Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

VỤ THÔNG TIN BÁO CHÍ VÀ NHỮNG CHUYẾN ĐI

Nhiều bạn trẻ do chưa tìm được cuốn "Chuyện nghề chuyện nghiệp ngoại giao" nên có gợi ý với Lều văn có thể giới thiệu lên mạng. Đáp ứng gợi ý này đồng thời cũng để giới thiệu cuốn sách được rộng rãi hơn với bạn đọc, Lều văn xin giới thiệu dần trong chuyên mục Kể chuyện ngoại giao. Xin bắt đầu bằng câu chuyện "VỤ THÔNG TIN BÁO CHÍ VÀ NHỮNG CHUYẾN ĐI" của một tác giả nữ rất nổi tiếng, bà Hồ Thể Lan.(Bà Hồ Thể Lan vào ngành Ngoại giao từ năm 1958, 27 năm công tác tại Vụ Thông tin Báo chí, nguyên là Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao từ 1987 đến 1996.)


Cuối năm 1967 tôi được chuyển từ Trường Cán bộ Ngoại giao (bây giờ là Học viện Ngoại giao) về Bộ Ngoại giao, được phân công về Vụ Thông tin Báo chí (TT-BC). Lúc này Mỹ đang tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc, máy bay Mỹ liên tục ném bom, bắn phá nhiều tỉnh thành, gây ra biết bao tội ác đối với người dân thường. Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của người dân miền Bắc trong khi người dân miền Nam liên tục tiến công giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Trong tôi không bao giờ phai mờ ký ức về ba trận bom “đáng nhớ” của không quân Mỹ. Ngày 5/8/1964 gia đình tôi đang ở Sầm sơn, Thanh Hóa bỗng thấy mấy chiếc máy bay phản lực xé không gian vút qua bầu trời cứ tưởng là máy bay ta. Ngờ đâu đó là máy bay Mỹ lần đầu tiên ném bom bắn phá miền Bắc nước ta, mở đầu cho “chiến tranh phá hoại” miền Bắc. Lần thứ hai là năm 1967, đang ở nhà thì thấy còi báo động trên nóc Nhà hát lớn rú lên, hàng đoàn máy bay Mỹ xà xuống ném bom, bắn phá Hà Nội, đứng trên gác hai chúng tôi thấy rõ đụn khói đen đùn lên bên Gia lâm, sau mới biết đó là Kho dầu Đức giang, đánh dấu việc Mỹ leo thang trực tiếp đánh phá thủ đô Hà Nội. Và lần thứ ba là 12 ngày đêm tháng 12/1972 máy bay chiến lược B-52 tập kích Hà Nội. Lúc đó tôi ôm con trai nhỏ vào lòng và cháu gái lớn nép sát vào người tôi, ngồi dưới hầm mà thấy đất rung lên từng hồi, tiếng máy bay ù ù như cối xay lúa cứ tưởng khó qua khỏi, không biết có gặp lại chồng đang đi công tác xa không? Tôi không thể nào tả lại bằng lời cảm xúc ghê rợn và uất ức trào dâng lúc ấy trước những tội ác man rợ đối với dân ta. Đó là ba cái “mốc nổi bật” đánh dấu ba thời kỳ vậy thôi chứ suốt những năm tháng ấy đạn bom vang rền, do đó công việc của tôi ở Vụ TT-BC chủ yếu gắn với việc vạch trần tội ác chiến tranh của Mỹ, giới thiệu cuộc chiến đầu ngoan cường của quân dân ở cả hai miền Nam - Bắc cũng như lập trường ngoại giao của ta. Nếu trên thế giới có khái niệm “phóng viên chiến trường” thì cũng có thể gọi hoạt động của chúng tôi trong những năm tháng đó là “TT-BC chiến đấu”.


 Đang là một cán bộ giảng dạy môn tiếng Nga, lại ở nơi trường sơ tán là huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, nay về Bộ làm việc đòi hỏi tôi phải nhanh chóng hòa mình vào không khí khẩn trương, sôi động. Vụ trưởng Vụ TT-BC lúc bấy giờ là ông Ngô Điền, có hai Vụ phó là ông Nguyễn Thiện Tuấn và ông Trần Mỹ. Vụ có ba phòng là Phòng Phóng viên, Phòng Tuyên truyền và Phòng Lập luận. Phòng Phóng viên phụ trách khối phóng viên nước ngoài thường trú ở Hà Nội. Phòng Tuyên truyền phụ trách việc phối hợp với các cơ quan tuyên truyền trong nước, lúc ấy chủ yếu là Thông tấn xã, Đài Phát thanh, Báo Nhân Dân, Báo Quân Đội Nhân Dân và Hà Nội Mới, sau có thêm báo Đại Đoàn kết. Phòng Tuyên truyền còn làm công việc phối hợp với các tùy viên báo chí của ta ở các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, quan hệ với các tùy viên báo chí nước ngoài ở Hà Nội. Phòng Lập luận chuyên nghiên cứu về lập luận và dự thảo trả lời phỏng vấn, mở đầu cho công tác “phát ngôn Bộ Ngoại Giao” sau này. Tôi nhớ Vụ TT-BC đã có mối quan hệ phối hợp công tác rất chặt chẽ với Ban Tuyên Giáo Trung ương.
 Bà Hồ Thể Lan trong buổi giới thiệu sách "Chuyện nghề chuyện nghiệp ngoại giao"

Do chuyên về tiếng Nga nên tôi được phân công về Phòng Phóng viên để làm việc với nhóm phóng viên Liên Xô và các nước Đông Âu.
Đối với tôi, Vụ trưởng Ngô Điền không chỉ là một Thủ trưởng, ông còn là một người anh, người thầy. Ông là một nhà báo, một nhà ngoại giao lão luyện, trong những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, từ núi rừng Việt Bắc ông đã từng “xuất ngoại” đóng vai nhà báo qua Thái Lan, Ấn Độ, châu Âu, đã từng tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 rồi một thời hoạt động ở Trung Quốc. Ông có dáng vẻ nho nhã, điềm đạm, dù công việc bận rộn, căng thảng tới đâu vẫn thư thái, nói năng nhỏ nhẹ với cái giọng còn nặng âm sắc “xứ Quảng” và miệng luôn mỉm cười, rất dễ gần dễ mến. Ông thường thân mật hỏi thăm tôi về cuộc sống nơi sơ tán, về gia đình khiến tôi bớt đi được rất nhiều những ngại ngùng trong công việc vào những ngày đầu. Đặc biệt ông còn giảng giải cho tôi về những yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại mà đối với tôi lúc ấy vẫn còn là một khái niệm mới mẻ.
  Tôi không bỡ ngỡ khi lần đầu gặp các phóng viên nước ngoài thường trú tại Hà Nội. Khi làm việc với họ tôi hiểu được rằng, tuy mình là nhà ngoại giao nhưng phải rất chân tình và thẳng thắn đối với họ vì họ là các nhà báo thông minh, nhậy cảm và cũng rất thẳng thắn, khác hẳn với các tùy viên báo chí là các nhà ngoại giao. Khi có điều gì cần tìm hiểu thì các nhà báo hỏi thẳng, trong khi các nhà ngoại giao rất “vòng vo”. Còn nhớ lúc ấy có phóng viên một số nước Xã hội Chủ nghĩa như Liên Xô (phóng viên hãng thông tấn TASS, hãng thông tấn Nô-vô-xti, báo Tin tức, báo Sự thật, báo Lao động, báo Thanh niên,…), Trung Quốc (phóng viên Tân Hoa Xã), Cộng Hòa Dân Chủ Đức (ADN), Ba Lan (PAP), Hung-ga-ri (Nếp-xa Bô-xắc), Tiệp khắc (CTK), Thông tấn xã Cu Ba (Pren-xơ La-ti-na)… Ngoài ra còn có nhóm phóng viên báo Đảng, gồm có báo Nhân Đạo (Đảng Cộng sản Pháp), báo U-ni-ta (Đảng Cộng sản Ý), báo A-ka-ha-ta và truyền hình NDN (Đảng cộng sản Nhật). Từ các nước tư bản duy nhất chỉ có phóng viên hãng AFP của Pháp sau này thêm Roi-tơ của Anh. Ngoài ra chúng tôi còn phải thu xếp cho nhiều phóng viên các nước không thường trú vào hoạt động nghiệp vụ ở nước ta.
 Lúc bấy giờ thế giới đang có “chiến tranh lạnh”, chia làm hai phe đối đầu là phe Xã hội chủ nghĩa và phe Tư bản chủ nghĩa. Ngay trong nội khối Xã hội chủ nghĩa cũng nẩy sinh những rạn nứt giữa Liên Xô và Trung Quốc. Điều này đã tác động không ít tới các phóng viên nước ngoài thường trú ở Hà Nội. Tôi để ý thấy trong sinh hoạt họ cũng thường chia thành từng nhóm, giữ gìn ý tứ, ít gần gũi với nhau, nhiều khi còn không chào hỏi lẫn nhau, chỉ khi đi công tác cùng đoàn do Vụ TT-BC tổ chức, thăm nơi bị bom Mỹ tàn phá, gặp những nông dân điển hình trong lao động sản xuất… họ mới quây quần với nhau, khi thì quanh mâm cơm đạm bạc do Ngoại vụ địa phương đãi, lúc thì bên vò rượu cần của người dân mời, cởi mở, vui vẻ, không còn sự cách biệt. Tôi nghĩ chính thực tế cuộc sống gian lao mà sinh động của dân mình đã làm cho họ gần gũi, gắn kết lại với nhau, bớt đi những khác biệt về ý thức hệ lúc bấy giờ còn rất nặng nề.
Dù chính kiến khác nhau nhưng tất cả họ đều là những con người bình thường với những đức tính hay và cả tật dở. Một lần vào Quảng bình, có thể gọi là địa đầu miền Bắc, giáp với vĩ tuyến 17, chúng tôi đương nhiên phải rất quan tâm chăm sóc họ, thậm chí tối tối trước khi đi ngủ tôi còn phải đi “tuần tra” một lượt xem mọi sự đã yên hàn chưa. Tối hôm đó tôi đếm giầy dép đủ “quân số” (chắc các bạn trẻ đọc tới đây sẽ cười về sự tuần tra kỳ lạ như vậy) nên mới đi nằm. Nhưng một lúc sau bỗng chị Hồng, cán bộ Ngoại vụ địa phương lôi tôi dậy nói: ra nhận người về! Hóa ra mấy ông bạn Nga đã lẻn đi tắm ở hồ chứa nước Bầu Chó, nơi được canh phòng cẩn mật nên bị dân quân giữ! Một lần khác vào miền Nam sau ngày mới giải phóng, anh bạn Pren-xơ La-tin-na từ Cu Ba thấy người ta ăn sầu riêng bèn nhăn mặt, bịt mũi; tôi khuyên anh cứ bịt mũi mà ăn, sau khác nghiện. Nghe tôi anh đã nhắm mắt, bịt mũi ăn đại một miếng sầu riêng, tới cuối chuyến đi anh đã trở thành “con nghiện” sầu riêng. Rồi có một cô phóng viên Roi-tơ rất sinh đẹp, tài ba, phải cái tội “dị ứng” với cái cô gọi là “chủ nghĩa cộng sản”. Thế nhưng một lần cô được anh Sáu Dân (tức Thủ tướng Võ văn Kiệt) tiếp chuyện; những lời nói chân tình và những câu chuyện rất “đời thường” của ông về chiến tranh, về sự nghiệp của dân tộc ta đã cảm hóa được cô; sau đó những bài viết của cô về Việt Nam khác hẳn.
Làm việc với phóng viên nước ngoài, nhất là từ các nước phương Tây, chúng tôi luôn luôn tâm niệm rằng, không thể đòi hỏi họ viết hệt như ta; nếu bài của họ thuận cho ta dăm bẩy phần đã quý lắm rồi. Nếu ta hiểu được họ, chân thành với họ thì chính họ là “đội quân đặc dụng” vì tiếng nói của họ được dư luận tiếp thu dễ dàng hơn.
Bộ Ngoại giao nói chung và Vụ TT-BC nói riêng đã luôn luôn quan tâm thúc đẩy công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, coi trọng việc phối hợp với các đơn vị khác trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh nên việc phối hợp không phải lúc nào cũng thuận lợi, mọi người còn rất ngại tiếp xúc với người nước ngoài, nhất là tiếp xúc với các phóng viên nước ngoài. Các phóng viên nước ngoài có yêu cầu gặp gỡ, khai thác tin tức từ các Bộ, Ban, Ngành và các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, không qua Vụ TT-BC Bộ Ngoại giao thì không thực hiện được. Nhớ lại, do hoàn cảnh ấy, khi mới về Vụ ông Ngô Điền giao cho tôi thảo một công văn gửi các Bộ, ngành và các địa phương, đề nghị giúp đỡ, tạo điều kiện cho phóng viên nước ngoài hoạt động. Tôi nghĩ đây là việc đơn giản nên mới mượn anh chị trong Phòng Phóng viên một công văn cũ, đem ra thay đổi ngày tháng, thêm nội dung yêu cầu vào, còn mẫu mã để y nguyên, việc xong rất nhanh rồi đem trình cho Thủ trưởng. Xem xong bản dự thảo, ông Ngô Điền gọi tôi vào, cười bảo:
- Thể Lan dùng nhiều chữ “quý cơ quan” quá! Nhiều “quý” quá thành rườm rà, không cần đâu. Thể Lan về viết lại, đơn giản thôi, cứ nghĩ kỹ thấy mình cần cái gì thì viết ra cái đó.
Ông Ngô Điền nói với tôi điều đó một cách hết sức giản dị. Giản dị nhưng những điều ông nói đã lưu lại mãi trong đời tôi, như một bài học đầu tiên về sự giản dị, về sự trong sáng và khúc chiết khi diễn đạt và nhất là về cách giúp đỡ, chỉ bảo cho cán bộ trẻ dưới quyền mình. Về sau này, mỗi lần có điều gì cần góp ý với các đồng nghiệp trẻ tôi đều nhớ đến ông Ngô Điền khi góp ý cho tôi: mủm mỉm cười, nhẹ nhàng xen chút hóm hỉnh, thật dễ tiếp thu.
Không chỉ là người thủ trưởng luôn quan tâm chỉ bảo giúp đỡ cán bộ cấp dưới, ông Ngô Điền còn là người có tầm nhìn rộng và rất nhậy bén trong công tác tuyên truyền. Vào tháng 4 năm 1975, khi thành phố Đà Nẵng vừa được giải phóng, ông Ngô Điền đã chỉ đạo tổ chức cho phóng viên nước ngoài đi thực tế ngay. Ông cử tôi sang Ban Thống nhất để trình bày yêu cầu này. Tôi xin gặp ông Đặng Thí, lúc đó là thủ trưởng của Ban. Tôi không nhớ rõ tôi đã nói gì và như thế nào nhưng sau một thời gian “thuyết phục” thì ông đồng ý tổ chức chuyến đi cho tất cả phóng viên nước ngoài đang có mặt ở Hà Nội, hơn thế nữa bằng một chuyến chuyên cơ I-ắc-42. Ông còn hỏi tôi “tại sao cô biết mà tìm tôi”, tôi hồn nhiên trả lời: “em không biết anh là ai đâu nhưng việc cần phải làm thì phải làm thôi”. Chuyến đi đã được chuẩn bị tỉ mỉ và công phu, gây được tiếng vang lớn trong dư luận quốc tế. Các phóng viên nước ngoài rất vui mừng được là những nhân chứng đầu tiên của một thành phố lớn vừa được giải phóng. Qua chuyến đi này, họ đã đánh giá rất cao tính chuyên nghiệp và sự nhậy bén của Vụ TT-BC.
Tôi nghiệm ra rằng cách tuyên truyền tốt nhất là để cho phóng viên thấy tận mắt, nghe tận tai người thật, việc thật. Một lần, tôi đưa đoàn phóng viên vào A Lưới tìm hiểu thực tế. Một bí thư chi bộ trẻ măng đã trình bày một cách hết sức thuyết phục về những công việc của địa phương. Qua những điều anh nói, tôi cảm thấy như anh đã hòa mình với người dân và là thủ lĩnh thực sự của họ. Hình ảnh người dân và người bí thư chi bộ trẻ ấy đã làm cho các phóng viên thấy được tinh thần hy sinh gian khổ, ý chí vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn ở chốn vùng sâu vùng xa này. Riêng đối với tôi, bỗng chốc tôi thấy mọi tính toán thắc mắc cá nhân đều chẳng là cái gì, kể cả những đóng góp của mình cũng rất nhỏ bé trước những hy sinh và ý chí vươn lên của người dân ở đây.
Những năm tháng chiến tranh khó khăn gian khổ, nhiều khi nguy hiểm, là những năm tháng đẹp đẽ, để lại bao nhiêu kỷ niệm không phai mờ.
Có lần tôi được phân công đi sân bay đón ông Xôn-xép, phóng viên Đài phát thanh Liên Xô. Khi xe chúng tôi vừa qua cầu Long Biên thì có báo động. Tiếng còi báo động phát ra từ Nhà hát lớn như sát ngay bên tai. Tôi lập tức giục ông Xôn-xép xuống xe và tìm được một cái hầm cá nhân. Lúc bấy giờ ven đường thường có những cái hầm cá nhân được đúc bằng xi măng, tròn như cái cống, có nắp để sẵn ở trên, khi báo động người ta tụt xuống rồi tự đậy nắp lại. Tôi giục ông Xôn-xép xuống hầm nhưng ông không chịu. Ông nhường tôi xuống hầm vì tôi là phụ nữ. Tôi cũng không chịu, tôi là chủ nhà, là người đang trực tiếp tham gia chiến đấu, còn ông là khách, ông phải xuống hầm, đó là mệnh lệnh, ông phải nghe theo mệnh lệnh của tôi. Ông Xôn-xép đành chịu thua, tụt xuống hầm một cách khó nhọc vì ông quá to béo. Tôi đứng trên miệng hầm, hoàn toàn không có cảm giác sợ hãi trước tiếng máy bay như xé vải và trước cảnh đạn phòng không của ta bắn lên nở tung ra như pháo hoa trên trời. Câu chuyện vui và nực cười nhất là khi máy bay địch đã đi xa, báo động yên rồi thì chúng tôi phải vất vả lắm mới giúp ông Xôn-xép lên khỏi cái hầm cá nhân. Ông vừa béo, vừa to, không thể nào tự mình lên được, tôi phải nhờ anh lái xe giúp kéo ông lên, vừa kéo vừa đỡ ông ra khỏi hầm. Buồn cười quá! Trong xe trên đường về khách sạn, lúc ấy chỉ có một khách sạn dành cho người nước ngoài là khách sạn Thống Nhất mà bây giờ đã thành khách sạn Mê-trô-pôn, ông Xôn-xép cứ hết lời cám ơn tôi đã nhường ông cái hầm trú ẩn cá nhân, khen tôi là dũng cảm. Tôi nói với ông đó là cuộc sống thường ngày của chúng tôi, còn ông, từ một đất nước xa xôi và yên bình đến đây để chứng kiến cuộc sống thường ngày ấy, việc buộc ông vào hầm trú ẩn không chỉ là trách nhiệm của chúng tôi mà ông xứng đáng được như thế. Tôi còn trêu ông rằng, lần sau chúng tôi sẽ đúc những cái hầm cá nhân to hơn cho những người bạn Liên Xô to béo như ông. Chúng tôi cùng cười. Chắc đấy là những ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam trong chiến tranh và ấn tượng này đã được ông Xôn-xép kể lại trong loạt bài viết của ông sau chuyến đi.
 Một lần khác vảo khoảng năm 1972, tôi cùng đoàn phóng viên nước ngoài đi Hải phòng chứng kiến cảnh Mỹ ném bom vào trường học và khu dân cư. Khi đến nơi, tôi chết lặng nhìn cảnh tan hoang, chết chóc. Tôi ngây dại khi thấy xác một em học sinh bị bom giết hại, lúc ấy trong tôi trào dâng tình cảm đau đớn xen lẫn uất hận và căm thù, nước mắt tuôn chảy như chính người thân mình vừa bị giết hại. Tôi cứ đứng như thế, không biết bao lâu, quên cả các phóng viên. Sau nghe kể lại, các phóng viên nước ngoài thấy tôi bị sốc như thế đã muốn đến khuyên nhủ, an ủi tôi, kéo tôi về công việc nhưng đã bị phóng viên Hung-ga-ri là ông Pan-tốt ngăn lại và nói: cứ để im cho bà Lan đứng như thế, đừng kéo bà ấy về công việc vội. Điều ấy chứng tỏ ông Pan-tốt đã hiểu được lòng tôi, như thế cũng là đã hiểu và muốn chia xẻ những đau đớn, mất mát mà mỗi người Việt Nam phải gánh chịu lúc bấy giờ. Ông Pan-tốt cũng là một phóng viên to béo, đặc biệt có cái bụng rất phệ, chúng tôi thường gọi đùa ông là “ông Tốt bụng”.
Vụ ấy chỉ là một trong rất nhiều vụ ném bom bắn phá của không quân Mỹ gây ra những tội ác trời không dung, đất không tha đối với dân ta. Do chiến tranh nên chúng tôi luôn lên đường vào sáng sớm tinh mơ hay là lúc chiều muộn và ban đêm. Đáng ngại nhất là những lần phải qua sông, qua phà, đặc biệt là những trọng điểm bắn phá như sông Gianh chẳng hạn. Thời gian đã lui xa về quá khứ nhưng trong tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh các “o” dân quân nai nịt gọn gàng, súng trên vai, tay cầm đèn bão hướng dẫn cho xe xuống phà và những tiếng xích sắt neo phà loảng xoảng, tiếng xe lăn lộc cộc trên cầu, lúc có báo động tèn tắt phụt, trên bầu trời đen lửng lơ pháo sáng lập lòe như ma trơi hay những đường đạn vun vút xé màn đêm.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, việc tổ chức thành công một chuyến đi cho phóng viên nước ngoài rất công phu, việc chuẩn bị phải hết sức tỉ mỉ. Trước hết phải xác định rõ nội dung, cần giới thiệu cái gì cho phóng viên thấy, nói cái gì cho họ nghe. Các địa phương có trăm công nghìn việc liên quan đến sản xuất, chiến đấu, chăm lo cho đời sống người dân nên rất ngại tiếp khách, nhất là nhà báo nước ngoài, vì thế nhiều khi Vụ TT-BC phải ra sức thuyết phục họ mới chịu nhận. Địa phương nhận rồi lại lo liên hệ với các Ngoại vụ, các nhà “Giao tế” (nhà khách chuyên để đón khách nước ngoài) để thu xếp chỗ ăn, chỗ ngủ. Nói đến các nhà “Giao tế” của mình lúc bấy giờ có những chuyện cười ra nước mắt. Một lần phóng viên Pháp AFP đi về Thái Bình tìm hiểu cuộc sống lao động sản xuất ở đây. Khi lễ tân đưa lên nhận phòng được một lúc thì bỗng ông ta đùng đùng bỏ ra về. Tìm hiểu mãi mới biết khi vào phòng, ông phóng viên thấy cái rèm cửa treo phía ngoài cửa sổ, ông ta cho rằng làm như thế là để theo dõi ông ta. Kỳ thật treo cái rèm như thế là vì anh em ta không hiểu, có ở nhà Tây bao giờ đâu mà biết treo rèm, đáng lẽ treo phía trong cửa sổ thì lại đem treo phía ngoài, thế thôi chứ làm gì có ai theo dõi! Phóng viên AFP lúc bấy giờ thường có mặc cảm bị ta phân biệt đối xử. Bài và tin của AFP thường phải duyệt trước khi cho phát đi, không có chữ ký của Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Ngô Điển thì không ai chuyển. Một lần phóng viên đưa một bài để phát vào lúc muộn, đã quá chín giờ tối. Anh Nguyễn Văn Thập, một cán bộ của Vụ đang trực buổi tối, phải cầm bài đến cho ông Ngô Điền ở số 26 phố Hàng Chuối thì cổng đã khóa. Gọi mãi không được, lúc ấy làm gì có điện thoại di động, cũng chẳng có chuông điện như bây giờ, anh Thập đành trèo tường vào để xin cho được chữ ký kịp phát trước mười giờ, chẳng ngờ bị người dân cảnh giác phát hiện, hô hoán lên tưởng trộm đột nhập, may có ông Ngô Điền nhận cho.
Thời kỳ ấy tổ chức cho một đoàn đông phóng viên đi thực tế thường có người phụ trách chung, người lo hậu cần, anh em phiên dịch và lái xe. Người lo hậu cần phải cân đối kỹ các suất ăn để còn mang theo tem gạo, tạm ứng tiền, mang theo chè Ba Đình, thuốc lá Điện Biên, Tam Đảo là những thứ sang nhất lúc bấy giờ cho các nhà “Giao tế” có cái tiếp khách. Anh em lái xe phải lo đủ xăng chạy đường dài, tôi nhớ họ đổ đầy xăng vào các thùng phuy rồi buộc chặt sau xe, ngồi trong xe tha hồ hít mùi xăng. Lúc bấy giờ phần lớn là đi xe Gát (GAZ) hoặc xe Bắc Kinh, khỏe nhưng sóc, có lúc phải bỏ đá lên xe cho đỡ sóc, cửa luôn mở toang cho mát vì lấy đâu ra điều hòa nhiệt độ trong xe như bây giờ.
Năm 1972 ta giải phóng Đông Hà, Quảng Trị, lần đầu tiên cầu Hiền Lương được nối liền. Cây cầu nối hai bờ sông Bến Hải này là một vật chứng lịch sử của nỗi đau chia cắt đất nước trong một thời gian dài. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn nên Vụ Thông tin Báo chí tổ chức chuyến công tác cho các phóng viên nước ngoài vào Vĩnh Linh, thăm cầu Hiền Lương, kết hợp thăm một số địa phương trên đường đi. Biết là chuyến đi sẽ rất gian khổ nhưng mọi người đều vô cùng háo hức. Lần đầu tiên tôi được giao phụ trách một đoàn nhiều phóng viên trong một chuyến đi xa như thế. Còn có hai cán bộ của Vụ cùng đi là anh Đỗ Công Minh và anh Trần Huy Đàn, các anh đã san xẻ bớt cho tôi nỗi lo đường dài.
Chỉ riêng chặng đường từ Hà Nội đến Nghệ An chúng tôi đã mất gần mười tiếng đồng hồ. Trên đường đi chúng tôi được chứng kiến cảnh bà con xã viên hợp tác xã làm đồng, phấn khởi nhưng quá vất vả, các em nhỏ chân đất mũ rơm đến trường, vui nhưng thiếu thốn. Phong cảnh hai bên đường đi thật đẹp nhưng ở đâu cũng thấy cái nghèo, cái khó phơi bày ra. Đó là thực tế đất nước lúc bấy giờ, điều cốt yếu là muốn cho các phóng viên thấy bên cạnh cái nghèo khó thấy được quyết tâm của người dân ở hậu phương.
Khi đến Giao tế Nghệ an, mọi người bước ra khỏi xe nhìn thấy nhau đều phá lên cười. Các em, các cháu ở Giao tế mặc quần áo đẹp ra đón khách, nhìn thấy khách cũng phá lên cười. Hóa ra bụi đỏ trên đường đi đã nhuộm đỏ chúng tôi, tóc đỏ, mặt đỏ, quần áo đỏ, trông chúng tôi chẳng khác nào những người vừa đến từ sao Hỏa. Lại thấy ông Lê-vin, phóng viên báo Thanh niên Liên-xô, quần áo bê bết bụi khệ nệ kéo theo cái va-li rõ to, hỏi ông mang theo cái gì mà lủng củng thế, ông bảo mang theo cái gối, không có gối không ngủ được!
Nghệ An lúc bấy giờ cũng bị bắn phá ác liệt, các cơ quan và người dân đi sơ tán hết, thành phố vắng vẻ, không có điện. Thanh Hóa, Nghệ tĩnh, Quảng Bình chúng tôi đi qua cũng đều vắng vẻ như vậy. Không thể nào tả hết nỗi vui mừng của chúng tôi khi đoàn đến Vĩnh Linh. Đoàn chúng tôi là đoàn báo chí nước ngoài đầu tiên đến Đông Hà giải phóng, đặt chân lên cầu Hiền Lương lịch sử. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phải đứng lại ở điểm giữa cây cầu, ở phía bên bờ Bắc. Bờ bên kia thuộc địa phận của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam, lá cờ Mặt trận tung bay phần phật trong nắng gió miền Trung. Chúng tôi đứng bên này nhìn sang bờ bên kia, còn thấy bốt canh và rào dây thép gai của lính ngụy bỏ lại, xa nữa là cát trắng và phi lao, xóm làng chỉ hiện lên xanh mờ với dáng mềm mại của những hàng dừa. Bờ bên kia là miền Nam, là đồng bào ta, tôi đứng giữa cầu mà không lo bị đạn bắn, cảm nhận hết những giây phút thiêng liêng chỉ có một lần trong cuộc đời. Các phóng viên thi nhau tìm góc chụp ảnh, họ đều muốn được vượt cầu, được phóng tuốt tới Quảng trị, chứng kiến mảnh đất anh hùng vừa trải qua một “mùa hè đỏ lửa”. Tôi phải cố ngăn họ lại, lúc ấy ta vẫn phải giữ đúng phép tắc vì từ vạch trắng giữa cầu sang phía bên kia là địa phận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Phóng viên Hung-ga-ri Pan-tốt tay cầm theo chai rượu Tô-coi là loại rượu nổi tiếng của Hung, xăm xăm bước đi. Tôi kiên quyết chặn lại. Có vẻ như ông hơi bị mất hứng, hỏi tôi sao hôm nay tôi nghiêm khắc thế. Tôi nói với ông rằng chính tôi cũng đang muốn đi sang bờ bên kia, nhưng quy định là quy định, mọi người phải chấp hành, không ai được “vượt đường biên” nếu không được phép của Mặt trận. Tuy có chút đôi co như vậy nhưng tất cả chúng tôi đều rất vui, ông Pan-tốt đã mở chai Tô-coi ở giữa cầu, chuyển nhau mỗi người một ngụm rượu mừng.
Một hoạt động báo chí gây nhiều ấn tượng nữa là các cuộc họp báo có sự tham gia của các phi công Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Những cuộc họp báo ấy thường diễn ra ở Câu lạc bộ quốc tế (nơi hiện nay là Trung tâm hội nghị quốc tế ở phố Lê Hồng Phong, gần quảng trường Ba đình, Hà Nội) và bao giờ cũng thu hút rất đông phóng viên trong nước và nước ngoài.
 Mỗi lần nhớ về chặng đời gắn bó với Vụ TT-BC, tôi có rất nhiều kỷ niệm vui nhưng cũng có một kỷ niệm buồn mà đến bây giờ ít người còn nhắc lại. Đó là vụ máy bay chở phóng viên An-giê-ri bị rơi hổi tháng 3 năm 1974. Đi trên máy bay là 15 phóng viên An-giê-ri đưa tin về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Bu-mê-điên, một số cán bộ Việt Nam và phi hành đoàn. Chiếc máy bay này bị nạn, rơi ở gần sân bay Nội Bài, tất cả số phóng viên và phi hành đoàn đi trên máy bay đều tử nạn trong đó có hai đồng nghiệp của tôi ở Vụ Thông tin Báo chí là anh Trí và anh Cách.
Tôi nhớ hôm ấy mọi người đang ngồi làm việc thì cửa phòng xịch mở, anh Hoàng Lâm, một cán bộ của Vụ bước vào, nét mặt thất thần, mếu máo nói với mọi người:
- Thằng Trí và thằng Cách chết rồi.
Anh Trí là cán bộ miền Nam tập kết, bao giờ cũng đau đáu nỗi mong chờ ngày giải phóng miền Nam để trở về quê hương. Anh Cách là một cán bộ trẻ, quê Nam Sách, Hải Dương, chưa kịp lấy vợ. Cả hai anh đều đi phục vụ đoàn nhà báo An-giê-ri, mới hôm trước còn tranh thủ lúc nghỉ ghé qua Vụ, ngồi uống nước nói chuyện với mọi người.
Anh Hoàng Lâm vắn tắt kể lại vụ tai nạn máy bay, mọi người đau đớn lặng đi. Các nạn nhân được đưa về nhà xác Bệnh viện 108 và Việt-Xô. Ngay tối hôm đó, một số anh em trong Vụ đã vào nhà xác nhận thi hài các anh Trí và Cách, anh Trí được chôn cất ở Hà Nội, người thân toàn là anh em trong Vụ Thông tin Báo chí, mãi năm 1975, sau giải phóng miền Nam và chỉ sau tai nạn của anh có một năm, vợ anh mới có thể ra Bắc nhận mộ chồng, vợ chồng gặp gỡ nhau trong cách biệt kẻ âm người dương, thật đau xót
 Anh Cách được đưa về chôn cất ở quê, mẹ anh ngất đi khi biết tin anh tử nạn.
Bây giờ ngồi nhớ lại những người đồng nghiệp của mình ở Vụ Thông tin Báo chí, nhớ lại những phóng viên nước ngoài mà tôi đã có cái duyên được hợp tác, giúp đỡ họ, những người đã gắn bó với tôi hầu như suốt cả cuộc đời nghề nghiệp, tôi đều nhìn rõ hình ảnh của họ, thân quen đến mức như vừa mới gặp nhau, vừa cùng nhau đi một chuyến công tác về. Với họ đều là những kỷ niệm vui. Tuy vậy mỗi lần nhớ đến tai nạn máy bay ngày 8 tháng 3 năm 1974, nhớ đến hai người bạn đồng nghiệp là anh Trí và anh Cách thì lòng không khỏi đau xót. Đấy là kỷ niệm buồn nhất trong cuộc đời báo chí của tôi.
Có lẽ do “hội chứng chiến tranh” nên tôi đã kể quá nhiều về hoạt động báo chí trong chiến tranh (tuy còn thiếu những chuyện về chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc vì lúc đó tôi đang công tác ở Mát-xcơ-va). Cuộc đời làm công tác tuyên truyền báo chí của tôi còn gắn với hai giai đoạn khác nữa không kém phần kịch tính; đó là thời đấu tranh dư luận trên vấn đề Căm-pu-chia, đất nước bị bao vây cấm vận và thời đổi mới. Trong những năm 80 tôi cứ phải “đọ pháo” với người đồng nghiệp ở bên Bắc kinh xung quanh vấn đề Căm-pu-chia và ra sức vạch trần tội ác dã man của bọn Pôn Pốt, chứng minh tính chính nghĩa của ta đã cứu giúp nhân dân Căm-pu-chia khỏi họa diệt chủng cũng như lập trường chính đáng của ta trong việc giải quyết vấn đề Căm-pu-chia. Thế nhưng vì động cơ chính trị nhiều khi người ta cố tình làm ngơ trước những sự thật hiển nhiên, áp dụng cái mà ngày nay gọi là “tiêu chuẩn kép”: một mặt la lối về nhân quyền nhưng làm thinh trước tội ác diệt chủng! Có lần ngoài hành lang, chỗ riêng tư tôi hỏi phóng viên nước ngoài vì sao họ hành động như vậy thì có người thú thật rằng, đó là chuyện nghề, chuyện nghiệp?! Hóa ra nghĩ và viết có lúc khác nhau. Sau này, khi đã nghỉ hưu có lần sang Nhật tôi gặp lại một phóng viên đã có thời sang Việt Nam và hỏi móc tôi rằng, quân Việt Nam có “xâm lược” Căm-pu-chia không và tôi đã bác bỏ thẳng thừng: VN không hề xâm lược ai, chỉ giúp dân Căm-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chúng thôi. Ông ta hỏi tôi rằng, nay bà đã nghỉ, vậy bà có thể “nói thật” không? Tôi trả lời, sự thật chỉ có một, lúc đó tôi đã nói thật và bây giờ tôi cũng nói thật điều chứng tỏ là sau khi người dân Căm-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng, tự mình xây dựng đất nước thì quân tình nguyện của VN đã rút về!
Viết đến đoạn này trong tôi lại hiện lên hình ảnh các đoàn xe dài chở đầy bộ đội tình nguyện Việt Nam rút khỏi Căm-pu-chia qua cửa khẩu Mộc bài, Tây Ninh, nơi chúng tôi đưa phóng viên nước ngoài vào chứng kiến, đưa tin. Nhìn những người lính trẻ vui mừng đặt chân lên quê hương lòng tôi không khỏi bùi ngùi nhớ tới biết bao thanh niên Viêt Nam đã nằm lại trên những cánh rừng, đồng ruộng Căm-pu-chia, ôm trong lòng hai nỗi đau: phải nằm xuống vì nghĩa cả nhưng lại bị cái gọi là công luận thế giới (thực ra chỉ một bộ phận rất nhỏ) xuyên tạc là “xâm lược”. Phải đến sau 1991, khi Hiệp định Pa-ri về Căm-pu-chia được ký kết chúng tôi mới trút được cái “gánh nặng” Căm-pu-chia và thế cô lập, mở cửa ra thế giới bên ngoài. Thật trớ trêu, ít sóng gió, gai góc thì công việc của chúng tôi lại có phần “buồn hơn” nhưng như vậy dân ta lại dễ thở hơn. Còn khi biển Đông dậy sóng thì tôi đã về nghỉ hưu, chỉ theo dõi từ phía ngoài.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét