Thăng Sắc
Sống và làm việc ở Sứ quán không phải lúc nào
cũng chỉ có tiếp xúc, thương lượng, đón đoàn, nghiên cứu… Nhiều Cơ quan Đại diện
của ta còn có một mối quan tâm khác là lo đảm bảo an ninh cho Sứ quán, đảm bảo
an toàn cho cán bộ nhân viên và gia đình đi theo để có thể thực hiện thắng lợi
nhiệm vụ đối ngoại. Mối lo này tùy nơi tùy lúc mà nổi lên, nhất là ở những nước
đang có vấn đề nội bộ gay cấn hoặc ở những nước còn có một bộ phận người Việt
chống đối ta.
Thời gian tôi công tác
tại An-giê-ri (1993-1995) là thời gian nước này đang có nạn khủng bố trầm trọng.
An-giê-ri là một nước Bắc Phi giáp Địa Trung hải, thuận tiện giao thương, khí hậu
tốt, giàu tài nguyên nhất là dầu lửa… Người dân ở đây chủ yếu theo đạo Hồi. Tuy
nhiên những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo lúc bấy giờ đã dẫn đến việc tranh giành
quyền lực quyết liệt, đẩy nước này vào một giai đoạn khủng hoảng kéo dài. Lúc
tôi đến nhận công tác là lúc nạn khủng bố ở đây xẩy ra thường xuyên và khốc liệt
nhất, gần như không ngày nào là không có nổ bom hoặc các cuộc tập kích tấn công
vào các lực lượng công an và quân đội của chính quyền, thậm chí nhiều nơi người
dân còn bị hành quyết rất dã man như cứa cổ, cắt đầu. Vào lúc cao điểm nhất thì
các lực lượng chống đối mà tiêu biểu lúc bấy giờ là Mặt trận Hồi giáo cứu quốc
(FIS, thực chất là một đảng tôn giáo chính trị cực đoan) còn nhằm vào cả người
nước ngoài. Đã có nhiều người nước ngoài bị bắt, bị giết, thậm chí có những nhà
ngoại giao bị bắt cóc, nhiều cơ quan nước ngoài trong đó có một vài Sứ quán bị
đột nhập. Những việc này nhằm cô lập chính quyền lúc bấy giờ của Tổng thống
Giê-ru-an, ngăn chặn chính quyền này có quan hệ bình thường với các nước khác.
Trước tình hình đó nhiều cơ quan đại diện, nhất là các nước phương Tây, đã đóng
cửa và rút khỏi An-giê, có Sứ quán thu hẹp hoạt động, chỉ để lại Đại biện hoặc
người trông coi sứ quán, số còn lại thì tăng cường công tác an ninh bảo vệ, hạn
chế việc giao tiếp và đi ra ngoài cơ quan.
Tình hình trên đã tác
động không nhỏ tới công việc và tình cảm, tâm lý của cán bộ nhân viên Sứ quán
ta. Lúc ấy chúng tôi chỉ có ba sự lựa chọn: một là kiến nghị rút về như một vài
nước khác, hai là ngồi trong nhà đóng cửa và không có hoạt động gì, ba là nâng
cao tinh thần, tìm biện pháp tăng cường an ninh để duy trì hoạt động ngoại
giao.
Chúng tôi đã chọn
phương án thứ ba, bàn bạc với nhau tìm ra các phương án tự bảo vệ. Để chống đột
nhập theo kiểu nhảy tường vào Sứ quán, chúng tôi đã mua đinh to về rèn trên bếp
ga, làm thành các mũi chông có ngạnh cắm vào các miếng xi măng, tạo thành các
bàn chông rồi đem đặt chung quanh chân tường rào. Việc làm này xuất phát từ
kinh nghiệm của chiến tranh du kích trước đây. Anh em chúng tôi thường nói đùa
là bọn khủng bố mà có nhảy tường vào thì chúng sẽ bị xơi món chông của du kích Việt
Nam
trước đã. Tuy thế mọi người vẫn chưa an tâm, một câu hỏi đặt ra là nếu như bọn
khủng bố đã lọt được vào bên trong Sứ quán thì anh em lấy gì để chiến đấu chống
lại chúng, tự bảo vệ mình. Mọi người đều biết rằng cán bộ ngoại giao không được
mang theo súng và Sứ quán không được cất giữ vũ khí nếu không đăng ký và được
nước sở tại cho phép. Chúng tôi bàn với nhau là các công ước ngoại giao không cấm
cán bộ ngoại giao có súng săn, thế là sứ quán mua hai khẩu súng săn bắn đạn
chì. Có súng trong tay anh em vững tâm hẳn lên, ban ngày làm việc bình thường,
đêm đêm chia phiên nhau vác súng săn canh gác, nhờ thế mà giấc ngủ của những
người khác cũng ngon giấc hơn.
Có một câu chuyện rất
vui thế này: các Sứ quán lớn như Mỹ, Anh, Pháp… đều thương lượng với chính quyền
sở tại và được phép mang lính có vũ trang từ trong nước sang bảo vệ Sứ quán. Việc
bảo vệ của họ từ khi có khủng bố trở nên hết sức chi tiết và hiện đại, kể cả là
khách ngoại giao ra vào Sứ quán của họ cũng phải qua mấy lần cổng, rào chắn, kể
cả xe của Đại sứ cũng phải được dò mìn. Nhiều nước khác không đưa lính sang
nhưng có tiền thuê lính địa phương tăng cường. Các nước như Việt Nam thì chỉ
trông cậy vào các đơn vị gác thông thường của chính quyền sở tại cung cấp, mỗi
phiên chỉ một người. Có điều là những người này rất sợ bị khủng bố phóng xe qua
rồi bắn họ nên thường tìm chỗ kín để nấp, vì thế mà nhiệm vụ canh gác trở thành
sao nhãng. Bởi vậy những Sứ quán có kinh phí đã xây bốt gác bằng bê tông cho họ.
Sứ quán Việt Nam
thì không có tiền để xây bốt gác bê tông. Cái bốt gác trước cửa sứ quán Việt Nam nguyên là một
cái bốt gác gỗ. Chúng tôi bàn với nhau mua tôn dày về bọc lại, biến thành một
cái lô cốt bọc thép vững chắc, đạn thường không xuyên thủng được. Từ đấy lính
gác yên tâm đứng trong bốt, mấy anh lính gác sứ quán Sy-ri, I-rắc gần đấy cũng
chạy sang đứng cùng trong bốt gác của sứ quán Việt Nam cho an toàn, vô hình chung mà sứ
quán mình được tăng cường lính gác.
Những việc làm ấy chẳng
qua cũng được ló ra từ trong khó khăn mà thôi, tuy nhỏ nhưng có tác dụng nâng
cao tinh thần cán bộ nhân viên sứ quán. Nó cũng là những kỷ niệm khó quên của một
lần đi Sứ trong đời làm cán bộ ngoại giao.
Lại có một kỷ niệm
khác liên quan đến khủng bố khi tôi mới đến Pháp nhận nhiệm vụ. Đấy là vào khoảng
tháng 5 năm 1996. Hôm ấy vào buổi sáng tôi đi viếng ông trưởng đoàn ngoại giao
vừa qua đời. Khi về tới phố Boa-lô là phố có Sứ quán Việt Nam thì thật ngạc
nhiên thấy rất đông cảnh sát Pháp, về đến Sứ quán thì hốt hoảng thấy cái cổng
cho xe ô tô ra vào của sứ quán bị húc đổ, bên cạnh đó là một cái xe ủi loại nhỏ
nằm tênh hênh. Tôi vội hỏi anh em thì được biết có một tên khủng bố vừa húc đổ
cổng sứ quán bằng chiếc xe ủi này. Tên này đã bị anh em nện cho một trận và bắt
trói lại, lấy lời khai thì hắn khai tên là Trần Hồng. Trong hồ sơ của ta, Trần
Hồng là một tên chống cộng có tiếng, vụ việc tuy không lớn nhưng chúng tôi nhận
định kẻ chủ mưu làm việc này cốt là để gây tiếng vang, vì vậy ta cần làm những
việc hạn chế cao nhất âm mưu này. Tôi đề nghị anh em nghiệp vụ khẩn trương lấy
lời khai, lập biên bản để có thể nhanh chóng giao lại tên này cho cảnh sát
Pháp, không lưu giữ hắn lâu ở Sứ quán. Đồng thời anh em cần nhanh chóng dựng lại
cái cổng để khi nhìn từ bên ngoài vào thì không ai có thể có nhận xét gì. Khi
làm việc với phía Pháp, chúng tôi đều nhấn mạnh đây là một hành động khủng bố
có tính toán từ trước và không loại trừ có đồng lõa vì nếu không thì khó có thể
đưa được chiếc xe ủi vào nội thành như vậy, đòi hỏi phía Pháp phải tăng cường
bào vệ an ninh cho sứ quán Việt Nam. Mặt khác chúng tôi cũng đề nghị Bộ Ngoại
giao bạn phải nhanh chóng sửa chữa cổng ra vào của Sứ quan. Sau khi giằng co đấu
đi đấu lại thì Pháp đã nhận trách nhiệm sửa chữa lại cái cổng này.
Nhờ
tinh thần cảnh giác, anh em ta đã nhanh chóng khống chế được Trần Hồng ngay khi
hắn vừa vào sân Sứ quán. Một phần khác cũng nhờ cái sân Sứ quán dốc, cái xe ủi
lao xuống xuýt bị đổ làm cho tên khủng bố trên xe lúng túng. Chỗ này tôi muốn kể
thêm là có nhiều người chê kiến trúc Sứ quán ta ở Pháp vừa xấu vừa lủng củng.
Thực ra thì vị Kiến trúc sư là ông Võ Thành Nghĩa đã thực hiện ý tưởng một kiến
trúc khép kín, hơi giống như một cái lô cốt để khi bị tấn công thì có thể cố thủ
bên trong mà chống trả. Ông Nghĩa có lần nói ông thực hiện ý tưởng ấy là vì lúc
bấy giờ đang có chiến tranh lạnh, có hai phe, ta là nước cộng sản lại ở trong
lòng một nước tư bản nên cần kiểu kiến trúc như thế. Qua vụ cái xe ủi của tên
khủng bố bị khựng lại do sân Sứ quán dốc mới thấy cái ý tưởng kiến trúc ấy của
kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa thật lợi hại tuy Sứ quán không thật hoành tráng lắm.
Sau khi giải quyết hậu quả xong, tôi đã bàn với Trưởng Đại diện Hàng không Việt
Nam ở Pa-ri lúc ấy là anh Quy thưởng cho số anh em có công trong vụ bắt Trần Hồng
mỗi người một vé đi về kèm với mười ngày phép, anh em đều vui vẻ lắm.
Thời
gian công tác ở Căm-pu-chia tôi cũng có một kỷ niệm thú vị. Căm-pu-chia là nước
quân chủ, lại theo chế độ đa đảng nên có nhiều đảng phái hoạt động. Đây lại là
nước có đạo Phật là Quốc đạo nên các nhà sư rất được tôn kính. Các đảng phái đối
lập với đảng cầm quyền của Hun Sen (CPP) thường lợi dụng các vấn đề tôn giáo, sắc
tộc (người Khmer Crôm) hoặc vấn đề lãnh thổ để chống lại chính quyền, chống phá
tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Căm-pu-chia. Vào tháng 6 hàng
năm, một số phần tử xấu thường lợi dụng vấn đề Khmer Crôm để biểu tình qua Sứ
quán với cái mà chúng gọi là khẩu hiệu đòi đất Nam Bộ. Chính quyền thành phố
Nông Pênh không cấm các cuộc biểu tình này vì họ có chế độ tự do biểu tình, tuy
nhiên thường ngăn chặn từ xa, không để biểu tình quá gần Sứ quán. Có một lần những
người biểu tình trong trang phục của các nhà sư đã tìm được cách vượt qua cảnh
sát đến sát ngay tường Sứ quán và họ ngồi đấy rất lâu. Cảnh sát không thể kéo họ
đi được vì làm như thế sẽ xẩy ra xô xát. Họ cứ ngồi sát tường Sứ quán để đòi gặp
cán bộ ta đưa kiến nghị, bất chấp cả trời nắng gắt. Bỗng nhiên không có ai đuổi
họ đi mà thấy họ lục tục đứng lên, phủi quần áo, gãi đầu gãi tai rồi tản đi ra
xa khỏi chân tường, sang hẳn phía bên kia đường. Sau tìm hiểu lý do không đuổi
mà đi là thế này: vốn là trong sứ quán sát ngay tường rào có mấy cây xoài, cành
vươn ra cả vỉa hè ngoài đường, trên cành có rất nhiều tổ kiến càng, kiến trong
tổ đông nhung nhúc. Một vài anh em đã có “sáng kiến” kín đáo leo lên những cây
xoài này, rung cho tổ kiến rụng xuống, kiến rơi như mưa, bò lung tung, dính vào
người đám biểu tình mà chích mà đốt, ngứa ngáy không thể chịu được. Dưới trời nắng
ở Nông Pênh mà bị kiến càng vây lấy đốt thì rõ là không đuổi cũng phải chạy, chạy
mà không phản đối được cảnh sát ngăn cấm biểu tình.
Thật là một sáng kiến
đấu tranh hy hữu, và loại sáng kiến này cũng chỉ có thể có được ở những địa bàn
đặc biệt như địa bàn Căm-pu-chia!
Ngoại giao cũng là một MẶT TRẬN đầy CAM GO đấy chứ ! Bái phục !
Trả lờiXóa