Trần Ngọc Quyên,
Nguyên Tham tán Công sứ Đại SQVN tại CHLB Đức
Bác sĩ Fabig sinh ngày 28.11.1943 tại Hessen thuộc Tây
Đức và mất ngày 28.5.2005 trong sự sửng sốt và tiếc thương của gia đình và bạn
bè vì ông đã ra đi quá đột ngột và đang ở tuổi „sung sức“ của một nhà khoa học.
Trong bài viết của mình đăng trên tạp chí „Viet Nam
Kurier“ (Số 2/2005) tưởng nhớ bác sĩ Fabig, Giáo sư Günter Giesenfeld, Chủ tịch
Hội Hữu nghị với Việt Nam (FG) đã đánh giá: „Phải
mấy tháng sau chúng ta mới nhận thức được hết mức độ của sự mất mát này: Chúng
ta đã mất đi một người Bạn thân thiết, một người đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt
động của chúng ta vì Việt Nam theo một cách thức đặc biệt..., một nhà khoa học mới
bắt đầu đẩy mạnh việc thực hiện các công trình nghiên cứu của mình một cách
tích cực và ứng dụng chúng trong cuộc đấu tranh chống lại tội ác chiến tranh của
Mỹ rải chất độc da cam ở Việt Nam cũng như khắc phục những hậu quả của nó đối
với các nạn nhân mà trong số đó ngày nay, gần hai thế hệ tiếp theo, vẫn còn
nhiều trẻ em... Chúng tôi đã cộng tác với nhau trong hoạt động đoàn kết với
Việt Nam... Ông là người đã đem đến cho hoạt động của chúng tôi những kiến thức
cơ bản về khoa học (ý nói hậu quả của chất độc da cam, ND)“.
Ngay từ khi còn là sinh viên y khoa ông Fabig đã tích
cực tham gia vào các chiến dịch phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam,
ông thường là diễn giả chính trong các cuộc mit-tinh và biểu tình. Sau khi ra
trường cùng với việc hành nghề bác sĩ ông đã tiếp tục và cụ thể hóa hoạt động
khoa học và chính trị của mình. Khi vụ bê bối tìm thấy chất Dioxin trong khuôn
viên của công ty Böhringer ở Hamburg (Tây Đức) được phanh phui, bác sĩ Fabig là
người đã tập trung nghiên cứu một cách hết sức nghiêm túc và lên tiếng tố cáo
mạnh mẽ hậu quả của chất Dioxin đôi với con người (có nhiều người là bệnh nhân
của ông). Qua đó bác sĩ Fabig đã trở thành một chuyên gia được thừa nhận trên
lĩnh vực này và trở thành một nhà y học về môi trường theo nghĩa rộng của từ
này. Cũng bắt đầu từ thời điểm này bác sĩ Fabig đã chuyên tâm nghiên cứu về hậu
quả của Dioxin ở Việt Nam và ở nước Đức. Với tư cách là một chuyên gia nổi
tiếng và được kính trọng, bác sĩ Fabig đã có chân trong nhiều Hiệp hội chuyên
môn và các tổ chức ở Đức. Hoạt động trong lĩnh vực môi trường của bác sĩ Fabig
cũng ngày càng được „quốc tế hóa“. Trong
lĩnh vực hoạt động này ông đã sớm có nhiều bạn bè và người cùng đồng hành trên
khắp thế giới, được mời tham dự và thuyết trình tại các hội nghị quốc tế với tư
cách là một chuyên gia có uy tín (ở Việt nam cũng như ở Stockholm hay
Indianapolis...).
Từ thập niên 70 của thế kỷ trước bác sĩ Fabig đã hợp
tác chặt chẽ với các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiên cứu hậu quả chất
độc da cam ở Việt Nam. Ông đã thường xuyên trao đổi, chia sẻ với các đồng
nghiệp như GS Tôn Thất Tùng, GS Hoàng Đình Cầu, GS Võ Quý và đặc biệt là với Ủy
ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam các kinh nghiệm và
kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này. Tại các hội nghị quốc tế, thông qua việc
công bố các kết quả nghiên cứu khoa học của mình bác sĩ Fabig đã góp phần chứng
minh một cách đầy thuyết phục hậu quả nặng nề của chất độc da cam đối với con người
(đặc biệt là trẻ sơ sinh) và đối với môi trường; cảnh tỉnh dư luận về hậu quả
khôn lường của Dioxin, tố cáo và lên án mạnh mẽ tội ác diệt chủng này của đế
quốc Mỹ, đòi nhà cầm quyền Mỹ phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân
chất độc da cam, đặc biệt là nạn nhân ở Việt Nam. Năm 1983 theo sự phân công
của Ban chấp hành Hội Hữu nghị với Việt Nam (mà ông là Phó Chủ tịch Hội) bác sĩ
Fabig đã tích cực cùng Bảo tàng Hải ngoại ở Bremen (CHLB Đức) và đối tác Việt
Nam tổ chức một cuộc triển lãm lớn mang tên „Những hậu quả sinh thái của một cuộc chiến
tranh – qua ví dụ Việt Nam“ chủ yếu nói về về hậu quả của chất độc da
cam do quân dội Mỹ rải ở miền Nam Việt Nam. Đây là cuộc triển lãm đầu tiên và
có quy mô lớn nhất, kéo dài nhiều tháng trời về đề tài này ở các nước phương
Tây, được dư luận báo chí, giới chuyên môn và người dân nói chung rất quan tâm.
Sau đó một triển lãm lưu động thu nhỏ đã được đưa đi trưng bày tại một số thành
phố khác của CHLB Đức và một số nước phương Tây khác. Trong phụ lục catalog của
triển lãm này bác sĩ Fabig đã viết một bản báo cáo chi tiết về cuộc „Hội thảo
quốc tế về hóa chất diệt cỏ và làm trụi lá cây trong chiến tranh: hậu quả lâu
dài đối với con người và thiên nhiên“ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày
13 đên 20 tháng 1 năm 1983.
Cũng trong dịp diễn ra triển lãm, thay mặt Hội Hữu
nghị với Việt Nam ông đã tích cực góp phần tổ chức cho một Đoàn các nhà khoa
học Việt Nam sang Đức (cùng với một cựu binh Mỹ) thuyết trình về hậu quả chất
độc da cam tại nhiều thành phố của CHLB Đức, Thụy sĩ và Áo (từ 11.02 đến
06.03.1983). Ông đã gác việc hành nghề bác sĩ để tháp tùng và hỗ trợ đoàn đến
nhiều thành phố hoạt động... Tạp chí của Hội Hữu nghị với Việt Nam „Viet Nam Kurier“ đã ra số đặc biệt (số
2/1983) về cuộc triển lãm và hoạt động của đoàn các nhà khoa học nói trên.
Với mối thiện cảm đặc biệt đối với Việt Nam, nhất là đối
với các nạn nhân chất độc da cam, bác sĩ Fabig cũng rất tích cực hoạt động
trong Hội Hữu nghị với Việt Nam. Ông đã tham gia Ban chấp hành Hội trong nhiều
năm liền. Các kiến thức chuyên môn của ông đã được xử dụng trong nhiều bài trên
tạp chi của Hội. Với mỗi số của tạp chí ông đều đưa ra nhũng đề xuất, viết tin
hoặc bài với tất cả sự nghiêm túc khoa
học vốn có ở ông. Những bài cuối cùng của ông được đăng trong số 1.2005, chỉ ít
tháng trước khi ông qua đời. Thể theo nguyện vọng của bà quả phụ Fabig, mọi người
đến dự tang lễ bác sĩ Fabig thay vì mua hoa viếng đã dành tiền đó quyên góp cho
các dự án ở Việt Nam, một ý tưởng chắc chắn hoàn toàn đúng với tâm nguyện của
bác sĩ Fabig, kết quả thu được 2.500 Euro. Số tiền trên đã được GS Giesenfeld,
Chủ tịch Hội trao cho Làng Hữu nghị ngày 06.9.2005 nhân dịp ông sang dự các
hoạt động kỷ niệm 60 năm Quốc khánh Việt Nam theo lời mời của VUFO. Tại buổi lễ
trao tặng tiền quyên góp Làng Hòa bình đã tôn vinh bác sĩ Fabig với tấm
băng-rôn lớn „With Memory Of Karl Rainer Fabig, A Friend And Researcher On Agent
Orange Consequences in Vietnam And Europe“ (Tưởng nhớ bác sĩ Karl
Rainer Fabig, một người Bạn và nhà nghiên cứu về hậu quả chất độc da cam ở Việt
Nam và châu Âu).
Để tôn vinh những cống hiến to lớn của bác sĩ Fabig cho
khoa học, tháng 3.2007 một cuốn sách với tiêu đề „Môi trường, Quyền lực và Y
học – Để vinh danh sự nghiệp cuộc đời của Karl-Rainer Fabig“ đã được xuất bản
tại CHLB. Bên cạnh một số bài viết, mục lục các ấn phẩm và thuyết trình của bác
sĩ Fabig khi ông còn sống, cuốn sách còn có bài viết của nhiều đồng nghiêp và
chuyên gia y học, nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong và ngoài nước thuộc các lĩnh
vực khác nhau: môi trường, khoa học tự nhiên (trong đó có GS Võ Quý của Việt
nam), xã hội học, luật pháp quốc tế; của các luật sư, công tố viên, nghị sĩ
quốc hội..., những người đã từng đấu tranh chống lại việc làm ô nhiễm môi
trường sống, đặc biệt là chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã xử dụng ở Việt Nam.
(Dựa theo Điếu văn của Chủ tịch
Hội Hữu nghị với Việt Nam đọc tại lễ truy điệu bác sĩ Fabig đăng trên tạp chí
của Hội „Viet Nam Kurier“, số 2/2005 và tư liệu cán nhân)
Trần
Ngọc Quyên
(Nguồn:
Chuyên san “NGOẠI GIAO NHÂN DÂN VIỆT NAM – ĐỨC”
của Hội Hữu nghị Việt Nam – Đức, 9.2010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét