lên trong tiếng vỗ tay hoan hô, có bạn còn phải cáng chứ không tự đi lên được. Lúc ấy tôi cũng còn chóng mặt lắm nhưng vì nghe lời các anh chị lãnh đạo đoàn là phải cố gắng thế hiện tinh thần của đất nước đang chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược nên tôi vuốt tóc, ngẩng mặt, cố gắng bước đi vững vàng, sau nhớ lại cứ tự thấy buồn cười cái cách thể hiện tinh thần ấy của mình.

Thời gian học ở Cu Ba là những năm tháng thật đặc biệt, đi học mà như đi chiến đấu, chúng tôi học chương trình bốn năm chỉ trong hai năm, học ngày học đêm, không thứ bảy, không chủ nhật, sách giáo khoa không có thì chép tay. Thế mới có chuyện vui là một cô bạn trong lớp vì chữ đẹp nên được ưu tiên chép đầu tiên, chúng tôi là những người chép lại. Chị chép sai một vài chỗ cơ bản, thế là cả lũ sai luôn, chỉ tới khi bà giáo phát hiện ra mới biết lý do. Là khóa học quân sự nên chúng tôi cũng phải học mọi chiến thuật, chiến lược từ đánh tập kích đến tập hậu, nhảy cóc, đến tập trận… Bạn dành cho chúng tôi những ưu tiên cao nhất để có thể trong một thời gian ngắn nhất đào tạo được những cán bộ có đủ trình độ và khả năng phục vụ cho cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược ở Việt Nam. Chính đồng chí Phi-đen đã chỉ thị cho các thầy cô giáo được mở kho tư liệu, lấy ra những phim của Hô-ly-út cho chúng tôi học, mỗi ngày một phim, lúc đầu cô giáo kể nội dung trước khi xem, dần dần chỉ kể một nửa câu chuyện, rồi một phần ba câu chuyện cho đến khi chúng tôi xem và tự mình hiểu được cả nội dung cuốn phim. Chính các bạn Cu Ba là người luôn luôn đốt nóng trong chúng tôi tinh thần học tập hết mình vì quê hương Việt Nam thân yêu.

Sau hai năm học ở Cu Ba, năm 1970 chúng tôi về nước. Lúc này cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta đang ở giai đoạn khó khăn và quyết liệt. Hà Nội lúc ấy thiếu điện, thiếu nước, thiếu lương thực thực phẩm, khó khăn đủ mọi bề. Tuy vậy chúng tôi nhận thấy tinh thần của những người trong nước thật bền bỉ và vững vàng. Là những học sinh sinh viên vừa du học ở nước ngoài về, chúng tôi rất nóng lòng được tham gia ngay vào cuộc sống lao động, chiến đấu nóng hổi của dân tộc.

Tôi được phân công về Đài phát thanh Giải phóng. Lúc bấy giờ sinh viên học tiếng Anh ở nước ngoài về còn hiếm lắm, được quý như “mì chính cánh”. Cũng chưa có chuyện phải thi công chức hoặc thi vào các bộ ngành như bây giờ. Học sinh sinh viên trong nước khi tốt nghiệp hoặc những người du học ở nước ngoài về ít khi được lựa chọn mà thường nhận công tác ngay theo sự phân công của tổ chức, có nhiều người còn lập tức được đeo ba lô lên đường tham gia đoàn quân vào Nam chiến đấu. Tôi phấn khởi đi đến Bộ Giáo dục, gặp chị Dung là cán bộ phụ trách lưu học sinh từ Cu Ba về. Ngồi đợi quyết định, tôi sốt ruột hơn là hồi hộp vì nghĩ chắc mình đã được phân về Đài Giải phóng. Tôi càng sốt ruột hơn khi thấy chị Dung cầm tờ quyết định của tôi cứ đi ra lại đi vào, có điều gì đó băn khoăn mà chưa trao cho tôi ngay. Một lúc sau chị đến gập tôi và nói:

- Đài phát thanh đã sẵn sang nhận em rồi nhưng em chưa về đấy ngay được vị hiện họ còn rất khó khăn về chỗ ở. Chắc phải đợi họ thu xếp một ít hôm, khi có chỗ ở thì sẽ nhận em. Bởi vậy em cứ về nhà tạm nghỉ ít hôm nhé.

Tôi tỏ ý thất vọng ra mặt, phần vì nhiều bạn tôi đã được phân công và đã đi nhận nhiệm vụ, phần vì tôi cũng đang phải ở nhờ nhà người cô mãi tận Nhổn. Lúc ấy Nhổn là vùng quê, đường xá khó khăn, đi lại chỉ có xe đạp hoặc phải đi bộ nên Nhổn còn xa Hà Nội lắm. Tôi bảo:

- Chị không có cách nào giúp em ngay được à? Về đơn vị nào cũng được, miễn là em được nhận công tác.

- Chị biết, các em đều có tinh thần sẵn sàng cả, nhưng đây chỉ là chút khó khăn về chỗ ở thôi, em chịu khó đợi.

Tôi tiu nghỉu định quay ra. Bỗng có một người đàn ông đứng bật dậy, nói oang oang:

- Đợi đã, cả hai chị em đợi đã.

Người đàn ông này vẫn ngồi ở góc phòng từ trước mà tôi không để ý. Một tay ông xách chiếc túi nhựa là loại túi đựng tài liệu lúc bấy giờ, một tay ông chộp lấy tay tôi rồi kéo về phía chị Dung.

- Chị Dung à, cho tôi xin em này về Bộ tôi. Tôi đợi từ hôm qua đến giờ mà chưa được các chị phân cho trường hợp nào. Về chỗ tôi có nơi ở ngay, đi làm ngay.

- Anh ở Bộ Ngoại giao phải không?

- Vâng, tôi là cán bộ tổ chức Bộ Ngoại giao đây.

- Xem ra có vẻ được đấy. Hồi ơi, em thấy thế nào, hay em về Bộ Ngoại giao? Anh ấy phân chỗ ở ngay chứ đợi bên Đài mà cứ đi đi về về thế này khổ quá.

Thật hết sức bất ngờ với tôi. Khái niệm duy nhất về Ngoại giao lúc ấy là mấy anh chị làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam ở Cu Ba, ngoài ra tôi hoàn toàn không biết gì về cía nghề này. Tuy nhiên, với chúng tôi lúc bấy giờ điều đó hoàn toàn không quan trọng, điều quan trọng là được làm việc, được phục vụ. Vì vậy tôi đã trả lời là tùy các anh chị tổ chức, phân công về đâu em cũng sẵn sàng. Thời ấy tất cả anh em học sinh, sinh viên chúng tôi đều trả lời như thế khi được phân công công tác.

Thế là tôi về Bộ Ngoại giao, không đắn đo suy nghĩ, không lựa chọn, thật tình cờ, xem ra như có một cái duyên từ trước. Người đàn ông nhận tôi về Bộ và phân ngay cho chỗ ở tập thể 254B Thụy Khuê chính là anh Lợi ở Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Ngoại giao mà anh em đồng nghiệp cùng thời đều biết và quý trọng. Ngay ngày hôm sau tôi đã được lên nhận việc. Tôi đã choáng ngợp khi bước vào cổng Bộ, tòa nhà trăm mái đẹp nhất nhì Hà Nội đối với tôi lúc đó chẳng khác nào như một tòa lâu đài đẹp và uy nghiêm như trong cổ tích. Lúc ấy tôi cũng chưa biết được tòa nhà này sẽ gắn bó với tôi trong suốt cả cuộc đời, và cũng không bao giờ ngờ được rằng có một ngày Bộ Ngoại Giao lại phải trả ngôi nhà lịch sử và đẹp đẽ này mà Bác Hồ đã đích thân lựa chọn cho một cơ quan khác để rời đi trong quá trình phát triển Thủ đô.

Tôi được phân về phòng Phiên dịch. Người xuống cổng Bộ đón tôi là anh Nguyễn Tư Huyên, Trưởng phòng. Hôm ấy tôi thấy anh mặc chiếc áo cộc tay màu vàng, quần ka-ki ga-bạc-đin màu xám, đi dép dọ Tiền Phong là cách trang phục vào loại mốt nhất lúc bấy giờ. Đặc biệt ấn tượng là mái tóc bạc trắng của anh, rõ ràng trông anh còn trẻ khỏe, sắc mặt hồng hào mà tóc đã bạc trắng làm tăng thêm dáng vẻ của một cán bộ trí thức cách mạng. Tôi nhớ anh chỉ hỏi tôi mấy câu tiếng Anh thông thường rồi bảo tôi sáng hôm sau đi làm.

Tôi về làm việc ở Phòng Phiên dịch, Bộ Ngoại giao, tình cờ như thế nhưng tôi đã gắn bó với nó bằng cả trái tim và cuộc đời của một người phụ nữ, làm việc và cống hiến bằng nhiệt tình và trái tim tuổi trẻ, từng bước trưởng thành từ thực tiễn công tác và từ tình yêu thương, đoàn kết của đồng nghiệp. Cả đời gắn bó và trưởng thành ở Bộ Ngoại giao, nay ngẫm lại tôi thấy trong cái quyết định tình cờ ngày đầu ấy có cái gì cũng thật liều lĩnh. Lúc ấy tôi chẳng biết gì về ngoại giao, càng không biết được những gian nan nghề nghiệp nào đang chờ đợi một người phụ nữ. Hào quang tỏa sáng từ một nhà ngoại giao nữ tài ba là bà Nguyễn Thị Bình đã là thứ ánh sáng cuốn hút chị em phụ nữ chúng tôi vào cái nghiệp này. Nhưng không thể không nói tới những góc khuất của nó, những gian nan, trăn trở, thậm chí là hy sinh mà nhiều khi chỉ có chị em chúng tôi âm thầm tự chịu đựng và tự biết lấy mà thôi. Có một thiệt thòi mà ai cũng có thể thấy là rất nhiều nhà ngoại giao nữ ở các diễn đàn song phương hoặc đa phương phải sống độc thân hay ly dị. Đó là một hy sinh rất lớn của chị em bởi vì đã dấn thân vào cái nghiệp này thì phải đi ra ngoài, phải đi đứng họp hành, vậy thì làm thế nào để hài hòa được cuộc sống gia đình với công việc!

Hai lần được bổ nhiệm làm Đại sứ ở Áo và ở Ca-na-da, tôi đều nêu sáng kiến và tích cực vận động thành lập nhóm nữ Đại sứ. Nhóm này ở Áo có bảy vị thì chỉ có ba vị có chồng, còn lại đều độc thân hoặc ly dị. Ngoài mục đích tiếp xúc, trao đổi thông tin, quảng bá giới thiệu đất nước thì chúng tôi còn giao lưu tâm tình giữa những người phụ nữ đồng nghiệp với nhau, xem ra hầu như ai cũng có khó khăn về gia đình, nhất là câu chuyện vận động các ông chồng đi theo các bà Đại sứ. Không chỉ ở riêng Việt Nam mình đâu, ở nhiều nước cũng vậy, các bậc mày râu đâu có dễ dàng đi theo vợ như vợ đi theo chồng. Họ có công việc của họ, có sự nghiệp mà họ theo đuổi, có niềm vui, bạn bè của họ, và ở một số nước như nước ta thì trước hết họ là bậc mày râu, vượt qua được chính bản thân họ để đi theo vợ là đã khó lắm rồi. Khó lắm mới thuyết phục được và nếu các ông chồng thuận đi “ăn theo” vợ làm ngoại giao thì quả thực đó đã là một sự hy sinh đối với họ. Tôi may mắn có được một đức lang quân cảm thông và hết lòng hỗ trợ.

Với các đồng nghiệp là người nước ngoài cũng có nhiều chuyện tế nhị lắm mà cánh mày râu nếu không bao dung thì cũng khó mà thông cảm được. Không trách được họ. Còn nhớ khi ở Vụ Tổ chức quốc tế, tôi hay được tháp tùng bà Minh lúc ấy là Vụ trưởng. Bà là một nhà ngoại giao rất duyên dáng, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh tự học nhưng đủ để triển khai công việc, kiên quyết về nguyên tắc trong đàm phán thương lượng nhưng lại rất mềm dẻo, nhẹ nhàng trong biện pháp. Với tinh thần chiến đấu cao và hết lòng vì công việc, bà là thần tượng của giới nữ ngoại giao trẻ lúc ấy. Có lần đi dự một hội nghị quốc tế, khi đấu tranh về vấn đề chủ quyền của Căm-pu-chia, chủ tọa chỉ cho bà phát biểu trong một hai phút nhưng bà kiên quyết giữ mi-crô nói cho đến hết bài phát biểu của mình mà chủ tọa không thể cắt được. Tôi còn nhớ, sau hội nghị đó trong giao ban, khi nghe báo cáo chuyện này, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã vui đùa: các bà có cái gì để nó cắt đâu mà nó cắt!

Là cán bộ phụ trách về Ủy ban Mê-công và ESCAP, tôi thường được cùng bà đi dự một số hội nghị về lĩnh vực này. Tại một hội nghị của Ủy ban Mê-công mở rộng họp tại Viên chăn, Lào, một thành viên trong đoàn của Liên Xô có vẻ như dân KGB, lực lưỡng và vui nhộn, tò mò mà lém lỉnh nên hay trêu đùa tôi. Bà Minh biết rõ là ông ta có bản dự thảo nghị quyết của Hội nghị và rất muốn xem trước để hôm sau ra hội trường thì không bị bất ngờ điều gì. Bà bảo tôi phát huy sáng kiến xem có thể xin ông một bản sao được không. Nhiệm vụ nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng đối với tôi thật là khó khăn vì lúc đó đã quá 10 giờ tối, ai đã về nhà nấy cả rồi. Tôi cũng có thể nói với bà Minh để sáng hôm sau, nhưng như thế sẽ muộn. Nhớ tới cái dáng điệu ga-lăng của ông, tôi đánh liều nhấc máy điện thoại gọi cho ông ta. Ông ta vui vẻ cười vang trong máy và bảo tôi lên phòng ông ta thì ông ta đưa cho một bản. Thế là lại làm khó cho tôi, làm sao có thể một mình thân gái mà lên phòng ông ta vào lúc khuya khoắt thế này được. Tôi trả lời kiên quyết không. Sau một giây tôi thấy mình hơi quá đáng rồi ra sức thuyết phục ông ta vì điều này điều kia thì hãy cho tôi một bản nếu không tôi không hoàn thành nhiệm vụ với sếp của tôi. Ông ta lại bảo: vậy ông sẽ đến phòng tôi. Tôi bảo không được, tôi chuẩn bị ngủ rồi, ông cứ luồn qua khe cửa ấy. Ông bảo tôi sao mà đáo để thế. Không đáo để sao được, nhất là đối với mấy ông bạn đồng nghiệp châu Âu hay nghĩ “đơn giản sau khi đã có tí rượu. Khoảng nửa tiếng sau tôi thấy có tiếng sột soạt, nhìn xuống thấy có một bản phô-tô đang luồn vào khe cửa. Tôi gọi điện cám ơn ông và chúc ông ngủ ngon. Ông cười và bảo tôi thật ghê gớm. Sáng hôm sau gặp nhau ở hội trưởng cả hai cùng cười hóm hỉnh nhưng vui vẻ.

Tôi còn có một câu chuyện khác thuộc loại lý thú trong nghiệp ngoại giao. Một lần, vào năm 1982 tôi được cử tham dự Hội nghị về dân số Châu Á và Thái Bình Dương ở Cô-lôm-bô, thủ đô Sri Lan-ca. Chúng tôi được ở khách sạn Sa-phia là một khách sạn khá sang do Liên Hợp quốc đài thọ. Tôi thường mặc áo dài trong các phiên họp chính thức - lúc đó tôi trông cũng tạm được chứ không phải “eo voi” như bây giờ (theo ngôn từ của con tôi). Áo dài quả là thế mạnh của các nhà ngoại giao nữ chúng tôi. Bao giờ mặc áo dài đến các hội nghị hoặc nơi chiêu đãi chúng tôi đều nghe được những lời khen ngợi hoặc gây được sự chú ý. Từ câu chuyện áo dài chúng tôi thường dễ dàng chuyển sang những chủ đề khác mang tính ngoại giao và chính trị hơn, nếu là Đại sứ đi trình quốc thư thì tiết kiệm ối cho nhà nước vì không phải thuê chọn áo đuôi tôm bắt buộc. Những ngày ở khách sạn đoàn thì đông mà việc phục vụ ăn lại chậm, mọi người thường phải chờ rất lâu. Riêng tôi và anh trưởng đoàn cứ từ hội trường về, ngồi vào bàn là được phục vụ khá nhanh, rất thoải mái, điều đó không tránh khỏi ánh mắt nhận xét của nhiều thành viên trong các đoàn khác. Một anh bạn ở đoàn Tông-ga đến hỏi tôi rằng làm thế nào mà tôi có được sự ưu ái đó. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên vì cứ tưởng mọi người cũng được phục vụ nhanh chóng. Anh ta cười và bảo không có đâu rồi chỉ tay về góc phòng ăn, ở đấy có một thanh niên người Sri-Lan-ca trông cao to và khá điển trai đang ngồi trầm ngâm và thỉnh thoảng lại liếc nhìn tôi kín đáo. Ý anh bạn người Tông-ga là sự ưu tiên đến từ người ấy, tuy nhiên tôi vẫn không hiểu gì và rồi mọi chuyện vẫn thế qua đi trong những ngày hội nghị. Đến ngày sắp kết thúc, cũng trong bữa ăn, tôi nói với mọi người là làm thế nào có thời gian để đi mua một số đĩa nhạc dân tộc Sri Lan-ca làm kỷ niệm. Hôm sau, khi ở hội trường về, tôi ngạc nhiên thấy một túi to đĩa nhạc treo trước cửa phòng, qua bức thư nhỏ mới biết chính anh chàng Sri Lan-ca đã mua tặng cho tôi “sợ tôi không có thời gian để đi mua”. Đúng là một sự ngạc nhiên lý thú, tôi bèn đi tặng cho mỗi bạn trong đoàn khác mỗi người một đĩa để làm kỷ niệm, họ cảm ơn và mỉm cười hóm hỉnh. Tôi đi tìm anh để cảm ơn. Khi gặp, anh bảo tôi cứ từ từ để anh nói vì mọi việc không thể như cũ được, bây giờ chỉ có hai con đường. Tôi hỏi:

- Mọi việc không thể như cũ được nghĩa là làm sao?

- Từ hôm mới đến, tôi đã để ý cô. Tôi đã nghe nói về Việt Nam nhiều rồi nhưng chưa bao giờ gặp một người con gái Việt Nam mặc áo dài đẹp như cô cả. Và tôi đã… cô, tôi thấy mọi việc không thể như cũ được. Bây giờ chỉ có hai con đường, hoặc là tôi sang Việt Nam với cô hoặc là cô sang Sri Lan-ca với tôi.

Lúc này tôi hơi hoảng vì thấy anh rất nghiêm túc và chân thành mà tôi cứ tưởng chuyện đùa, nếu bây giờ tôi cứ tiếp tục giọng điệu tưng tưng thì sẽ là sự xúc phạm đối với anh.Vì vậy, tôi đành giở hết võ để giải thích rằng tôi rất trân trọng tình cảm đó song rất tiếc mọi sự đã được an bài trước đó rồi nên không thể phát triển gì hơn được, có lẽ chúng ta sẽ là những người bạn tốt của nhau. Đêm cuối cùng tại Cô-lôm-bô khi nhìn qua cửa sổ vẫn thấy anh quản lý dạo bước, tôi cũng thấy bùi ngùi nhưng cũng vui vì nghĩ rằng lại có thêm một người yêu tà áo dài và yêu quý Việt Nam.

Phụ nữ làm ngoại giao thường có những câu chuyện đại loại như thế. Cùng với tà áo dài, họ có nét duyên dáng, quyển rũ mà nói theo ngôn ngữ bây giờ là có một vẻ đẹp tiềm ẩn. Tuy nhiên, theo tôi còn phải có các tiêu chuẩn khác, nói nôm na là trong đầu phải có cái gì, tức là có nội dung để mà trao đổi, phải có công cụ giao tiếp, tức là phải thạo tiếng, phải có biện pháp đúng để giành được hiệu quả. Có được những yếu tố trên thì người phụ nữ làm ngoại giao có thể bớt đi được nhiều khó khăn thuộc về giới tính để đóng góp và trưởng thành.

Cả một đời làm ngoại giao, đến bây giờ nhớ lại, tôi tự thấy nếu như có thể quay ngược lại tuổi trẻ và nếu như hoàn cảnh lại đòi hỏi phải có những lựa chọn tức thời đầy bất ngờ thì có lẽ tôi lại chọn nghề ngoại giao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét