Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

“Sửa lại ngôi nhà kinh tế”

Vũ Khoan

  
Gần đây có lẽ một trong những cụm từ xuất hiện nhiều nhất là “tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng”. Cụm từ này càng được nhắc tới nhiều nhân Chính phủ trình Quốc hội Đề án về vấn đề này. Đây là việc đáng hoan nghênh vì thực ra quá trình tái cơ cấu đã được khởi động trên ba lĩnh vực đầu tư công, DNNN, trước hết là các tập đoàn, tổng công ty và hệ thống ngân hàng, tài chính.Vậy mỗi người hãy góp chút vôi vữa để chỉnh sửa lại ngôi nhà kinh tế của nước ta hiện có chiều xiêu vẹo.


          Chưa có  cách xử lý “thấm, dột...”
           Có lẽ chí ít có 7 chỗ cần sửa: một là, tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào tăng vốn và lao động là chính, năng suất tổng hợp rất thấp và ngày càng giảm; hai là, hiệu quả không cao; ba là, thiếu bền vững: công bằng xã hội chưa được bảo đảm, khoảng cách giầu nghèo ngày càng roãng ra, thu nhập tăng song chất lượng cuộc sống lại giảm, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng; bốn là, cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, chuyển dịch chậm; năm là, những sự bất ổn vĩ mô khá trầm trọng và kéo dài; sáu là, chưa đứng vững trên đôi chân của mình, còn tùy thuộc quá nhiều vào bên ngoài cả ở “đầu vào” (vốn, công nghệ, thậm chí cả nhiều loại nguyên-vật liệu) và “đầu ra” (thị trường tiêu thụ); bảy là, thể chế chậm được hoàn thiện, chất lượng nguồn nhân lực không chỉ ở khâu sản xuất- kinh doanh mà cả ở khâu quản lý điều hành chậm được nâng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội có quá nhiều bất cập.
        Vậy do đâu? do nền đất yếu (lý do khách quan) hay do thiết kế sai, thi công vội (lý do chủ quan) ? Đề án đã nêu song có lẽ nên làm rõ thêm đôi điều.
         Điều dễ thấy là nền đất dưới ngôi nhà kinh tế của nước ta quá yếu, thua kém thiên hạ nhiều nên có tâm lý sốt ruột xây nhanh, xây vội cho bằng chị bằng em. Một nguyên do nữa rất quan trọng là nước ta thoát thai từ thể chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường nhưng cho tới tận nay vẫn còn đèo bòng biết bao cách nghĩ, cách làm của thể chế cũ, nhiều điều còn bỡ ngỡ, thậm chí định kiến với thể chế mới. Minh chứng cho điều này nhiều lắm, khó bề kể xiết, ngay Đề án cũng còn không ít biểu hiện duy ý chí, tiếp cận theo kiểu cũ. Không khắc phục được “điểm nghẽn” này thì e rằng khó bề tái cấu trúc thành công, chuyển đổi mô hình phát triển như mong muốn.
        Hình thù mô hình mới ra sao Đề án có nêu song mới tập trung vào câu chuyện tăng trưởng, chưa đề ra được phương cách xử lý hết các điểm thấm, dột, lún nứt; chưa đáp ứng hết đòi hỏi của sự phát triển trong tương lai.
        Có lẽ điều hợp lý là lấy mô hình mà Đại hội XI đã nêu khá hợp lý và toàn diện rồi bổ sung thêm những điều cần thiết. Về đại thể Đại hội nêu ba điểm chính: chuyển từ mô hình phát triển chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào tăng vồn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động rẻ sang mô hình vừa mở rộng quy mô, vừa phát triển theo chiều sâu, chú trọng chất lượng, hiệu quả, năng suất thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; chú trọng tính bền vững, gắn kết phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh mạnh.
         Ngoài ba điều đó, có lẽ cũng nên bổ sung làm rõ mối quan hệ giữa phát triển và ổn định vĩ mô, trong đó ổn định là nền tảng, phát triển là mục tiêu. Đồng thời, xây dựng thể chế thị trường hoàn chỉnh, coi đó vừa là phương tiện để chuyển đổi mô hình phát triển, vừa là một nội dung quan trọng của mô hình mới. Cuối cùng làm rõ mối quan hệ giữa phát triển và hội nhập quốc tế. Rất tiếc Đề án hầu như không đề cập tới việc sẽ “tái cơ cấu” mối quan hệ này: tỷ trọng xuất-nhập khẩu trong GDP nên tăng hay giảm, tương quan giữa thị trường trong và ngoài nước và chuyển dịch thị trường ngoài nước ra sao, vị trí ODA, FDI thế nào?
        
Nhà nước chỉ giữ vai trò “nhà thiết kế”
          Ai sẽ tham gia sửa chữa ngôi nhà cũ, xây dựng ngôi nhà mới? Rõ ràng sẽ phải huy động cả ba loại “thầy-thợ”: Nhà nước, những người sản xuất kinh doanh và thị trường. Trong thể chế hiện nay Nhà nước chỉ nên đóng vai trò “nhà thiết kế” và “thợ cả”, tập trung vào việc thiết kế thể chế, đưa ra các chính sách, đòn bẩy kinh tế hướng mọi người vào việc xây dựng mô hình mới thiết kế. Thế nhưng Đề án lại giao cho Nhà nước quá nhiều việc; hầu hết 12 nhiệm vụ cụ thể đều trút lên đầu Nhà nước, ngay chuyện tái cơ cấu doanh nghiệp chủ yếu cũng chỉ đề cập tới DNNN!
          “Đội ngũ công nhân xây dựng” mô hình mới chính là những người sản xuất – kinh doanh trực tiếp song vai trò của họ trong Đề án rất mờ nhạt, nhiều người chia xẻ với tôi rằng không rõ họ phải làm gì, làm thế nào?
           Trong quá trình chuyển đổi mô hình, thị trường có vai trò lớn lắm, nó chẳng những cung cấp và định đoạt giá cả nguyên-vật liệu mà còn định hướng cho việc sửa chữa ngôi nhà cũ, xây ngôi nhà mới nên như thế nào. Trong Đề án bóng dáng cái anh thị trường rất lu mờ hơn. Chỉ xin đơn cử một việc. Đó là chuyện chọn lựa các ngành “mũi nhọn” mà trong Đề án gọi là các ngành “ưu tiên phát triển”. Đây không phải lần đầu chọn “mũi nhọn”, các lần chọn lựa trước đây đều không thành mà một trong những nguyên nhân là không tính đến nhu cầu thị trường thay đổi liên tục. Ngay các tiêu chí chọn lựa nêu trong Đề án cũng không nói gì đến chuyện này, tức là vẫn theo thói quen: “làm cái ta có và ta muốn chứ không làm cái thị trường cần”. Chẳng lẽ bài học xây dựng tràn lan cảng nước sâu, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu cửa khẩu…chẳng đếm xỉa tính đến bên “cầu” không dậy cho chúng ta điều gì sao? Đó là chưa kể có những ngành được chọn không biết có đóng góp cho sự phát triển bền vững không hay ngược lại, ví dụ hóa dầu, luyện kim phát triển mạnh cả ở khâu khai thác lẫn chế biến sẽ ảnh hưởng ra sao đến môi trường? Trong khi đó thế giới đang chuyển sang nền “kinh tế xanh”, những ngành kinh tế thân thiện với môi trường ngày càng chiếm lợi thế, đòi hỏi về tiêu chuẩn môi trường ngày càng gắt gao, vậy ta sao đây?

Phải ưu tiên khoa học và nguồn nhân lực
             Lộ trình thực hiện Đề án ra sao là điều cũng rất đáng bàn, nhất là phương cách lồng ghép giữa cuộc chiến hiện nay chống những khó khăn kinh tế với việc tái cơ cấu: ưu tiên làm cái gì? nếu làm đồng thời thì làm thế nào? lồng ghép quá trình này với ba khâu đột phá trong nghị quyết Đại hội XI nêu ra là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực ra sao? Riêng trong ba khâu đang được tái cơ cấu cũng cần làm rõ mô hình hướng tới sẽ thế nào? đâu là khâu then chốt cần làm trước, bao giờ xong…
              Để kinh tế nước ta có chất lượng, hiệu quả và năng suất cao thì ưu tiên cao nhất phải là khoa học-công nghệ và nguồn nhân lực. Ngay từ đầu những năm 60 thế kỷ trước cách mạng khoa học, kỹ thuật đã được coi là “then chốt”, sau này gọi nó và giáo dục là “quốc sách hàng đầu” song cho tới nay vẫn còn bề bộn bao điều bất cập do chưa đầu tư thỏa đáng và nhất là chưa tìm được cơ chế thích hợp, thúc ép các nhà khoa học phát minh sáng chế và người sản xuất – kinh doanh ứng dụng. Nếu lần này lại lặp lại tình trạng này thì khỏi nói gì đến mô hình tăng trưởng có hiệu quả. Tiếc rằng trong Đề án hai câu chuyện này chưa được đặt xứng tầm.
            Do Đề án quá đồ sộ nên khó bề đóng góp toàn diện được, chỉ xin góp đôi chút vôi vữa vào việc xây lại ngôi nhà kinh tế của nước ta. Mong các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, làm cho Đề án tốt hơn, toàn diện hơn, thuận chiều hơn với thể chế thị trường và với một thế giới đang thay đổi từng ngày, từng giờ.


  Nguồn lực nào để tái cơ cấu?
             Còn một vấn đề nữa cần làm rõ. Đó là lấy nguồn lực nào để tái cơ cấu? Có ý kiến cho rằng việc tái cấu trúc không đòi hỏi quá nhiều tiền của thì e rằng không đúng. Ví dụ muốn kinh tế hiệu quả thì phải chấp nhận việc loại bỏ những doanh nghiệp thua lỗ và như vậy phải gia tăng quỹ hỗ trợ lao động dôi dư; việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cũng tốn kém lắm chứ? gia tăng đào tạo nguồn nhân lực chẳng lẽ ít tiền lắm sao? đó là chưa kể núi tiền phải bỏ ra để cải thiện kết cấu hạ tầng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét