Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Willi Zahlbaum, linh hồn của phong trào đoàn kết với Việt Nam tại CHDC Đức trước đây


Trần Ngọc Quyên, nguyên Tham tán Công sứ tại ĐSQVN tại Đức

Nr. 1 (Chủ tịch Hồ Chí Minh với ông W. Zahlbaum).jpg
 Chủ tịch Hồ Chí Minh với ông Zahlbaum

Ông Willi Zahlbaum sinh năm 1914, mất năm 2002.
Sinh trưởng trong một gia đình công nhân nghèo, có truyền thống cách mạng và tinh hần quốc tế vô sản ở Berlin, lớn lên trong không khí đấu tranh sôi sục của giai cấp công nhân Đức trong những năm 20 và 30 của thế kỷ trước, anh thanh niên Zahlbaum đã tham gia cách mạng rất sớm. Năm 1931, khi mới 17 tuổi anh đã gia nhập Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Đức, một trong những chính đảng tiền thân của Đảng Cộng sản Đức (KPD) mà lãnh tụ là Ernst Thälman, sau chiến tranh hợp nhất với Đảng Xã hội Dân chủ Đức (SPD) thành Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức (SED) và từ đó ông trở thành đảng viên của đảng này.

Ông Willi Zahlbaum là một chiến sĩ chống phát xít kiên cường; dưới thời Đức quốc xã ông đã bị chúng bắt, tra tấn dã man và cầm tù mấy năm liền, sau đó bị đầy sang Bắc Phi làm lao động khổ sai, đến năm 1947 ông mới được trở về quê hương là CHDC Đức sau này. Sau khi về nước, theo sự phân công của Đảng ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực truyền thông của CHDC Đức: tham gia xây dựng đài phát thanh và truyền hình, trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí trong nhiều năm. Tổng kết lại cuộc đời mình ông đã viết cuốn hồi ký có tựa đề „Hiên ngang mà tiến bước“ nói về tuổi thanh niên và hoạt động chống phát xít cũng như các công tác sau này của ông, trong đó có một chương dài nói về phong trào đoàn kết với Việt Nam ở CHDC Đức.
Nr. 2 (TTg Phạm Văn Đồng thăm UBVN của CHDC Đức).jpg
TTg Phạm Văn Đồng thăm UBVN của CHDC Đức

Sau đó ông Willi Zahlbaum được chuyển sang Ủy ban đoàn kết (UBĐK) của CHDC Đức, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch ủy ban này. Sự gắn bó của ông với Việt Nam bắt đầu từ năm 1965, khi Ủy ban Việt Nam (UBVN) thuộc Ủy ban Đoàn kết của CHDC Đức được thành lập ngày 20.7.1965. Ngay từ đầu ông được cử làm Tổng thư ký (TTK) của UBVN cho đến khi về hưu. Nhìn lại toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của mình trong 68 năm ông nói đó là quãng đời đẹp nhất, có ý nghĩa nhất và trái tim của ông đã gắn bó mật thiết với Việt Nam !
Ông là người đặc biệt kính trọng và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu năm 1969 ông tham gia Đoàn Bộ y tế và UBVN của CHDC Đức do ông Max Sefrin, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế, đồng thời là Chủ tịch UBVN làm Trưởng đoàn thăm Việt Nam. Một vinh dự lớn đối với Đoàn và cá nhân ông Zahlbaum là ngày 23.01.1969, Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp, đây cũng là một trong hai đoàn cuối cùng của Đức được Người tiếp. Nhân dịp này ông đã báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về các hoạt động đoàn kết của nhân dân CHDC Đức với nhân dân Việt Nam, Đoàn đã tặng Người cuốn sách „Việt Nam trong những giờ phút này“ (Vietnam in diesen Stunden) và nhiều tư liệu đoàn kết khác. Một kỷ niệm bất ngờ, đầy cảm động và để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với Đoàn là trong buổi tiếp khi thấy ông Max Sefrin húng hắng ho (do bị cảm lạnh nặng) Bác Hồ đã đổi khăn quàng cổ của mình cho ông Max Sefrin, Người nói „khăn của tôi ấm hơn“. Sau này ông Max Sefrin và cả ông Willi Zahlbaum đều nhớ mãi cử chỉ thân tình và ân cần này của Bác Hồ và nhắc lại trong các bài viết hoặc trả lời phỏng vấn của mình. Cuối buổi tiếp hôm đó Bác Hồ đã tặng mỗi thành viên trong đoàn (không phân biệt Trưởng đoàn hay đoàn viên !) một tấm ảnh chân dung có chữ ký của mình (Bác đã ký ngay trước mặt khách !). Về nước, đúng vào dịp kỷ niệm 85 năm ngáy sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ông Willi Zahlbaum đã viết một bài báo dài đăng trên họa báo của thủ đô Berlin „Thời đại trong hình ảnh“ (bài viêt nguyên 1 trang A3 kèm theo tấm ảnh nói trên phóng to cả trang tiếp theo). Đầu đề bài báo là „Tấm ảnh Bác Hồ, món quà kỷ niệm yêu quý nhất của tôi“. Ông viết: „Tôi gìn giữ tấm ảnh đó như là một bằng chứng ghi nhận và sự tôn vinh cao quý đối với phong trào đoàn kết của CHDC Đức, tôi coi đó như là một phần thưởng quý giá có một không hai“. Vừa qua có dịp đến thăm lại gia đình ông Willi Zahlbaum chúng tôi được biết toàn bộ di sản của ông đã được chuyển cho cơ quan lưu trữ của Viện nghiên cứu Rosa Luxemburg (Rosa – Luxemburg – Stiftung) thuộc Đảng PDS/Die Linke (Đảng cánh Tả ở Đức) và Cục Lưu trữ Liên bang để lưu trữ vĩnh viễn, và tại đây chúng tôi đã được thấy bức ảnh này cũng như rất nhiều tư liệu quý khác của UBVN trước đây và cá nhân ông Willi Zahlbaum có liên quan đến Việt Nam đang được lưu trữ rất chu đáo.
Là Tổng thư ký của UBVN, ông Willi Zahlbaum được giao nhiệm vụ đề xướng, tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động và chiến dịch đoàn kết và giúp đỡ tinh thần, vật chất cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam cũng như xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Không thể nhớ hết  có mấy trăm cuộc mít tinh, biểu tình đã được tổ chức trên khắp đất nước CHDC Đức, cũng không thể thống kê hết có bao nhiêu triệu chữ ký lên án cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam và cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của chúng ở miền Bắc Việt Nam, đòi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt không điều kiện ném bom miền Bắc...; đồng thời bày tỏ tình đoàn kết anh em, xuất phát từ trái tim của mọi tầng lớp nhân dân CHDC Đức với nhân dân Việt Nam. Tất cả những hoạt động đoàn kết tinh thần đó đều có sự chỉ đạo trực tiếp hoặc gián tiếp của UBVN mà người  điều phối là TTK Willi Zahlbaum.
Chúng ta đều biết sau Liên Xô và Trung Quốc, CHDC Đức là nước viện trợ vật chất lớn nhất cho Việt Nam trong chiến tranh. Bên cạnh viện trợ của chính phủ, viện trợ nhân dân cũng rất lớn. Nhiều phong trào quyên góp và viện trợ đã được khởi xướng như „Xe đạp cho Việt Nam“, „Máy khâu cho Việt Nam“, „Phân ka-li cho Việt Nam“, „Máy bơm thuốc trừ sâu cho Việt Nam“, „Dụng cụ học tập cho Việt Nam“, „Giấy in báo cho Việt Nam“, đặc biệt là „Thuốc men và dụng cụ y tế cho Việt Nam“, cùng hàng vạn người dân đã hiến máu cho Việt Nam,... Một phần lớn viện trợ cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CHDC Đức (trước khi nước Đức thống nhất) và toàn bộ 42 xưởng nhỏ do CHDC Đức giúp xây dựng ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc Việt Nam là từ nguồn kinh phí do UBVN quyên góp. Đặc biệt các đoàn viên của Công đoàn Tự do Đức lúc đó (FDGB) hàng tháng đều trích một phần lương của mình nộp vào Quỹ đoàn kết tạo thành nguồn thu chính của UBVN. Ngoài ra từng đoàn thể (thanh niên, thiếu nhi, phụ nữ...), từng hội nghề nghiệp như Phòng Công nghiệp và Thương mại, Phòng Thủ công  và Phòng Kỹ thuật Đức có mạng lưới ở khắp các địa phương, Hội Nhà văn Đức, Hội Nhạc sỹ, Hội Nhà báo, Hội Luật gia Đức, Liên đoàn Thể thao Đức... cũng đều có sáng kiến đoàn kết và hoạt động quyên góp riêng... Tại hầu hết các cuộc mít tinh đoàn kết dù lớn hay nhỏ, nhất là vào dịp Nô-en, cuối năm bạn cũng đều tổ chức quyên góp tiền ủng hộ Việt Nam. Trong mọi hoạt động và phong trào đó đều có vai trò của UBVN là cơ quan diều phối chung mà linh hồn là TTK Willi Zahlbaum và các cộng sự. Có thể nói dự án lớn nhất để lại dấu ấn lâu dài của tình đoàn kết anh em là việc CHDC Đức đã giúp đỡ xây dựng lại khu phố Quang Trung tại thành phố Vinh bị bom Mỹ tàn phá nặng nề ngay sau khi Mỹ chấm dưt ném bom miền Bắc Việt Nam. Trong dự án này UBVN lại một lần nữa đóng vai trò quan trọng. Trong thời kỳ chiến tranh cũng như trong xây dựng hòa bình đã có rất nhiều chuyến tàu chở hàng đoàn kết của nhân dân CHDC Đức cho nhân dân Việt Nam đến các cảng miền Bắc Việt Nam, bất chấp hiểm nguy do bom đạn và thủy lôi của đế quốc Mỹ phong tỏa. UBVN của CHDC Đức do ông Willi Zahlbaum điều hành là người tổ chức nhiều trong số những chuyến hàng viện trợ quý giá và cấp thiết đó. Bản thân ông cũng tích cực đóng góp ủng hộ vật chất cho Việt Nam: ngoài tiền đóng góp hàng tháng với danh nghĩa công đoàn viên FGDB, trong một dịp kỷ niệm sinh nhật năm chẵn của mình, ông đã đề nghị mọi người thay vì tặng quà cho ông hãy quyên góp ủng hộ Việt Nam, kết quả thu được 4.380 Mác, một món tiền không nhỏ!
Để động viên kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào đoàn kết với Việt Nam, UBVN và UBĐK của CHDC Đức đã có nhiều hình thức phong phú để khen thưởng như:
-         Huy chương Hồ Chí Minh (có lẽ CHDC Đức là nước duy nhất có hình thức này!) kèm theo Quy chế tặng thưởng (ban hành ngày 2.9.1985);
-         Bằng khen của UBĐK Á – Phi của CHDC Đức;
-         Kỷ niệm chương (Plakette) „Tự do, Độc lập và Hòa bình cho Việt Nam“ bằng sứ Meißen (một loại sứ nổi tiếng thế giới của CDDC Đức);
-         Cờ, lịch và các loại huy hiệu mang dòng chữ „Đoàn kết với Việt Nam“;
-         Tem lưu niệm, Bằng ghi nhận tiền quyên góp của Hội Nhà văn với bút tích và chữ ký của các nhà văn nổi tiếng CHDC Đức cùng nhiều hình thức khác...
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, CHDC Đức vẫn tiếp tục đoàn kết và giúp đỡ Việt Nam. Với khẩu hiệu nổi tiếng do Lãnh đạo CHDC Đức lúc đó đưa ra „ĐOÀN KẾT VỚI VIỆT NAM LÚC NÀY CÀNG CẦN THIẾT“, UBVN vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Nhiều dự án hợp tác kinh tế đã ra đời, một số dự án là cơ sở và tiền đề cho sự hợp tác và thương mại giữa Việt Nam với nước Đức thống nhất sau này. Với sự giúp đỡ của CHDC Đức, hàng ngàn lưu học sinh Việt Nam đã được đào tạo tại các trường đại học của Đức; hàng chục ngàn lao động Việt Nam đã được đào tạo nghề hoặc lao động hợp tác tại các xí nghiệp của CHDC Đức, mà lúc cao điểm lên tới khoảng 65.000 nguời. Ngày nay có khoảng 100.000 công dân Việt Nam đang tiếp tục sinh sống tại CHLB Đức và tại Việt Nam ước tính cũng có hàng chục ngàn người (cũng có nguồn ước tính 100.000 người) đã từng học tập, lao động tại nước Đức. Họ là nhịp cầu quan trọng và tiềm năng quý giá trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Trong thời gian làm TTK UBVN ông Willi Zahlbaum đã 7 lần sang Việt Nam, chuyên đi đầu tiên là năm 1965 cùng với Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết của CHDC Đức để thiết lập quan hệ chính thức với các đối tác Việt Nam, các chuyến đi tiếp theo là để trao đổi về nhu cầu viện trợ của Việt Nam và thống nhất kế hoạch thực hiện. Chuyến đi cuối cùng của ông với tư cách TTK UBVN sang Việt Nam vào tháng 11 năm 1975 cùng với người vợ, người Bạn đời đã hỗ trợ ông rất tích cực trong công tác, như một sự “đền ơn đáp nghĩa“ của Việt Nam đối với những đóng góp to lớn của UBVN và cá nhân ông cho Việt Nam. Năm 1977 ông đã được Chính phủ ta trao tặng Huân chương Hữu nghị (ông là công dân CHDC Đức đầu tiên và một trong số ít bạn bè quốc tế được tặng Huân chương  cao quý này vào thời điểm đó). Năm 1995 ông Willi Zahlbaum là đại diện duy nhất của CHDC Đức được Chủ tịch nước ta mời sang Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 50 năm Quốc khánh Việt Nam; nhưng rất tiếc do tuổi cao, sức khỏe suy giảm ông không đi được.
Sau mỗi chuyến đi ông đều viết bài cho các báo dưới hình thức phóng sự,  nhật ký hay báo cáo. Đó chính là những thông tin sốt dẻo và có sức thuyết phục cao đối với dư luận. Và sau khi nghỉ hưu ông đã tập trung vào viết sách báo, tiểu luận, sáng tác thơ... về Việt Nam, có thể kể ra đây một số bài:
-         Việt Nam – Tình yêu của tôi (một bài thơ dài, được báo Nhân dân đăng ngày 06.2.1977, phát trên Đài TNVN và được in trong nhiều tập sách ở Việt Nam);
-         Nhật ký Việt Nam (bài thơ dài 200 câu, báo Nhân dân đã trích đăng ngày 19.5.1988)
-         Nghĩ đến Việt Nam, nghĩ đến Bác Hồ (hồi ức, viết khoảng 1975-76);
-         Gặp gỡ Hồ Chí Minh (14.4.1975);
-         Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh (25.4.1990);
-         Đề cương một bài viết khác về Chủ tịch HCM (chưa hoàn thành);
-         Vĩ thanh về chiến thắng của nhân dân Việt Nam:  Ấn tượng – Trải nghiệm – Nhận thức (6.1975);
-         Tư liệu về đoàn kết quốc tế và của CHDC Đức với Việt Nam (1975);
-         Đoàn kết góp phần vào chiến thắng (3.1989);
-         Đề cương bài Về những tính toán sai lầm của kẻ thù;
.....
Đặc biệt  trong cuốn hồi ký „Hiên ngang mà tiến bước“ (đã nói ở trên) ông đã dành hẳn một chương dài để nói về phong trào đoàn kết của nhân dân CHDC Đức với Việt Nam và tình cảm của ông đối với Việt Nam và Bác Hồ. Ông đã bộc bạch lòng mình như sau: „Là một người từng công tác ở UBVN, trong bao nhiêu năm qua, tôi đã lắng nghe với tất cả tâm hồn mình những bước đi của sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ. Đối với chúng tôi, Việt Nam có nghĩa là Bác Hồ... Riêng đối với tôi, bởi vì Việt Nam đã trở thành Quê hương thứ hai của mình, tôi xin được phép gọi Bác Hồ là người Cha thân thiết của tôi (hồi ức Nghĩ đến Việt Nam, nghĩ đến Bác Hồ!“.

Trần Ngọc Quyên
Nguyên Tham tán Việt Nam tại CHDC Đức trước đây
(Nguồn: Chuyên san “NGOẠI GIAO NHÂN DÂN VIỆT NAM – ĐỨC”  của Hội Hữu nghị Việt Nam – Đức, 9.2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét